Linh mục: quà tặng & gánh nặng
WGPSG -- Không ai muốn trở thành gánh nặng, vì gánh nặng luôn đồng nghĩa với vất vả, mệt mỏi và cả những thao thức băn khoăn. Hai người dù yêu nhau tha thiết, ngay cả khi đã là vợ chồng, thì lúc này hoặc nơi nọ họ vẫn có thể trở thánh gánh nặng cho nhau. Đó là lẽ thường tình, đó cũng là quy luật đời sống.
Ai cũng muốn nhận được quà tặng, nhưng đôi khi, lại tự biến thành gánh nặng của chính mình rồi chất cái gánh ấy lên vai kẻ khác mà không tự biết. Trong một gia đình, con cái thường là những quà tặng tuyệt vời của Thiên Chúa dành cho các bậc cha mẹ, và cha mẹ luôn là các ân phúc quý báu dành cho những người con. Tuy nhiên, vẫn không hiếm những trường hợp các thành viên trong một nhà đã trở thành gánh nặng của nhau, và vì vẫn là những con người, nên gia đình Giáo Hội của Chúa cũng không có biệt lệ. Những điều này, các đấng bậc trách nhiệm của Giáo Hội đã nhiều lần chỉ rõ.
Những con cừu Panurge
Công đồng Vatican II đã mang lại nhiều sức sống mới cho Giáo hội, rất tích cực và sinh động, cách riêng về phía người giáo dân. Trong giáo xứ, người giáo dân cộng tác với cha xứ trong hầu hết mọi sinh hoạt. Từ tổ chức điều hành đến huấn luyện giáo dục và phụng vụ, họ có mặt trong Hội đồng giáo xứ, Ban hành giáo, Giáo lý viên, Ca đoàn... Trong các hội đoàn như Legio, giới Hiền mẫu, giới Gia trưởng... người giáo dân đã giúp đỡ nhau, nâng cao trình độ cho nhau, cùng nhau làm nhiều việc mục vụ trong xứ: thăm viếng an ủi người cô đơn đau ốm, gặp gỡ người ngoại, nâng đỡ kẻ khô khan rối rắm, giúp đỡ người nhập cư... Họ là những cánh tay nối dài đích thực của các linh mục.
Một số giáo dân khác còn tham gia những công việc, mà trước đây chỉ có hàng giáo sĩ mới có khả năng như: chú giải Thánh Kinh, dạy Triết và Thần học, nghiên cứu tôn giáo, cộng tác vào việc đào tạo chủng sinh, tu sĩ...
Sau Công đồng chung Vatican II, ai cũng thấy đã có nhiều nỗ lực và những đổi thay rất đáng kể trong đại gia đình Giáo hội, tuy nhiên, so với những đòi hỏi và kêu gọi của Công đồng Vatican II thì vẫn còn đó một khoảng cách không nhỏ, khoảng cách ấy đã biến người giáo dân và giáo sĩ thành những gánh nặng. Gánh nặng của chính mình và gánh nặng cho người khác.
Thực thế, ngay ở những trang đầu của bộ Thánh Kinh, Thánh Giêrênimô đã khẳng định hết sức mạnh mẽ: “Không biết Thánh kinh, là không biết Chúa Giêsu”. Nhưng thực tế đã chỉ ra một điều rất đáng buồn rằng, tín hữu Công giáo là những người ít đọc Thánh kinh nhất so với các hệ phái cùng tôn thờ Chúa Giêsu. Ít đọc đến mức, thậm chí có nhiều giáo dân đã không biết cách mở Thánh Kinh để tìm đúng địa chỉ các câu Lời Chúa.
Họ chỉ quen cầu nguyện bằng cách đọc kinh, dù rất nhiều khi những bài kinh ấy chẳng phù hợp chút nào với tâm tình riêng, vì thế, các sinh hoat đạo đức kia chỉ mang tính hình thức, rất chiếu lệ và thiếu hẳn tính sinh động. Họ thuộc rất nhiều kinh, nhưng lại biết thật ít về Chúa. Họ sợ Thánh Kinh, vì cuốn sách quá dày. Họ chán, họ ngại Thánh Kinh, vì cuốn sách rất khô khan với nhiều chuyện mâu thuẫn khó hiểu. Với họ, Thánh Kinh là một cuốn sách chỉ nên “ kính nhi viễn chi ” vì đó chỉ là gánh nặng. Họ dồn gánh nặng của những cái sợ, cái ngại, cái chán ấy lên vai các linh mục, tu sĩ, mà họ coi là thành phần “phải” học Thánh Kinh, thay cho họ.
Niềm tin của họ chỉ là những giáo điều công thức đã soạn sẵn và được học thuộc lòng. Họ rất thích nghe kể về những phép lạ của Chúa và các Thánh rồi suy nghĩ và ước ao. Họ không ngại tốn kém và rất nhiệt tình tham dự các buổi hành hương ở mọi nơi có thể đến, để (may ra) có thể được mục kích phép lạ, hoặc ít ra, cũng tận mắt được cảm nếm những phép lạ qua khung cảnh, đất đai và con người tại chỗ nơi phép lạ đã xảy ra. Họ rất hài lòng và luôn hãnh diện về những việc “đạo đức” kiểu như thế.
Phần lớn các giáo dân cảm thấy không có nhu cầu cần phải đọc Thánh kinh, đa số đều tự hài lòng và lấy làm an tâm thoả mãn vì đã có những câu lời Chúa, đang khi các câu lời Chúa ấy chỉ là những mảnh vụn và luôn thật rời rạc so với toàn bộ vô cùng phong phú và hấp dẫn của Kinh thánh. Những hiểu biết vụn vặt và thật rời rạc về Đấng mà mình tôn thờ như thế, quả thật, không có gì đáng để tự hào. Và cũng chính vì thế, nhận thức và đời sống tín lý của số đông này rất hời hợt của những cái khung đã được đúc sẵn. Các kiến thức của họ về đạo chủ yếu được nuôi dưỡng bằng các bài giảng của linh mục ngày Chủ nhật, mà mức tiếp thu thường vốn rất hạn chế, chưa kể có nhiều trường hợp vị linh mục bận rộn đến mức, không đủ thời gian để soạn bài giảng cho súc tích và gần gũi với thực tế cuộc sống.
Vì đời sống đức tin hoàn toàn phụ thuộc vào vị linh mục như thế, nên người giáo dân mất dần khả năng suy tư độc lập và từ đó, ý thức sống đạo mỗi ngày một bị bào mòn để trở thành các con cừu Panurge, những gánh nặng của chính mình. Họ không còn là những cộng tác viên Nước Trời như Chúa muốn và Công đồng mời gọi, nhưng đã tự biến mình thành những gia nhân của Cha xứ, chỉ có nhiệm vụ: đóng tiền, cầu nguyện và vâng lời tối mặt, đang khi trong cộng đồng Dân Chúa, mọi giáo dân đều có chung chiều kích là tư tế, vương giả và ngôn sứ của một dân riêng được tuyển chọn, và nguời giáo dân cũng là các linh mục phổ quát như Công đồng đã khẳng định.
Tuy nhiên, tư tế, ngôn sứ và vương đế hoặc linh mục phổ quát sẽ chỉ là các thuật ngữ vừa mơ hồ, vừa vô ích, và khô cứng trên mặt giấy, như chẳng có liên quan gì đến đời sống đức tin của tôi, nếu tôi thiếu nhu cầu và cảm thấy rằng không cần học biết, vì tôi thấy mình đã quá đủ.
Không biết Thánh kinh, là không biết Chúa Giêsu. Những lời mạnh mẽ ấy của Thánh Giêrônimô thời nào cũng đúng, vì thế, xác quyết của Ngài phải là thao thức của tất cả những ai muốn được kết hợp thực sự với Đấng cứu độ của mình.
Linh mục: quà tặng & gánh nặng
Mỗi Linh mục là một quà tặng tuyệt vời của Thiên Chúa dành cho phần rỗi mọi người. Lý tưởng dâng hiến và phục vụ của đời tu, tự nó, đã đủ cao đẹp để ai cũng phải ngưỡng mộ và biết ơn. Tuy nhiên, người linh mục dù được trao chức thánh, nhưng các ngài vẫn chưa phải là thánh ngay khi ấy. Như bất cứ ai, các ngài luôn bị hạn chế về nhiều mặt và vẫn có đủ các Tham Sân Si và mỏng dòn của phận người, vì thế, khi lý tưởng đẹp đẽ ban đầu nhạt dần theo màu áo thời gian, người linh mục dễ biến thành các công chức cao cấp, những ông quan linh mục, rồi trở thành gánh nặng của chính mình hồi nào không hay. Họ tự biến mình thành một giai cấp trí thức mới, ngày càng xa cách với chính cái giới mà họ có nhiệm vụ phải gần gũi, gắn bó và chăn dắt. Những gánh nặng mà ngay từ lúc ban đầu, chính họ không thể hình dung và chẳng bao giờ mong muốn.
Có thứ gánh nặng dễ biết, có nhiều thứ gánh nặng rất khó nhận ra.
- Sẽ trở thành gánh nặng, khi nghĩ rằng, đến được với chức linh mục là đã tới được bến rồi, để từ đó, bên cạnh những bổng lộc và đặc quyền, các linh mục xem nhẹ hoặc bỏ quên nhu cầu đào tạo, tự đào tạo, giáo dục và tự giáo dục. Trong các tài liệu thường huấn và tĩnh tâm hàng năm của các linh mục, Đức Giám mục Bùi Tuần luôn đề cao và nhắc nhở nhu cầu tự giáo dục luôn là đòi hỏi hàng đầu, và phải được xếp vào ưu tiên trước hết.
- Sẽ là gánh nặng, khi giữa chủ chăn với giáo dân có nhiều khoảng cách, và khoảng cách ấy mỗi ngày càng một xa hơn.
- Sẽ là gánh nặng, khi người chủ chăn tự biến mình thành người chủ ngân hàng với toàn quyền xử dụng, và mọi thu chi tài chánh trong giáo xứ luôn là một bí mật của riêng mình và không ai được phép biết đến.
- Sẽ là gánh nặng, khi sử dụng quyền bính để đặt nặng chuyện xây dựng các cơ sở vật chất, mà coi nhẹ chuyện xây dựng đền thờ sống động là những con người.
- Sẽ là gánh nặng, khi “trọng phú khinh bần”.
- Đặc biệt, khi không còn giữ được đức khiết tịnh, các Ngài sẽ trở thành gánh nặng đau khổ không thể nói hết bằng lời cho người giáo dân. Vì lời nào cũng là thừa, nhưng nói lời nào cũng vẫn là sẽ thiếu, nên tốt nhất là im lặng không nói, kẻo lại bị vạ miệng hoặc bị kết án là xét đoán thì sẽ bị đoán xét.
Thực ra, chuyện chỉ trích phê bình các đấng bậc là chuyện quá dễ, đặc biệt với hàng ngũ các linh mục. Quá dễ, vì các ngài chính là người dâu của trăm họ, được lòng một người sẽ mất lòng cả trăm người khác dù trong cùng một Giáo xứ.
Ngay cả Chúa Trời cũng không thể làm vừa lòng tất cả mọi người, vì vậy, xin hãy tự hỏi lòng mình: Tôi đã làm được gì cho các Linh mục? thay vì thường đòi hỏi: Người Linh mục đã làm gì cho tôi? Khi đủ dũng cảm để tự hỏi lòng mình như thế, là đã chứng tỏ một đời sống tâm linh thực sự trưởng thành.
***
Dù không có dịp đi nơi này nơi khác, nhưng ai cũng có thể thấy rõ những thực trạng trên của cộng đoàn Dân Chúa. Dĩ nhiên các thực trạng kia không phải là tất cả, vì vẫn còn đó, rất nhiều những vị chủ chăn tốt lành thánh thiện luôn tận tuỵ và hết lòng với đoàn chiên của mình, các vị ấy vẫn đang ngày đêm âm thầm phục vụ và hiến dâng trong thinh lặng chẳng mong được ai hay biết.
Cũng đang có rất nhiều các giáo dân, họ ý thức rất rõ chiều kích cộng tác viên Nước trời của họ, họ đang tích cực hoạt động trong những điểm nóng mà nhiều người e ngại, những vết thương và ung nhọt của xã hội như HIV & Ma tuý, giúp ngăn ngừa phá thai, mãi dâm... Gần đây việc thu góp và chôn cất các hài nhi bị bỏ rơi rồi quy tập thành những nghĩa trang ở nhiều vùng miền trên cả nước, những việc ấy đã đánh động lương tâm xã hội rất lớn…
Và cũng đang có nhiều doanh nhân Công giáo cùng nhau thành lập công ty kinh doanh, họ đã trích ra một phần lợi nhuận lo giúp đỡ người nghèo một cách thiết thực. Những đóng góp của các thành phần giáo dân ấy, có thể là rất nhỏ bé và thật khiêm tốn so với nhiều công trình bác ái vĩ đại lẫy lừng khác. Nhưng thật ra, có việc nào là nhỏ bé hoặc là vĩ đại trước Đấng Sáng Tạo đâu, vì Ngài luôn thấu suốt cõi lòng mỗi người để lượng giá và Ngài cần tấm lòng ấy trên tất cả. Hai đồng xu nhỏ bé của bà goá không lớn hơn tất cả mọi đồng bạc dâng cúng của nhiều người giàu có đó sao?
Những việc ấy đích thực là những món quà tặng vô cùng quý giá. Những quà tặng này của cả chủ chiên lẫn con chiên vẫn đang hiện diện đó đây, nhiều lắm.
Rất cần phải nói về gánh nặng để tôn vinh quà tặng, vì nhờ thế gánh nặng sẽ vơi đi ít nhiều. Ánh sáng của một que diêm cũng giúp lui đi phần nào bóng tối, thay vì cứ ngồi đó mà thở than nguyền rủa hoặc kết án.
***
Lạy Chúa!
Con bất toàn, giáo xứ của con bất toàn, Giáo hội và cả thế giới mà con đang sống cũng đẩy rãy bất toàn, vì chỉ duy nhất có Chúa là Đấng toàn năng toàn hảo.
Xin luôn nhắc nhở để con ý thức sâu sắc về điều ấy, để từ đó, con sẽ trông cậy thiết tha hơn vào Đấng toàn thiện, là Thiên Chúa và cũng là Cha của con. Nhờ thế, con sẽ tỉnh thức hơn, để nhìn rõ vị trí của mình mà Chúa đã đặt để con vào, và từ đây, con sẽ hoàn thành tốt những bổn phận mà Chúa đã trao cho con.
Từ xa xưa, con vốn đã là quà tặng, nhưng khi này khi khác nhiều lần, con đã trở thành gánh nặng cho không ít những người xung quanh. Xin cho con một tia sáng từ trời cao rọi xuống, dù nhỏ thôi, nhưng cũng đủ giúp con kịp thời nhận ra và tự điều chỉnh chính mình, vì khi con thay đổi, cuộc đời xung quanh con cũng sẽ đổi thay. Amen.
bài liên quan mới nhất
bài liên quan đọc nhiều
- Đời sống linh mục là một đời sống khó khăn
-
Linh mục với vấn đề hồi tục -
Viết cho người linh mục -
Tính cách của Tu sĩ Công giáo -
Linh mục sống tu đức trong bối cảnh thực tế Giáo Hội và Xã hội Việt Nam hôm nay -
Vấn đề Đồng tính Luyến Ái & Ơn gọi Linh mục -
Những bước chân -
Chiếc áo chùng thâm -
Linh mục - người mang Chúa cho trần gian -
Linh mục, con người đối thoại