Hồi sinh
Truyền thống văn hoá tại một số quốc gia châu Âu và châu Mỹ thường chọn con bướm là biểu tượng cho sự hồi sinh. Có những trung tâm thương mại được trang trí một đàn bướm hàng ngàn con bằng pha lê, rực rỡ muôn màu sắc, tạo ấn tượng tốt đẹp, tươi mát và lạc quan cho du khách. Con bướm cũng là biểu tượng của hy vọng và may mắn thành đạt. Chúng ta đều biết “tiền kiếp” của con bướm là con sâu. Con sâu thì xù xì xấu xí, con bướm thì đẹp đẽ lung linh. Con sâu chỉ cắn lá phá hoại, con bướm thì tô điểm cho hoa lá thêm xinh. Con sâu trông gớm ghiếc ghê sợ, con bướm nhìn duyên dáng đáng yêu. Từ con sâu thành con bướm, đó là quá trình của một cuộc hồi sinh.
Cuộc hồi sinh nào cũng phải trải qua những gian nan. Chúng ta không cảm nhận được sự lột xác để biến từ một con sâu thành chú bướm, nhưng chắc chắn một điều, con bướm phải chấp nhận những đau đớn thể xác, giống như người mẹ vật vã khi sinh con. Chẳng có cuộc hồi sinh nào mà không đòi hỏi phải gian khổ, cũng như chẳng có thành công nào mà thiếu vắng tập luyện kiên trì.
Sau những ngày ảm đạm bi thương của Tuần Thánh, người tín hữu vui mừng cử hành cuộc phục sinh của Đức Giêsu. Qua mầu nhiệm khổ nạn thập giá, Đức Giêsu như hạt lúa mì được gieo vào lòng đất. Hạt lúa ấy đã chấp nhận mục nát đi để mọc lên thành cây mới sinh hoa kết trái. Hạt lúa Giêsu đã tự huỷ mình, chấp nhận thương đau và sau đó đã phục sinh vinh quang sáng láng. Khi từ cõi chết sống lại, Chúa Giêsu phục sinh đã mở cho nhân loại cánh cửa hy vọng, để rồi từ nay, cuộc sống con người có một định hướng trong tương lai, đó là được phục sinh với Chúa. Sự phục sinh của Chúa là câu trả lời cho vấn nạn ngàn đời về phẩm giá con người và ý nghĩa cuộc sống: con người được dựng nên để sống hạnh phúc với Chúa trong cõi sống đời đời. Nhờ Đấng Phục sinh, người tín hữu còn nhận ra trong con người của mình có sức sống thần thiêng của Con Thiên Chúa, giúp họ biến đổi mỗi ngày, đến mức cuộc sống, hành động và ngôn từ của họ đều phản ánh sự hiện diện đầy yêu thương của Đấng họ tôn thờ.
Việc Đức Giêsu ra khỏi mộ sau khi đã chết ba ngày làm cho những người đương thời ngỡ ngàng khó tin, kể cả các môn đệ của Chúa, mặc dù Chúa đã tiên báo về cái chết và sự phục sinh của Người. Sự ngỡ ngàng này là điều dễ hiểu, bởi theo lẽ thông thường, người đã chết chẳng thể sống lại. Những chứng nhân mắt thấy tai nghe đã quả quyết được gặp Chúa phục sinh, và họ dám lấy mạng sống mình để làm chứng cho điều đó. Sự phục sinh của Chúa Giêsu vượt trí loài người. Người sống lại bởi quyền năng của Thiên Chúa. Người đã tuyên bố, Người có quyền trao ban và có quyền lấy lại sự sống. Nấm mộ không thể giam hãm Người trong cõi thâm u. Quyền lực của sự chết đã bị đánh bại trước sự phục sinh của Đức Giêsu.
Khi ra khỏi mộ tối, Chúa Giêsu đã giải phóng nhân loại khỏi quyền lực của sự chết. Nếu sự chết đã thất bại trước quyền năng của Con Thiên Chúa, thì những ai tin vào Người cũng sẽ chiến thắng sự chết như vậy. Bởi lẽ quyền năng của Thiên Chúa bao bọc và chở che những ai trung tín với Người.
Sau những ngày sống tinh thần Mùa Chay, người tín hữu được hồi sinh nhờ ân sủng của Đức Kitô. Khi long trọng mừng lễ Phục sinh, chúng ta trở nên con người mới, như con sâu xù xì thoát kiếp để biến thành con bướm huy hoàng. Thân phận con sâu là quá khứ, thân phận com bướm là hiện tại. Nhờ sám hối chay tịnh của Mùa Chay, người tín hữu đoạn tuyệt với quá khứ, như người con hoang đàng trở về với cha mình để làm lại cuộc đời. Giờ đây, họ được mặc lấy Chúa Kitô phục sinh, trở nên huy hoàng và vinh quang như Người. Sự phục sinh của Chúa Giêsu tác động con người và cuộc sống của chúng ta, làm cho chúng ta lạc quan tin tưởng vào Chúa và nhân ái bao dung với anh chị em.
Hãy trỗi dạy những ai ngủ mê! Chúa đã sống lại rồi! Người mời gọi chúng ta hãy can đảm bước ra khỏi nấm mộ là vỏ bọc của ích kỷ. Nếu cứ ở lì trong nấm mộ, chúng ta mãi mãi là kiếp con sâu, không thể tiến tới sự huy hoàng rực rỡ của com bướm và cũng không thể chiêm ngưỡng ánh sáng bình minh là chính Đức Giêsu Kitô.
Mỗi năm một lần, Mùa Chay qua đi và Mùa Phục Sinh lại đến. Mỗi chúng ta hãy suy tư về đời sống Đức tin qua các lễ nghi Phụng vụ được cử hành. Những nghi thức, những lời kinh tiếng hát có đánh động nơi tâm hồn chúng ta và giúp chúng ta đổi mới cuộc đời hay không? Thiếu những tác động nội tâm này, những lễ nghi của Tuần Thánh có nguy cơ biến thành những hoạt động văn hoá, nhằm giúp con người giải trí tiêu sầu mà thôi.
Chúa Phục sinh đang hiện diện để đồng hành nâng đỡ chúng ta, như Người đã đi cùng hai môn đệ trên đường về Emmau. Một khi được Chúa Phục sinh đổi mới, chúng ta sẽ nhìn cuộc đời với cái nhìn thân thiện và bao dung. Như chú bướm sau khi thoát khỏi kiếp con sâu, chăm lo tô điểm cho đời thêm đẹp, chúng ta cũng vậy, một khi mặc lấy Đức Kitô phục sinh, chúng ta hãy chăm lo đem niềm vui của Đấng Sống lại đến cho cuộc đời, với hy vọng mọi nơi mọi chốn đều bừng lên ánh huy hoàng của Đấng Cứu độ trần gian.
(Nguồn: WHĐ)
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm