Liên hội đồng Giám mục Á Châu: Lời mời gọi bảo toàn tạo thành

Liên hội đồng Giám mục Á Châu: Lời mời gọi bảo toàn tạo thành

Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC) vừa tổ chức một cuộc hội thảo về biến đổi khí hậu tại Bangkok, Thái Lan trong hai ngày 23-24 tháng 10 năm 2013. Đây là lần thứ hai FABC để cập đến vấn nạn toàn cầu này, lần này với chủ đề “BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU Ở CHÂU Á: TÁC ĐỘNG VÀ GIẢI PHÁP”, qui tụ gần 50 đại biểu đến từ 18 Giáo hội Á Châu, trong đó có hai Hồng y (đều của Ấn Độ), hơn 20 Tổng Giám mục và Giám mục, còn lại là các linh mục, nữ tu và chuyên viên thuộc Ủy ban Caritas hay Ủy ban Công lý và Hòa bình của các HĐGM. Ngoài ra, còn có đại diện của một số nước như Đức, Bỉ, Malta, Samoa, Papua New Guinea và các tổ chức Công giáo như CIDSE và MISEREOR. Phía Công giáo Việt Nam, do Lm Lê Quốc Thăng, Thư ký và Ông Vương Đình Chữ, Phụ tá Thư ký Ủy ban CLHB đại diện.

Sau phát biểu khai mạc của Đức Hồng y Oswald Gracias, Tổng Giám mục Bombay, Chủ tịch FABC, hội thảo đã được nghe 08 tham luận do các chuyên gia về lãnh vực này trình bày, tập trung vào hai lãnh vực: một là trình bày thực trạng và nguy cơ diễn tiến của biến đổi khí hậu qua các nghiên cứu khoa học; hai là nhu cầu nhận thức và hành động để ngăn chặn biến đổi khí hậu, đặc biệt dưới nhãn quan Kitô giáo. Để có thể có một khái niệm tổng quát về các nội dung được đề cập, chúng tôi xin giới thiệu tiêu đề và diễn giả của 8 tham luận đó:

  1. Nền tảng khoa học vật lý về cấu trúc khí hậu và biến đổi khí hậu. TS Jean Pascal Van Yperselve, Phó Chủ tịch Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), GS Đại học Công giáo Louvain, Bỉ

  2. Phúc trình của Ngân hàng Thế giới về biến đổi khí hậu, cách riêng tại Nam Á và Đông Nam Á.  TS Bill Hare, Viện Postdam Nghiên cứu tác động của khí hậu, Sáng lập viên và Chủ tịch Điều hành tổ chức “Climate Analytics”.

  3. Khảo cứu Sự thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu vùng Hạ lưu sông Mekong. Paul Hartman, Viện Nghiên cứu Thích ứng khả năng với biến đổi khí hậu Mekong ( Mekong ARCC).

  4. Hoàn cảnh khó khăn của Đảo Quốc nhỏ bé Papua New Guinea với tình trạng nước biển dâng. Taito Nakalevu, Cố vấn về biến đổi khí hậu của Chương trình Môi trường Khu vực Nam Thái Bình Dương // SPREP và Lm John Bosco Kensie , Bougainville, Papua New Guinea

  5. Tính công bằng trong các động lực của hội nghị về biến đổi khí hậu. Sanjay Vashist, Giám đốc Mạng lưới Hành động về khí hậu (CAN)

  6. Tính công bằng trong các động lực của sứ vụ Giáo hội. Lm John Brinkman, Chuyên viên LHQ về môi trường, Cố vấn của HĐGM Hoa kỳ về biến đổi khí hậu.

  7. Mối Quan tâm Thần học và sinh thái học. Lm Clarence Davadass, Thần học gia, Thư ký điều hành của Văn phòng Thần học của FABC

  8. Tuyên Bố của UNFCCC ( Công ước Khung Về Biến Đổi Khí Hậu của Liện Hiệp Quốc ) Tiến Trình và các cơ hội cho một thỏa thuận mới. TS Tony La Vina, Khoa trưởng Đại học Ateneo, Đại diện của Chính phủ Philippin trong các Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu.

Ngoài các thảo luận trực tiếp với các diễn giả sau các thuyết trình, đã có hai cuộc làm việc theo nhóm và một thảo luận bàn tròn do các chuyên gia gợi ý. Từ các thuyết trình, cử tọa đã nhận được những thông tin cập nhật của tình trạng biến đổi khí hậu do hiện tượng sinh quyển đang nóng dần lên, đưa tới những thảm họa ngày càng nhiều về số lượng và quy mô hậu quả càng lớn: lũ lụt, triều cường,  bão tố, cuồng phong, nước biển dâng, nước mặn thâm nhập…làm giảm đất đai canh tác, mất mùa, phá hoại tài sản (nhà cửa, súc vật…), buộc nhiều người phải dời cư (từ đây, phát sinh một dạng tỵ nạn mới: tỵ nạn khí hậu) và làm chết nhiều người. Đại diện từ các quốc gia đã cung cấp các con số cụ thể về tác động của biến đối khí hậu đến môi trường sống của con người. Mọi người đều nhận thấy bị thúc bách phải hành động để cứu nguy cho trái đất, ngôi nhà chung của nhân loại, mà yêu cần khẩn thiết trước mắt là ngăn sự nóng dần lên của sinh quyển mà một kịch bản dự liệu rằng nếu không hành động đủ thì trong vòng 100 năm tới, nhiệt độ tăng thêm 4 độ C, sẽ xảy ra một thảm họa cho nhân loại và môi trường bị tàn phá đến mức không thể phục hồi.

Chính trong viễn cảnh này, các Giáo hội Châu Á, cùng với các Giáo hội khác trên khắp thế giới, nhận thấy trách nhiệm phải góp phần trong nỗ lực bảo vệ môi trường. Ngoài các yếu tố nhân loại, trách nhiệm này còn được thúc bách bởi niềm tin vì các Kitô hữu tin rằng Thiên Chúa đã tạo dựng thế giới này một cách tốt đẹp và Ngài đã giao cho con người quản lý và con người được mời gọi tiếp tục tham gia vào công trình sáng tạo này.

Về hành động, FABC sẽ tiếp tục nghiên cứu để đưa ra một chương trình cụ thể nhưng trước mắt, nhấn mạnh đến việc gây ý thức trong mọi thành phần Dân Chúa về những nguy cơ hiển hiện của biến đổi khí hậu, về trách nhiệm bảo vệ môi trường, về tinh thần công lý trong ứng xử với thiên nhiên. Các hành động cụ thể có thể khởi đi từ việc đưa vấn đề môi trường vào chương trình dạy giáo lý, vào chương trình đào tạo các chủng sinh, đến việc đào sâu nền thần học về sinh thái, về đối thoại liên tôn về môi trường và tìm cách tác động đến các chính phủ về các chính sách kinh tế có liên quan đến môi trường. Các đại diện của Ủy ban Công lý và Hòa bình của HĐGM Việt Nam tại cuộc hội thảo này đã đề nghị thêm : FABC nghiên cứu khả năng ra một Tuyên ngôn về môi trường, như Tuyên ngôn Manila 1970, nêu lên các định hướng về vấn đề môi trường để các giáo hội địa phương dựa theo đó mà xây dựng chương trình hành động của mình và xúc tiến hợp tác tiểu khu vực Mekong giữa các Giáo hội Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myannmar vì có chung những nguy cơ do biến đổi khí hậu gây ra ở khu vực này.

Đức Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, do bận công tác mục vụ nên không thể đến tham gia hội nghị nhưng đã gửi đến Ban tổ chức một bài tham luận, được phân phát cho mọi người tham dự. Bài tham luận có tựa đề “Những thách đố về môi trường – sinh thái của Việt Nam và đề nghị những giải pháp cho sự bền vững môi trường cách hợp lý”. Sau khi đưa ra thực trạng đang xuống cấp của Việt Nam về mọi lãnh vực môi trường: nước biển dâng, ô nhiễm đất, ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí, tàn phá rừng và sa mạc hóa, Đức Cha Chủ tịch đã giới thiệu qua các giáo huấn của Giáo hội về môi trường và sau cùng, đề nghị một số giải pháp ngắn hạn và trung hạn, trong đó có vai trò của Giáo hội. Ngài nhìn nhận rằng “Giáo hội Việt Nam chưa thực sự dấn thân vào lãnh vực “nóng” này. Một cách chân thành, và thật đáng tiếc, trong 15 Thư Mục vụ hàng năm của HĐGM Việt Nam, từ 1998 đến 2013, các Giám mục đã không đề cập đến những vấn đề về môi trường và sinh thái, trừ một câu trong Thư Mục vụ năm 2001: “sự sống con người….đang bị những tai họa thiên nhiên và sự tàn phá môi trường đe dọa”. Ngoài ra, chỉ có Đức Hồng y Phạm Minh Mẫn viết một thư mục vụ về “khủng hoảng môi trường” năm 2009 và bản thân Đức Cha Phaolo Bùi Văn Đọc cũng đề cập đến “những thách thức môi trường” trong thư mục vụ Mùa Vọng năm 2009. Ngài cho rằng tình hình này phải thay đổi và quả quyết : “Ngày nay, bảo vệ sinh thái phải được xem như một chiều kích cấu thành của đức tin, của lối sống và của sứ vụ Kitô giáo, “một ưu tiên truyền giáo”.

Vào cuối hội thảo, FABC đã ra một tuyên bố trong đó nhấn mạnh rằng giải pháp cho biến đổi khí hậu mang tính đạo đức, luân lý và tôn giáo vì vậy, các Giáo hội Á Châu, tuy là thiểu số trên lục địa này, phải mạnh dạn nói lên tiếng nói mang tính ngôn sứ nhằm tác động lên các hoạch định chính sách phát triển đang xâm hại đến môi trường. Đồng thời, các Giáo hội cần phải liên kết với các tôn giáo, các tổ chức phi chính phủ để gây ý thức cho người dân về tai họa của biến đổi khí hậu, về trách nhiệm bảo vệ môi trường, về thay đổi lối sống đang có chiều hướng hưởng thụ tối đa sang lối sống dung dị và chừng mực. FABC đề nghị tất cả các giáo phận ở Châu Á dùng “Mùa bảo toàn tạo thành” (season for integrity of creation) từ ngày 1-10 đến ngày lễ Thánh Phanxico 4-10 hằng năm để cầu nguyện và hành động cho môi trường.

Văn bản của hội nghị Bangkok nhắc lại Tông huấn Verbum Domini của ĐTC Biển Đức XVI: “Quả thật, chúng ta cũng vậy, trong tư cách là Kitô hữu và sứ giả Tin Mừng, chúng ta có một trách nhiệm đối với tạo thành. Nếu, một đàng, Mạc Khải cho chúng ta biết dự phóng của Thiên Chúa trên vũ trụ, đàng khác, Mạc Khải đưa chúng ta tới chỗ tố giác những thái độ sai lầm của con người, khi họ không nhận biết mọi sự như là dấu vết của Đấng Tạo Hóa, mà chỉ như một chất liệu để họ lèo lái không chút áy náy. Theo cách này, con người thiếu sự khiêm tốn cốt yếu giúp họ nhận biết thụ tạo như là một ân ban của Thiên Chúa mà họ phải đón nhận và sử dụng theo kế hoạch của Ngài. Trái lại, sự kiêu căng ngạo mạn của người sống “y như thể Thiên Chúa không hiện hữu”, đưa họ tới chỗ khai thác và làm méo mó gương mặt của thiên nhiên, do không nhìn nhận thiên nhiên là một công trình của Lời tạo dựng. Khởi đi từ cái nhìn thần học này, tôi ao ước lặp lại các khẳng định của các Nghị Phụ, các ngài đã nhắc lại rằng “đón tiếp Lời Thiên Chúa đã được chứng thực trong Kinh Thánh và trong Truyền Thống sống động của Giáo Hội, làm nảy sinh một cách nhìn mới các sự vật, qua việc cổ võ một nền môi sinh học chân chính, bén rễ sâu xa nhất trong sự vâng phục đức tin [...], phát triền một sự nhạy cảm thần học mới mẻ đối với sự tốt lành của mọi sự đã được tạo thành trong Đức Kitô”. Con người cần được giáo dục lại về khả năng kinh ngạc thích thú và nhận biết vẻ đẹp trung thực được tỏ lộ trong các sự vật đã được tạo thành” (số 108 – Bản dịch của Ủy ban Kinh Thánh, HĐGMVN).

Văn bản kết thúc với việc lặp lời của ĐTC Phanxicô mời gọi mọi người, cách riêng các giáo hữu Kitô, trở nên “người bảo vệ của tạo thành”, nghĩa là “tôn trọng từng mỗi tạo vật của Chúa, tôn trọng môi trường chúng ta sống… Hãy trở nên những người bảo vệ quà tặng của Thiên Chúa. Tôi yêu cầu tất cả những ai ở trong cương vị trách nhiệm về đời sống kinh tế, chính trị và xã hội, và mọi người thiện chí: hãy trở nên những người bảo vệ của tạo thành, những người bảo vệ kế hoạch của Thiên Chúa đã ghi dấu trong thiên nhiên, những người bảo vệ lẫn nhau và bảo vệ môi trường” (Bài giảng lễ Thánh Giuse, 2013).

Việt Nam là một trong 10 nước sẽ gánh chịu nhiều tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, do đó, Giáo hội Việt Nam càng phải quan tâm hơn nữa đến lãnh vực này. Một dấu chỉ đáng mừng là biến đổi khí hậu đã được Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch HĐGMVN, nêu lên trong “Đường hướng mục vụ của Giáo hội Chúa Kitô tại Việt Nam”, khi nói chuyện với Hội nghị các Bề trên Thượng cấp ngày 05-11-2013 tại K’Long. Trong mục 5, “Giáo hội góp phần xây dựng xã hội”, ngài nêu rõ: “Một cách thực tế, Giáo hội hôm nay cần phải để ý tới những ảnh hưởng tai hại của sự biến đổi khí hậu đến hành tinh của chúng ta, những thiên tai liên tiếp ập vào các miền thuộc Đất nước chúng ta” (WHD ngày 08-11-2013). Một dấu chỉ đáng mừng khác là Giáo phận Hải Phòng đã tổ chức một cuộc hội thảo trong hai ngày 29,30/10 với chủ đề “Tổ chức tôn giáo, tổ chức xã hội dân sự nhận thức về biến đổi khí hậu” với sự tham gia của chính quyền, của chuyên viên và của đại diện Phật giáo.

Nhưng trước những hậu quả nhãn tiền của siêu bão Haiyan tại Philippin, cũng như trước cảnh tang thương của cơn lũ lịch sử mà Miền Trung vừa mới gánh chịu giữa tháng 11 vừa qua, Giáo hội Việt Nam cần phải đi từ “để ý” và “nhận thức” về biến đổi khí hậu đến những hành động cụ thể hơn nhằm bảo toàn tạo thành và góp phần tô bồi cho một trái đất trở nên một chỗ ở thân thiện cho mọi người.

Top