Lễ Ra mắt Tập thơ: "Lấp lánh sương mai"

Lễ Ra mắt Tập thơ: "Lấp lánh sương mai"

WGPSG -- “Tại sao Lời Chúa đến Việt Nam lại đi qua con đường Thi Ca?”. Đó là điều tâm đắc mà nhà thơ Phanxicô Lê Đình Bảng - chuyên gia nghiên cứu và sưu tập thi ca Công giáo - đã chia sẻ trong buổi ra mắt tập thơ “Lấp Lánh Sương Mai”.

Giới thiệu

Vào lúc 9g00 thứ Ba, ngày 23.06.2015, tại hội trường PX Nguyễn Văn Thuận (lầu 1, phòng B.102), Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn, số 6 bis Tôn Đức Thắng, P. Bến Nghé, Quận 1 đã diễn ra buổi lễ ra mắt tập thơ “Lấp Lánh Sương Mai” của ĐỒNG XANH THƠ SÀI GÒN nhân dịp Lễ bổn mạng Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, nhằm góp phần cổ võ cho công cuộc loan báo Tin Mừng qua thi ca.

Đến tham dự buổi lễ có sự hiện diện của cha Phanxicô Xaviê Bảo Lộc – Giám học Học viện Mục vụ, cha Rôcô Nguyễn Duy – Trưởng ban Mục vụ Thánh Nhạc kiêm Tổng quản lý TTMV, cha Giuse Đặng Chí Lĩnh – Trưởng ban Mục vụ Ơn Gọi, cha Đaminh Ngô Quang Tuyên – Tổng thư ký UBLBTM toàn quốc, cha Gioan Phêrô Trăng Thập Tự - sáng lập Đồng Xanh Thơ Sài Gòn, Nữ tu Anna Mai Thành (tên thật là Bùi Thị Mai Kha) – dòng Đức Bà, nhà thơ Phanxicô Lê Đình Bảng – chuyên gia nghiên cứu và sưu tập thi ca Công giáo, quý tu sĩ nam nữ, quý giảng viên, đại diện các học viên Học viện Mục vụ, các thành viên trong Ban Mục vụ Liên Tôn của Tổng Giáo phận và đại diện các đoàn thể của Tổng Giáo phận Sài Gòn.

Lúc 9g10, cha Giám học Phanxicô Xaviê Bảo Lộc, lên khai mạc chương trình. Ngài vẫn thích từ Thi Hữu – theo nghĩa bạn của thơ, chứ không phải người làm thơ. Ngài nghĩ: thơ văn là một trong con đường loan báo Tin Mừng khá tốt trong bối cảnh của Việt Nam nói chung và của Thành phố nói riêng. Trước lời công bố khai mạc, ngài cũng ước mong ngày càng có nhiều cộng tác viên, để có thêm nhiều tập thơ với nhiều chủ đề mang tính Phúc âm, nhất là những chủ đề mà Đức Hồng y đã gợi ý cho ban đại diện của Đồng Xanh Thơ Sài Gòn.

Sau lời tuyên bố khai mạc, Ông Giuse Nguyễn Văn Quế - nhà thơ Jos. Hương Quê - chủ nhiệm câu lạc bộ Đồng Xanh Thơ - lên có đôi lời giới thiệu: Đồng Xanh Thơ Sài Gòn được hình thành từ ngày 20.01.2010 tại Tòa Giám mục Phan Thiết trong ngày Hội Thơ do cha Trăng Thập Tự chủ xướng, được vinh dự nhận Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu là bổn mạng và tồn tại đến nay được 5 năm. Số thành viên mới vẫn phát triển và số thi phẩm vẫn gia tăng. Tập thơ “Lấp Lánh Sương Mai” được hoàn thành nhằm giới thiệu thi ca Công giáo trên văn đàn dân tộc. Tập thơ khiêm tốn giản dị, có 26 tác giả và 86 bài thơ thuộc các thể loại khác nhau được chọn lọc, do cha Linh hướng Giuse Phạm Quốc Văn viết lời tựa.

Tiếp đến, nhà thơ Jos. Cao Thái lên giới thiệu tổng quan tập thơ. Qua lời giới thiệu: Sương mai là sự kỳ diệu của vạn vật; là sự ngỡ ngàng của bao ánh mắt, nhà thơ ví mỗi giọt sương như là mỗi tâm hồn chúng ta. Chính Thiên Chúa sẽ tinh luyện chúng ta qua những biến cố thăng trầm trong dấu bước lịch sử của đời người, để chúng ta được thoát ra khỏi chính mình và tự do bay lên cùng Ngài. Và nhờ ân sủng, chúng ta được biến đổi thành những tâm hồn thanh khiết biết bao, trong vắt biết bao và phát tỏa ánh sáng của Thiên Chúa diễm tuyệt biết chừng nào! Nhà thơ đã đúc kết Tập thơ “Lấp Lánh Sương Mai” như là sự lấp lánh vẻ đẹp ánh sáng: Lấp lánh về tâm linh, hình thức và nội dung:

  • Đẹp như lời kinh trở mình của nhịp tình thống hối (bài Tâm Tình Với Chúa - Thu Hương)
  • Gập ghềnh như dấu chân tiến về Sự Thiện (bài Bên Chân Thập Tự - Thy Hoa)
  • Cái nhìn của một đời nhận ra chính mình trong Sự Thật (bài Hải Đăng - Vĩnh An)
  • Cuộc đời ta như bài thơ chuyển từ Trời một lời chúc yêu thương (bài Cánh Thiệp Đầu Xuân - LM. Quốc Văn)
  • Tiếng lòng đón đợi mùa yêu (bài Mai… Người Về - Ánh Thiên)
  • Nhịp rung của đóa vàng hướng theo nắng trời vĩnh cửu  (bài Một Đóa Vàng - Giang Tịnh)
  • Tiếng hát chúc tụng của chim sơn ca (bài Dâng Về Chúa - Thanh Hiền)

Kết thúc lời giới thiệu, nhà thơ nói lên cảm xúc của mình: Xin mỗi ánh mắt hãy đọng lại điều gì đó thật sâu lắng để cảm được ánh quang đang rọi sáng từng sợi tơ tâm hồn, để mọi trái tim cùng rung lên bài ca chúc tụng “EMMANUEL – THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA” (Mt 1, 23) qua những chia sẻ trải nghiệm của các tác giả “Lấp Lánh Sương Mai”.

Chia sẻ

Sau lời giới thiệu tổng quan tập thơ, nhà thơ Jos. Cao Thái (Dã Tràng Cát) chia sẻ cảm nghiệm viết thơ: Thơ tất cả là để được đắm chìm trong Chúa Thánh Thần để được Cha cầm tay tập viết từng câu thơ, và được gọi “Cha Ơi” trong suốt cuộc đời của nhà thơ. Trong tập thơ “Lấp Lánh Sương Mai”, với bút danh Dã Tràng Cát, nhà thơ có các tác phẩm: Xuân trong em, Xuân biển, Dã tràng, Róc rách, Xin người hãy chiếm lấy con, Vị mặn tình yêu, Năm ước, Sỏi; và với bút danh Jos. Cao Thái, nhà thơ có các tác phẩm: Tầm xuân thắm, Tận cùng chốn đông, Trót yêu Cha mất rồi .

Tiếp đến, nhà thơ khiếm thị Vũ Thủy chia sẻ cảm nghiệm: Cuộc sống của tôi hiện nay tuy đơn giản nhưng rất phong phú. Nó đơn giản bởi lẽ tôi không ước mong gì hơn cái thực tại mà tôi đang sống. Nó phong phú bởi lẽ tôi đã cảm nhận được rất nhiều điều xuyên qua không gian và thời gian, bằng cách lắng nghe những chuyển động và những tiếng thì thầm của nó, bất kể sự ồn ào náo nhiệt của thế giới xung quanh. Những gì tôi cảm được và nghe được đã trở thành chất liệu cho thơ tôi bay bổng, rồi những vần thơ vụng dại đó lại đã trở nên đôi cánh chở hồn tôi tới gần Thiên Chúa, Chúa thượng của hồn tôi và của muôn loài thụ tạo. Trong tập thơ “Lấp Lánh Sương Mai”, nhà thơ có các tác phẩm: Xuân gõ cửa, Dâng Cha đó, Ai chở xuân về, Đóa hoa tàn, Vầng trăng sáng, Gọi nắng vào tim, Tôi còn ước mong gì hơn nữa, Bình yên bên cỏ.

Tiếp nối buổi lễ, hai bài thơ Xuân Trong Em (Dã Tràng Cát) và Cùng Nhau Cầu Nguyện (Jos. Lương Chuyên) lần lượt được thể hiện qua giọng ngâm ngọt ngào của cô Ngọc Anh.

Trước khi bước vào bài chia sẻ của mình, nhà thơ Dzuy Sơn Tuyền mời cô Ngọc Anh trở lại ngâm bài Hạt Bụi Nhỏ của ông. Rồi ông chia sẻ hai vấn đề:

  • Tuyệt Tác Của Thiên Chúa: Mỗi một cuộc đời được sinh ra là một kỳ công tuyệt tác của bàn tay Thiên Chúa. Ông đề cập hiện tượng tàn sát thai nhi đã lên đỉnh điểm. Ông nói: Chúng ta đau buồn cho biết bao thai nhi đã chết đi khi chưa nhìn thấy ánh mặt trời, cho bao nhiêu em bé khi cất tiếng chào đời không  được đón nhận bằng niềm vui hoan hỷ, nhưng đã bị bỏ rơi nơi đầu đường góc phố. Chúng ta cũng không quên biết bao nhiêu thân phận con người đáng lẽ được sống cái ý nghiã cao cả của phận người, nhưng rồi do bao nhiêu áp lực và hoàn cảnh đa đoan, lại biến cuộc đời thành tăm tối, bất hạnh và đôi khi bị vất bỏ đi không xót thương.
  • Cảm Tạ Hồng Ân: “Chúa ban, Chúa cất đi... con xin cảm tạ ơn Chúa”. Chúng ta hãy xác tín rằng cuộc đời tôi, sự sống của tôi không phải ngẫu nhiên mà có, nhưng đã được Thiên Chúa chuẩn bị cưu mang từ muôn đời trong ý nghĩ yêu thương của Ngài. “Đức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi”. Như vậy, chúng ta không được: “buồn vì phận bé nhỏ nhoi mà vui vì bởi ơn Người tạo nên” cho dù chỉ là hạt bụi nhỏ không tên, thì chúng ta vẫn xác tín, hoan vui từng ngày. Hạt bụi nhỏ đời mình chính là Tuyệt tác vượt trên muôn loài…

Trong tập thơ “Lấp Lánh Sương Mai”, nhà thơ Dzuy Sơn Tuyền có các tác phẩm: Âm thanh lặng, Cỏ dại, Hạt bụi nhỏ, Em là ai? Hình như, Tưởng chừng, Viên sỏi.

Nối tiếp, nhà thơ Giuse Maria Nguyễn Thanh Nghị chia sẻ việc làm thơ: đúng niêm luật, âm vận chưa thể là một bài thơ, nhưng phải có ý. Nhưng chỉ có ý thôi, chưa đủ, nó cần phải có tứ thơ, là điều tác giả đã cảm nhận, ghi lại bằng những dòng thơ đầy cảm hứng, mà độc giả khi đọc hoặc suy tư cũng nhận ra như là cảm xúc của chính mình, mà không diễn tả được. Ý, tứ thơlời diễn tả càng khéo léo và độc đáo thì càng làm cho hồn thơ tuyệt vời. Tác giả nhận xét, làm thơ bình thường đã khó; làm “thơ đạo” lại càng khó khăn hơn, vì không những phải có ý thơ, có tứ thơ mà phải có cả thần thơ. Một bài thơ có ý, có đề cập đến Chúa mà thiếu tứ thơ và thiếu tâm tình cầu nguyện, thì bài thơ sẽ thiếu cảm xúc và khô khan. Vì vậy, một bài thơ đạo có sức làm rung động lòng người và đốt nóng tình yêu của người đọc phải khởi đi từ một trái tim cầu nguyện thật sự. Ông đúc kết: Lời thơ như đã trở thành “Lời kinh” như lời giới thiệu phần đầu tập thơ; nhưng còn là lời rao giảng Tin Mừng đầy xác tín, có giá trị làm rung cảm tận đáy lòng, vì đã “đi thẳng từ con tim đến con tim” (Lời Đức Thánh Cha Phanxicô một lần giảng trong lễ truyền chức cho 19 linh mục). Đây cũng là trách nhiệm những nhà thơ Công giáo, vì Chúa đã trao cho những nén bạc: nhạy bén hơn trong những rung cảm, thì phải dùng ân huệ ấy sinh trái đơm bông cho Nước Trời.

Nhà thơ Maria Xuyến – tân tòng đã chia sẻ bài thơ “Tiếng Lòng”. Bà nói lên tiếng lòng của bản thân mình: Thiên Chúa tình yêu, nguồn ân thiêng đưa tôi đi vào xúc cảm. Xúc cảm đưa tôi gặp gỡ Chúa, gặp gỡ tha nhân. Cuộc đời tôi, từ niềm tin yêu cậy mến tôi đã sờ chạm tới niềm vui thật sự, sống với niềm hy vọng chứa chan trên con đường trở về. Hành trình đó Chúa mời gọi, Chúa đồng hành để tôi biết luôn bước đi trên con đường Chúa đã đi, sống như Chúa đã sống, yêu như Chúa đã yêu, yêu trong khốn khó, yêu trong gian truân, yêu trong mọi hoàn cảnh. Yêu trong tình yêu dâng hiến, khiêm hạ khiêm cung, tình yêu phục vụ.

Lúc 10g40, Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn bước vào trong những tràng pháo tay của cả hội trường. Vị đại diện của Đồng Xanh Thơ chúc mừng bổn mạng Đức Hồng y. Ngài chia sẻ với mọi người: Thánh Gioan đã được Tình yêu Thiên Chúa thánh hóa ngay trong bụng mẹ, ngài lớn lên trong Tình yêu Thiên Chúa để trở thành sứ giả Tin Mừng. Để làm được như vậy, ta hãy đón nhận lòng Chúa thương xót trong đời sống, trong sứ mạng loan Tin Mừng của mình. Sau đó, Đức Hồng y làm phép tượng ảnh, khăn đeo và trao cho từng thành viên.

Tiếp tục buổi ra mắt, nhà thơ Đan Thụy ngâm bài thơ “Tín thác” của nhà thơ Jos. Hương Quê.

Lời chia sẻ của cha đồng hành về cảm nghiệm Làm thi sĩ được ghi nhận: “Chúa muốn dùng chúng ta làm khí cụ để đến gần với dân Người”. Ngài nhận thấy: Cầu nguyện là bước đầu tiên để loan báo Tin Mừng. Đúc kết cảm nghiệm thơ ngài viết: “Làm thi sĩ nghĩa là đi ra theo Chúa. Đưa Tin Mừng gieo rắc khắp muôn nơi. Và sứ vụ tôi ôm suốt cả đời người. Thành khí cụ Chúa dùng cho cứu thế”.

Tiếp đến, Nữ tu Mai Thành – dòng Đức Bà chia sẻ hai điều:

  • Người Việt Nam chúng ta là một biển thơ. Không có ngôn ngữ nào trên khắp thế giới có Sắc, Huyền, Hỏi, Ngã, Nặng. Vì vậy mà thơ Việt Nam có âm thanh, âm điệu.
  • Người Việt Nam có hồn thơ lai láng, vì người Việt Nam có cái tâm rất bén nhạy: mẹ ru con cũng bằng thơ. Qua đó, diễn tả được nhiều suy tư của mình.

Sau cùng, nhà thơ Lê Đình Bảng đóng góp: Vì thơ chúng ta làm bạn với nhau. Những khoảnh khắc rất long trọng của buổi ra mắt tập thơ. Trong suốt quãng đời 75 năm, ông luôn tâm tắc: “Tại sao Lời Chúa đến Việt Nam lại đi qua con đường Thi Ca? (dân gian) Chứ không phải bằng triết lý hay bằng thần học. Thơ phải là hơi thở, phải vượt ra ngoài các phức tạp. Ông cũng đưa ra điều kiện để làm thơ hay: Đọc Kinh Thánh nhiều và chịu khó đọc thơ.

Kết thúc

Sau phần đóng góp của nhà thơ Lê Đình Bảng, mọi người hát chung bài Tán tạ hồng ân”. Buổi lễ Ra mắt kết thúc lúc 11g40. Mọi người ra về với tập thơ “Lấp Lánh Sương Mai" trên tay.

Để tạm kết cho bài tường thuật này, xin trích ra đây tâm tình chia sẻ của Lm. Trăng Thập Tự mến gửi Bác Hương Quê, Cha Quốc Văn và tất cả anh chị em Câu lạc bộ Đồng Xanh Thơ Sài Gòn: “Thật là một niềm vui và một xúc động lớn cho tôi khi cầm trên tay tập thơ “Lấp lánh sương mai”. Hình thức thật trang trọng, thanh nhã với màu xanh đầy hy vọng. Nội dung với từng bài, từng bài thơ đầy chất thơ. Hơn nữa, số tác giả có bài in trong tuyển tập còn cho thấy số anh chị em thường xuyên sinh hoạt Câu lạc bộ, nay đã đều đặn và ổn định hơn, vượt xa con số bấp bênh thuở ban đầu. Cách riêng, một niềm an ủi đặc biệt cho tôi, là cảnh sum họp êm đềm, ấm cúng nay đã được thể hiện qua một tuyển tập chung thật đồng điệu”.

 
 

Top