Hồi ký: Phục vụ tại khu cách ly
TGPSG -- “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo (Mt 16,24).”
Cơ duyên làm tình nguyện viên chống dịch
Ngày 10-7-2021, khi đang xem tin tức, tình cờ tôi thấy mẫu tin tuyển tình nguyện viên (TNV) tham gia chống dịch Covid-19 của trung tâm Y tế Thủ Đức (TTYT Thủ Đức).
Tôi ngay lập tức có ý định đăng ký tham gia, nhưng chợt phân vân với suy nghĩ: “Chọn ở nhà bình an, quây quần với người thân, hay chọn mạo hiểm cùng với các chiến sĩ áo trắng áo xanh nơi tuyến đầu chống dịch? Con đường nào tôi nên đi? Sự nhiệt thành dấn thân phục vụ, có khi phải đánh đổi bằng chính sinh mạng của mình và những hệ lụy cho gia đình sau này. Mình không thể quyết định theo cảm tính được.”
Rồi một suy nghĩ khác hiện ra, xóa hẳn sự phân vân: “Mình là con cái Chúa, mà Chúa thì thường xuyên dạy tôi và mọi người: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo (Mt 16,24).” Chúa đã mạc khải cho thấy con đường theo Ngài đầy gian nan thử thách, thậm chí là cái chết khổ hình.
Tôi cầu nguyện, tâm sự với Cha sở và người thân về ý định tham gia TNV. Sau khi xác định dấn thân phục vụ với lòng tín thác vào Chúa, tôi đăng ký tham gia. Sau khi được “phỏng vấn” qua điện thoại với bác sĩ phụ trách tuyển, tôi vui vẻ tự trấn an: “Con đã được chọn, xin phó thác mọi sự cho Chúa!”
Những ngày đầu, tôi được xếp làm công việc quản lý dữ liệu trong một căn phòng ít người, vì vậy tôi chưa cảm nhận được mức độ nguy hiểm của con virus này, chưa có cảm giác “tận hưởng hơi thở Covid”!
Đến tối ngày 14-7-2021, Ban giám đốc TTYT gửi tôi tờ lệnh làm việc tại khu cách ly. Lúc này tôi bắt đầu cảm thấy bồn chồn, lo lắng: Vậy là thời gian “thực tập” đã xong, “hơi thở Covid” đến rồi! Nhưng niềm tin vào tình yêu Thiên Chúa giúp tôi bình tâm. Sáng thứ năm 15-7-2021, tôi vác ba lô lên đường.
Và thật lạ lùng, tôi không rõ khi xưa, quang cảnh Chúa vác thập giá như thế nào, có ảm đạm không, nhưng hôm nay, khung cảnh tĩnh lặng của phố phường buổi sớm ở đây khiến tôi cảm thấy lạc lõng, bơ vơ nơi chính mảnh đất Thủ Đức quê tôi: Không bóng dáng công nhân vệ sinh, không người đi lại trên phố; hàng quán đóng cửa, không còn những âm thanh ồn ào, huyên náo... Một thoáng buồn, cứ như mọi người đang giận dỗi tôi, không muốn ra đường gặp tôi vậy!
Khu cách ly
Đến khu cách ly (KCL), không vội vào, tôi dựng xe bên vỉa hè, quan sát nơi mình sẽ làm việc. Quang cảnh nơi đây làm tôi nhớ đến Lời Chúa: “Người bảo họ: ‘Ðến mà xem’. Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng bốn giờ chiều.” (Ga 1, 35-42)
Quả thật, đến xem và trải nghiệm thực tế là một chuyện, có tiếp tục ở lại hay không là chuyện khác. Tôi cúi đầu, làm dấu thánh giá, và xin Chúa luôn đồng hành cùng tôi.
Nơi tôi sẽ làm việc là ký túc xá sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM - khu vực 2, là một trong những nơi được trưng dụng để tập trung sàng lọc, chăm sóc những người nhiễm và nghi nhiễm Virus Sars-Cov-2.
Nơi làm việc của Ban quản lý (BQL) đúng là ‘dã chiến’. Bên phải là căn tin ký túc xá, được chuyển thành văn phòng, diện tích khá rộng, còn đủ chỗ chứa các thùng nước khoáng, đồ bảo hộ... Sân trước căn tin thành nơi tập kết cơm cho người đi cách ly (NĐCL). Chính diện là dãy lầu, có thang máy lên 9 tầng. Dọc hành lang là nơi để các vật dụng như chăn, mềm, gối, chổi, bọc đựng rác.. và vài loại vitamin, thuốc men, nước khoáng…
BQL có một bác sĩ tổng phụ trách, một y tá, một điều dưỡng, và 3 TNV - kể cả tôi.
Ba TNV chúng tôi phụ trách hậu cần, chuyên điều tiết và cung cấp thực phẩm, thuốc men, hỗ trợ những NĐCL và BQL. Ngoài ra còn có một tổ dân quân hỗ trợ chúng tôi trong việc phát cơm ăn, nước uống…
Nơi tôi ngủ nghỉ là phòng trong ký túc xá, có nhà vệ sinh riêng, biệt lập với khu cách ly.
Khởi đầu một ngày làm việc
Thường 5g sáng là tôi thức giấc, đọc kinh, cầu nguyện cho công việc của mình. Sau đó xuống căn tin pha cà phê.
Buổi sáng yên ắng lắm, không tiếng động, dù chung quanh nơi tôi đang đứng có vài trăm người. Giờ này những NĐCL còn yên giấc sau một đêm thức khuya. Ba TNV chúng tôi, vừa uống cà phê, vừa tranh thủ “quẹt điện thoại” xem tin tức. Thỉnh thoảng nghe thốt lên một tiếng “ồ”, “căng quá”, “nhiều quá”... không cần nói cũng biết, chúng tôi đang xem tin Covid!
Đúng 7g, xe chở bữa ăn sáng vào. Chúng tôi chuyển đồ ăn xuống, kiểm tra, ký nhận. Khi là xôi, lúc là bánh ướt kèm bịch sữa. Chúng tôi sắp xếp, ghi số phòng,...
Các em dân quân dùng xe đẩy thức ăn đến thang máy. Mọi người bắt đầu chuyển thức ăn lên từng tầng. Đến tầng nào, đại diện tầng đó ra nhận, rồi cứ tiếp tục như thế cho đến tầng 9. Thời gian chuyển hết cho các phòng là khoảng hơn một giờ.
Sau khi hoàn thành, tất cả xuống sân, cởi bỏ ngay đồ bảo hộ vào túi rác y tế, sát khuẩn tay rồi mới tự do đi lại trong vùng an toàn.
Phát nước uống
Cứ 3 ngày, chúng tôi phát nước một lần, mỗi người một bình 6 lít. Chúng tôi lần lượt chuyển lên từng tầng như chuyển bữa ăn sáng, khoảng gần hai tiếng mới xong. Tôi thấy các em dân quân nhễ nhại mồ hôi, làm liên tục, quan sát và hỗ trợ nhau từng chút, xong việc là các bạn bơ phờ, ngồi bệt ra sân, nhưng vẫn vui cười, rôm rả nói chuyện.
Chuyển quà tiếp tế và phục vụ những NĐCL
Người thân của NĐCL khi đem quà tiếp tế đến, họ được hướng dẫn nơi để quà và... ra về, không tiếp xúc với bất cứ ai. Tôi hay quan sát họ, sau khi giao quà, họ không vội về mà cứ nhìn lên các dãy lầu, ánh mắt như dõi tìm, cố hình dung xem người thân đang ở phòng nào, rồi họ thở dài quay ra. Không hiểu sao, tôi rất ngại nhìn vào ánh mắt họ lúc đó.
BQL đã tạo mỗi tầng một group zalo, những NĐCL sẽ gửi thông tin vào đó để BQL xem và hỗ trợ. Lúc đầu chưa quen, tôi choáng luôn: các tin nhắn ghi “đủ thứ trên đời”, từ ăn, uống, thuốc, rồi xin dụng cụ, báo sốt, thậm chí bàn luận cả chuyện bên Afghanistan trong group zalo! Đúng như bạn TNV trong tổ đã cảnh báo: “Anh chưa quen sẽ choáng khi xem tin nhắn, anh cứ sàng lọc, rồi sẽ quen.”
Chúng tôi thu thập tất cả thông tin do các NĐCL yêu cầu, nào là “cho phòng 603 bọc đựng rác”, “522 xin chổi quét nhà ad ơi”, “phòng 233 có người sốt ad ơi, sẵn cho xin cuộn giấy vệ sinh”... Chúng tôi lướt qua tất cả các tin nhắn,và ưu tiên ngay những tin nhắn cấp thiết.
Tôi thống kê, ghi lại, thỉnh thoảng điện thoại lại tít tít, có thêm phòng xin bổ sung...
Việc chuyển lên cũng đơn giản và an toàn. Chúng tôi gọi từng tầng, sau đó để đồ vào thang máy, bấm cho thang máy chuyển đến tầng đó. Người đại diện tầng sẽ ra nhận và để trước cửa từng phòng, xong việc thì thông báo cho người trong phòng ra lấy. Tuy việc không nặng nhọc, nhưng mất khá nhiểu thời gian.
Ăn trưa
Chúa đã dạy: “Những gì các ngươi làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta" (Mt 25,40). Quả vậy, nếu không nhớ lời này của Chúa, tôi sẽ không chịu nổi những lời trách móc, kiện tụng của NĐCL. Áp lực công việc khiến chúng tôi có thể bộc phát sự bực bội bất cứ lúc nào.
Phát cơm trưa cũng gần giống phát bữa sáng, các công đoạn luôn nghiêm ngặt. Phục vụ cơm trưa vất vả nhất trong ba buổi cơm. Thời gian để chuẩn bị quá ngắn, nếu không nhanh, cơm trưa đến tay NĐCL sẽ như cơm chiều, họ sẽ “la làng” ngay. Có hôm việc nhiều, không kịp uống nước, nghỉ ngơi, chúng tôi phải vội lên danh sách “cơm, cháo” cho kịp. Vì vậy, thỉnh thoảng sơ sót: lúc dư cháo thiếu cơm, lúc dư cơm thiếu cháo. Những lúc như vậy, chúng tôi luôn ưu tiên nói lời “xin lỗi” và nhanh chóng điều chỉnh cho mọi người có đúng thứ họ cần. Thậm chí chúng tôi phải kiên nhẫn nghe NĐCL “lên lớp”, và không cần biết lỗi do ai, chúng tôi cứ luôn chỉ biết “Vâng, tụi anh xin lỗi, sẽ rút kinh nghiệm”, sau đó chúng tôi ngồi với nhau để xem xét điều chỉnh.
Đến hơn 13g30, chúng tôi thống kê những yêu cầu về bữa ăn chiều. Sau đó soạn đồ chuyển lên, rồi kiểm tra hàng tồn, kịp báo về trung tâm xin hỗ trợ.
Buổi chiều
Hôm nào NĐCL ít yêu cầu hỗ trợ, chúng tôi có thời gian giải lao, bằng không thì phải quay như chong chóng. May mà chúng tôi luôn hỗ trợ nhau, chăm sóc và động viên nhau, nên tôi luôn thấy thoải mái vượt qua áp lực từ công việc.
Sau khi lo xong cho bữa cơm của mọi người, tôi ra ghế đá ngồi ghi chép, thống kê các hạng mục đã làm trong ngày. Đến 18g, tôi mới bắt đầu bữa tối với lời kinh tạ ơn.
Tôi rất quý trọng tình đồng đội của hai bạn trẻ Phong và Vũ. Tôi cố gắng tỉ mỉ và chia sẻ cùng hai bạn, tạo niềm vui và tiếng cười khi đang cùng làm việc. Ba chúng tôi buổi chiều hay ngồi ghế đá chia sẻ, hỏi thăm nhau…
Phong tâm sự: “Em là hướng dẫn viên du lịch. Em làm TNV ngay từ những ngày đầu. Mẹ em cũng lo lắm, vì việc này đâu có liên quan nghề của em. Nhiều đêm ngồi một mình, em nhớ mẹ lắm. Rất lâu rồi em không về nhà, nhớ lắm, nhưng biết làm sao?!”
Tôi nghe cũng chạnh lòng, chỉ biết an ủi động viên em. Tôi biết rõ tâm trạng của Phong, vì đêm khuya, thỉnh thoảng nhìn ra ghế đá, tôi vẫn thấy Phong ngồi đó một mình..
Vũ thì trẻ hơn, mở quán cà phê tại nhà, mới 23 tuổi, đúng là tuổi trẻ vô tư hồn nhiên. Em ấy nói: “Em giấu mẹ đi TNV đó anh! Khi được nhận, em ôm ba lô ra, mới nói cho mẹ hay. Mẹ trách, em cười thôi, rồi mẹ cũng cho em đi”. Nói xong Vũ lại cười khà khà…
Tôi hỏi: “Vậy em mất thu nhập, ai lo cho mẹ khi em đi?”
Vũ chợt buồn, nói: “Em nhờ chị chăm sóc. Khi bán cà phê, em vui lắm, lo cho mẹ, đi tùm lum chỗ để tìm hiểu người ta làm thế nào, về bắt chước. Bây giờ, em phải dừng mọi thứ vì Covid, buồn chứ anh! Không gặp bạn bè, không lo gì được cho mẹ… Tối nào cũng vậy, đúng 20g em gọi cho mẹ, vì đó là “giao kèo”, không gọi là mẹ lo…”
Tôi rơi vào im lặng, cố tưởng tượng hình bóng hai người mẹ hằng đêm ngồi nhìn điện thoại, chờ con gọi về. Và tôi biết, có rất nhiều người mẹ, người cha, ông bà cô chú, thậm chí là vợ, chồng cũng trong hoàn cảnh chờ cuộc gọi như mẹ của hai em.
Buổi tối
Buổi tối chúng tôi gọi điện cho người thân, bạn bè, trao đổi với NĐCL qua Zalo... Tôi ra ghế đá ngồi, gọi điện về nhà, rồi lần hạt, tạ ơn Chúa đã cưu mang và “xin Chúa luôn đồng hành với con, chăm sóc mọi người…”
Tiếp đón và tiễn chân người được cách ly
Đây là công việc chiếm nhiều cảm xúc của tôi nhất. Thường xe đưa NĐCL vào đây sau 21g. Những NĐCL bước xuống xe và tập trung ngoài sân. Chúng tôi đứng cách khá xa, dùng loa hướng dẫn mọi người lần lượt lên phòng, sau đó chuẩn bị chăn màn và vài vật dụng cần thiết chuyển lên. Những thứ khác sẽ được cấp ngay sáng hôm sau.
Việc chuyển lên tuyến trên hay về nhà tự cách ly cũng tương tự: tập trung ngoài sân, gọi tên, làm thủ tục và lên xe. Một điều lạ là: khi ở đây, các NĐCL nhiều lúc xích mích với nhau, thậm chí giận dỗi, nhưng khi rời đi, mọi người lại có sự quyến luyến rõ rệt, chào tạm biệt và nhắn nhủ đủ điều, thậm chí nhiều em rơi nước mắt. Tôi thường dành thời gian quan sát mọi người lúc này.
Cũng có chuyện cười ra nước mắt như trường hợp một bạn F1, sau 14 ngày âm tính, được cho về, lại dứt khoát không chịu về, với lý do: “chưa cách ly đủ 21 ngày, không về!”. Bác sĩ giải thích mãi cũng không chịu. Cuối cùng, bạn ấy nói: “Giờ ra ngoài cũng ở nhà cách ly, không đi làm được, rồi phải lo lắng đủ thứ... Em xin ở đây đủ 21 ngày, có các anh chăm sóc tốt, vậy cho khỏe!”.
Công tác vệ sinh
Rác thải y tế nơi đây là thứ được xem là nguy hiểm nhất. Một nhóm công nhân vệ sinh chuyên môn cao phụ trách mảng này, được trang bị bảo hộ “tận răng”. Họ thu dọn từng tầng, chuyển xuống và tập kết ra bãi. Khi bãi đầy, lập tức xe đến chuyển đi ngay.
Phạm vi di chuyển và giờ giấc của nhóm này rất rõ ràng, được test kiểm tra thường xuyên.
Lời kết: Chúng ta là một gia đình
Chúa nói: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em” (Mc 10, 43). Thời gian ở KCL đã tác động rất lớn trên tôi, vì tôi được trải nghiệm những thứ mà tôi không bao giờ mong sẽ được trải nghiệm lần nữa, giúp tôi biết hoán cải sâu hơn, phục vụ xa hơn.
Chúa đã làm gương và dạy rằng: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Những ngày làm việc nơi đây, tôi có thêm nhiều bạn bè là đồng nghiệp, là NĐCL, Bác sĩ, Y tá, các em dân quân... Họ vừa là đồng đội, vừa là anh em.
Sự quan tâm chăm sóc nhau là điều giúp chúng tôi an toàn và có tinh thần tốt. Chúng tôi để ý “nâng khăn sửa túi” nhau rất kỹ, chỉnh sửa bảo hộ cho nhau, nhắc nhở nhau từng chút trong công việc, chia sẻ với nhau về gia đình, cuộc sống bên ngoài. Và sau mỗi buổi chia sẻ, chúng tôi luôn có vài phút lắng đọng, cầu mong dịch bệnh mau qua đi, để mỗi chúng tôi và tất cả mọi người tiếp tục theo đuổi hoài bão của mình.
Thời gian ở KCL, tôi thấy việc trao đổi và động viên những NĐCL là việc khó khăn nhất. Hành trình cuộc sống của họ bị khựng lại, bị thay đổi đột ngột, con xa cha mẹ, vợ xa chồng... Nên tâm lý, trạng thái của NĐCL là điều chúng tôi ngại đối diện nhất. Họ đã mệt mỏi, tinh thần không còn tốt. Vì thế, sau khi đã hết lòng tận tâm phục vụ, mồ hôi đã nhễ nhại rồi, chúng tôi vẫn dùng những câu bông đùa, mong phần nào xoa dịu sự căng thẳng của mọi người.
Có những đêm mệt mỏi thiếp ngủ, bỗng dưng bị đánh thức vì những chuyện ‘không đâu’. Nửa đêm, bỗng có nhiều tiếng la thất thanh trên lầu, tiếng chân chạy ầm ầm. Chúng tôi vội bật dậy, chuẩn bị mọi thứ cần thiết, chạy vội lên xem. Thủ phạm khiến cho phòng có ba cô bé la toáng lên là một... con gián. Sau khi “xử lý con gián tội phạm”, chúng tôi quay về phòng, mọi người im lặng nhìn nhau, rồi không nhịn nổi, phải cười bò càng.
Có người thì cứ tối đến là hát cải lương. Chung quanh “ném đá” tơi bời, anh chàng vẫn hát. Chúng tôi cũng không biết phải làm sao, chỉ biết nhắc nhở: hát nhỏ nhỏ thôi. Anh trả lời: “Cải lương hát nhỏ, sao đủ hơi?”. Bó tay luôn! Cũng may mọi người riết rồi cũng quen, còn bảo anh chàng đó: “Sao không hát to lên cho mọi người nghe?”
Thời gian ở đây, tôi học được rất nhiều từ những người xa lạ. Nhờ sát vai nhau, tôi có thêm bạn bè; nhờ lắng nghe họ, tôi trở thành người làm nhiều nói ít; nhờ học hỏi nơi họ, tôi thấy mình hiểu biết thêm; nhờ tận tâm chăm sóc họ, tôi thấy mình luôn được Chúa chăm sóc.
Chúa là Cha nhân ái, khoan dung. Chúa sẽ mãi gìn giữ tất cả chúng con.
Fx. Hoàn Mỹ (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm