Linh mục: Niềm tin - Hy vọng
WGPSG -- “Đẹp thay bước chân những người loan báo Tin Mừng” (Rm10,15).
Liên tục trong những tháng vừa qua, các giáo phận, dòng tu đã diễn ra nhiều đợt phong chức linh mục. Vào lúc 10g00 ngày 04/08/2012, 13 thầy phó tế của Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam đã được tiến chức, do Đức Giám mục Giáo phận Vinh Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP chủ phong, tại Tu viện Albêtô - Ba Chuông trong niềm hân hoan.
Hầu hết các tân chức đều trẻ, trên dưới 30 tuổi, lứa tuổi tràn đầy sức sống, hẳn sẽ góp phần cho Giáo hội Việt Nam ngày càng trẻ trung, đáp ứng cho nhu cầu mục vụ hôm nay.
Ở đây, tôi xin được ghi nhận cảm tưởng của một vài thành phần dân Chúa về thiên chức linh mục
Những người trẻ kì vọng gì nơi các linh mục?
Tại Việt Nam hôm nay đang dần hình thành một xã hội tiêu thụ, trong đó người trẻ bị cuốn hút vào những giá trị “ảo” xa lạ. Những nền tảng đạo đức truyền thống bị coi là lỗi thời, sinh hoạt gia phong trong gia đình bị xáo trộn, nếp sống xứ đạo bị coi là “một thời đã xa”. Ngày hôm nay, cuộc sống của gia đình Việt Nam, cha mẹ con cái chung một bàn ăn, vừa dùng cơm vừa trao đổi, bàn luận về việc học, về công ăn việc làm, bàn luận về một bài báo, một bộ phim hay một cuốn sách xem ra rất hiếm. Đơn giản vì mỗi người gần như ai cũng có công việc riêng của mình, cha mẹ thì lo tìm kiếm thêm hầu có của ăn, của để; con cái người đã trưởng thành thì lao vào công việc, làm giàu hay tìm kiếm danh vọng; người còn đang đi học thì học lấy học để, học đủ mọi thứ, từ học kiến thức đến học cách giải trí như: chơi game, chat, mail, mode, hiphop…và coi đó là thước đo của một người có trình độ hiểu biết, nhân cách trưởng thành. Người trẻ nói chung có những cách suy nghĩ lạ đời, “tai tiếng” đi gần với “tăm tiếng”, với mục tiêu là thể hiện mình, mong có nhiều người biết đến, cho dù có trái ngược với những gì vẫn được coi là luân thường đạo lý.
Về phương diện tôn giáo, cụ thể là đạo Công giáo chúng ta, hầu như các sinh hoạt về niềm tin chỉ còn quy tụ được thiếu nhi từ 6 đến 14 tuổi, tức là lứa tuổi học sinh cấp I, II. Đây là thời gian mà gia đình nếu có quan tâm đến đời sống đạo thường đưa con đến nhà thờ, vào hội đoàn để qua đó được quý cha, quý thầy, quý soeur hay các anh chị giáo lý viên giúp dạy giáo lý hầu đón nhận bí tích Thánh Thể và Thêm Sức; sau đó là để con tự “bơi” trong dòng sông cuộc đời. Chính vì thế, bước vào tuổi thanh niên, từ 15 tuổi trở lên, người trẻ cảm thấy bơ vơ, dễ bị cám dỗ xa dần đời sống tâm linh. Trong giai đoạn này, nếu được nâng đỡ, huấn luyện về niềm tin, về nhân bản… thì người trẻ sẽ cảm thấy gắn bó với đạo của mình, và ngày càng trở nên xác tín hơn.
Do đó, “Mục vụ giới trẻ” được quan tâm đặc biệt. Các linh mục đã dấn thân, phục vụ đối tượng “tương lai của xã hội và Giáo hội”, một sứ vụ cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, với sức trẻ và bầu nhiệt huyết căng tràn cộng với sự năng động, vui tươi, các ngài đã và đang giúp các bạn trẻ sống viên mãn ơn gọi Kitô hữu trong tinh thần trẻ trung của Đức Kitô. Bởi vì, chính Người đã sống trọn đời trẻ của mình trên dương thế, đã bước vào đời rao giảng khi tròn 30 tuổi.
Bên cạnh đó, khi đồng hành với người trẻ, các linh mục đã nhận ra những ưu tư, khắc khoải của người trẻ để:
- Tìm ra những giải pháp, những lời giải đáp giúp người trẻ đi theo con đường của Đức Kitô.
- Tập cho người trẻ biết làm việc để mưu ích cho mọi người, vì đó là tham gia vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa; họ không trở thành xa lạ với chính mình, với anh em đồng loại.
- Truyền thông cho giới trẻ niềm vui, niềm hy vọng có cuộc sống vì mọi người, sống thanh cao, sống có ích; họ dám mạnh dạn đáp lại tiếng gọi của Đức Kitô, không sống khiếp đảm như Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II căn dặn: “Hỡi các bạn trẻ, đừng sợ phải sống thánh thiện”.
Tâm tình của một anh em không tín ngưỡng:
Tôi đã theo dõi hoạt động của các linh mục, tôi thắc mắc linh mục là ai? Và tôi được biết rằng linh mục là hiện thân của Đức Kitô giữa trần đời. Một người như mọi người, nhưng đã thánh hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa, Đấng các ngài tôn thờ. Tôi cảm phục linh mục: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, sống giữa thế gian mà không theo thói thế gian. Tôi thích thú nhìn chân dung người linh mục: ung dung tự tại, thênh thang giữa đất trời, chẳng màng danh lợi thú cho riêng mình, chỉ mong gieo “tin yêu vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng” cho người người an bình, hạnh phúc. Lạ một điều! Linh mục lại là đối tượng bị nhiều chỉ trích, chống đối, đàm tiếu, thị phi. Cảm thương thay cảnh “làm dâu trăm họ”…Lạ lùng quá! Dù trăm bề khó khăn thử thách, người người vẫn hiên ngang đáp lại tiếng gọi của trời cao, quả là một huyền nhiệm quá cao sâu của tình yêu dâng hiến.
Tôi yêu linh mục: Giữa một thế hệ gian tà sa đọa, các ngài đã chiếu sáng như những vì sao trên bầu trời, chỉ đường dẫn lối cho mọi người tìm về Chân-Thiện-Mỹ.
Tôi cần linh mục: Niềm tin yêu - hy vọng - cứu cánh của tôi, của một xã hội đang băng hoại đạo đức và luân lý; giá trị con người bị đồng tiền đảo lộn chi phối. Các ngài có đó thì trật tự vãn hồi, hòa bình thiết lập, tình yêu lên ngôi cho cuộc đời này đáng yêu, đáng sống và sống viên mãn.
Vâng! Quả vậy, linh mục là ân ban của Thiên Chúa cho nhân loại! Trong khi hãnh diện về các ngài, chúng tôi không quên cầu nguyện cho các ngài, vì “Ơn Thánh chứa đựng trong bình sành, dễ vỡ”. Phải! Các ngài cũng là con người yếu đuối, cần sự nâng đỡ của Thiên Chúa, cần sự cảm thông, cộng tác của cộng đồng dân Chúa, để các ngài chu toàn trọng trách được giao phó, theo gương Vị Mục tử nhân lành tối cao là Chúa Giêsu: tận tâm, lo lắng cho đoàn chiên được “sống và sống dồi dào”.
Giờ đây, trần hoàn ơi hãy cùng chúng tôi hát vang ngợi khen, chúc tụng Thiên Chúa: Bài ca tạ ơn con dâng lên Chúa…Tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho đời biết bao kỳ công. Tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho đời biết bao hồng ân… qua tay các linh mục.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm