Không thể chạy trốn lương tâm!
WGPSG -- Vào sáng ngày 20/10/2010, nhân chuyến viếng thăm và ủy lạo tại “Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân” (Thủ Đức), tôi bàng hoàng và tim thắt lại khi một bé gái 6 tuổi, với đôi mắt ngây thơ thiên thần nhưng ẩn chứa nét buồn u uất, đã níu tay tôi hỏi: “Ông ơi, mẹ con ở đâu?”.
Nước mắt tuôn trào, tôi nói khỏa lấp: “Để ông gọi mẹ con về nhé?”. Nói xong, tôi vội quay đi nơi khác. Những giờ phút sau đó, lòng tôi cứ xốn xang, suy nghĩ mãi về những cha mẹ đang tâm bỏ rơi con mình khi mới lọt lòng mẹ! Không biết “Họ chạy trốn lương tâm hay lương tâm chạy trốn họ?”. Chính họ phải trả lời những câu hỏi của tòa án lương tâm: “Con cái của ông bà đâu? Nó đang làm gì? Sống chết ra sao?”. Nhìn những đứa trẻ cắp sách đến trường, họ cũng phải tự hỏi: “Con mình có được đi học không? Hay đang lang thang trên các vỉa hè, bới rác để kiếm sống?!..."
Trong mấy ngày qua, cả thế giới lo lắng cho 33 người thợ mỏ ở Chile đang lâm nạn. Tổng thống Chile S. Avalos xúc động ôm hôn người thợ mỏ đầu tiên vừa lên tới mặt đất trong nước mắt vui mừng của người thân và đội giải cứu. Thế mà, nơi chốn này, có những người mẹ đứt ruột sinh con ra, lại đành đoạn bỏ rơi đứa con thơ dại ấy?
Cô Bảo mẫu cho tôi biết, thỉnh thoảng có những phụ nữ lui tới, trợ cấp tiền bạc cho Trung tâm và vui chơi với các cháu cả buổi. Họ là những ai? Câu hỏi còn bỏ ngỏ, không lời giải đáp, song tôi tin rằng: “Lương tâm không chạy trốn họ, nhưng chính họ không thể chạy trốn lương tâm”.
Ông Phó Giám đốc Trung tâm trăn trở:
“Tâm lý của các cháu khi lớn lên, tiếp xúc với cộng đồng xã hội sẽ là vấn đề nan giải. Cộng đồng vẫn còn phân biệt đối xử với các cháu, nên sự hội nhập của các cháu còn bị hạn chế. Chúng tôi rất lo sau hai năm nữa, những em trên 16 tuổi, Trung tâm không còn chế độ nuôi dưỡng ăn ở, thì các cháu sẽ ra sao? Chúng tôi đang cố gắng kiếm chỗ cho các cháu học nghề và giới thiệu việc làm để các cháu tự mưu sinh. Những cháu còn khả năng học tiếp, chúng tôi đang vận động nguồn kinh phí để hỗ trợ các cháu vừa học vừa làm. Thật hạnh phúc cho các cháu nếu có đơn vị nào quảng đại tài trợ để các cháu được sống với nhau đến khi tự lập.
Tim tôi mãi thổn thức và khắc khoải với những nỗi ưu tư và trăn trở trên đây. Thật lòng, tôi rất cảm kích và tri ân những “tấm lòng vàng”, đã hảo tâm đóng góp cho công việc nuôi dưỡng và giáo dục các cháu bất hạnh này.
Mong sao các bậc phụ huynh, hãy chu toàn bổn phận làm cha làm mẹ, để các trẻ em được sống trong vui tươi, ngây thơ và hồn nhiên như Lời Chúa mời gọi: “Hãy trở nên như trẻ nhỏ vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng" (Mc 10,14).
Đôi nét về Trung tâm
Ngày 22/4/2010, Sở LĐTB-XH TPHCM công bố quyết định thành lập Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân tại số 30/3 đường Bà Giang, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức. Trung tâm đang nuôi dưỡng 115 trẻ em từ sơ sinh đến 14 tuổi đã bị nhiễm HIV/AIDS, được chia thành 3 Khoa như sau:
- Khoa Sơ sinh: nuôi dưỡng 23 trẻ từ sơ sinh đến 18 tháng tuổi.
- Khoa Măng non: nuôi dưỡng 31 cháu từ 19 tháng tuổi đến 5 tuổi. Tùy theo lứa tuổi, các cháu được phân về học tập ở các lớp, do Trung tâm thuê giáo viên ở ngoài vào dạy.
- Khoa Tuổi thơ: nuôi dưỡng 61 cháu từ 6 tuổi đến 14 tuổi. Các cháu được gửi đến học tập ở các trường gần Trung tâm. Khi ra ngoài học, các cháu vẫn bị mặc cảm dù nhà trường cố dấu lai lịch của các cháu. Khi nhìn các bạn cùng trang lứa được cha mẹ đưa đón, các cháu thường hay đặt những câu hỏi về cha mẹ, gia đình… Các cô Bảo mẫu phải thật khéo léo để ổn định tâm lý các cháu.
Vì thế, Trung tâm cũng đề nghị trong bài phóng sự này, không đưa hình ảnh các cháu lên mặt báo điện tử, để sau này các cháu không bị mặc cảm.
Nguồn kinh phí hiện nay được Sở LĐTB-XH TPHCM trợ cấp là 450.000$/1 cháu/1 tháng. Ngoài ra, Trung tâm đang nhờ các Tổ chức Phi Chính phủ, cũng như quý vị ân nhân trong và ngoài nước giúp đỡ.
bài liên quan mới nhất
- Thư ngỏ về việc tổ chức Ngày Thế giới Người nghèo 2020
-
Phóng sự: Caritas Việt Nam đồng hành cùng người khuyết tật -
Caritas Việt Nam: Tập huấn “di cư an toàn và phòng tránh buôn người” -
Tin mừng cho người khuyết tật -
Thư ngỏ của Hội Saint Lucas và Caritas Việt Nam -
Caritas Việt Nam: Ngày thứ III – Bế Mạc Hội Nghị 2019 -
Caritas Việt Nam: Khai mạc Hội nghị Thường niên 2019 -
Caritas Việt Nam: Bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta -
Caritas Việt Nam: Gieo niềm hy vọng -
Caritas Việt Nam: Phóng sự Caritas Việt Nam đồng hành cùng sự nghiệp trồng người
bài liên quan đọc nhiều
- Caritas Việt Nam: Khai mạc Hội nghị Thường niên 2019
-
Đêm nhạc gây quỹ 'Nhịp cầu Caritas 6' -
Caritas Việt Nam: Thư ngỏ chương trình Nhịp Tim Yêu Thương -
Caritas Tổng Giáo phận Sài Gòn tĩnh tâm Mùa Chay -
Caritas TGP. Sài Gòn trao tặng xe lăn, xe lắc cho người già, người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn -
Tin mừng cho người khuyết tật -
Thư ngỏ của Hội Saint Lucas và Caritas Việt Nam -
Thư ngỏ về việc tổ chức Ngày Thế giới Người nghèo 2020 -
Caritas Việt Nam: Gieo niềm hy vọng -
Caritas Việt Nam: Tập huấn “di cư an toàn và phòng tránh buôn người”