Lời mời khó đáp
WGPSG -- "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo" (Lc 9, 23).
Ở đời! Có chăng người ta sẽ hăng hái bước đi theo ai đó, đi tìm điều gì đó nhẹ nhàng và thênh thang, êm ái và dịu chàng chứ chẳng ai đời lại muốn đi tìm cái khổ, cái khó cả.
Thoạt đầu, xem ra lời mời gọi khó nghe và nghịch lý nhưng khi đối diện với thực tại của cuộc đời, ai cũng có cây thập giá của đời mình. Và nếu như ai vui lòng vác những đau khổ, những vất vả thì đến cuối cuộc đời, đến cuối chặng đường sẽ cảm thấy lòng thanh thản và được hưởng vinh quang cùng với Đấng đã vui lòng vâng phục Chúa Cha.
Thập giá, từ xưa đó chính là dấu chỉ, là biểu tượng, là hình ảnh, là dụng cụ để người ta thi hành án tử cho tên tử tội. Với Chúa Giêsu cũng vậy, Chúa Giêsu cũng không thoát khỏi cây thập giá khi thi hành án. Án tử người ta dành cho Chúa Giêsu cũng chỉ vì cái tội kiêu ngạo. Cũng vì loại trừ, vì khước từ một Đấng Thiên Sai, Đấng Cứu Độ trần gian cho nhân loại, những người Do Thái thời Chúa Giêsu đã tìm đủ mọi cách để khử trừ Đấng đó ra khỏi cuộc đời này khi có dịp.
Cái tội kiêu ngạo đẩy con người vào con đường chết đó không phải có vào thời Chúa Giêsu nhưng nó đã có từ khi con người xuất hiện. Chính ông bà nguyên tổ đã đẩy Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời của mình vì tưởng rằng sau khi ăn trái cấm như lời con rắn dữ mời gọi họ sẽ hơn Thiên Chúa.
Vẫn là cái tội kiêu ngạo không chấp nhận thân phận thụ tạo của mình.
Trong cái thân phận là thụ tạo, điều chính yếu, điều căn cốt nhất mà con người phải nhận ra đó chính là mình chẳng là gì cả, tất cả là nhờ Chúa và bởi Chúa. Khi ý thức như vậy, con người sẽ cảm thấy nhẹ nhàng và thanh thản. Và ngược lại, khi con người không nhận ra căn cốt của đời mình thì con người sẽ nổi loạn để rồi lại bất phục tùng và cảm thấy mệt mỏi khi phải vác thập giá của đời mình.
Trong dòng chảy lịch sử cứu độ, những khuôn mặt, những hình ảnh của những con người đau khổ vẫn còn đó như là bài học cho những ai bước theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá. Những khuôn mặt đó, nhìn thấy quả là đau khổ bởi lẽ không còn gì đau khổ hơn nhưng những người đó vẫn đi theo Chúa cho đến cùng.
Khuôn mặt sáng, khuôn mặt đẹp mà ta nhìn ngắm phải chăng là khuôn mặt của ông Giob. Đọc lại cuộc đời của ông. Nỗi đau tột cùng của ông sẽ không đau lắm khi ông là người bình thường mà lại rơi vào cảnh mất mát, đau thương cả tinh thần lẫn thể xác. Nỗi đau càng giày vò ông khi cuộc đời của ông đang sống trong vinh quang, trong phú quý và có thể nói là đỉnh, là điều mà nhiều người mơ ước với cái cơ nghiệp, con đàn cháu đống cùng với đàn súc vật thật đông. Nỗi đau sâu hoẵm đó nó khoét đời ông và thử thách niềm tin của ông khi những người bạn đến thách thức ông. Đau hơn nữa đó chính là lời phỉ báng, lời kém tin của người vợ của ông. Nhưng, trong những thử thách đó, lòng ông vẫn đơn thành: "Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về lòng đất cũng trần truồng. Chúa đã ban cho, Chúa lại lấy đi. Người muốn sao nên vậy: xin chúc tụng danh Chúa. Mình biết đón nhận ơn lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ lại không biết đón nhận sao?" (G 1,21 ; 2,10b).
Lịch sử lại cứ trôi và cuộc đời vẫn chảy. Ta lại bắt gặp hình ảnh của người môn đệ đã hoàn thành cách xuất sắc khi bước theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá.
Nhìn, nghe, đọc những trang Sách Thánh, ta sẽ thấy những đau khổ của người môn đệ đau khổ đến tột cùng là Đức Trinh Nữ Maria. Thấy thôi chứ không cảm được đau khổ mà Mẹ phải chịu.
Thập giá ập đến ngay cuộc đời của Mẹ khi Mẹ nhận lời sứ thần truyền là mang thai Đấng Cứu Độ. Sẽ bị ném đá theo luật Do Thái ngay khi người ta truy tầm ra rằng thiếu nữ Maria không có chồng mà lại có mang. Thoát được án tử sau khi Giuse nhận Mẹ về làm vợ. Cuộc đời đâu êm ả như bao người suy và bao nhiêu người nghĩ. Tưởng chừng một màu hồng tươi đẹp trải suốt trên cuộc đời của Mẹ nhưng đâu được như thế! Đau khổ cứ như cuộn, cứ như ôm lấy cuộc đời của Mẹ. Đau khổ đó cuộn vào đời Mẹ cho đến tận cùng đó chính là đỉnh đồi Canvê. Không còn nỗi nhục và nỗi đau nào cho bằng con mình vô tội lại chịu chết treo cùng với hai người có tội. Vô cớ, oan khiên nhưng đành phải chấp nhận bởi lòng người gian ác.
Mẹ đã thưa hai tiếng xin vâng cho đến cuối cuộc đời.
Và sẽ là một thiếu sót lớn hay nói cách khác là sẽ vô nghĩa khi không chiêm ngắm con người chịu treo trên thập giá để mang lại ơn cứu độ cho con người. Ơn cứu độ cho nhân loại khởi nguồn từ con người đã hoàn toàn vâng phục chịu chết treo trên thập giá như người mang trọng tội.
Thư gửi tín hữu Philipphê đã diễn tả:
“Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 6-8).
Chúa Giêsu, dù ở cái địa vị vinh quang nhưng lại trút bỏ và vâng phục và chết một cách nhục nhã. Còn ta, ta là ai mà ta lại tưởng mình thế này thế kia để ta lại muốn một lần nữa treo Chúa Giêsu - Đấng Cứu Độ trần gian - trên thập giá.
Chúa bắt phàm nhân trở về cát bụi,
Ngài phán bảo: "Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi!"
Ngàn năm Chúa kể là gì,
tựa hôm qua đã qua đi mất rồi,
khác nào một trống canh thôi!
Ngài cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng,
như cỏ đồng trổi mọc ban mai,
nở hoa vươn mạnh sớm ngày,
chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn.
Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống,
ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.
Lạy Chúa, xin trở lại! Ngài đợi đến bao giờ?
Xin chạnh lòng thương xót những tôi tớ Ngài đây” (Tv 89,3-4.5-6.12).
Lời mời gọi bước theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá mãi mãi vẫn là lời mời gọi luôn luôn mới và giá trị trên cuộc đời của ta. Lời mời gọi đó quả là khó chứ không phải dễ dàng bước theo. Khi và chỉ khi ta nhìn nhận thật phận tôi đòi của chúng ta, thân phận thụ tạo của chúng ta thì khi ấy chúng ta lại nhẹ nhàng và thanh thản để đi theo con đường mà Chúa Giêsu đã đi. Và, khi vâng phục đến tột đỉnh vác thập giá đời mình thì dĩ nhiên ta cũng sẽ được hưởng phần phúc cứu độ mà Đấng Cứu Độ trần gian bị treo trên thập giá đã hứa ban cho những ai ngày mỗi ngày bước đi theo Ngài.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm