Khối óc và Trái tim
Phụng vụ công giáo mừng kính chung trong ngày 29-6 hai vị thánh: Phêrô và Phaolô. Các ngài được sánh ví như hai yếu tố căn bản làm nên tòa nhà Giáo Hội: Phêrô là nền đá, Phaolô là trụ đồng. Nhờ nền đá mà móng nhà chắc chắn, nhờ trụ đồng mà tòa nhà vững vàng. Hơn hai ngàn năm trôi qua, biết bao sóng gió bão táp không thể làm chuyển lay căn nhà Giáo Hội. Suốt bề dày lịch sử, biết bao phong ba dồn dập không thể tiêu hủy công trình của Chúa Kitô.
Việc hai vị thánh được mừng kính chung gợi ý cho chúng ta suy tư về Thánh ý diệu kỳ của Thiên Chúa và về đức tin nơi các Kitô hữu.
Hai vị thánh xuất thân từ hai môi trường xã hội hoàn toàn khác nhau: Phêrô là một người dân chài, cương trực, đơn sơ, sớm hôm vui với con nước lên xuống, quen với cá tôm đi về. Phaolô là một học giả, kiến thức uyên thâm, đã có thời theo học những bậc thầy danh tiếng, nhiệt thành, hăng say tuân giữ truyền thống của cha ông (x. Gl 1,14).
Ơn gọi của hai vị thánh cũng khởi đầu từ hai bối cảnh hoàn toàn khác nhau: Phêrô được Chúa Giêsu gọi lúc đang vá lưới. Lời Chúa gọi mời có sức thuyết phục ông bỏ mọi sự, lập tức theo Chúa (x. Mc1 16-20). Phaolô đang hăng hái tìm bắt các Kitô hữu. Cú ngã ngựa và tiếng nói lạ đã làm thay đổi cuộc đời, từ đó ông trở thành môn đệ của Đức Giêsu (x.Cv 9,1-19).
“Hãy theo Thày!”, tiếng gọi đơn sơ mà có sức mạnh thuyết phục lạ lùng, khiến chàng trai dân chài, suốt đời gắn bó với sông nước, dứt khoát bỏ nghề để theo Chúa.
“Tại sao ngươi bắt bớ ta?” lời chất vấn mạnh mẽ làm mềm lòng một binh sĩ đang hầm hầm say máu, giúp ông quyết tâm gác kiếm để hoàn lương.
Với trái tim sẵn sàng rộng mở của Phêrô, Đức Giêsu đã đặt ông làm đá tảng cho ngôi nhà Giáo Hội.
Với khối óc uyên thâm và sẵn sàng phục thiện của Phaolô, Đức Giêsu đã chọn ông làm cột trụ nâng đỡ ngôi nhà của Người.
Nhờ tình yêu mà Giáo Hội trường tồn giữa bao sóng cả trần gian. Nhờ những suy tư giáo lý mà Giáo Hội vững chắc qua bao phong ba cuộc đời.
Hai con người, hai cuộc đời, hai vị thánh, cùng chung một lý tưởng, đó là phụng sự Đức Giêsu, sẵn sàng hy sinh mạng sống vì Danh Người. Cả hai đã làm chứng cho Chúa bằng việc hy sinh mạng sống và đạt được vinh phúc tử đạo.
Cả hai con người đều được Chúa kêu gọi, mỗi người một cách khác nhau. Cả hai đều giã từ quá khứ, khởi đầu một cuộc lên đường mới, mặc dù chưa biết rõ tương lai ra sao, nhưng một niềm xác tín. Họ đã thành công.
Sau này, Phaolô không ngần ngại nói về quá khứ của mình: “Trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót, vì tôi hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin” (1 Tm 1,13).
Phêrô đã được Chúa cảm hóa. Từ một con người cương trực nóng nảy đến mức sẵn sàng rút gươm chém đứt tai viên đầy tớ vị Thượng tế (x. Ga 18,10), ông đã trở thành một môn đệ khiêm tốn, chỉ còn thốt lên lời cam kết yêu thương: “Thưa Thày, Thày biết rõ mọi sự, Thày biết con yêu mến Thày!” (Ga 21,17).
Phaolô đã được Chúa chinh phục. Từ một người say máu và ham giết chóc, trở thành vị tông đồ dân ngoại, quy hướng niềm đam mê của nình về Đấng chịu đóng đinh như lý tưởng duy nhất của đời mình: “Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Ðấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Ðấng ấy chính là Ðức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1 Cr 1,22-24).
Nếu Đức Giêsu chỉ gọi Phêrô: Giáo Hội của Chúa sẽ chỉ bao gồm những người dân chài, những nông dân ít học hoặc những người sống bên lề xã hội.
Nếu Đức Giêsu chỉ gọi Phaolô: Cộng đoàn đức tin sẽ chỉ còn những người trí thức, giỏi giang, uyên bác với những triết lý cao vời.
Thánh ý của Chúa thật kỳ diệu. Ngài gọi Phêrô và Phaolô, để làm nên tính đa dạng của Dân Chúa. Giáo Hội của Chúa bao gồm những cụ ông cụ bà, suốt đời vất vả, chẳng một lần được học giáo lý, vậy mà vẫn vững vàng tuyên xưng: “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất…”. Giáo Hội của Chúa cũng gồm những nhà khoa học, những phi hành gia, những kỹ sư, bác sĩ và những người có bằng cấp học vị cao, nhưng vẫn chưa hoàn toàn thỏa mãn và tiếp tục kiếm tìm Chân lý. Họ ngỡ ngàng trước uy quyền của Thiên Chúa và thốt lên: “Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con, lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu” (Tv 8,2).
Phêrô cảm nhận Thiên Chúa bằng trái tim; Phaolô cảm nhận Thiên Chúa bằng khối óc. Trái tim của Phêrô luôn rộng mở, tuy có lúc chao đảo yếu đuối, nhưng thành tâm sám hối. Phaolô đầy nhiệt thành, với kiến thức thâm sâu, đã có thời đi lạc đường, nhưng nhanh chóng phục thiện.
Nếu chỉ cảm nhận Thiên Chúa bằng trái tim, đức tin có nguy cơ trở thành một thứ tình cảm ủy mị và dễ lầm lạc. Nếu chỉ cảm nhận Chúa bằng khối óc, đức tin có nguy cơ trở thành một mớ lý thuyết trống rỗng, vô hồn.
Qua cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu trên đường đi Đamát, đức tin thuần túy trí tuệ của Phaolô được bổ sung bằng tình yêu mến: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ðức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh. Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Ðấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8,35-37).
Qua những năm tháng thụ giáo nơi vị Ngôn sứ thành Nagiarét, đức tin mang tính tình cảm của Phêrô được tiếp sức bằng giáo huấn về Nước Trời. Ông được tăng thêm sức mạnh: “Nếu bị sỉ nhục vì danh Ðức Kitô, anh em thật có phúc, bởi lẽ Thần Khí vinh hiển và uy quyền, là Thần Khí của Thiên Chúa, ngự trên anh em. Ðừng có ai trong anh em phải chịu khổ vì tội giết người, trộm cắp, làm điều gian ác hoặc dây mình vào việc người khác; mà nếu có ai phải chịu khổ vì danh hiệu Kitô hữu, thì đừng xấu hổ, nhưng hãy tôn vinh Thiên Chúa vì được mang danh hiệu đó” (1 Pr 4,14-16)
Cuộc đời và sứ mạng của hai vị thánh cho chúng ta thấy, người Kitô đích thực là người đón nhận Chúa bằng trái tim và trí tuệ. Đó cũng là lý do tại sao mỗi tín hữu cần phải học giáo lý và chuyên cần cầu nguyện. Học giáo lý để hiểu biết Chúa. Cầu nguyện để mỗi ngày tiến sâu hơn vào huyền nhiệm tình thương của Ngài.
Qua cuộc đời của hai vị thánh, không ai trong chúng ta còn mặc cảm cho rằng mình không thể sống đức tin. Bởi lẽ ai cũng có thể đóng góp phần mình để xây dựng Giáo Hội. Những người nông dân, sớm hôm lặn lội ngoài đồng; những người trí thức, thi sĩ, nghệ sĩ, văn sĩ say sưa với những tác phẩm nghệ thuật; những người bệnh tật luôn chịu đựng những đau đớn thể xác cũng như tinh thần… tất cả mọi người đều được mời gọi thánh hóa bản thân, lắng nghe và thực thi Lời Chúa, là Lời đem lại cho họ niềm vui, bình an và hạnh phúc.
Xin Thánh Phêrô và Thánh Phaolô cầu bầu cho mỗi người chúng ta.
Hải Phòng 26-6-2012
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm