Lễ hội Giáng Sinh cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
WGPSG -- Nhớ lại cách đây một năm, chị Phượng và tôi - hai thành viên truyền thông mới ra trường - cùng đi với nhau để giúp nhau thực hiện bản tin về “Thánh lễ Giáng Sinh dành cho người khuyết tật” vào sáng 25-12-2015 tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sài Gòn. Thắm thoát thế mà đã một năm rồi!
Hôm nay 16-12-2016, tôi lại được được phân công đi viết bài cho Lễ Hội Giáng Sinh dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại Trung tâm Mục vụ TGP.TPHCM. Tôi đã từng có mặt ở lễ hội này trong nhiều năm. Lúc thì trong cương vị nhân viên Caritas trao quà cho các em khuyết tật. Khi thì là Giáo viên đưa học sinh có hoàn cảnh khó khăn tham dự. Và năm nay thì trong cương vị thành viên truyền thông đưa tin. Vừa đi lấy dữ liệu, vừa nhớ về những năm xưa...
Tôi nhớ nhất thời gian dạy lớp Tình Thương ở số 10 Phan Đăng Lưu, Bình Thạnh. Trường có 2 lớp Mẫu giáo, 4 lớp Tiểu học. Học sinh không nhiều, nên tôi phụ trách lớp Ba và lớp Bốn. Một giờ trưa các em đã tập trung, Sr phụ trách cho gọi mấy chiếc xe taxi 7 chỗ, cho các em "nhét" vào; mỗi xe kèm theo một giáo viên chạy về Trung Tâm Mục Vụ.
Là học sinh khó khăn, nên cũng rất đúng cho các em học sinh của tôi khi các em tham gia "Lễ Hội Giáng Sinh dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt". Cầm mấy tem phiếu trong tay, các em tính toán với nhau: Ăn món gì? Chi vào việc gì? Món nào ngon, món nào dở? Các em đi dò xét và bàn tán với nhau rôm rả lắm! Tôi dặn các em:
- Đói bụng chưa? Để túi xách cạnh đây cho cô giữ, dắt nhau đi ăn, đừng để lạc nhau, thích món gì thì ăn món đó, đừng ăn cố… tức bụng khó chịu đó nhen. Phiếu lấy quà thì chọn món nào em bé mình ở nhà thích, đổi về cho em, mình đi chơi, ăn uống no nê, cũng nhớ đến em mình ở nhà tý nhen… Thôi đi đi… nhớ lời cô dặn.
Ngồi với một đống ba lô túi xách bên cạnh, nhìn theo bước chân của học sinh mà lòng thật xúc động. Ước gì có nhiều ngày lễ hội như hôm nay cho các em vui!
Tuổi thơ rồi cũng theo thời gian đi qua, nhưng vẫn là tuổi đẹp nhất! Thế mà, trót sinh trong hoàn cảnh khó khăn của gia đình, các em cũng phải cam chịu những khó khăn của cuộc sống không kém gì những người lớn phong trần. Đứa thì đi học mang theo trong cặp một tập vé số bán trước giờ vào lớp. Đứa thì mang theo em bé ngồi chờ ở hiên lớp học, cho cha mẹ rảnh tay đi kiếm miếng cơm. Rất nhiều hoàn cảnh cay nghiệt như thế dành cho các em khi vẫn còn trong tuổi ấu thơ. Nên, có những ngày như hôm nay các em vui lắm. Thế mà nhiều khi các em không được tham dự. Cha mẹ quá khó khăn, không cho các em đi học thì không được, sợ con không biết chữ lại khổ như mình. Nhưng hễ có một ngày được nghỉ học để vui chơi gì đó… thì bắt các em ở nhà giúp việc ngay, không cho đi với nhà trường. Giáo viên phải can thiệp lắm các em mới được đến vui chơi như thế này. Thương các em thật nhiều, nhưng biết làm sao hơn?
Đang suy tư, bỗng nghe tiếng gọi: Cô! Cô! Cô! Ngước lên thì đám học sinh ở Trường Tình Thương Bình Triệu nhìn thấy cô giáo của mình, nên gọi. Tôi dạy ở trường này một niên khóa nhưng hai lớp. Ban đầu dạy giùm cho cô bạn năm lớp Hai. Sau đó các Sr nhờ dạy thêm niên khóa mới lớp Một. Cô trò bất ngờ gặp nhau thật vui vẻ, các em nay khác lắm rồi, lớn thấy rỏ, nhất là các em lớp lớn (4,5) ra dáng lắm. Hỏi thăm nhau rối rít . Tôi cố tình đưa mắt tìm xem em học trò mà tôi lưu ý nhất có đi không? Không thấy đâu, tôi vội hỏi:
- V. không đi sao?
- Dạ, mẹ nó không cho đi bắt ở nhà phụ giúp mẹ bán hàng .
Chào hỏi xong các em phải về chỗ của Trường mình cho có trật tự.
Học sinh ở đây phức tạp hơn số 10 Phan Đăng Lưu. Cậu bé mà tôi để ý, bé tý xíu, học lớp Một, lanh lẹ nên học được, nhưng chữ thì lem luốc, nếu cô không thường xuyên để mắt đến. Cậu bé hay nghỉ học, lại đi học trể, cô hỏi thì trả lời lí nhí, chỉ nghe được là phải giúp việc cho mẹ.
Nhưng có một hôm một bạn lên tiếng: “Nó hít keo chó đó cô!”
Cô nhìn theo tiếng nói, nhưng chẳng hiểu em nói gì? Thấy tụi nó lừ lừ nhau, cô đến gần hỏi nhỏ:
- Có gì mà "trừng trợn" bạn vậy?
- Dạ, bạn ấy nói bậy đó cô.
- Nói gì bậy đâu nào? Cô có thấy gì đâu? Cô nghe nói “hít keo chó” là sao?
Nó lắm léc nhìn tôi, các bạn nhao nhao lên: “là hít keo chó, là "phê" đó cô…”
Thật tình cô chẳng hiểu chuyện gì, nhưng cũng có linh cảm là việc không tốt.
Cho cả lóp tiếp tục bài học rồi tìm hiểu sau.
Bé tí thế, người ốm nhom , ốm nhách mà làm chuyện như thế!
Hỏi ra thì anh em nhà thằng bé đông, các anh nó làm thế, nó làm theo, rồi quen đi. Đọc trên báo mới biết đó cũng là dạng ma túy rẻ tiền, tụi nhỏ bụi đời hay xử dụng. Tội nghiệp thằng bé có biết gì tai hại đâu nhỉ? Thương nhiều hơn là ghét, tôi tìm cách gần gũi hỏi thăm và dỗ ngọt em đi học đều, hứa với cô là không làm chuyện ấy nữa, em gật đầu và thay đổi rỏ.
Quần áo tươm tất hơn, không đầu bù tóc rối như xưa, đi học đến sớm chơi chung với các bạn hơn lúc trước cứ trầm ngâm nhìn các bạn chơi mà không thấy ham chơi một tý nào.
Thấy em tìm lại được nụ cười của tuổi thơ, tôi vui lắm. Rồi hằng ngày thấy em theo chúng bạn, đến trường với mái tóc vừa tắm chưa khô, quần dài ái sơ mi đàng hoàng không còn quần tà lỏn mặt mũi lem luốt lang thang ở đâu mới về như hôm nào. Một lời khen làm em cười bẽn lẽn,.. Tôi hy vọng nhiều ở em…
Rồi đột ngột tôi chuyển đi nơi khác, không báo trước cho các em, cũng không biết cảm xúc các em như thế nào, thương các em lắm… nhưng sự đời đâu mãi theo như ý mình….
Gặp lại các em vừa vui, lại vừa buồn ,vì không biết giờ này em V. ra sao? Có thay đổi được không? Có ai gần em để nhắc nhở thăm hỏi… cho em thấy là cũng có người thương em, quan tâm đến em nhiều không?...
Năm nay đi theo viết bài, rảnh rỗi hơn mọi năm và có thời gian hỏi thăm em được nếu em có mặt. Nếu tiếp tục học, có lẽ em đang học lớp Năm. Mong sao biết được tin tức thêm về em, và về những học sinh thân yêu của tôi ở các Trường Tình Thương Bình Trị Đông, Bình Triệu, Phan Đăng Lưu,…
“Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn” là thế đấy! Rất là nhiều hoàn cảnh mà mình không ngờ đến được…. Chỉ biết dâng lên Chúa, cầu xin Chúa cho các em được cơm no áo ấm hơn, cầu cho gia cảnh các em bớt bi đát hơn, để tuổi thơ các em có nụ cười vui hơn.
Ngồi viết bài này tôi vẫn cảm thấy phảng phất quanh tôi mùi khét nắng trên mái tóc rối bù của các học trò của tôi… Thương lắm những mảnh đời khắc nghiệt!
Viết trong ngày Lễ Hội 2016 tại Trung tâm Mục vụ
bài liên quan mới nhất
- Thư ngỏ về việc tổ chức Ngày Thế giới Người nghèo 2020
-
Phóng sự: Caritas Việt Nam đồng hành cùng người khuyết tật -
Caritas Việt Nam: Tập huấn “di cư an toàn và phòng tránh buôn người” -
Tin mừng cho người khuyết tật -
Thư ngỏ của Hội Saint Lucas và Caritas Việt Nam -
Caritas Việt Nam: Ngày thứ III – Bế Mạc Hội Nghị 2019 -
Caritas Việt Nam: Khai mạc Hội nghị Thường niên 2019 -
Caritas Việt Nam: Bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta -
Caritas Việt Nam: Gieo niềm hy vọng -
Caritas Việt Nam: Phóng sự Caritas Việt Nam đồng hành cùng sự nghiệp trồng người
bài liên quan đọc nhiều
- Caritas Việt Nam: Khai mạc Hội nghị Thường niên 2019
-
Đêm nhạc gây quỹ 'Nhịp cầu Caritas 6' -
Caritas Việt Nam: Thư ngỏ chương trình Nhịp Tim Yêu Thương -
Caritas Tổng Giáo phận Sài Gòn tĩnh tâm Mùa Chay -
Caritas TGP. Sài Gòn trao tặng xe lăn, xe lắc cho người già, người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn -
Tin mừng cho người khuyết tật -
Thư ngỏ của Hội Saint Lucas và Caritas Việt Nam -
Thư ngỏ về việc tổ chức Ngày Thế giới Người nghèo 2020 -
Caritas Việt Nam: Gieo niềm hy vọng -
Caritas Việt Nam: Tập huấn “di cư an toàn và phòng tránh buôn người”