Lịch sử Giáo Hội tiếp nối với các biến cố và đặc sủng mới mẻ
Sau Công Đồng Chung Vatican II có người cho rằng Giáo Hội tiền công đồng đã chấm dứt, giờ đây bắt đầu một Giáo Hội khác. Thật ra các công trình của Chúa Kitô không quay lại đàng sau, không thuyên giảm nhưng tiến tới. Lịch sử Giáo Hội tiếp nối với các canh tân và đặc sủng mới mẻ.
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến hơn 10.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu sáng thứ tư 9-3-2010. Vì số tín hữu đông nên Đức Thánh Cha đã phải chia buổi tiếp thành hai phần: phần đầu trong đền thờ thánh Phêrô dành cho mấy ngàn thành viên ”Hiệp hội Don Carlo Gnocchi” chuyên chăm sóc các người tàn tật, già yếu và bệnh nhân cuối đời, và phần hai trong đại thính đường Phaolô VI.
Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã tiếp tục trình bầy gương mặt của thánh Bonaventura, hoạt động và các sáng tác của thánh nhân, đặc biệt là nỗ lực giải quyết các khó khăn nảy sinh trong dòng Phanxicô thời đó. Dựa trên tư tưởng của Gioacchino da Fiore viện phụ Xitô qua đời năm 1202 khẳng định rằng lịch sử Giáo Hội gồm ba giai đoạn tương ứng với Ba Ngôi Thiên Chúa, một nhóm tu sĩ Phanxicô cho rằng thánh Phanxicô thành Assisi tổ phụ của dòng là người khai mào giai đoạn mới, và các tu sĩ của dòng là cộng đoàn của Chúa Thánh Thần, bỏ lại đàng sau Giáo Hội phẩm trật và khai mào Giáo Hội mới của Chúa Thánh Thần, không còn bị ràng buộc vào các cơ cấu cũ nữa. Lập trường này có nguy cơ hiểu lầm sứ điệp của thánh Phanxicô, sự trung thành khiêm tốn của thánh nhân đối với Tin Mừng và Giáo Hội và nhất là dẫn tới một quan niệm sai lạc về Kitô giáo.
Năm 1257 khi trở thành Bề Trên Tổng Quyền Dòng Phanxicô, thánh Bonaventura phải đương đầu với tình trạng căng thẳng này trong Dòng. Để giải quyết vấn đề thánh nhân tìm hiểu cặn kẽ các bút tích và tư tưởng của viện phụ Gioacchino da Fiore, ghi nhận tính cách mới mẻ của Dòng Phanxicô do thánh tổ phụ thành lập, khác với phong trào viện tu quen thuộc cho tới lúc đó, cũng như việc cần thiết giải thích một phong trào viện tu mới được viện phụ Gioacchino báo trước. Thánh Bonaventura nhận ra trong quan niệm của nhóm tu sĩ duy linh nguy cơ đưa tới cảnh hỗn loạn vô quyền bính.
Trong biến cố này thánh nhân nhận ra hai điểm: thứ nhất là việc cần thiết cụ thể có các cơ cấu và việc lồng vào trong thực tại của Giáo Hội phẩm trật là Giáo Hội đích thực, cần tới một nền tảng thần học đối với cả các tu sĩ duy linh. Thứ hai việc chú ý tới thực tại cần thiết này không được đánh mất đi tính cách mới mẻ nơi gương mặt của thánh Phanxicô. Thánh Bonaventura khước từ chấp nhận tư tưởng lịch sử bao gồm 3 tiết nhịp. Thiên Chúa duy nhất trong toàn lịch sử và không chia thành ba Thiên Chúa, do đó lịch sử cũng duy nhất mặc dù vẫn tiến bước.
Chúa Kitô là lời cuối cùng của Thiên Chúa. Nơi Người Thiên Chúa đã nói tất cả, bằng cách trao ban chính mình và diễn tả chính mình. Chúa Thánh Thần là Thần Khí của Chúa Cha và Chúa Con. Chính Chúa Kitô đã nói về Chúa Thánh Thần như sau: ”... Người sẽ nhắc cho các con nhớ lại tất cả những gì Thầy đã nói với các con” (Ga 14,26), ”Người sẽ lấy những gì của Thầy và loan báo cho các con” (Ga 16,15). Vì thế không có một Tin Mừng khác, cũng không có một Giáo Hội khác phải chờ đợi. Do đó cả Dòng thánh Phanxicô cũng phải được tháp nhập vào Giáo Hội này trong đức tin, trong trật tự phẩm trật của nó. Điều này không có nghĩa là Giáo Hội bất động, gắn chặt vào qúa khứ và không thể có điều gì mới mẻ nữa. Trong bức thư tựa đề ”De tribus quaestionibus” thánh Bonaventura khẳng định rằng: ”Opera Christi non deficiunt, sed proficiunt” ”Các công trình của Chúa Kitô không trở lại đàng sau, không thuyên giảm nhưng tiến tới”. Nghĩa là người khẳng định có sự tiến bộ.
Đây là điều mới mẻ đối với tư tưởng của các Giáo Phụ và các người thời đó. Cho tới thời bấy giờ người ta cho rằng tư tưởng của các Giáo Phụ về Giáo Hội là tột đỉnh của nền thần học, và tất cả các thế hệ đến sau chỉ có thể là môn sinh của các vị mà thôi. Nhưng đối với thánh Bonaventura Chúa Kitô không phải là điểm kết thúc lịch sử như các Giáo Phụ tưởng nghĩ, mà là trung tâm của lịch sử; với Chúa Kitô lịch sử không kết thúc, nhưng bắt đầu một giai đoạn mới. Thánh nhân thừa nhận các Giáo Phụ là bậc thầy, nhưng hiện tượng Phanxicô khiến cho ngài xác tín về sự phong phú vô tận của lời Chúa Kitô, và nơi các thế hệ mới có thể xuất hiện các ánh sáng mới. Tính cách duy nhất của Chúa Kitô cũng bảo đảm cho tính cách mới mẻ và sự canh tân trong tất cả mọi giai đoạn của lịch sử.
Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha khẳng định rằng Dòng Phanxicô thuộc Giáo Hội của Chúa Giêsu, thuộc Giáo Hội tông truyền, và không thể tự xây dựng trong khuynh hướng duy linh ảo tưởng. Nhưng đồng thời sự mới mẻ của nó đối với phong trào viện tu cổ điển cũng có giá trị. Và thánh Bonaventura bênh vực tính cách mới mẻ của Dòng Phanxicô chống lại các tấn công của hàng giáo sĩ Paris: các tu sĩ Phanxicô không có một đan viện cố định, nhưng có thể hiện diện khắp nơi để loan báo Tin Mừng. Chính việc bẻ gẫy với sự ổn định là đặc tính của phong trào đan tu, để sống linh động tái lập năng động truyền giáo cho Giáo Hội.
Ngày nay cũng có các quan niệm cho rằng lịch sử Giáo Hội trong ngàn năm thứ hai sẽ là một sự suy vong thường hằng. Có người cho rằng sự suy đồi đã bắt đầu ngay sau Tân Ước. Thật ra ”các công trình của Chúa Kitô không quay lại đàng sau, không thuyên giảm nhưng tiến tới”. Giáo Hội sẽ là gì nếu không có tinh thần tu đức mới của các tu sĩ Xitô, Phanxicô, Đaminh, hay tinh thần tu đức của thánh nữ Terexa thành Avila và thánh Gioan Thánh Giá vv... ?. Đức Thánh Cha khai diễn điểm này như sau:
Thánh Bonaventura dậy cho chúng ta biết tổng hợp cần thiết của việc phân định nghiêm chỉnh, của khuynh hướng thực tiễn đơn sơ và sự cởi mở cho các đặc sủng mới mà Chúa Kitô trao ban cho Giáo Hội trong Chúa Thánh Thần. Ý tưởng về sự suy thoái cũng như khuynh hướng duy linh lập lại trong lịch sử.
Thật thế sau Công Đồng Chung Vaticăng II có vài người xác tín rằng tất cả đều mới mẻ, có một Giáo Hội khác, Giáo Hội tiền công đồng đã chấm dứt và chúng ta có một Giáo Hội khác. Đây là một khuynh hướng ảo tưởng vô quyền bính! Nhưng tạ ơn Chúa, các vị cầm lái Con Thuyền Giáo Hội là Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II một đàng đã bênh vực tính cách mới mẻ của Công Đồng, đồng thời đàng khác đã bảo vệ tính cách mới mẻ và tiếp nối của Giáo Hội, luôn luôn là Giáo Hội của những người tội lỗi và luôn luôn là nơi ơn thánh hoạt động.
Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ rằng kiểu thánh Bonaventura cai quản Dòng Phanxicô chứng minh cho thấy thánh nhân có óc thực tế lành mạnh và sự can đảm tinh thần. Vì đối với ngài cai quản không chỉ đơn thuần là làm việc, mà nhất là suy tư và cầu nguyện. Đó là hai đường nét nổi bật trong việc cai quản Dòng. Việc tiếp xúc mật thiết với Chúa Kitô đã đồng hành với người trong công việc của Bề Trên tổng quyền và các sáng tác thần học thần bí, trong đó nổi bật nhất là cuốn ”Lộ trình của trí khôn trong Thiên Chúa”, là cuốn sách chiêm niệm thần bí. Nó được cưu mang tại Verna nơi thánh Phanxicô đã nhận Năm Dấu Thánh của Chúa Giêsu. Thánh nhân giải thích nguồn gốc tác phẩm trong phần nhập đề như sau: ”Trong khi tôi suy gẫm về các khả thể của linh hồn trong việc lên cao với Thiên Chúa, tôi thấy hiện ra trong trí biến cố tuyệt vời đã xảy ra cho thánh Phanxicô tại nơi này: đó là thị kiến thiên thần Seraphim có cánh hình Thánh Giá. Và khi suy gẫm về điều này tôi nhận thấy thị kiến ấy cống hiến cho tôi sự xuất thần chiêm niệm của chính cha thánh Phanxicô và con đường dẫn tới đó” (Itinerario della mente in Dio, Prologo, 2, in Opere di San Bonaventura. Opuscoli Teologici/ 1, Roma 1993, tr.499).
Sáu cánh của thiên thần Seraphim, như thế, trở thành biểu tượng 6 giai đoạn tiệm tiến dẫn đưa con người từ sự hiểu biết Thiên Chúa qua việc quan sát thế giới và các thụ tạo và qua việc thám hiểm chính linh hồn với các khả năng của nó cho tới sự kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi qua Chúa Kitô, noi gương thánh Phanxicô thành Assisi. Các lời cuối cùng kết thúc tác phẩm trả lời cho câu hỏi làm thế nào để đạt sự hiệp thông thần bí với Thiên Chúa. Thánh nhân viết như sau: ”Nếu bạn ước mong biết điều gì xảy ra (sự kết hiệp thần bí với Thiên Chúa) thì hãy hỏi ơn thánh, chứ đừng hỏi giáo thuyết; hỏi ước mong chứ đừng hỏi trí tuệ; hỏi lời cầu nguyện rên rỉ chứ đừng hỏi việc nghiên cứu tìm tòi; hỏi phu quân chứ đừng hỏi thầy dạy; hỏi Thiên Chúa chứ đừng hỏi người phàm; hỏi sương mù chứ đừng hỏi sự rõ ràng; đừng hỏi ánh sáng nhưng hãy hỏi lửa đốt cháy tất cả và đưa vào trong Thiên Chúa với việc xức dầu mạnh mẽ và lòng trìu mến rất nóng bỏng... Như thế chúng ta hãy bước vào trong sương mù, hãy khiến cho các mệt nhọc, đam mê và bóng ma im tiếng; hãy cùng Chúa Kitô bị đóng đanh từ thế giới này bước tới với Thiên Chúa Cha, để sau khi đã nhìn thấy Ngài chúng ta nói cùng với tông đồ Philiphê rằng: điều đó đủ cho con rồi” (ibid., VII, 6).
Trước đó trong đền thờ thánh Phêrô ngỏ lời chào mấy ngàn thành viên của Hiệp Hội Don Carlo Gnocchi Đức Thánh Cha đã đề cao gương mặt bác ái của chân phước Carlo Gnocchi, tông đồ của thời đại tân tiến và thiên tài của tình bác ái Kitô, là người đã biết tiếp nhận các thách đố thời đó tận hiến cuộc đời để yêu thương săn sóc các trẻ em tàn tật vì chiến tranh.
Ngài là một linh mục năng nổ và là một nhà giáo dục say mê sắc bén sống trọn vẹn Tin Mừng trong mọi cảnh huống cuộc đời với nhiệt huyết tông đồ liên lỉ và không biết mệt mỏi. Trong Năm Linh Mục này Đức Thánh Cha cầu mong gương sống sáng ngời của chân phước Carlo Gnocchi cũng khơi đậy nơi các Linh Mục ước muốn tái khám phá ra và củng cố ý thức ơn thánh của chức thừa tác các vị đã lãnh nhận cho toàn Giáo Hội và toàn thế giới.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm