Khiêm hạ và khó nghèo
WGPSG -- Vậy là một ngày đại lễ Giáng sinh đã đi qua theo quy luật tất yếu của dòng thời gian. Tất cả những bầu khí tưng bừng, rộn ràng, vui tươi hớn hở cũng bắt đầu lắng dịu. Những cuộc vui chơi, mua sắm, ăn uống trong ngày lễ Noel cũng đã kết thúc. Con người đang trở về với dòng chảy nghiệt ngã của vòng xoáy cơm áo gạo tiền, với cuộc sống đô thị có lắm bon chen và nhiều sự tất bật, hối hả trong cuộc sống mưu sinh giữa chốn thị thành. Ở nhiều nơi trong khắp thành phố này, hang đá vẫn còn đó, tuy nhiên có lẽ có rất ít người tìm đến, để chiêm ngắm và cầu nguyện. Một em bé tên là Giêsu vẫn nằm im trơ trọi trong sự lặng lẽ và thờ ơ của con người. Phải chăng, sự khiêm hạ và nghèo khó nơi hang đá Chúa Giêsu sinh ra năm xưa, đã không thật sự là lý tưởng mà con người hôm nay đang khao khát tìm kiếm? Phải chăng sự khiêm hạ và nghèo khó của Chúa Giêsu dường như chẳng có liên hệ gì đến cuộc sống của con người đô thị hiện đại hôm nay?
Trước hết, xin được khởi đi từ cái nhìn quy vào dòng chảy lịch sử cứu độ của thời Cựu ước. Chúng ta nhận thấy số phận của những người nghèo khó luôn là đối tượng của lòng thương xót Chúa. Kinh Thánh Cựu ước thường đề cao những con người bé nhỏ và nghèo khó, đó là những con người đi đến sự tận cùng của một tầng lớp thấp kém, luôn bị xã hội loại trừ, khinh bỉ. Tác giả sách Huấn ca đã viết như sau: “Hãy rộng tay cứu giúp người nghèo khó, để con được hưởng trọn vẹn phúc lành” (Hc 7,32). Hay như tác giả của sách Thánh vịnh cũng đã viết như sau: “Vì Chúa nhận lời kẻ nghèo khó, chẳng coi khinh thân hữu bị giam cầm” (Tv 69,34). Điều này cho thấy Thiên Chúa luôn đứng về phía những con người nghèo khó, bé nhỏ trong xã hội loài người, để yêu thương và giải thoát những phận người cùng cực và đáng thương như thế. Hơn thế nữa, Thiên Chúa huấn luyện trái tim dân Ngài hãy biết mở ra và quan tâm đến những con người thấp bé và nghèo khó mà sách luật Môsê đã tóm lại một câu như sau: “Ngươi hãy yêu thương anh em như chính mình.”
Tiếp đến, theo dòng thời gian của lịch sử cứu độ, Ngôi Hai Thiên Chúa, là Đức Giêsu Kitô đã xuống thế làm người vì yêu thương những con người đau khổ, nghèo đói và tội lỗi: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (x. Ga 3,16) của Ngài cho thế gian. Vâng, một Thiên Chúa đã cúi mình xuống thật sâu để đến với con người thấp hèn, bất xứng như lời thánh Phaolô đã diễn tả: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-7). Kinh Thánh cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đã sinh ra trong một hang đá Bêlem lạnh lẽo và túng thiếu mọi điều. Ngài đã sinh ra và lớn lên trong một mái ấm gia đình vốn rất bình thường và thuộc tầng lớp nghèo trong xã hội Do Thái lúc bấy giờ.
Vậy thì điều gì đã quyết định việc Chúa giáng sinh trong những hoàn cảnh nghèo khổ như thế? Điều gì đã quyết định việc Chúa Giêsu đi đến sự tận cùng của khiêm hạ và nghèo khó? Đó chính là động lực tình yêu nơi mầu nhiệm Chúa Giêsu Giáng Sinh làm người: một tình yêu tự hạ và tự hủy, một tình yêu nhưng không và yêu cho đến cùng. Đó là một tình yêu trao ban tất cả như lời của một thần học gia diễn tả: “Nếu Thiên Chúa là tình yêu trọn hảo, tình yêu tuyệt đối, là chính Tình Yêu, Ngài chỉ có thể trao ban hoàn toàn chính mình… Ngài không còn là gì mà chỉ là trao ban tất cả, chỉ còn là sự trao ban. Thật sự, người ta có thể nói Ngài không còn gì nữa cho Ngài.”
Vâng, một Thiên Chúa đã chấp nhận trở nên nghèo khó để chúng ta được trở nên giàu có. Một Thiên Chúa vốn dĩ giàu sang, quyền năng “nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” vì yêu thương mỗi người chúng ta, những tạo vật thấp hèn, mỏng manh, bé nhỏ và bất xứng trước tình yêu vô tận của Thiên Chúa. Phải chăng, cũng như các mục đồng năm xưa, mỗi người chúng ta hôm nay đang thờ lạy “một trẻ thơ trong một chuồng bò nghèo xơ xác, thờ lạy Thiên Chúa của mình, hoàn toàn bé nhỏ, hoàn toàn yếu đuối, hầu như không có gì… Việc tôn thờ Thiên Chúa không dựa vào sự giàu sang và toàn năng, nhưng dựa vào một tình yêu vô cùng, Đấng trao ban vĩnh cửu” cho những người nghèo khổ, cho mỗi chúng ta và cho tất cả mọi người đang sống giữa lòng thế giới hôm nay. Vì thế, trong lời kinh Magnificat, có viết: “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư, người giàu có lại đuối về tay trắng.”
Cuối cùng, khi nhìn vào dòng chảy của cuộc sống văn minh đô thị hôm nay, dường như những người nghèo khó và thấp cổ bé miệng đang bị loại trừ, hất hủi. Những con người như thế thường không có một tiếng nói, không có một chỗ đứng trong xã hội. Con người hôm nay thường đề cao sự giàu sang và rất dễ quên lãng những con người nghèo khó, già cả, bệnh tật. Con người hôm nay thường đề cao sức mạnh của khoa học và phủ nhận sự quyền năng của Thiên Chúa. Vì thế, một khi con người ta luôn kiêu hãnh khẳng định thế lực của sự giàu có bởi tiền của và phương tiện vật chất thì con người khó có thể chấp nhận chọn lý tưởng nghèo khó để cảm thông và chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh xung quanh họ. Vì vậy, nhiều người nói vui rằng: “Nghèo khó nghĩa là khó mà nghèo”.
Thật vậy, xã hội loài người bao giờ cũng chứa đựng nhiều bất công nơi khoảng cách chênh lệch giữa người nghèo và người giàu. Vậy thì, con người cần phải làm gì để những khoảng cách chênh lệch ấy được rút ngắn? Phải chăng, đây chính là sứ điệp cốt lõi mà sự khiêm hạ và nghèo khó nơi Hài Nhi Bé Nhỏ Giêsu muốn gửi đến cho con người hôm nay? Phải chăng, nếu một ai đó cảm nhận được ý nghĩa cốt lõi của sự kiện Chúa giáng sinh làm người thì cho dù lễ Giáng sinh có qua đi nhưng tình Chúa và tình người vẫn còn đọng lại trong sâu thẳm tâm hồn của họ? Điều này có liên quan đến ý nghĩa cuộc đời của mỗi người chúng ta: chúng ta sống trên đời này để đi tìm điều gì? Đâu là ý nghĩa thật sự cho cuộc đời của mỗi chúng ta?
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm