Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật Chúa Thăng Thiên năm A

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật Chúa Thăng Thiên năm A

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật Chúa Thăng Thiên năm A

Mt 28,16-20

  1. Tại sao mười một môn đệ đến Galilê? Đọc Mt 26,32; 28,7.10.16. Galilê có phải là nơi có nhiều kỷ niệm Thầy trò không? Đọc Mt 4,18-23.
  2. Đọc Mt 14,31 và 28,17. Hoài nghi ở đây nghĩa là gì? Tại sao có mấy ông hoài nghi? Xem thêm Lc 24,38.41.
  3. Đọc Mt 28,18. Bạn nghĩ gì về cử chỉ của Chúa Giêsu đối với các môn đệ đã bỏ chạy, và bây giờ đang bán tín bán nghi?
  4. Đọc Mt 28,18. Khi Chúa Cha trao toàn quyền cho Chúa Giêsu phục sinh, Chúa Cha muốn chúng ta có thái độ nào với Đức Giêsu? Đọc thêm Mt 11,27.
  5. Đọc Mt 28,19-20. Khi Chúa Giêsu có toàn quyền rồi thì Ngài làm gì? Hai câu này có 4 động từ, động từ nào là mệnh lệnh chính mà Chúa Giêsu truyền các môn đệ phải làm?
  6. Mt 28,19 có khác với Mt 10,5; 15,24 không? Bây giờ dân ngoại có được trở thành môn đệ của Chúa Giêsu không? Đọc Mt 8,5-13; 15,21-28.
  7. Đọc Mt 28,20. Mệnh lệnh cuối của Chúa Giêsu trong câu này là gì? Các môn đệ sau này cần được dạy những điều gì? Đọc Mt 5,19. Các môn đệ xưa và nay giống nhau ở điểm nào?
  8. Trước sứ mạng lớn lao và khó khăn vừa được giao, Chúa phục sinh hứa với nhóm Mười Một và với chúng ta điều gì? Đọc Mt 28,20; 1,23.

GỢI Ý SUY NIỆM: Tại sao bài Tin Mừng hôm nay được đọc vào lễ Chúa Thăng Thiên dù không kể chuyện Chúa về trời? Theo bạn, tại sao bài Tin Mừng này được coi là có tầm quan trọng đặc biệt đối với sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh?

PHẦN TRẢ LỜI

  1. Mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi mà Đức Giêsu đã chỉ cho họ (Mt 28,16). Vào đêm tối trước khi chịu khổ nạn, Ngài đã từng nói: “sau khi trỗi dậy, Thầy sẽ đi đến Galilê trước anh em” (Mt 26,32). Sau khi được phục sinh, thiên sứ đã lặp lại lời này, kèm thêm lời nhắn họ sẽ được thấy Ngài ở Galilê (Mt 28,7). Rồi chính Đức Giêsu phục sinh hiện ra còn nói rõ hơn nữa với các bà về việc Thầy muốn hẹn gặp lại các môn đệ ở Galilê (Mt 28,10). Rõ ràng Đức Giêsu phục sinh coi trọng việc gặp lại các môn đệ của mình. Galilê là vùng đất nhiều kỷ niệm Thầy trò. Đây là nơi các môn đệ đầu tiên được gọi (Mt 4,18-22), và là nơi Đức Giêsu bắt đầu việc rao giảng Tin Mừng (Mt, 4,23) cho đến khi lên Giêrusalem chịu nạn (Mt 20,17).
  2. Khi gặp thấy Thầy Giêsu phục sinh, các môn đệ đã bái lạy, nhưng một số lại hoài nghi (Mt 28,17). Hoài nghi không hẳn là không tin gì, nhưng là một niềm tin còn yếu kém mà thánh Mát-thêu thường gọi là đức tin nhỏ (oligopistis, x. Mt 6,30; 8,26; 14,31; 16,8). Khi đọc Mt 14,31 ta thấy “kém lòng tin” đồng nghĩa với “hoài nghi.” Phêrô có đức tin đủ mạnh để đi trên mặt nước, nhưng ông lại sợ khi thấy gió thổi và ông bị chìm (Mt 14,29-30). Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy có môn đệ vẫn hoài nghi khi gặp Thầy hiện ra và cho thấy mình đang sống. Dù Thầy đã báo trước nhiều lần về sự phục sinh và đã hẹn gặp môn đệ, nhưng chuyện người chết ba ngày rồi bỗng nhiên sống lại là chuyện không dễ tin. Các Tin Mừng khác đều nói đến chuyện các ông không tin ngay (Mc 16,11-14; Lc 24,38.41; Ga 20,25).
  3. Đứng trước các môn đệ còn hoài nghi, Đức Giêsu phục sinh “đến gần” họ (Mt 28,18). Ngài đến gần tất cả những người “đã bỏ Ngài mà chạy trốn” (Mt 26,56), đã chối bỏ Ngài (Mt 26,69-75), đã vắng mặt khi Ngài chịu đóng đinh hay chôn táng (Mt 27,55.57-60). Ngài chủ động đến gần họ chứ không chờ họ đến gần mình. Ngài đến với những môn đệ bất trung mà không buông ra một lời trách móc. Khi gặp họ, Ngài đã tha thứ cho họ rồi và muốn nối lại tình Thầy trò đã bị gãy đổ.
  4. Trời và đất tượng trưng cho toàn thể vũ trụ và muôn loài muôn vật trong đó. Chỉ mình Thiên Chúa Cha là Chúa của trời và đất (Mt 11,25). Chỉ mình Chúa Cha có toàn quyền trên thế giới thụ tạo. Đức Giêsu là Con, đã được Chúa Cha cho sống lại và trao cho toàn quyền trên trời dưới đất. Như vậy Cha đã trao tất cả quyền năng mình có cho Con, để Con có quyền năng như Cha trên cả vũ trụ này (xem thêm Mt 11,27; Ga 3,35; 13,3; 17,2). Cha là Chúa, Con cũng được Cha tôn làm Chúa khiến mọi thụ tạo trên trời dưới đất và trong âm phủ phải bái quỳ trước Chúa Con (x. Pl 2,9-11).
  5. Trong tư cách là Chúa trời đất, Chúa Giêsu phục sinh ra lệnh truyền cho các môn đệ. Trong Mt 28,19-20 có bốn động từ. Động từ chính là “làm cho thành môn đệ” (mathêteúsate), ba động từ còn lại ở dạng phân từ: “đi” (poreuthéntes), “làm phép rửa” (baptízontes), “dạy bảo” (didáskontes). Để làm cho muôn dân thành môn đệ, cần phải ra đi, làm phép rửa cho họ, và dạy bảo họ.
  6. Khi đọc Mt 10,5; 15,24 ta thấy Đức Giêsu nói rõ việc rao giảng của mình và của môn đệ chỉ giới hạn trong phạm vi dân Do-thái. Phải đợi đến khi hiện ra sau phục sinh, Ngài mới sai các môn đệ đến với “muôn dân” (Mt 28,19). Muôn dân ở đây là tất cả mọi dân nước, kể cả Dân Ngoại. Họ cũng được mời để trở thành môn đệ của Ngài. Tuy nhiên, không nên quên là Đức Giêsu cũng có lần đến với dân ngoại để giúp họ vì họ có đức tin “lớn” (Mt 8,5-13; 15,21-28).
  7. Ngoài nhiệm vụ làm phép rửa nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, các môn đệ còn phải làm cho dân ngoại thành môn đệ bằng cách dạy bảo họ (Mt 28,20). Dạy bảo đơn giản là truyền lại cho người khác điều mình đã lãnh nhận từ chính Thầy Giêsu, và truyền lại trọn vẹn “mọi điều”. Không chỉ dạy lý thuyết suông nhưng là dạy để họ “tuân giữ”. Như thế có một mẫu số chung giữa các môn đệ mọi thời: tất cả đều được học và tuân giữ giáo huấn đến từ Thầy Giêsu.
  8. Chúa phục sinh trao sứ mạng lớn cho các môn đệ, nhưng Ngài cũng kèm theo một lời hứa quan trọng: Ngài sẽ ở cùng họ mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28,20). Câu này gợi ta nhớ đến Đức Giêsu là Đấng Emmanuel, là Vị “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” ở Mt 1,23. Chúa Giêsu về trời nhưng vẫn luôn hiện diện với các môn đệ trong sứ mạng làm cho muôn dân tộc trở thành môn đệ của Ngài.

 

Top