Lá thư gửi bạn số 3: Người mẹ nhân loại
Bạn thân mến
Chiều hôm qua, Chúa nhật 05-09-2010, hòa mình trong dòng chảy sinh hoạt Năm Thánh 2010 của Giáo hội Việt Nam, Hội Các Bà Mẹ Công giáo thuộc Tổng Giáo phận Tp.HCM đã tổ chức Đại hội Mừng Năm Thánh thật hoành tráng và cảm động tại Trung tâm Mục vụ TGP. May mắn, tôi là khách mời trong buổi Đại hội đó, bạn ạ!
Nếu bạn được hân hạnh tham dự buổi Đại hội này, bạn sẽ phải ngạc nhiên cảm nhận niềm phấn khởi, rạng rỡ lộ rõ trên hơn 800 gương mặt các bà mẹ đến từ mọi giáo xứ lớn nhỏ tận các ngõ ngách của một thành phố sinh động, nhưng cũng xô bồ và phức tạp bậc nhất. Người người như một, các chị đã đến đây với một tình hiệp thông gắn bó, và một niềm xác tín cao độ để quyết tâm nhìn về tương lai với biết bao thách đố trong trách nhiệm làm vợ, làm mẹ mà họ đang lãnh nhận không than van, không hối tiếc qua lăng kính đảm đang, hy sinh, cần mẫn truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.
Nghi thức chào mừng Năm Thánh qua màn ca múa: “Đây mùa hồng ân” thật uyển chuyển, rực rỡ, vui tươi và sinh động vừa dứt, toàn thể cử tọa lại gần như bất động vì tâm tư đã bị cuốn hút từ một lời chứng thật buồn của một đại diện giáo hạt Tân Sơn Nhì. Người mẹ này đã chia sẻ tâm tình đau khổ của một bà mẹ có một cậu ấm, với quá trình học tập xuất sắc, bỗng dưng rời bỏ giảng đường đại học, đi ngang về dọc, và bà còn bấn loạn hơn nữa khi cậu này cũng giã từ nhà thờ, giáo xứ nơi cậu đã khắng khít từ thuở lên ba. Chị rơm rớm nước mắt kể lại quá trình, ròng rã năm năm liền, chạy vạy khắp đền thánh này sang đền thánh khác, từ Đức Mẹ Fa-ti-ma đến Đức Mẹ La-mã… để nhờ ơn thiêng, sức thánh lôi kéo cậu con trai ấy trở về vị trí thật mà cậu phải về.
Chị không dám sánh mình với Mẹ thánh Mo-ni-ca, nhưng chị kể là chị đã khóc ngày khóc đêm vì đứa con trai này. Tôi liếc thấy có nhiều gương mặt cử tọa đang hơi cúi xuống như để giấu hai hàng nước mắt đang ứa ra như thủy triều dâng lên chầm chậm tràn lên bờ đê. Họ đồng cảm với nỗi đau của bà mẹ nơi giáo hạt Tân Sơn Nhì ấy. Mỗi bà mẹ đều có nỗi khổ riêng, và họ cũng đang khóc cho riêng mình, phải không bạn?
Khi người mẹ, chứng nhân của ân sủng, bị sốc lúc nghe cậu con trai hai mươi lăm tuổi ấy tỏ ý, thật sự, muốn theo ơn gọi thánh hiến, chị vội vàng đến nhờ sự hướng dẫn của cha xứ, dụng cụ thánh của Thiên Chúa, và cha xứ đã dẫn cậu đến với ơn gọi linh mục, thì mọi người hiện diện đã thở phào nhẹ nhõm: mừng cho công trình cứu độ của Lòng Thương xót Chúa đã thực hiện nơi hai mẹ con chị.
Để minh họa cho biết bao lòng mẹ thánh thiện khác đã cưu mang những đứa con thánh hiến khác trong Tổng Giáo phận, trong cả đất nước này, các bà mẹ đã diễn lại thánh cảnh hy sinh của Mẹ thánh A-nê LÊ THỊ THÀNH. Không hẹn mà gặp, ba hoạt kịch tiếp theo của cả ba giáo hạt Tân Định, Xóm Mới và Chí Hòa đều tôn vinh thánh nữ A-nê THÀNH, thánh bổn mạng của Hội Các Bà Mẹ Công giáo thuộc TGP. Tuy nhiên, mỗi hoạt kịch, qua kỹ thuật dàn dựng hóa trang công phu, đều đã nêu lên những khía cạnh độc đáo về ơn tử đạo của thánh nữ. Các chị đã cống hiến cho khán giả một thoáng nhìn toàn cảnh về Ngài. Do đó, khán giả thuộc mọi lứa tuổi đều say mê thưởng thức, hưởng ứng, và nổ nhiều tràng pháo tay hoan nghênh nhiệt liệt.
Tôi không nói ngoa đâu. Tiếc là hôm ấy bạn không có mặt để chứng thực cho tôi. Bằng chứng là hoạt kịch thứ ba của giáo hạt Chí Hòa, cùng một đề tài về thánh A-nê THÀNH, cũng đã khéo léo khiến nhiều khán giả phải chảy nước mắt lần thứ ba, trong số đó có cả tôi nữa đấy…
Trước thánh lễ, ĐHY Tổng Giám mục đã gợi lại cho các chị về hình ảnh bà nội của ngài, thường ngồi trên bộ ván gõ, tay cầm cỗ tràng hạt màu đen, lẩm nhẩm cầu nguyện cho con cháu, đặc biệt cầu cho ngài mãi bền đỗ trong ơn gọi thánh hiến. Thật là một tấm gương giản dị, bạn nhỉ?
Đức cha Stê-pha-nô, Giám mục phó Giáo phận Cần Thơ đã chủ tế Thánh lễ Chúa nhật kết thúc đại hội. Trong bài giảng, ngài đã ví cuộc đời như một vở kịch lớn đầy màu sắc, Thiên Chúa là vị đạo diễn vĩ đại, tài ba. Điều cần là mỗi người phải nhập vai để diễn xuất cho đạt vai diễn Chúa giao cho mình, dù vai đó là vua hay lính, sang hoặc hèn, vui hay buồn...
Các bà mẹ chắc hẳn đã cảm nghiệm được hơn ai hết về vai trò người vợ và người mẹ trong gia đình, một vai diễn khó, đầy cay đắng, mồ hôi và nước mắt… Có lẽ anh cũng đồng ý với tôi: Có nhập vai mới cảm nghiệm được vai diễn. Do đó, nếu dùng lời nói, dùng văn chương để diễn đạt vai trò người phụ nữ trong gia đình thì cánh đàn ông chúng mình đành bó tay phải không bạn?
Trong Thánh lễ chiều hôm đó, và mãi về sau, tôi luôn nguyện cầu Mẹ Maria và thánh A-nê Thành cầu bầu cùng Chúa Ba Ngôi đổ tràn hồng ân thiên thượng xuống trên một nửa nhân loại này, những người phụ nữ tuyệt vời. Với Chúa đồng hành, họ sẽ diễn tốt vai diễn của mình, lúc đó thế giới này hẳn là tuyệt vời trên cả tuyệt vời, phải không bạn?
Nếu tôi được đại diện cho chồng, cho con trong gia đình, hay đại diện cho giới mày râu nói lên lời tri ân các bà mẹ thì tôi không dám thốt lên lời, vì tôi cảm thấy mọi ngôn từ của mình đều khập khiễng và ngô nghê. Tôi xin mạn phép mượn lời tri ân của ĐGH BIỂN ĐỨC 16 đã trân trọng gửi đến các chị em phụ nữ, mà chị Maria Nguyễn Thị Ngọc, Hội trưởng Hội Các Bà Mẹ Công giáo TGP đã nêu lên cuối đại hội để tuyên dương và khích lệ các bà mẹ. Ngày 01-09-2010, trước năm ngàn người tại quảng trường Thánh Phê-rô, ngài đã nhắc lại bức Tông thư của Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II như sau:
"Giáo hội cảm ơn mọi biểu lộ của các thiên tài nữ giới đã xuất hiện suốt dọc dài lịch sử giữa mọi dân tộc, mọi quốc gia. Giáo hội cảm ơn vì mọi đặc sủng mà Chúa Thánh Thần đã rộng ban cho người phụ nữ. Giáo hội cảm ơn vì mọi chiến thắng Giáo hội có được là nhờ đức tin - đức cậy - đức mến của người phụ nữ. Giáo hội cảm ơn về những hoa trái sự thánh thiện. Đó chính là phẩm giá của người phụ nữ trong vai trò quý báu đã và đang tiếp tục nắm giữ trong đời sống Giáo hội".
Tôi xin gửi lời tri ơn trên đây đến Chị nhà thay cho lời kết thư nhé.
Thân mến chào bạn.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm