Khi nào nên nói, khi nào nên nghe
Là giáo sĩ, dường như do bổn phận nên tôi đã phải nói hơi nhiều; và lại ít có dịp để nghe, hoặc cũng không có thói quen thích nghe, nhất là những góp ý trái với ý tôi?
Là giáo dân, dường như tôi đã được nghe quá nhiều (nhưng kết quả thì...rất ít?); và điều thiệt thòi nhất cho tôi là... vẫn chưa "biết cách để nói"?
“Lời nói là bạc, im lặng là vàng” là lời khuyên chúng ta nên im lặng hơn nói vì nói chỉ là bạc mà im lặng mới là vàng, và vàng thì bao giờ cũng quí hơn bạc.
Nhưng nhiều khi nếu không nói thì chúng ta cảm thấy khó chịu trong lòng mà nói ra thì dễ mất sự bình tĩnh gây mất hòa khí, thậm chí có khi đem đến sự hận thù. Nghĩ như vậy nên bản thân tôi từ nay khi cần thông đạt một cái gì có thể gây ra sự hiểu lầm, ngộ nhận, hay mất hòa khí nói chung, tôi đã nghĩ tôi nên sử dụng ngòi bút thay vì lời nói vì khi viết tôi có suy nghĩ và có cân nhắc hơn, nhất là tôi hiểu bút sa thì gà chết như cổ nhân thường nói. Vả lại, người Pháp có câu “Nên uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” (Il faut touner la langue sept fois avant de parler) là vì lời nói không cân nhắc, thiếu khéo léo có thể sinh ra nhiều hậu quả khó lường. Họ cũng nói “Đa ngôn đa quá” (Trop parler nuit). Nói càng nhiều sinh ra nói quá đáng có hại. Trong gia đình cha mẹ dạy con cái, anh chị em bảo nhau, người lớn tuổi lấy kinh nghiệm chỉ bảo cho người nhỏ tuổi, thiếu kinh nghiệm, lắm khi cũng làm buồn lòng nhau. Cho nên, tục ngữ có câu “Giáo đa thành oán” (Dạy nhiều sinh ra oán trách) là vậy. Nhưng lại có câu “Biết mà không nói là bất nhân, nói mà không hết là bất nghĩa.” Khi biết mà không chỉ vẻ, khuyên lơn, thì lại mang tiếng là ác, không có lòng nhân ái. Còn nói mà không nói cho hết, nói nửa chừng nửa đoạn, nói không tường tận, thì sẽ bị người ta kết tội là bất nghĩa, tức là không tốt, không biết ơn hay bội bạc.
Nói tóm lại, khi cần im lặng thì nên im lặng vì nói như “đàn gảy tai trâu”, nói như “châm dầu vào lửa”, nói “châm chích”, nói “xỉa xói”, nói chỉ có hại chứ không có lợi. Và khi cần nói thì cũng nên nói nhưng trước khi nói cần suy nghĩ chín chắn, lựa lời, cân nhắc lợi hại rồi mới nói vì tục ngữ cũng có câu “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.” Phương tiện diễn đạt tư tưởng có nhiều hình thức: bằng lời nói, bằng chữ viết, bằng hình ảnh, bằng cử chỉ, bằng tín hiệu …, nhưng cứu cánh mới là quan trọng vì nó đem lợi lộc hay tai hại đến cho mình và cho người.
Còn “Khẩu xà tâm Phật, khẩu Phật tâm xà” là thế nào?
Có nhiều người tuy nói năng vụng về, không khôn khéo nhưng ý của họ rất tốt. Ví dụ: Cha mẹ la rầy con cái vì muốn con cái trở nên tốt hơn, ngoan hơn nhưng vì nóng giận mà có lời mắng ác, hoặc nói hung dử chứ thật tâm của cha mẹ là thương con muốn dạy bảo con. Trường hợp này ta gọi là “Khẩu xà tâm Phật” (Miệng rắn lòng Phật).
Ngược lại, có người nói năng rất ngọt ngào, dịu dàng, hấp dẫn khiến người nghe lầm tưởng là thật lòng, là thương yêu, là tử tế mà nói, nhưng kỳ thật họ rắp tâm lừa đảo, có ác ý, muốn hại người và họ nguy hiểm như con rắn độc. Trường hợp này ta gọi là “Khẩu Phật tâm xà” (Miệng Phật lòng rắn).
Hai trường hợp trên người ta gọi là hiện tượng không phù hợp bản chất. Lời nói là hiện tượng và tâm ý là bản chất. Trường hợp thứ nhất hiện tương xấu nhưng bản chất tốt. Trường hợp thứ hai hiện tượng tốt nhưng bản chất xấu. Trong cả hai trường hợp này người nghe nên thận trọng nếu không sẽ lầm lẫn giữa tốt và xấu, giữa thiện và ác.
Nói chung nghe trong nhiều trường hợp tốt hơn là nói. Bởi lẽ nghe không mất sinh lực (khí lực) mà nói thì mất nhiều sinh lực. Ngoài ra, khi bạn nói bạn phải vận dụng lý luận, suy nghĩ, cân nhắc, đắn đo …, tức là phải động não, một hình thức mất sinh lực trí tuệ. Điều này không có nghĩa là nói luôn luôn không có lợi vì mất sinh lực, mà vấn đề là nếu phải mất sinh lực thì nên sử dụng nó một cách hữu ích cho tha nhân, cho hòa bình chứ không phải cho cái vị kỷ hay cho chiến tranh, thù hận. Nhưng thử hỏi bao nhiêu lần bạn nói đã đem lại lợi ích cho mình và cho người so với lợi ích của việc bạn lắng tai nghe người khác nói hay bạn im lặng?
Tóm lại, cái khó vẫn là biết lúc nào nên nói và biết lúc nào nên nghe. Để giúp chúng ta có thể giải quyết khó khăn này một phần nào, tôi xin ghi lại dưới đây một số trong rất nhiều lời khuyên khác có liên quan đến lời nói và sự im lặng hay lắng nghe.
1. Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe.
2. Người hiểu biết thì nói, nhưng người khôn ngoan thì lắng nghe.
3. Làm tốt hơn nói.
4. Hay ăn thì đói, hay nói thì vấp.
5. Tránh nói những lời châm chích.
6. Đừng nói không khi chưa nghe hết câu chuyện.
7. Nói đúng lúc, nói đúng sự thật, nói có lợi, nói dịu dàng. (Lời Phật dạy)
8. Đừng sử dụng thời gian hay lời nói thiếu thận trọng vì cả hai không thể lấy lại được.
9. Trăm năm bia đá dẫu mòn, nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.
10. Lời nói khôn ngoan ít được người khác nghe bằng lời nói tử tế.
11. Nói những gì nên nói và chỉ nói đến thế thôi.
12. Con người nói giết thì giờ nhưng thì giờ thầm lặng giết con người.
13. Bốn cách trả lời của đức Phật: 1. Trả lời trực tiếp; 2. Trả lời bằng cách phân tách; 3. Trả lời bằng cách hỏi ngược lại; 4. Không cần trả lời mà im lặng.
14. Nếu bạn muốn người khác lắng nghe bạn nói, bạn nên để thì giờ lắng nghe họ nói.
15. Mỗi ngày nên nghe chút ít âm nhạc, đọc chút ít thơ, và xem một bức tranh đẹp để những việc làm bạn bận tâm trong cuộc sống không lấy mất những cảm giác về những nét đẹp mà trời phú cho con người.
16. Không nói dối, không nói lời thêu dệt, không nói lời chia rẽ, không nói lời mắng ác. (Bốn điều thiện trong Thập Thiện)
17. Đừng ngắt lời người khác.
18. Trước khi phán xét hãy lắng nghe cả hai bên.
Gs. Tôn Thất Bàng
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm