Hôn nhân lành mạnh và bền vững
Đa số các tâm lý gia đều đồng ý rằng mục đích tối hậu của các thân chủ là hạnh phúc và Hôn nhân bền vững là quan yếu. Điều cốt lõi của hôn nhân hạnh phúc là mối quan hệ tốt đẹp, giúp dễ dàng tận hưởng cuộc sống và thành đạt trong nghề nghiệp vì biết rằng mình có người bạn đời thông cảm và tận tụy.
Sau đây là những điều cần thiết để khả dĩ có mối quan hệ hôn nhân bền vững:
1. Biên độ.
Đây là điều quan trọng. Phải có các quy luật tuyệt đối được “quy ước” sớm như điều kiện “ắt có và đủ”. Khi hẹn hò, chúng ta đưa ra những điều kiện “phải làm” hoặc “không được làm”. Trước khi kết hôn, phụ nữ có quyền “làm giá”, nhưng chỉ là “yêu cầu” chứ không là “đòi hỏi”. Cần có thỏa thuận chung và cần được chấp nhận, biết mình và biết người để hiểu nhau và thông cảm nhau. Giới hạn đó là “biên độ” cần thiết để khả dĩ quyết định đến với nhau hay không.
2. Chấp nhận.
Bạn phải chấp nhận chính con người của người bạn đời. Muốn vậy, bạn phải hiểu rằng mỗi người đều có những “cái riêng”, cả nết tốt lẫn tính xấu. Khó tập một nết tốt thì cũng khó bỏ một tính xấu. Với quyết tâm và nỗ lực cao thì khả thi. Tuy nhiên, đừng bắt nhau thay đổi trong một sớm một chiều, mà cần có thời gian.
3. Xác quyết lời cam kết.
Khi đã kết hôn, nghĩa là đã “cam kết” yêu thương nhau: Khi an vui cũng như lúc gian lao, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe,... để yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời, thì cả hai có quyền như nhau và có trách nhiệm với nhau. Lời cam kết đó không chỉ một lần mà phải được củng cố hằng ngày. Có vậy thì mối quan hệ mới khả dĩ bền vững, tránh được nguy cơ “chia đôi lời ru”.
4. Chia sẻ mối quan tâm.
Nếu chồng hâm mộ bóng đá, có lúc vợ sẽ phải hỏi chồng nghĩ gì về đội bóng mà chồng ủng hộ. Không hiểu nhiều thì vợ cũng cần hiểu cơ bản về bóng đá để có thể hiểu tại sao chồng mình lại mê như vậy. Hoặc nếu vợ thích xem phim Hàn quốc thì chồng cũng cần chia sẻ đôi chút về bộ phim mà vợ đang say sưa theo dõi từng ngày. Hai con người, hai giới tính, tất nhiên có cách nghĩ, sở thích và đam mê khác nhau. Đừng chê nhau thế này, thế nọ, mà phải biết chia sẻ điều người khác quan tâm – dù có thể mình không thích.
5. Chia sẻ dự định.
Đời sống chung luôn có những kế hoạch chung cho tương lai. Do vậy, rất cần thỏa hiệp chung, chia sẻ và thảo luận dự định của mình. Dự định đó có thể là một hoạt động nào đó cho gia đình, con cái, cha mẹ đôi bên, việc từ thiện,… Dù dự định đó quan trọng hay đơn giản thì vẫn cần được chia sẻ để tránh nghi ngờ hoặc hiểu lầm nhau.
6. Khoảng riêng.
Ai cũng cần có “khoảng riêng”. Khoảng riêng vừa mang tính không gian vừa mang tính tinh thần. Đó là “nơi” tĩnh mịch sâu thẳm rất riêng tư cần được tôn trọng. Cũng chính “khoảng riêng” đó cần thiết để cân bằng cuộc sống, cân bằng tâm sinh lý. Mức cân bằng khả dĩ cứu vãn hôn nhân.
7. Xử lý cơn nóng giận.
Nếu chồng/vợ làm mình tức giận, bạn phải biết cách xử trí và xử lý khéo léo. Nếu bạn không thỏa mãn với cách làm của chồng/vợ khiến bạn nổi điên, bạn phải phân tích sự việc và cách thảo luận để tìm ra nguyên nhân đích xác. Cách nói rất quan trọng, kể cả ngôn từ, vì nó có thể mang lại hệ quả tốt hay xấu. Tránh kiểu nói gay gắt, vòng vo, mỉa mai hay “nói mát”.
8. Thân mật phu thê.
Dù cuộc sống bộn bề và vất vả (với công việc và con cái) thì cũng vẫn cần có “khoảng riêng phu thê” để sưởi ấm nhau. Đó là cái ích-kỷ-hợp-lý-và-xứng-đáng. Khi đó, vợ chồng tâm sự mọi điều và thân mật cả tinh thần lẫn thể lý. Đó là lý do mà tình dục rất đặc biệt trong quan hệ một vợ một chồng (đơn hôn), vì vậy mà không thể chấp nhận sự phản bội nhau – dù chỉ trong ý nghĩ.
9. Luôn vui vẻ.
Có được người bạn đời đích thực nghĩa là không thể căng thẳng và không dám mạo hiểm. Tính khôi hài luôn cần thiết và hữu ích trong đời sống hôn nhân. Việc cười đùa và sự vui vẻ, thậm chí là thọc léc nhau, không thể thiếu trong mối quan hệ phu thê hạnh phúc, nhờ đó mà khả dĩ tạo một tổ ấm đúng nghĩa.
10. Cách nhìn.
Điều quan yếu nhất là phải có cách nhìn tích cực về nhau, vì tuy là hai người nhưng đã nên một, cần tin tưởng nhau và chia sẻ mọi nỗi vui buồn của cuộc sống, luôn biết tôn trọng nhau và cởi mở với nhau để có sự thân mật thực sự. Đó là cách nhìn thâm sâu, cùng nhìn về một hướng, chứ không chỉ nhìn nhau theo cách nhìn sinh học.
bài liên quan mới nhất
- Tình chị em
-
Uỷ ban Mục vụ Gia đình: Chào tiễn ĐGM Luy Nguyễn Anh Tuấn -
Năm “Gia đình Amoris Laetitia”: Học hỏi Phần I của Tông huấn -
Năm “Gia đình Amoris Laetitia”: Học hỏi phần Dẫn nhập của Tông huấn -
Để hôn nhân được tốt đẹp: Bí quyết 'Bàn Thạch' -
Chương trình Chuyên đề Giáo Dục: Giới thiệu Lời Kinh Đẹp Nhất Thiên Niên Kỷ -
Năm giai đoạn của tình yêu -
Đức Thánh Cha Phanxicô: Về hôn nhân đồng tính -
Chuyên đề: “Đồng hành với người trẻ trong gia đình” ngày 21-10-2020 -
Gia đình: Đại dương Lòng Thương Xót
bài liên quan đọc nhiều
- Phá thai & Quyền giải vạ tuyệt thông
-
Hôn nhân khác đạo -
Vấn đề "Chữ Hiếu" của giới trẻ ngày nay -
Giờ Kinh Chung Trong Gia Đình -
Nghệ thuật Giáo dục Con cái -
Uỷ ban Mục vụ Gia đình: Chào tiễn ĐGM Luy Nguyễn Anh Tuấn -
Năm giai đoạn của tình yêu -
Để hôn nhân được tốt đẹp: Bí quyết 'Bàn Thạch' -
Đức Thánh Cha Phanxicô: Về hôn nhân đồng tính -
Phóng sự: Báu vật Chúa ban