Lời sống tháng Chín 2010
"Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy"
(Mt 18:22)
Đây là những lời Đức Giêsu đáp lại ông Phêrô, người mà sau khi lắng nghe những điều tuyệt diệu từ miệng Thầy mình, đã đặt câu hỏi: "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha thứ đến mấy lần? Có phải bảy lần không?". Và Đức Giêsu đáp: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy".
Có lẽ ông Phêrô, chịu ảnh hưởng những lời Thầy mình giảng dạy, vì là người tốt và quảng đại, nên ông đã nghĩ đến việc xả thân trong cách sống mới này bằng cách làm một việc khác thường: đó là đi đến chỗ tha thứ đến bảy lần. Thực vậy, trong Do-thái-giáo, người ta chấp nhận việc tha thứ đến hai, ba, nhiều lắm là bốn lần.
Nhưng khi trả lời "... đến bảy mươi lần bảy", Đức Giêsu dạy rằng đối với Người việc tha thứ không có giới hạn: cần phải tha thứ luôn mãi.
"Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy"
Lời này làm ta nhớ đến bài ca trong Kinh thánh về La-méc, con cháu của A-đam: "Ca-in sẽ được báo thù bảy lần, nhưng La-méc bảy mươi bảy lần" (St 4:24). Việc oán thù giữa con người trên thế gian khởi sự lan rộng từ đó: nó lớn lên như một giòng sông vỡ bờ.
Đối lại với sự dữ lan rộng này, Đức Giêsu đưa ra thái độ tha thứ vô giới hạn, vô điều kiện, có khả năng phá vỡ cái vòng bạo động.
Tha thứ là giải pháp duy nhất để cầm giữ lại sự xáo trộn và mở ra cho nhân loại một tương lai không còn phải là tư hủy diệt.
"Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy"
Tha thứ. Tha thứ luôn mãi. Tha thứ không phải là quên đi, điều thường có nghĩa là không muốn đối diện với thực tại. Tha thứ không phải là thái độ yếu đuối, nghĩa là không màng đến một lầm lỗi vì sợ người khỏe hơn mình đã gây ra. Tha thứ không hệ tại việc khẳng định là không quan trọng một lỗi nặng hoặc cho là tốt một điều xấu.
Tha thứ không phải là dửng dưng. Tha thứ là một hành động của ý chí và sự sáng suốt, như vậy đó là hành động tự do; nó hệ tại việc đón nhận hoàn toàn người anh chị em, mặc cho điều ác người đó đã làm cho ta, như Thiên Chúa đón nhận chúng ta là người tội lỗi, mặc cho những khuyết điểm của ta. Tha thứ hệ tại việc không đáp lại sự xúc phạm bằng một xúc phạm, mà là làm như thánh Phaolô dạy: "Đừng để ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác" Rm 12:21).
Tha thứ hệ tại việc mở ra cho người đã xúc phạm đến mình khả năng có thể đem lại mối quan hệ mới với Bạn, như vậy mở ra cho người đó và cho Bạn khả năng bắt đầu lại cuộc sống, khả năng có một tương lai, ở đó sự ác không phải là lời cuối cùng.
"Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy"
Vậy ta phải làm thế nào để thực hành Lời này?
Ông Phêrô đã hỏi Đức Giêsu: "Tôi phải tha thứ cho người anh em tôi bao nhiêu lần?"
Như vậy khi trả lời, Đức Giêsu nhắm trước tiên vào mối liên hệ giữa những tín hữu Kitô với nhau, giữa những thành phần của một cộng đoàn với nhau.
Trước tiên ta cần phải đối sử như vậy với những người anh chị em cùng đức tin: trong gia đình, nơi làm việc, tại trường học hay trong cộng đoàn nơi ta sống.
Chúng ta biết thường người ta muốn đối lại sự xúc phạm đã chịu bằng một hành động, một lời nói tương tự.
Ta biết là vì khác biệt tính tình, hay vì nóng nảy, hay vì những lý do khác, thái độ thiếu thương yêu thường xảy ra giữa những người cùng chung sống. Vậy cần phải nhớ rằng chỉ có thái độ tha thứ, lặp lại luôn mãi, mới có thể giữ được niềm an bình và hợp nhất giữa những người anh em với nhau.
Chúng ta sẽ vẫn còn khuynh hướng nghĩ đến những khuyết điểm của người anh chị em, nhớ đến quá khứ của họ, muốn họ nên khác với con người họ hiện nay... Ta cần phải tạo nên thói quen nhìn họ bằng con mắt mới và nhìn họ như những con người mới, bằng cách luôn luôn chấp nhận họ, ngay lập tức và hoàn toàn, cho dầu họ không hối lỗi.
Ta sẽ bảo: "Nhưng điều đó khó khăn". Ai mà không biết như vậy. Nhưng đó là cái đẹp của Kitô giáo. Không phải vì lý do nào khác mà chúng ta theo Đức Kitô, Đấng trên thập giá đã xin Chúa Cha tha thứ cho những người đã giết mình, và Người đã sống lại.
Hãy can đảm. Hãy bắt đầu một cuộc sống như vậy, cuộc sống bảo đảm cho ta niềm an bình chưa hề cảm nghiệm và niềm vui chưa hề biết.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm