Học hỏi Phúc âm ngày 01/11: Lễ các thánh Nam Nữ
Mt 5,1-12a
1. Đức Giêsu giảng Bài Giảng Trên Núi cho ai ? Đọc Mt 5,1-2 và 7,28-29. Núi có thường được nhắc đến trong Tin Mừng Mát thêu không ?
2. Có mấy mối phúc trong bài Phúc âm này ? Hai mối phúc nào có phần giống nhau ? Các mối phúc kia có điểm nào giống nhau ?
3. Trong Cựu Ước có lối nói giống như các mối phúc ở đây không ? Đọc Tv 1,1; 2,12; 106,3; Is 30,18.
4. Đọc Mt 5,3. Nghèo khó trong tinh thần nghĩa là gì ? Tại sao người nghèo khó trong tinh thần lại có phúc ? Ai chúc phúc cho họ ? Họ được phúc gì ?
5. Đọc Mt 5,4. Người sầu khổ vì lý do gì ? Đọc Is 61,2. Người hiền lành là người thế nào ? Đọc Mt 11,29; 21,5. Người hiền lành được lãnh nhận điều gì ? Đọc Tv 37,11.
6. Trong Tin Mừng Mátthêu, sự công chính là gì ? Đọc Mt 5,6. 10.20; 6,1.33. Ai là người đói khát sự công chính ?
7. Ai là người có lòng thương xót ? Đọc Mt 9,13; 12,7; 18,33; 23,23. Ai là người trong sạch nơi trái tim ? Đọc Tv 24,3-4. Ai là người xây dựng hòa bình ?
8. Đọc Mt 5, 10-12. Bạn nghĩ gì về mối phúc thứ tám và thứ chín ? Làm sao có thể vui giữa cơn bách hại ?
GỢI Ý SUY NIỆM: Trong các mối phúc này, bạn thích sống mối phúc nào nhất ? Tại sao Giáo Hội luôn đọc bài Tin Mừng về các mối phúc trong ngày lễ Các Thánh ?
PHẦN TRẢ LỜI
- Đức Giêsu có vẻ giảng Bài Giảng trên Núi chỉ cho các môn đệ đến gần Ngài (Mt 5,1). Nhưng vào phần cuối của Bài Giảng, ta lại thấy sự hiện diện của đám đông dân chúng đã lắng nghe lời Ngài giảng (Mt 7,28-29), nên có thể nói, Bài Giảng trên Núi là cho các môn đệ tích cực dấn thân, lẫn cho dân chúng. Núi được nói đến nhiều lần trong Tin Mừng Mátthêu: 5,1; 8,1; 14,23; 15,29; 17,9.20; 21,1; 24,3; 28,16. Núi thường là nơi Thiên Chúa tỏ mình. Ở đây Đức Giêsu là Đấng Mêsia ban cho dân Luật Môsê đã được Ngài giải thích lại cho hoàn chỉnh. Luật này sẽ là nền tảng cho lối sống mới của cộng đoàn Dân Chúa khi Nước Trời đang đến gần.
- Có tám mối phúc (Mt 5,3-10) và mối phúc thứ chín triển khai mối phúc thứ tám (Mt 5,11-12). Mối phúc thứ nhất và mối phúc thứ tám đều kết bằng câu “vì Nước Trời là của họ”, câu này ở thì hiện tại (Mt 5,3.10), còn các mối phúc thứ hai đến thứ bảy lại kết ở thì tương lai (“sẽ được ủi an”, “sẽ được thỏa lòng”…). Nói chung các mối phúc đều có hai vế. Vế đầu nói về đời sống luân lý đạo đức cần có của những ai thuộc Dân giao ước mới (“Phúc thay ai xót thương người”, “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch”). Vế sau nói lên lý do khiến họ là người có phúc, vì họ nhận được phần thưởng do Thiên Chúa ban (“vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”, “vì Nước Trời là của họ”). Người có phúc là người được Thiên Chúa ban thưởng.
- Ta thường gặp lối nói “phúc cho” trong Cựu Ước, đặc biệt trong các thánh vịnh 1,1; 2,12; 106,3 hay trong Isaia 30,18. Khi một người sống đúng theo Luật Chúa thì đó là người có phúc. “Có phúc” không chỉ có nghĩa là mọi sự ở đời này được suôn sẻ thành công, mà sâu xa hơn, có nghĩa là được Thiên Chúa chúc phúc bằng phúc lành từ trên, phúc lành cánh chung, mà chỉ mình Ngài mới ban được. Trong các mối phúc, ta luôn thấy sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng được nhắc đến một cách kín đáo qua việc dùng thể thụ động ở vế sau. “Vì họ sẽ được ủi an” có nghĩa là “vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an”.
- Người nghèo khó trong tinh thần, hay người có tinh thần nghèo khó (Mt 5,3) là người nghèo về mặt vật chất nên phó thác trọn vẹn đời mình cho Thiên Chúa. Họ không có chỗ tựa nương nên phải hoàn toàn cậy dựa vào Thiên Chúa. Chính vì thế họ trở thành người có phúc, nghĩa là người được Thiên Chúa chúc phúc. Họ được thừa hưởng chính Nước Trời: “vì Nước Trời (đang) là của họ.” Họ đã bắt đầu thuộc về Nước Trời, được nếm thử hạnh phúc của Nước Trời ngay khi còn sống trên trần gian. Và vào ngày sau hết, họ sẽ được hưởng Nước Trời cách trọn vẹn.
- “Phúc thay ai sầu khổ…” (Mt 5,4). Sầu khổ do chịu bách hại, nghèo túng, hay sầu khổ vì tội mình đã phạm. Trong cơn sầu khổ, người ấy kêu cầu lên Chúa để xin ơn trợ giúp và ơn thứ tha. Thiên Chúa sẽ “an ủi” người ấy. Trong Is 61,2 Thiên Chúa hứa sẽ “an ủi mọi kẻ khóc than”. Họ khóc than vì bị hà hiếp, lăng nhục (Is 60,14), bị bạo hành (Is 60,18). Như thế người khóc than sầu khổ có thể là người có phúc, vì được Thiên Chúa đoái thương.
“Phúc thay ai hiền lành…” (Mt 5,5). Người hiền lành là người khiêm tốn chịu áp bức bởi ác nhân. Người hiền lành cũng là người đối xử nhân hậu với tha nhân và kiên nhẫn chịu đựng (Mt 11,29; 21,5). Họ sẽ được “Đất Hứa làm gia nghiệp” (Tv 37,9.11). Trong mối phúc của Đức Giêsu, Đất Hứa không phải là đất Palestine, mà là cả Nước Trời, Nước ấy đã khởi đầu hôm nay, và sẽ thành tựu mai sau.
- Trong Tin Mừng Mát thêu, “công chính” là một từ quan trọng, đặc biệt trong Bài Giảng trên Núi (Mt 5,6.10.20; 6,1.33). Người công chính là người sống ngay lành trước mặt Thiên Chúa, trung thành tuân giữ các mệnh lệnh của Ngài. “Những người đói và khát sự công chính” là những người mong mỏi làm điều đẹp lòng Chúa, sống thuận theo ý Chúa. Họ sẽ được Thiên Chúa làm cho no thỏa đầy dư. Sự no thỏa này đã bắt đầu ở đời này rồi, khi Đức Giêsu khai mở Nước Trời trên trần gian. Nhưng sự no thõa trọn vẹn chỉ đến trong Nước Trời mai hậu.
- “Phúc thay ai có lòng thương xót” (Mt 5,7). Mối phúc này hướng đến tha nhân. Thương xót tha nhân là giúp đỡ người thiếu thốn, là tha thứ cho kẻ mắc nợ mình (Mt 18,33). Lòng thương xót là một trong những điều quan trọng của Lề Luật (Mt 23,23). Lòng thương xót (=lòng nhân) là điều Thiên Chúa muốn có nơi con người (Mt 9,13; 12,7). Ai xót thương người sẽ được Thiên Chúa thương xót. “Phúc thay ai trong sạch nơi trái tim” (Mt 5,8). Người có trái tim trong sạch là người yêu Chúa với trọn cả trái tim, trọn cả con người mình (Mt 22,37; Đnl 6,5), phụng sự Chúa với tất cả sức lực của mình (Mc 12,30). Họ sẽ được thấy Thiên Chúa từ nay, và sẽ thấy Ngài trọn vẹn vào đời sau. “Phúc thay ai xây dựng hòa bình” (Mt 5,9), hòa bình với Thiên Chúa và tha nhân. Họ giống Đức Giêsu là Đấng đem lại bình an qua cái chết trên thập giá (Cl 1,20).
- Mối phúc thứ tám và thứ chín là mối phúc cho người chịu bách hại vì “sự công chính” và “vì Thầy”. Bị bách hại dưới nhiều hình thức là điều không dễ đón nhận, nhưng Đức Giêsu hứa ban phần thưởng trên trời (Mt 5,12). Phần thưởng này là chính Nước Trời (Mt 5,10). Đó là niềm vui cho người bị bách hại.
bài liên quan mới nhất
- Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A
-
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật Chúa Hiển Linh -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật Lễ Thánh Gia năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 34 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 33 Thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Sẵn sàng đón Chúa lại đến
-
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 1 Mùa Chay năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 29 Thường niên năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 13 Thường niên năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 27 Thường niên năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 8 Thường Niên năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 5 Thường Niên năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 30 Thường niên năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 12 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 6 Thường Niên năm C