Liên Hội đồng Mục vụ các giáo xứ hạt Phú Thọ hành hương về đất tổ
WGPSG -- Đúng 6g00 sáng thứ Ba, ngày 29.4.2015, sau khi nguyện kinh trước linh đài Đức Mẹ La Vang tại giáo xứ Tân Phước, khoảng 80 thành viên của Liên HĐMVGX giáo hạt Phú Thọ cùng với sự đồng hành của cha Hạt trưởng hạt Phú Thọ Giuse Phạm Bá Lãm và cha chánh xứ Tân Phước Giuse Vũ Minh Danh, đã khởi hành về viếng đất tổ - Giáo xứ Mặc Bắc giáo phận Vĩnh Long, nơi có phần mộ của Thánh Tử Đạo Giuse Nguyễn Văn Lựu, bổn mạng của Liên HĐMVGX giáo hạt Phú Thọ.
Đến nhà thờ Mặc Bắc khi tiếng chuông Truyền Tin của nhà thờ vừa đổ vang, đoàn đã vào dâng Thánh lễ, viếng đài Thánh Lựu gần cổng nhà thờ, trước khi dùng bữa cơm trưa do cha chánh xứ đãi đoàn hành hương.
Trước khi ra về, đoàn ra viếng nơi xưa kia đã chôn cất Thánh Giuse Lựu, cách nhà thờ khoảng chừng 200m, nay vẫn còn để bia mộ của ngài để mọi người kính viếng.
Giáo xứ Mặc Bắc có hơn 15 ngàn giáo dân trên tổng số 25 ngàn dân cư, gồm có 5 nhà thờ, 3 nhà nguyện. Theo tuần báo Nam kỳ địa phận số 438 ra ngày 28.6.1917, năm 1977 dưới triều đại Tây Sơn, số giáo dân Mặc Bắc là 30 người.
“Nguyễn Ánh (Vua Gia Long) đánh chiếm Sàigòn, Gia Định tháng 10 năm 1782, Đức Cha Bá Đa Lộc trở về địa phận và lập chủng viện ở Mặc Bắc. Đầu năm 1783, hàng giáo sĩ lại tập trung ở Mặc Bắc gồm có: Đức cha, Thừa sai Liot, 2 cha dòng Phanxicô và 3 linh mục Việt Nam” (Trích cuốn Giáo hội Công giáo ở Việt Nam quyển II xuất bản năm 1975, trang 248).
Thánh Giuse trùm Lựu sinh năm 1790 tại Cái Nhum (Bến Tre). Vì gia đình đông con lại nghèo, nên ông Sách (cha của Thánh Giuse trùm Lựu) phải tha phương cầu thực, đầu tiên đến ở họ Bò Ót (Gp. Long Xuyên), ở một thời gian gia đình dọn về Mặc Bắc ở.
Cậu Giuse trùm Lựu lập gia đình có 7 người con, sống đơn sơ gần gũi với chòm xóm, thường hay giúp đỡ lúa gạo, tiền bạc cho người nghèo túng. Đi câu cá chỉ đem về đủ ăn, còn bao nhiêu đem cho kẻ túng bấn… Việc đạo thì ông luôn hăng say phụ giúp, nên ông được bầu vào hàng quới chức, sau đó là chức trùm họ đạo.
Năm 1850, cha Phêrô Nguyễn Văn Lựu được đổi về Mặc Bắc trong lúc đang bị cấm đạo ngặt nghèo, nhà thờ bị đốt cháy, không có chỗ cho cha ở. Ông bất chấp hiểm nguy đem cha về nhà mình nuôi dưỡng, để cha lo việc dạy giáo lý và ban các bí tích cho giáo hữu. Khoảng đầu năm 1853, có tên bếp Nhẫn (cờ bạc, rượu chè…) đến mượn tiền, cha Phêrô Lựu quở trách không cho nên oán hận rủ tên Lý Vấp và Xã Hiệp đến Vĩnh Long tố cáo. Đêm 26.02.1853, quan quân đến bao vây nhà ông trùm Lựu. Thời gian này, cha Phêrô Lựu đã đổi về Ba Giồng, Mỹ Tho, cha Philipphê Minh mới đến được 18 ngày. Ông đem cha Philipphê Minh đi trốn nơi kín đáo, rồi ra mở cửa. Chúng ào vào tra hỏi: “Tên Đạo trưởng Lựu đâu, mau đem ra đây”. Ông trùm nói: “Không có Đạo trưởng Lựu nào cả, chỉ có tôi là Lựu mà thôi”. Quan rằng: “Hãy cho tên già lẻo mép có khai không cho biết”, nói rồi ra lệnh cho quân lính lôi ông trùm ra đánh đập tàn nhẫn. Phần cha Minh thấy ông già tuổi đã cao mà bị hành hạ như vậy thì không đành lòng bèn bước ra mà nói: “Đạo trưởng chính là tôi đây”. Các ông hãy bắt tôi mà tha cho mấy người này. Quan quân đang hoang mang thì tên bếp Nhẫn nói: “Đây chính là Đạo trưởng”. Chúng liền bắt cha Minh và ông trùm Lựu đóng gông cùng trói thúc ké một số người nữa, sau đó đem xuống ghe chở thẳng về Vĩnh Long.
Ở trong tù, ông chịu hành hạ với bao cuộc tra tấn dã man để buộc ông phải bỏ đạo, nhưng ông cương quyết theo Chúa đến cùng. Vì tuổi già sức yếu mà phải bị đòn bọng nên sức khỏe ông ngày càng cạn kiệt. Vào lúc 3 giờ khuya ngày 02.5.1854 ông trút hơi thở cuối cùng.
Xác ông được an táng tại nhà thờ Mặc Bắc thời đó, nay là Đài Thánh Lựu thuộc khu vực Ba Giồng, họ Mặc Bắc. Đám tang ông trùm có khoảng 2000 giáo dân và 4 linh mục tham dự. Trong thời cấm đạo ngặt mà có một đám tang như vậy thật là hy hữu.
Ngày 05.5.1909, được Đức Giáo hoàng Piô X phong Chân Phước.
Ngày 19.6.1988, được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong lên bậc Hiển Thánh.
Sau khi Thánh nhân chết rũ tù (02.5.1854) tại Vĩnh Long, bà trùm và các người con đem về quàn tại gia đình, an táng tại nền ngôi nhà thờ họ Mặc Bắc khi ấy. Năm 1883, Giáo hội cho lấy cốt đem về Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn. Năm 1938, sau khi tu bổ xong, ảnh Đài Thánh Giuse trùm Lựu được Đức cha Phêrô Ngô Đình Thục làm phép. Năm 2008, cha sở Phêrô Nguyễn Phước Lợi (người có lòng sùng kính Giuse Lựu cách đặc biệt) đã nhờ cha Tôma Thành đứng ra xây dựng đài cho Thánh Giuse trùm Lựu như ta thấy hiện nay.
Trên đường về, dù trời đã tối, đoàn hành hương vẫn ghé thăm Đức cha Phêrô Nguyễn Khảm, Giám mục giáo phận Mỹ Tho.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm