Lễ Tro và mùa Chay 2012
WGPSG -- Theo lịch Công giáo 2012, thứ Tư 22.02.2012 là ngày Lễ Tro, ngày khởi đầu mùa Chay năm 2012. Kể từ hôm nay cho đến trước đêm thứ Bảy lễ Vọng Phục sinh, nếu một lần nào đó đến nhà sách Dòng Chúa Cứu Thế, nhà sách Đức Bà hay bất kỳ nhà sách nào đó ở nhiều giáo xứ trong giáo phận Sài Gòn, chúng ta sẽ lắng nghe những bài thánh ca với chủ đề mùa Chay như “Người ơi hãy nhớ mình là bụi tro, một mai người sẽ trở về bụi tro…” hay “Trên con đường trở về tâm hồn thấy băn khoăn. Trên con đường trở về lòng tràn đầy ăn năn”. Vâng, Lễ Tro và mùa Chay 2012, một sự kiện tôn giáo diễn ra theo chu kỳ của năm phụng vụ, có lẽ sẽ không liên hệ gì đến người dân Sài Gòn ngoại đạo, nhưng đó là một sự kiện mang ý nghĩa sâu xa, ảnh hưởng đến đời sống đức tin mỗi người Kitô hữu chúng ta. Vậy thì, chúng ta có những suy nghĩ gì, có những hành động nào nhân dịp Lễ Tro và mùa Chay năm nay? Đâu là những cảm thức đức tin, những tâm tình cốt lõi nơi mỗi người chúng ta khi bước vào Lễ Tro và mùa Chay 2012? Để trả lời cho những câu hỏi vừa nêu, chúng ta cần nhìn sự kiện Lễ Tro và mùa Chay 2012 dưới ba góc độ: góc nhìn phụng vụ, góc nhìn Kinh Thánh, và góc nhìn đời thường.
Trước tiên, dưới góc nhìn của chiều kích phụng vụ, Lễ Tro là ngày khởi đầu của mùa Chay. Vào thứ Tư Lễ Tro hằng năm, Giáo hội mời gọi mỗi Kitô hữu ý thức thân phận tội lỗi và tro bụi của mình. Vì thế, trong Thánh lễ hôm ấy, sẽ cử hành nghi thức xức tro lên đầu mỗi người: từ người già lớn tuổi cho đến một đứa trẻ con. Ý nghĩa của nghi thức này cho thấy tất cả chúng ta đều sinh ra từ tro bụi và trở về với bụi tro như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng viết: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi trở về cát bụi.” Bên cạnh đó, vào thứ Tư Lễ Tro hằng năm, Giáo hội buộc những người trưởng thành giữ chay kiêng thịt. Thực tế cho thấy, có biết bao vấn đề liên quan đến việc ăn chay: Phải ăn mấy bữa? Ăn lúc mấy giờ? Ăn bao nhiêu là vừa? v.v… Thật ra, đó cũng chỉ là những não trạng bình dân của nhiều người. Điều cốt yếu của việc ăn chay là chúng ta có dám mở lòng mình ra cho Thiên Chúa và cho tha nhân hay không mà thôi, như lời kêu gọi của Đức Thánh Cha trong sứ điệp mùa Chay 2012: mùa Chay là cơ hội để mỗi người chúng ta biết quan tâm đến người khác bằng những nghĩa cử yêu thương, sống bác ái với những người nghèo khổ, túng thiếu và cô đơn trong cuộc sống hôm nay bằng một quả tim thấm đượm chất men Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Khởi đi từ lời kêu gọi của Đức Thánh Cha, chắc chắn sẽ có những tấm lòng của nhiều mạnh thường quân biết chia sẻ những bữa ăn yêu thương cho các bệnh nhân trong bệnh viện, sẽ có nhiều giáo xứ mời gọi bà con giáo dân chung tay chia sẻ mùa Chay, để gom góp lại tạo nên những phần quà nhỏ bé cho người nghèo, cho các em thiếu nhi bất hạnh ở các trường tình thương v.v… Thiết nghĩ những nghĩa cử yêu thương cụ thể như thế sẽ là cách sống tâm tình mùa Chay ý nghĩa cho mỗi người Kitô hữu chúng ta, bởi vì bản chất của Giáo hội Chúa Kitô là luôn mở ra cho mọi người.
Tiếp đến, mỗi khi bước lên cúi đầu để linh mục xức tro, đó là giây phút chúng ta khiêm tốn nhận ra những giới hạn nơi thân phận của mình, là giây phút chúng ta sám hối và trông cậy vào ân sủng chữa lành của Thiên Chúa. Cúi đầu sám hối và chấp nhận những lời góp ý của người khác là chuyện không phải dễ dàng nếu như chúng ta không có ơn Chúa và không đủ khiêm tốn: nghĩ mình chẳng là gì cả. Bên cạnh đó, vào ngày thứ Tư Lễ Tro, chúng ta sẽ lắng nghe những bài thánh ca, những bài sách Thánh với chủ đề sám hối ăn năn, mời gọi chúng ta ý thức bản chất của tội lỗi, đó là việc chúng ta thấy mình còn nhiều giới hạn, mình chưa nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời. Kể từ hôm nay và trong suốt thời gian mùa Chay, chúng ta sẽ không thấy trưng hoa rực rỡ trong nhà thờ ở nhiều xứ đạo, bởi vì Giáo hội mời gọi mỗi người chúng ta tưởng niệm mầu nhiệm Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô, đồng thời cũng là thời gian để mỗi chúng ta suy nghĩ về “cuộc tử nạn và vượt qua” của chính mình, qua việc nhìn lại mình đã sống bí tích Rửa Tội từ lúc mới sinh cho đến hôm nay như thế nào. Đây là một hành trình nhìn lại quá khứ với biết bao thăng trầm, yếu đuối và tội lỗi, với biết bao buồn vui, có vị ngọt của thành công nhưng cũng có nhiều đắng cay của thất bại. Tuy nhiên, đó là một hành trình ý nghĩa, bởi vì đó là thời gian của ân sủng Chúa ban xuống cuộc đời chúng ta.
Vì vậy, cho dù quá khứ của chúng ta có tội lỗi đến đâu, Giáo hội không muốn chúng ta ngã lòng tuyệt vọng, nhưng hãy vững lòng cậy trông, hy vọng vào tình thương vô biên của Thiên Chúa như lời thánh Phaolô đã viết: “Ở đâu tội lỗi ngập tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội.” (Rm 5,20). Một nhà tôn giáo đã ví những tội lỗi của con người làm cho con người tiến lại gần với Thượng Đế. Ông ví cuộc đời con người như một sợi dây có nhiều nút thắt nối con người với thượng đế. Mỗi lần con người phạm tội là mỗi lần sợi dây ấy bị đứt đoạn, vì thế thượng đế phải nối lại bằng những nút thắt trong cuộc đời con người. Thượng đế càng nối nhiều nút thắt thì sợi dây ấy càng ngắn lại, và con người càng tiến gấn lại thượng đế. Chúng ta có thể cảm nhận được điều này qua sự kiện Chúa Giêsu tha tội cho người phụ nữ ngoại tình trong Tin mừng“Này chị, tôi không kết án chị đâu. Chị hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa.” (Ga 8,11). Thật vậy, dưới góc nhìn của Thánh Kinh, hình ảnh người phụ nữ ngoại tình, và hình ảnh người con hoang đàng trong Luca 15 càng cho chúng ta thấy bản chất mỏng dòn yếu đuối và tội lỗi nơi mỗi người chúng ta, càng cho chúng ta thấy tình thương lớn lao, và lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Vì thế, sống tâm tình mùa Chay là cơ hội để mỗi người chúng ta sám hối, hướng lòng về Thiên Chúa là một người Cha nhân từ: Ngài không bao giờ đóng khung chúng ta trong quá khứ, không bao giờ kết án, chỉ trích những khuyết điểm, yếu đuối của chúng ta, không loại trừ chúng ta, nhưng luôn luôn mở ra cho chúng ta một con đường mới, con đường của niềm hy vọng, để chúng ta biết đứng dậy sau những lần vấp ngã, và làm lại cuộc đời mới dưới cái nhìn yêu thương của Thiên Chúa.
Cuối cùng, khởi đi từ những cảm thức đức tin như thế, dưới góc nhìn đời thường, Chúa muốn nói gì với chúng ta qua Lễ Tro và mùa Chay 2012? Ngoài việc giữ chay, kiêng thịt vào thứ Tư Lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta thấy rất đông các Kitô hữu đi xưng tội vào dịp mùa Chay. Một lần nào đó đến nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, và nhiều nhà thờ khác, chúng ta sẽ bắt gặp rất đông những hối nhân xếp hàng chờ đi xưng tội. Vâng, người Kitô hữu đến với bí tích Giải Tội để nói với Chúa sự thật về con người của mình: những uẩn khúc, nỗi niềm thầm kín của tâm hồn, những khắc khoải, ưu tư trong thực tế đầy nghiệt ngã của cuộc sống. Điều này cho thấy, con người không thể tự cứu mình, nhưng chỉ có Thiên Chúa mới thật sự đủ sức mạnh để cứu vớt cuộc đời mỗi người chúng ta. Vậy thì, điều cốt lõi của Lễ Tro và mùa Chay 2012, đó là việc chúng ta biết quay về với Thiên Chúa là nguồn cội của Sự Thật và Sự Sống, biết nhận ra những yếu hèn, tội lỗi của bản thân và biết hướng đến tha nhân bằng những nghĩa cử cảm thông, chia sẻ chân thành xuất phát từ một quả tim biết yêu thương người khác, biết nghĩ đến người khác như lòng Chúa ước mong.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm