Lặng thầm bên Cha cố Antôn
WGPSG -- Mồng 08 tháng 02 hằng năm, ngày giỗ Cha cố Antôn Phạm Đình Trọng - Nguyên chánh xứ giáo Hà Nội, tôi thường đến viếng mộ ngài tại nghĩa trang dành cho các linh mục (phía sau nhà hưu dưỡng Phát Diệm Sàigòn), tôi cứ suy nghĩ mãi về hàng chữ: “Xin đừng quên chúng tôi” (Do not forget us) được ghi dưới chân cây Thánh giá. Dẫu biết rằng, giáo dân Việt Nam luôn nhớ đến các giám mục, linh mục, tu sĩ, ông bà tổ tiên và những người đã khuất, nhưng tôi vẫn thấy ngậm ngùi, băn khoăn, không sao diễn tả. Thế nhưng, sau khi tâm hồn lắng đọng, trầm tư suy nghĩ, bao kỷ niệm về Cha cố Antôn đã ùa về trong tôi, mọi việc tưởng như mới ngày nào:
Cha cố Antôn: Trách nhiệm đời tận hiến
Cha cố Antôn Phạm Đình Trọng sinh ngày 15/5/1922 tại Tuy Xá, miền Bắc. Ngài lãnh nhận thiên chức linh mục ngày 31/5/1953. Sau năm 1954, ngài làm chánh xứ giáo xứ Tam Hà. Đến cuối năm 1959, ngài nhậm chức chánh xứ giáo xứ Hà Nội. Ngay sau đó, ngài đã bắt tay vào việc xây dựng nhà thờ mới để giáo dân có chỗ phụng tự, ổn định cơ cấu tổ chức giáo xứ, mở trường học để chăm lo việc giáo dục cho con em trong giáo xứ:
- Đầu năm 1960, ngài xin phép mở trường Sơ cấp, với 4 lớp học Mẫu giáo trong dãy nhà tôn cấp 4. Trong ngôi trường nhỏ bé này, biết bao thế hệ đã được giáo dục và trưởng thành.
- Đến năm 1961, ngài khởi công xây dựng ngôi nhà thờ mới, là ngôi nhà thờ lớn nhất hạt Xóm Mới thập niên 1960.
Đây là quãng thời gian tôi đã được ngài trao ban các Bí tích, và để lại cho tôi nhiều dấu ấn khó quên:
Trong thời gian xây dựng nhà thờ mới, sau giờ học buổi chiều khi thợ xây đã nghỉ ngơi, chúng tôi thường xúm lại để phụ ông Tang xếp gạch cho gọn, hoặc phụ ông đúc các lam thông gió... Lúc đó, chúng tôi không có ý thức góp sức xây dựng nhà thờ, nhưng chỉ chờ Cha cố Antôn ra phát kẹo bánh hoặc đậu phộng rang, rồi nhanh chóng chào cha để về nhà.
Sau hơn một năm xây dựng, nhà thờ được khánh thành năm 1963. Ngôi nhà thờ rộng thênh thang nhưng chưa có ghế mới. Những ghế cũ (băng ghế không lưng tựa) được sử dụng lại và thay thế dần, cho đến năm 1975, những hàng ghế này vẫn được dùng cho thiếu nhi.
Nghĩ lại, thiếu nhi chúng tôi lúc đó thật ngoan ngoãn, chăm chỉ đi lễ chiều, và đi Chầu Thánh Thể vào các chiều Chúa nhật, cũng như thứ Năm, thứ Sáu, thứ Bảy đầu tháng. Trước giờ lễ, ngài thường đi rảo quanh nhà thờ, và gọi tên từng đứa khi ngài gặp, điều này khiến chúng tôi thật vui khi biết ngài nhớ tên mình, nhưng rất sợ khi đi lễ trễ hoặc hôm trước không đi lễ.
Đến năm 1964, tôi vào hội giúp lễ. Trước khi gia nhập hội, chúng tôi phải học thuộc các bản kinh Latinh (thời điểm đó, quý cha còn làm lễ bằng tiếng Latinh và quay lên), và ngài đích thân khảo kinh, nếu thuộc mới được vào hội. Khi trở thành thành viên hội giúp lễ, chúng tôi rất tự hào và chăm ngoan, siêng năng đi lễ rất sớm và ngồi chung với nhau, đọc kinh thật to và đều... Vui nhất là vào các chiều thứ Bảy, sau khi họp xong, chúng tôi chia nhau làm vệ sinh cung thánh, các cửa sổ nhà thờ... và quy tụ lại để được cha cố Antôn chiêu đãi bánh, trái cây, kem, hoặc chè mua của ông Lự...
Thế rồi, tuổi ấu thơ dần qua đi, năm 1967, tôi nhập học dòng Don Bosco Gò Vấp. Tết Mậu Thân năm 1968, nhà tôi bị cháy, cha Antôn đã gọi tôi vào ở với ngài, trong khi chờ nhập học lại. Tôi còn nhớ mãi những bữa cơm đạm bạc được ăn chung với ngài. Lúc đó, cô Nhị thường hái rau muống ở dưới ao nhà xứ mang ra chợ bán để mua đồ ăn. Tôi học được ở ngài sự tiết kiệm: nấu cơm và đồ ăn vừa đủ, hai cha con phải ăn cho hết, không được để lại qua bữa sau kẻo hư (vì lúc đó chưa có tủ lạnh).
Sau này, khi lớn lên, tôi mới nhận ra rằng ngài tiết kiệm từng đồng để trả nợ tiền xây dựng nhà thờ. Dẫu vậy, đến năm 1969, ngài lại bắt tay vào việc xây dựng lại trường học và xin phép mở trường Tiểu học Hiện Tại (nay là trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm, cơ sở 2).
Và rồi, thời thế đổi thay, đất nước thống nhất, một lần nữa, tôi lại được ở bên ngài trong những giờ phút trọng đại này, cùng với anh Ngọc, anh Hiển và anh Tài. Đêm 29/4/1975, sau khi theo Cha phụ tá Giuse Nguyễn Văn Thụy đi cáng người bị thương về nhà xứ cho ông y tá Hậu (nay là ông cố Hậu) chăm sóc, tôi thấy ngài ngồi ở bàn, khuôn mặt thật buồn và đăm chiêu! Ngài chỉ cho chúng tôi chỗ để “sổ ghi lễ” và dặn dò: “Nếu cha có mệnh hệ gì, thì các con hãy cầm sổ lễ này, nhờ cha khác dâng lễ thay cho cha”.
Cha cố Antôn: Nỗi ưu tư vẫn còn đó
Sau biến cố 1975, ngôi trường Tiểu học Hiện Tại do Nhà nước quản lý, các nguồn thu để trả nợ tiền xây dựng trường không còn, nhưng ngài vẫn một lòng trông cậy vào sự quan phòng của Thiên Chúa và tiếp tục sứ vụ mục tử trong tin yêu và phó thác. Ngài nhậm chức Hạt trưởng để cùng quý cha, duy trì các sinh hoạt tại các giáo xứ. Có lẽ, hình ảnh cha Hạt trưởng đầu đội nón cối, đạp xe đạp đến các giáo xứ, gặp gỡ quý cha không mấy ai quên. Theo ngài, đây là cơ hội để ngài đến từng giáo xứ, gặp gỡ các linh mục hầu hiểu hết nội tình trong giáo hạt hơn.
Những năm sau này, sau giờ tập hát buổi tối, tôi thường ở lại nói chuyện với ngài, và được ngài cho biết: “Chắc anh không hiểu được tâm trạng của linh mục lớn tuổi đâu! Giờ này, những người đồng trang lứa, đang quây quần bên con cháu, sống trong bầu khí gia đình với niềm vui và những ưu tư đời thường, còn tôi thui thủi một mình… Nhưng tạ ơn Chúa, vì tôi đã trung thành và đi đến cuối chặng đường, đó chính là niềm hạnh phúc và là lẽ sống của tôi những tháng ngày còn lại”. Vâng, đời người linh mục càng dài thì người linh mục càng hạnh phúc, vì đã dâng hiến tất cả cho Thiên Chúa.
Thế rồi, năm 1983, cơn bệnh hiểm nghèo đã ập đến với ngài, suốt 5 năm nằm trên giường bệnh nhưng không một lời thở than. Ngài đã bước theo Thầy Giêsu trên con đường thập giá. Để rồi, nụ cười vẫn nở trên môi dù mỏi mệt mà vẫn không từ chối ban ơn Xá giải. Những ngày hối hả công việc giáo xứ mà vẫn tha thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể. Những giây phút rã rời, bệnh hoạn mà vẫn dâng Thánh lễ sốt sắng. Vâng, tình yêu Chúa trở thành những hạt lúa miến, đi tới đâu biến thửa đất thành ruộng mạ tới đó. Ngài đã từ bỏ cuộc sống sang trọng để biết sống cho người nghèo. Vì Chúa Giêsu đã phán: “Ta đến là để phục vụ chứ không phải để được phục vụ” (Mt 20, 28).
Và rồi, ngày đau buồn của giáo xứ cũng đến, Cha cố Antôn đã về trình diện Chúa vào rạng sáng ngày 08/02/1988. Vâng, biết nói sao đây, tôi xin mượn lời sách Huấn ca: “Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước, nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành. Dòng dõi các người sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ. Các ngài sẽ được mồ yên mả đẹp, và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế” để tri ân và xin Chúa sớm đưa linh hồn Cha cố Antôn về hưởng Thánh Nhan Chúa.
“Xin đừng quên chúng tôi”
Suy cho cùng, câu nói trên không chỉ dành cho người đã chết, nhưng còn cho cả chúng ta là những người đang sống, đặc biệt các ngày giỗ, tháng cầu nguyện cho các linh hồn...
- Người chết quy tụ người sống: Chính người chết đã quy tụ chúng ta lại, để cầu nguyện cho họ, nhưng ngược lại chúng ta cũng đang xin họ cầu nguyện cho chúng ta.
- Người sống quy tụ người sống: Linh mục quy tụ cộng đoàn hiệp dâng Thánh lễ cầu nguyện cho tín hữu đã qua đời, nhưng chính nghĩa cử chúng ta làm hôm nay, con cháu sẽ làm lại cho chúng ta mai sau.
Thánh Vincent Ferrier nói: “Những nỗi thống khổ của các linh hồn nơi luyện ngục rất lớn, cho nên một ngày ở đó cũng như ngàn ngày đối với họ”. Vì thế, chúng ta hãy năng cầu nguyện cho các linh hồn. Hãy nhớ đến ngày sau cùng của đời mình và cùng nhau tâm niệm:
Những gì tôi tích trữ nay không còn nữa.
Những gì tôi mua sắm nay người khác sài.
Những gì tôi cho đi nay mới là của tôi.
Nhờ những lời cầu nguyện cho nhau, chúng ta tin rằng trong ngày sau hết, chúng ta sẽ cùng chung hưởng vinh phúc Nước Trời. Bởi lẽ, ai trong chúng ta cũng đã hơn một lần xác tín cùng Chúa rằng: “Chúa chính là gia nghiệp và là phần phúc của con” (Tv 15).
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm