Họp mặt đồng hương Đàn Giản

Họp mặt đồng hương Đàn Giản

WGPSG -- “Chim có tổ, suối có nguồn, con người có tổ có tông.”

Đã nhiều năm qua, vào những dịp Tết đến Xuân về, những người con cùng quê hương bản quán Kẻ Rùa hay còn gọi là Đàn Giản có một nếp sinh hoạt truyền thống rất quý, là quây quần bên nhau trong một Thánh lễ. Thánh lễ Tạ ơn Thiên Chúa và kính nhớ công đức của các bậc tiền nhân, tổ tiên của làng. Nhà thờ giáo xứ Hòa Hưng sáng Mùng Bảy Tết (16/2/2013) rộn rã bởi nhiều tiếng cười nói, chào hỏi của muôn người Làng Rùa từ khắp nơi về tham dự.

Trước Thánh lễ, Ông Giuse Nguyễn Văn Ninh - Trưởng ban đại diện đồng hương Đàn Giản - đã thay mặt dân làng chúc Tết Đức Giám mục phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm (Tổng Giáo phận Sài Gòn), Linh mục linh hướng Phêrô Nguyễn Văn Bắc, Linh mục Giuse Đặng Tuấn Sự, Linh mục Gioan Nguyễn Đình Phú là những người con của làng hiện diện trong ngôi thánh đường này, cũng như quý linh mục, tu sĩ ở nơi xa. Đồng thời, cám ơn Cha chính xứ Giuse Phạm Bá Lãm (Hạt trưởng hạt Phú Thọ Hòa) đã dành cho dân làng sự đón tiếp rất chu đáo, ân cần.

“Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều!”

Làng Rùa hay còn gọi là làng Đàn Giản là một vùng quê cách Hà Nội 25km về phía Nam, là một ngôi làng mang đậm nét đặc trưng của đồng bằng Bắc bộ. Cũng cây đa, giếng nước, sân đình, một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa làng xã. Con sông Nhuệ hiền hòa như bầu sữa mẹ hiền dưỡng nuôi dân làng. Đất làng tọa lạc trên một gò đất cao và bao quanh là những cánh đồng gắn bó máu thịt của biết bao thế hệ. Là một vùng đất nông nghiệp nhưng hạt lúa không nuôi nổi người; vì thế, ngoài công việc đồng áng, nghề cơ khí đã trở thành nghề truyền thống mang lại cuộc sống ổn định cho dân làng và được truyền từ đời này sang đời nọ, từ Bắc vào Nam. Theo sự biến động của lịch sử, một số dân làng đã di cư vào Nam từ những năm 1954, 1955. Gần 60 năm đi qua, họ đã là người Sài Gòn, sinh sống tại những khu vực tập trung người công giáo đông đảo như: Xóm Mới, Chí Hòa, Vườn Xoài, Sài Gòn, Biên Hòa, Hố Nai... Dù xa quê hương đất mẹ nhưng họ vẫn không nguôi nhớ về. Vì lẽ đó, vào dịp Tết, chính là cơ hội thuận tiện để dân làng tụ hội, bày tỏ nỗi nhớ làng nhớ quê qua từng câu chuyện, tay bắt mặt mừng, đánh thức họ sống lại những ký ức về quê Bắc xa xôi.

Trong bài giảng, Đức Cha phụ tá đã bắt đầu bằng câu chuyện về Thánh Inhaxiô (Inêkhu) vào Việt Nam truyền đạo cách đây 480 năm (1533), năm Quý Tỵ. Và tiếp theo, là hàng loạt những sắc chỉ cấm đạo đều được ban hành vào năm con rắn. Những liệt kê thú vị trên đã giúp mọi người có cái nhìn khái quát về sự kiên trung sống, bảo vệ, tuyên xưng đức tin của các bậc cha ông, tiền nhân. Trong đó, có sự đóng góp rất nhiệt tâm của tổ tiên, các đấng bậc là cố, là ông, là bà của tất cả những giáo dân làng Đàn Giản. Những hoa quả đức tin đó là hiện nay làng đã dâng hiến cho Giáo hội Việt Nam: một Giám mục và rất nhiều linh mục trong và ngoài nước. Với những biến chuyển nhanh chóng của thế giới cũng như đồng hành với nó là tội lỗi và sự dữ, Đức cha đã gọi những thách đố đó trong xã hội hôm nay là “những sắc chỉ cấm đạo tinh vi và mưu mô hơn”. Chính vì thế, gia đình và Giáo hội phải trở thành thành lũy che chở vững vàng. Nghĩa là việc giáo dục đức tin phải trở thành công việc thường xuyên. Chính ông bà cha mẹ sẽ là những tấm gương sống động cho việc gìn giữ, tuyên xưng niềm tin và thông truyền đến tha nhân. Chính những bài học giáo lý đức tin này đã trang bị cho mọi người hành trang quý báu bước vào năm mới: Năm Đức Tin.

Trước khi Thánh lễ kết thúc, Đức Giám mục, quý linh mục đồng tế cùng toàn thể dân làng đã thành kính dâng hương trước bàn thờ Tổ tiên. Và mọi người đã hân hoan đón nhận phép lành toàn xá từ Đức Giám mục (Nhà thờ giáo xứ Hòa Hưng là điểm hành hương trong Năm Đức Tin).

Buổi gặp gỡ cũng như Thánh lễ đồng hương Đàn Giản đã kết thúc, nhưng tình hoài hương vẫn còn vương vấn. Ai nấy mong ước mọi điều tốt đẹp sẽ đến với dân làng và hẹn gặp lại nhé! Người Kẻ Rùa.
 

Top