Loan truyền
“Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến”.
Lời tuyên xưng sau phần “truyền phép” của Thánh lễ mang âm hưởng lời Thánh Phaolô: “Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết" (1 Cr 11,26). Dù không được mắt thấy tai nghe, Thánh Tông đồ quả quyết với các tín hữu Côrintô rằng Ngài đã lãnh nhận từ Chúa về điều đã xảy ra trong bữa tiệc ly, với khung cảnh bi thương và cảm động. Vào giờ Đức Giêsu sắp nộp mình chịu khổ hình, Người đã trao cho các ông bánh và rượu, là chính Thân mình và Máu Người làm của ăn của uống cho các môn đệ và cho mọi thế hệ tín hữu mai sau. Người còn truyền cho các ông “Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thày”. Lệnh truyền “Hãy làm việc này…” của Đức Giêsu trước hết nhằm tới việc cử hành Thánh Thể, thi hành chức tư tế thừa tác, đồng thời cũng là lời mời gọi hãy bắt chước Thày, hy sinh cho tha nhân như Chúa đã hy sinh. Khi rửa chân cho các môn đệ, Đức Giêsu cũng nói lời tương tự: “Nếu Thày là Chúa, là Thày, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau...” (Ga 13,14).
Thánh lễ không chỉ là một nghi thức kỷ niệm hy tế của Đức Giêsu trên thập giá năm xưa, mà chính là sự tiếp nối, kế tục, hay hiện tại hóa hy tế ấy, hầu đem lại muôn ơn phúc cho những người cử hành. Nói cách khác, Thánh lễ chúng ta dâng hằng ngày cũng chính là hy tế của Đức Giêsu trên đồi Canvê cách đây hai ngàn năm. “Loan truyền” hay “loan báo” là truyền rộng một tin tức cho nhiều người biết. Hành động loan truyền thường hướng tới một tập thể, một số đông, để nói với họ niềm vui hoặc những tin tức sốt dẻo mà họ chưa được biết. Nội dung lời tuyên xưng sau phần truyền phép đã cho thấy khía cạnh truyền giáo của Thánh lễ mà chúng ta cử hành mỗi ngày.
– “Chúng con loan truyền Chúa chịu chết”
Cử hành Thánh Thể quy hướng chúng ta về một biến cố đã xảy ra trong lịch sử. Nội dung của lời loan truyền này là một biến cố đau thương, tức là cái chết của Đức Giêsu trên thập giá. Hy tế thập giá là nền tảng cho đức tin Kitô hữu chúng ta. Từ cây thập giá, chúng ta được đón nhận ơn cứu độ. Đức Giêsu, Đấng đã chịu treo trên thập giá là nguồn ơn cứu rỗi cho cả nhân loại. Trong truyền thống của người Việt Nam, khi tưởng niệm một người thân đã qua đời (thường gọi là “ngày giỗ”), chúng ta làm sống lại hình ảnh của người đã khuất. Đây là dịp sum họp gia đình để nhắc lại những kỷ niệm của người đã ra đi. Việc tổ chức ngày giỗ cho thấy người ra đi không bị quên lãng, nhưng họ vẫn luôn hiện diện một cách thiêng liêng, vô hình. Người đã khuất là nhân tố quy tụ mọi thành viên của gia đình. Đây là dịp để họ củng cố tình huyết nhục, cũng có khi để dàn xếp những bất hòa. Bữa cơm thân mật nhân ngày giỗ mang ý nghĩa đặc biệt. Người đã khuất cũng có phần, có thể đó là bát cơm cúng, hoặc đĩa hoa quả trên bàn thờ.
Cũng trong tâm tình “tưởng nhớ” mà người Do Thái cử hành hằng năm tiệc Vượt qua. Họ tưởng nhớ những điều Chúa đã làm trong thời xa xưa, khi Ngài dẫn đưa tổ tiên họ ra khỏi đất nô lệ Ai Cập để đến miền Đất hứa. Theo truyền thống Do Thái, trong bữa ăn Vượt qua, người cha kể lại cho con cháu về sự kiện Thiên Chúa dùng ông Môisen dẫn đưa người Do Thái ra khỏi Ai Cập và vượt qua Biển Đỏ. Hình ảnh chiên vượt qua là trung tâm của bữa tiệc, vì chính nhờ máu chiên bôi trên khung cửa, mà các gia đình người Do Thái thoát nạn. Bữa tiệc Vượt qua còn là nghi thức tôn vinh Chúa, Đấng quyền năng cao cả và bao dung.
Ngày hôm nay, trong bữa tiệc Thánh Thể, chúng ta tưởng nhớ sự chết và sự sống lại của Đức Giêsu: “Vì vậy, lạy Chúa, khi kính nhớ Con Chúa chịu chết và sống lại, chúng con dâng lên Chúa bánh trường sinh và chén cứu độ để tạ ơn Chúa…” (Kinh nguyện Thánh Thể II). Đức tin Kitô giáo nhận ra nơi Đức Giêsu Chiên vượt qua mới, đã chịu sát tế trên bàn thờ thập giá: “Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên vượt qua của chúng ta” ( 1 Cr 5,7). Tác giả Tin mừng thứ tư đã kết nối Đức Giêsu trên thập giá với hình ảnh Chiên vượt qua, khi ông chứng kiến Người bị lưỡi đòng đâm thâu (x. Ga 19,31-37). Và thế là, mỗi khi chúng ta cử hành Thánh lễ, Chiên vượt qua mới là Đức Giêsu được hiến dâng để tôn vinh Chúa Cha và đem ơn cứu độ cho loài người.
– “Chúng con tuyên xưng Chúa sống lại”
Thánh lễ mời gọi chúng ta nhận ra niềm vui của người tín hữu trong cuộc sống hiện tại. Khi cử hành Hy lễ tạ ơn, Giáo Hội xác tín rằng chính Đức Giêsu phục sinh đang hiện diện. Người quy tụ mọi người thành cộng đoàn phụng vụ để cùng với họ tôn vinh Chúa Cha, để rồi “mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời". Tín hữu Kitô là người tin Chúa đã phục sinh. Chúa Phục sinh liên kết mọi tín hữu trong tình mến, và rồi chính tình mến đó là bằng chứng hùng hồn cho sự hiện diện của Đấng đã từ cõi chết sống lại. Cũng như bữa tiệc Vượt qua của người Do Thái, hay bữa cơm gia đình nhân ngày tưởng nhớ một người thân trong nền văn hóa Việt, chiều kích “hiện diện” được thể hiện rõ nét: Cũng như thuở xa xưa, Thiên Chúa đã dùng cánh tay quyền năng mà dẫn đưa Dân Ngài ra khỏi Ai Cập, hôm nay, Ngài tiếp tục nâng đỡ và phù trì những ai tin vào Ngài. Cũng giống ngày thứ nhất trong tuần thuở nào, Đấng Phục sinh đã đến gặp gỡ các môn đệ, hôm nay Người vẫn đang hiện diện giữa những ai tin vào Chúa. Người còn chúc phúc cho họ vì dù không thấy mà họ vẫn vững một niềm tin (x Ga 20,29). Các tín hữu “tuyên xưng Chúa đã sống lại” khi họ họp nhau để cử hành hy tế Tạ ơn. Bí tích Thánh Thể mà họ lãnh nhận là mối dây liên kết họ với Đấng Phục sinh và với nhau, cho nên họ cần phải đón nhận Thánh Thể một cách xứng hợp, nếu không, họ sẽ xúc phạm đến Mình và Máu Chúa (x 1 Cr 11,27). Nhờ niềm xác tín vào sự hiện diện của Đấng Phục sinh mà Thánh lễ mang một chiều kích mới: đó không chỉ là việc nhắc lại “bữa tiệc của Chúa”, nhưng còn là một hy tế tạ ơn sinh nguồn ân sủng dồi dào cho mọi người tham dự. Thánh lễ là một hy tế “không đổ máu”. Hy tế này vẫn tiếp tục được cử hành cho đến khi mọi người cùng nhau tham dự Phụng vụ Thiên quốc, nơi đó, Đức Giêsu sẽ thi hành chức năng Thượng tế một cách trọn hảo để ca tụng Thiên Chúa Cha trong niềm hân hoan vô tận.
– “Chúng con mong đợi Người lại đến”
Thánh lễ hướng chúng ta về một tương lai. Khi những tín hữu quy tụ với nhau để thờ phượng Chúa, một cách nào đó họ được tham dự vào Phụng vụ thiên quốc để tôn vinh Đấng toàn năng. Phụng vụ hôm nay là hình bóng cho phụng vụ vĩnh cửu. Các nghi thức hữu hình nơi trần gian hướng chúng ta về phụng vụ thiêng liêng trên thiên quốc. Giáo Hội là Dân Thiên Chúa. Dân này đang trên đường lữ hành. Giáo Hội không tự đồng hóa mình với Nước Trời, mà chỉ là phác thảo của Nước Trời trong tương lai. Khi cử hành Hy tế tạ ơn, Giáo Hội nói lên niềm mong đợi khắc khoải của mình, cùng với mọi tạo vật đang mong chờ ngày giải thoát để được đổi mới. Hình ảnh đêm canh thức vọng Phục sinh cho thấy cộng đoàn Giáo Hội đang mong chờ Chúa đến trong tư thế tỉnh thức sẵn sàng. Trong khi chờ đợi Đức Giêsu đến lần thứ hai, Giáo Hội như tân nương được trang điểm để đón tân lang của mình (x. Kh 21,2). Các tín hữu có bổn phận đóng góp phần mình làm cho Giáo Hội càng ngày càng xứng đáng với “Phu quân” của mình hơn. Mặc dù Giáo Hội còn mang trong mình những yếu đuối và bất xứng, nhưng Giáo Hội luôn tự canh tân và kêu gọi các con cái mình sám hối, để nhờ đó, hình ảnh Nước Trời ngày một rõ nét hơn. Như người đầy tớ được chủ trao phó coi sóc một cơ nghiệp, ơn gọi của người tín hữu là trở nên người quản lý trung thành. Họ được chúc phúc nếu họ luôn tỉnh thức và sẵn sàng. Những ai mê ngủ, chủ quan và vô trách nhiệm sẽ lãnh nhận một số phận đau thương. Đức Giêsu đã nhiều lần kêu gọi mọi người tỉnh thức. Những thính giả đương thời và chúng ta hôm nay đều hiểu rõ ý nghĩa hình ảnh một người tỉnh thức. Người tỉnh thức là người trung thành với Chúa và tình yêu mến đối với anh chị em, luôn ý thức trách nhiệm của mình trong hoàn cảnh cụ thể mình đang sống. Họ luôn lo lắng sao để chu toàn trách nhiệm. Họ cũng quan tâm đến công ích, đến những người xung quanh, nhất là những người bất hạnh khốn cùng.
Thánh lễ nối kết chúng ta với quá khứ, nhắc nhở chúng ta về hiện tại và quy hướng chúng ta về tương lai. Hướng về quá khứ để nhận ra mình từ đâu mà đến. Gợi nhớ hiện tại để xác định mình đang sống đức tin như thế nào. Hướng về tương lai để tìm một định hướng như đích điểm vươn tới. Thiếu một trong ba chiều kích này (quá khứ, hiện tại và tương lai), đức tin của chúng ta sẽ vô nghĩa, lời kinh của chúng ta sẽ vô hồn và bước đi của chúng ta sẽ vô định. Lời tuyên xưng sau phần truyền phép nhắc nhở chúng ta sứ mạng căn bản của người tín hữu, đó là “loan truyền” đức tin vào Đấng đã chết, đã sống lại và sẽ đến. Thánh lễ không chỉ được đóng khung trong nhà thờ, nhưng phải được cử hành trong cuộc sống. Cùng với bánh và rượu, chúng ta đem đến dâng Chúa biết bao nỗi lo âu, vui mừng của cuộc sống. Với lời tuyên bố của vị chủ tế: “Lễ xong chúc anh chị em ra đi bình an”, chúng ta lên đường để tiếp tục “loan truyền” những gì đã cảm nghiệm trong cử hành phụng vụ. Lời tuyên bố của vị chủ tế không phải là phần kết thúc, nhưng là lời mở cho một thánh lễ mang một dạng thức khác: thánh lễ cuộc đời. Chính trong thánh lễ này mà chúng ta “loan truyền” Chúa một cách hữu hiệu và cụ thể hơn, nhân danh Chúa Giêsu, Đấng đã chịu chết, đã sống lại và sẽ hiển trị muôn đời.
Hải Phòng ngày 3 tháng 5 năm 2012
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm