Lễ hội yêu thương cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt

Lễ hội yêu thương cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt

WGPSG -- Ngày nay, nhờ vào Y học và Tâm lý học, người ta hiểu biết hơn về trẻ chậm phát triển trí tuệ, đồng thời cũng nghiên cứu nhiều phương pháp để hỗ trợ trẻ. Nếu phụ huynh phát hiện và can thiệp sớm, trẻ sẽ được trợ giúp, để phát triển ngay từ đầu các kỹ năng giao tiếp, ngôn ngữ, xã hội, nhận thức. Nhưng thực tế, nhiều phụ huynh chưa lĩnh hội được điều này. May thay, có những trường chuyên biệt như trường Chuyên biệt Gia Định (Thánh Mẫu cũ) đã có nhiều đóng góp hỗ trợ trẻ và các phụ huynh.

Chuẩn bị Lễ hội

Đã 10 năm qua, trong tuần Bát nhật Giáng sinh cũng là dịp kết thúc năm, trường Chuyên biệt Gia Định đều tổ chức Lễ hội Yêu Thương, ngày hội vui của các em học sinh. Đó là ngày rất đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng đối với các em cũng như phụ huynh và nhà trường. Từ đầu tháng 12, các em đã nhộn nhịp với chương trình của Lễ hội. Gặp ai các em cũng khoe: “Con sẽ múa, con sẽ đánh trống, con sẽ cử tạ…”

Các phụ huynh cũng nhiệt tình tham gia văn nghệ. Buổi sáng ngày Lễ hội, các vị có mặt để tổng dượt. Một phụ huynh phát biểu: “Con em sẽ rất vui và chịu biểu diễn khi mẹ cùng lên sân khấu với con”.

Một bà ngoại tâm sự: “Cháu cứ giục tôi phải lên đánh trống với cháu, cháu mới chịu. Tôi lớn tuổi rồi mà phải bấm bụng lên sân khấu cũng vì cháu thôi. Tội nghiệp thằng bé! Mẹ cháu bận lo làm ăn!”

Các khâu âm thanh ánh sáng, đốt pháo bông cũng tích cực vào vai.

Diễn tiến Lễ hội

Trong bầu khí tưng bừng, nhộn nhịp khác ngày thường, các em vui vẻ đến trường. Các xe máy, xe ôtô đậu đầy sân nhà thờ. Có thể người ta không sai khi nói trẻ bị Tự kỷ thường là con nhà trí thức, khá giả?

Ngay khi bước vào cổng, khách tham dự được các em tíu tít chào mời những sản phẩm thủ công: “Anh chị mua móc khóa bằng gỗ nè, tụi em làm đó”. Hay: “Anh chị xem cái túi nè”. Trong trang phục xinh đẹp và lịch sự, các em không khác gì các nhân viên bán hàng chuyên nghiệp.

Cũng thế, các em phụ trách tiếp bữa ăn tối lịch sự hỏi: “Anh chị uống gì, nước suối, nước cam hay xá xị? Anh chị dùng bằng khay hay bỏ bao?”
Tôi nói nhỏ với cô giáo: “Nhìn những khuôn mặt đẹp kia, ai biết được các em có vấn đề khác thường”.

Cô giáo giải thích: “Bé đã học ở trường ba năm rồi. Bé bị hội chứng Down. Khi đến trường, em chưa tự làm được gì, ngay cả để phục vụ bản thân. Một chút nữa chị sẽ thấy các em trổ tài: nhúc nhích, vận động, múa hát. Bắt chước là tài năng độc đáo của các em, vì thế, khả năng giao tiếp của các em cũng rất tuyệt vời”.

Trên sân khấu, các bé thật dễ thương trong trang phục ông già Noen, chuẩn bị màn tiết tấu tạp kỷ chào mừng khách. Đôi MC Thúy Phượng và Hưng đang mời gọi mọi người ổn định chỗ, để khai mạc Lễ hội.

Cô hiệu trưởng Võ Thị Khoái cho biết: “Mục đích của Lễ hội nhằm tạo cơ hội để nhà trường, phụ huynh, các ân nhân và nhiều thành phần trong xã hội có dịp gặp gỡ, trao đổi, đồng cảm, để hiểu biết và yêu thương các em hơn; đồng thời, cùng nhau chia sẻ những khó khăn và rút kinh nghiệm cho việc đào tạo các em tốt hơn. Đây cũng là dịp để các em vui chơi, hòa nhập cộng đồng, giao tiếp xã hội và phát triển năng khiếu, biểu diễn tài năng độc đáo riêng của các em”.

Trong tinh thần trên, cha Gioan Baotixita Lê Quốc Kiệt, đại diện cha chánh xứ tuyên bố khai mạc Lễ hội. Cha nhắc đến ý nghĩa của lễ Giáng sinh: “Thiên Chúa là tình yêu, Ngài đến đem hạnh phúc và bình an cho nhân loại. Theo gương Ngài, chúng ta hãy hướng về các em có hoàn cảnh đặc biệt, để yêu thương và nâng đỡ các em tích cực hơn”.

Chương trình văn nghệ của các em được chuẩn bị rất công phu, khả năng biểu diễn của các em thật tuyệt vời với những màn Hip hop - Rap, múa Ả Rập, hòa tấu… nhất là bé Mỹ Ngọc rất uyển chuyển với màn Belly Dance.

Màn múa ballet, do cô Hanayo, chuyên gia dạy múa cho các bé Tự kỷ ở Nhật đã làm cho cử tọa thán phục. Đây là lần thứ năm cô bay từ Nhật sang để giao lưu với các em trong Lễ hội.

Màn trình diễn “Bô lão vượt thời gian với Twist 2011” của các giáo viên đã làm cho hội trường không thể nhịn cười. Một ân nhân thốt lên: “Các giáo viên phải nhúc nhích cỡ đó mới dạy được các em”.

Đáp lại, phụ huynh cũng diễn hay không kém với màn Múa Ba miền: “Việt Nam gấm hoa”. Xen vào những giây phút rộn ràng này, bài “Tình Cha” do phụ huynh Văn Hưng và bé Quang Thắng đã làm mọi người xúc động: “Tình cha ấm áp như vầng thái dương, như dòng nước trôi đầu nguồn suốt đời vì con gian nan”.

Trong đôi mắt ngấn lệ, một vị khách xúc động nói: “Người cha trẻ này hẳn phải gian nan hơn những người cha bình thường. Xem em bé kìa, cứ bịt tai vì không chịu được tiếng ồn, thế mà nó vẫn tay trong tay của cha, và em đã đọc được cả câu thơ dài”.

Bản thân tôi cũng thấy xót xa. Quả thật nuôi dưỡng giáo dục một đứa con bình thường đã khó, thế mà những gia đình này gặp hoàn cảnh đặc biệt như thế, sẽ phải rất kiên nhẫn và rất mực yêu thương các con.

Qua lời anh hát “Ước mong cho con được lớn khôn”, anh đã muốn nỗ lực và sẽ nỗ lực hơn để giúp con vượt cảnh khó. May thay bên cạnh anh đã có các cô giáo ở trường.

Trò chuyện với phụ huynh

Vì là ngày hội của bé, nên các em vô tư chạy đi chạy lại không chú ý đến người chung quanh, có em lên sân khấu nhảy tưng tưng!... Nhiều phụ huynh phải cố sức giữ con tại chỗ. Mỗi khi nhạc trổi lên là các em không thể ngồi yên, cứ thế mà các em nhún nhẩy theo điệu nhạc. Một em bé nhào qua, chộp kính của tôi. Mẹ em, một phụ nữ thật trẻ độ ba mươi tỏ ra bối rối. Tôi trấn an: “Không sao đâu, cứ để em tự nhiên, ngày vui của em mà! Ở nhà chắc cô cũng phải cực khổ vì con?”

Cô tâm sự: “Mới có đứa con đầu, chúng em rất vui mừng, em nghiên cứu các tài liệu chăm sóc thai nhi, bà mẹ trẻ sơ sinh, nói chung, em muốn con em sẽ khỏe mạnh. Vì bận đi làm, em còn nhờ riêng một bà vú nuôi bé. Đây chính là sai lầm lớn của em, xa con quá sớm. Vì thế, chúng em chờ hoài mà bé không thốt được tiếng “ba” tiếng “má” như bao trẻ khác. Nghĩ là bé chậm nói, em chỉ hơi buồn thôi. Nhưng một hôm đọc tài liệu trên mạng, em phát hiện: “Không phải con em ngoan và dễ tính như mọi người đã khen: Ai bế cháu cũng được”. Nhưng con em đang có một khuyết tật nào đó. Em xin nghĩ làm để lo cho con, nhưng càng chăm chút càng thấy con có vẻ thờ ơ sao đó, chưa bao giờ nhìn thấy ánh mắt vui tươi nơi con, nó chỉ thích ôm khư khư con gấu bông của mình. Em lo sợ lắm! Lúc đầu chồng em không tin rằng con mắc chứng Tự kỷ. Chúng em cãi nhau và thời gian đó chồng em lộ vẻ chán nán. Bà nội thì nói: “Nó là con cõi trên không biết ôm hôn ai bao giờ…”. May thay, tình cờ gặp một người bạn giới thiệu đến trường này. Và lạ thật, sau một giờ chơi với cô giáo em biết ôm cô giáo. Sau đó, cô Kim Nga chỉ cho em thay đổi cách giáo dục bé, không nguyên tắc cứng ngắt, không ép buộc trẻ ăn chơi, ngủ nghỉ theo cách sai lầm của mình. Và điều quan trọng là sự hiện diện của người mẹ, biết chơi với con, ngắm nhìn, chuyện trò, vuốt ve, thoa bóp chân tay con…”

Theo D. Winnicott, trong cách mẹ bồng bế, trông nom, va chạm, mang tới cho con bầu sữa mẹ… hai làn da đã gặp nhau được coi như người mẹ đã cho con cách cư xử đối đãi như một con người có giá trị được trân trọng, quý chuộng.

Theo Tiến sĩ Thành: Từ từ bà mẹ đã trở thành trò chơi ‘đồ chơi’ cho con. Mắt mẹ, khuôn mặt mẹ, từng cử chỉ điệu bộ, giọng nói của mẹ đều quyến rũ, hấp dẫn. Đặc biệt là làn da ấp ám của mẹ. Đây là những đồ vật có khả năng tạo hạnh phúc. Trò chơi nối chặt quan hệ mẹ con.

Thấy bé H.S. sau khi diễn, ngồi bên cạnh mẹ để mẹ chăm sóc, tôi đến bên hỏi chuyện. Trường hợp của bé H.S. thì ngược lại. Mẹ của em tâm sự: “Lúc đầu ai cũng nghĩ do nuông chiều nên bé thương nằm vạ. Đi làm về mệt quá, bé muốn gì em cũng chìu cho qua chuyện. Lần kia ba bé nổi nóng tát cho H.S. một cái, bé nằm vật ra khóc và đập đầu binh binh, em đền gần cũng bị H.S. đánh luôn. Phải một tiếng sau, mệt quá nó nằm ngủ luôn. Từ đó, em để ý: mỗi khi không bằng lòng ai là nó tát. Nó hung hăng giành đồ chơi của các bé khác. Vô tình, ba của bé dạy bé xử dụng tát tai với người khác, vì trẻ Tự kỷ sẽ bắt chước cách ứng xử của người lớn”.

Tôi hỏi cô hiệu trưởng về trường hợp của H.S., cô cho biết: “Ngày đầu tiên, đến can thiệp tại phòng tâm Vận Động, khi cô không chấp nhận H.S. dành đồ chơi của bạn, H.S. bùng nổ chống đối, nằm lăn ra đất, xì mũi, cào cấu thảm sàn nhà, nhảy tưng tưng, tự đánh vào mặt, thét la bùng nổ… tôi cố ý xem em bùng nổ cỡ nào? gần 12 phút đồng hồ!”

Tôi hỏi: “Lúc đó, cô có lo lắng hay xót xa cho bé không”. Cô trả lời: “Dù xót xa, nhưng phải can thiệp kịp thời thôi vì em H.S. gần 4 tuổi rồi!”

Với phương thức can thiệp, dùng “Xúc cảm để giải quyết hành vi cho trẻ Tự kỷ” sau thời gian ngắn can thiệp. H.S. có nhiều tiến bộ đáng kể trong cách ứng xử giải quyết vần đề, hiểu yêu cầu, có ngôn ngữ diễn đạt, tươi vui, hạnh phúc biết tự tổ chức chơi, biết tưởng tượng, sáng tạo, tập trung hợp tác, vào bàn học với thời gian từ 3 đến 7 phút. Đặc biệt, H.S. biết chờ đợi và chấp nhận quy luật “Được/Không được”.

Gần đây mẹ H.S. cho biết bà rất mừng, H.S. biết nghe và chấp nhận chứ không bùng nổ như trước đây!

Cảm tưởng sau Lễ hội

Như mọi năm, sau phần trình diễn Fashion Show, Lễ hội kết thúc bằng bài Happy New Year tạo nơi lòng người những giây phút thanh thản, hạnh phúc đón chào năm mới nhưng cũng tạo nên giây phút lưu luyến khó tả, chưa muốn chia tay vì cảm xúc đang dâng trào.

Cơn mưa lớn ngay phần cuối của chương trình như đồng lõa muốn giữ chân khách sau Lễ hội. Đây cũng là dịp để trao đổi, lắng nghe. Buổi Lễ hội thành công không chỉ những màn biểu diễn tuyệt vời nhộn nhịp bên ngoài mà còn gợi nên sự đồng cảm trong lòng người. Nhiều ân nhân chia sẻ những dự tính tương lai nhầm hỗ trợ các em.

Cô Thái Hợp, một giáo dân khen: “Các tiết mục Lễ hội quá hấp dẫn, quá độc đáo, có thể nói không thua gì các em chuyên nghiệp! Các em quá sức tự nhiên!”

Cùng đồng quan điểm trên, anh Trực trường Lam Sơn nhận xét: “Lễ hội quá hay, em coi suốt, tiết mục nào cũng hay hết. Nhờ có màn hình, ngồi chỗ nào cũng thấy, không ai bỏ ra về. Năm rồi, Lễ hội có lúc chán, vì để nhiều thời gian trống”.

Có thể nói, Lễ hội thành công vì có sự đóng góp nhiều tấm lòng thương yêu, từ việc chuẩn bị mua sắm trang phục, học cụ trong suốt năm… và nhất là sự hợp tác mật thiết giữa nhà trường và gia đình học sinh, đó là mối dây liên kết rất cần thiết trong công tác giáo dục. Cô Thu Hà, cựu Giám đốc Trung tâm Khuyết tật, 180 Lý Chính Thắng phải thán phục: “Không rõ chị Khoái làm sao tập trung được một đội ngũ phụ huynh đông đảo được như vậy? Chị tài quá!”

Vâng, sự quan tâm của phụ huynh dành cho con là tối cần thiết, các học sinh có tiến bộ hay điêu luyện như bé Mỹ Ngọc là cũng nhờ vào sự bảo bọc che chở, và sự khuyến khích của mẹ. Ngày xưa, mẹ Mỹ Ngọc cũng đau khổ chạy tìm trường cho con khi các trường phổ thông từ chối, không cho em tiếp tục học.

Tình yêu sẽ giúp các em thêm nghị lực đối mặt với khó khăn và mọi ước mơ sẽ thành hiện thực. Sẽ không còn là dự phóng tương lai như BS Huỳnh Tấn Mẫm - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường chuyên biệt Khai Trí - bày tỏ sau khi tham dự Lễ hội: “Quá tuyệt vời! Không biết 10 năm nữa Chuyên biệt Khai Trí có làm được như vậy nỗi không?”

Xuyên qua những thành công, những niềm vui rộn ràng đó vẫn tồn đọng những tâm tư tình cảm chân thành, khơi gợi từ sự cảm thông với những khó vẫn hiện hữu liên lỉ từng ngày trong mỗi gia đình, để yêu thương các em và gia đình các em hơn. Tình cảm này rõ nét nhất nơi các cô giáo. Tuy đôi chân rã rời, nhưng nét mặt cô Kim Nga không dấu được niềm vui: “May sao hôm nay các em chịu hợp tác. Chắc các em cũng mệt lắm! Phải tập trung diễn, phải ngồi yên, giữ ý tứ trong thời gian dài. Thấy thương các em quá, thương cả phụ huynh và ông bà của các em nữa. Còn cô Thúy Phượng, MC buổi lễ và là giáo viên phát biểu: Quá mệt, nhưng niềm vui đang rộn rã trong lòng. Năm sau sẽ lại bắt đầu, tiếp tục…”

Và đâu đó, cũng phát sinh những dây liên kết mới, nhiều người muốn làm quen với công tác của trường như Bà Huyền, một khách đầu tiên tham dự nhắn tin cho Cô hiệu trưởng: “Cám ơn cô đã tổ chức buổi biểu diễn thật vui và đầy ý nghĩa để mọi người cảm thông và chia sẻ yêu thương. Hôm nào em sẽ gặp cô sau nhé. Chúc cô ngủ ngon!”

Lời kết:

Trường Chuyên biệt Gia Định là một cơ sở hoạt động xã hội của Họ đạo Gia Định, thuộc Phòng Giáo dục Đào tạo và UBND Quận Bình Thạnh do cha sở Antôn Phùng Sanh thành lập từ năm 1991. Do chung quanh khu vực nhà thờ là xóm lao động nghèo có nhiều trẻ khuyết tật, nhiều trẻ em thất học, không có điều kiện đến trường. Thời gian đầu, trường hoạt động do kinh phí của giáo xứ. Có những lúc trường gặp nhiều khó khăn tưởng phải đóng cửa nhưng cha xứ, quý cha và giáo dân trong họ đạo đã kiên trì, phát triển trường đạt kết quả như hôm nay.

Qua những trường hợp điển hình, qua nghiên cứu y học, không có cách chữa nào làm biến mất chứng Tự kỷ hoặc hội chứng Down nhưng việc can thiệp và trị liệu có thể khống chế và làm giảm bớt các triệu chứng, giúp trẻ cải thiện thực hiện các chức năng.

Ngày lễ Thánh Gia hôm nay mời gọi mọi người chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu, nhỏ bé, mong manh sinh nơi hang lừa, không bác sĩ, không điều dưỡng, nhưng Mẹ Maria và Thánh Giuse đã có thể bảo bọc che chở Hài Nhi Giêsu... Việc chạy tìm trường cho bé có hoàn cảnh đặc biệt cũng có thể xem như Chúa không tìm được chỗ trọ hay cảnh Chúa phải tị nạn sang Ai Cập… Nhưng Thánh Giuse và Mẹ Maria luôn đồng hành bên Chúa. Tương lai của các em có hoàn cảnh đặc biệt này tùy thuộc vào sự quan tâm chăm sóc giáo dục của các bậc làm cha mẹ, vào ơn Chúa, vào sự cầu nguyện và những trái tim rộng mở của các ân nhân.

Thánh Gia chính là khuôn mẫu để mọi người noi theo, luôn lắng nghe Lời Chúa và tín thác vào Chúa. Phụ huynh nào biết yêu thương quan tâm chăm sóc con đúng cách sẽ làm cho con an lành, hạnh phúc.

----------------

Phụ lục tham khảo:

GS Arleen Downing khẳng định về kết quả điều trị bệnh Tự kỷ trong buổi trò chuyện tại NDI.
GS Arleen là thành viên Viện hàn lâm Hoa Kỳ, công tác tại Trung tâm vùng Cali chuyên về trẻ CPT Tâm thần.
Theo bà, nếu thấy có những trẻ bất thường không theo đúng quá trình phát triển ngôn ngữ, phụ huynh cần lưu ý và đưa đi khám ngay.
Bệnh Tự kỷ chỉ được chẩn đoán khi đã loại trừ các nguyên nhân gây chậm nói khác (điếc, ít được giao tiếp, gia đình song ngữ và tự kỷ). Bên cạnh đó còn có những báo động đỏ mà chỉ cần bé có một trong những dấu hiệu nầy, phụ huynh nên đưa bé đi bệnh viện ngay.
Không cười to hoặc:
- Không hiểu biểu hiện nồng ấm, vui tươi lúc 6 tháng tuổi hoặc sau đó.
- Không trao đổi nụ cười, nét mặt khi 9 tháng tuổi hoặc sau đó.
- Không bập bẹ lúc 12 tháng tuổi.
- Không trao đổi cử chỉ: chỉ, cho thấy, với, vẫy tay lúc 12 tháng tuổi.
- Không nói lúc 16 tháng tuổi.
- Không nói câu 2 từ có ý nghĩa (không biết bắt chước hay lặp lại lúc 24 tháng tuổi).
- Mất khả năng nói, bập bẹ hoặc kỹ năng xã hội ở bất kỳ tuổi nào.

Top