Lòng khao khát tìm Chúa của một người ngoại đạo
My Bùi
(Owner and Founder Remi English)
“Từ một người, Thiên Chúa đã tạo thành nhân loại, để họ ở trên khắp mặt đất. Người đã vạch ra những thời kỳ nhất định và những ranh giới cho nơi ở của họ. Như vậy, là để họ tìm kiếm Thiên Chúa; may ra họ dò dẫm mà tìm thấy Người, tuy rằng thực sự Người không ở xa mọi người chúng ta. Thật vậy, chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu”. (Cv 17, 26-28).
Tôi yêu một người theo đạo Công giáo đã gần mười năm. Trong thời gian yêu anh, tôi và anh cùng nhau đi học nhiều khóa học trong và ngoài nước về phát triển bản thân chuyên sâu, cả về thể chất lẫn tinh thần với những chuyên gia hàng đầu thế giới. Nhưng tất cả những gì chúng tôi học được vẫn chưa giải đáp được câu hỏi lớn nhất trong cuộc đời của tôi: “Tôi là ai?” và “Sứ mệnh cuộc đời tôi là gì?”. Trong những lúc bế tắc đi tìm câu trả lời cho câu hỏi lớn này, tôi và anh cùng nhau học hỏi về Chúa và cùng nhau cầu nguyện.
Hằng ngày, sau những bài giáo lý anh dạy cho tôi, tôi đã dần hiểu về Chúa nhiều hơn và trong tận đáy lòng tôi luôn cầu nguyện với Chúa là “cho con yêu một người con trai yêu Chúa hơn yêu con” và tôi cũng thầm ước mong anh cũng cầu nguyện như tôi “cho con yêu một người con gái yêu Chúa hơn yêu con”. Thời gian trôi qua, lời cầu nguyện và ước mong của tôi cũng vọng đến Chúa và được Chúa chúc lành, chúng tôi đã quyết định bước vào đời sống hôn nhân gia đình và tôi đang chuẩn bị học Giáo lý Dự tòng và Giáo lý Hôn nhân để đón nhận các Bí tích Khai tâm gia nhập đạo Công giáo.
Trong suốt thời gian dài cùng anh cầu nguyện và học hỏi Kinh thánh, Giáo lý của Chúa, tôi như nghe tiếng Chúa đang nói với tôi và trong lòng tôi có một sự khao khát mãnh liệt, có vẻ hơi “ngây ngô” không giống ai cả:
- Tôi khao khát ngày cưới của tôi sẽ kéo dài hai ngày. Trong hai ngày này, vợ chồng tôi được cùng nhau tĩnh tâm cùng với những người mà tôi yêu thương nhất: bố mẹ, anh chị em tôi và những người thân yêu.
- Tôi khao khát tổ chức “tuần trăng mật” của tôi sẽ là một tuần được cùng nhau tĩnh tâm.
- Tôi khao khát “những chuyến du lịch cùng gia đình tôi sau này” sẽ là những ngày tĩnh tâm.
- Tôi khao khát “những cuộc vui chơi cùng các bạn trong công ty tôi sau này” sẽ là những ngày tĩnh tâm.
Từ những khao khát đó, Chúa đã dẫn dắt tôi đến tham dự khóa tĩnh tâm hai ngày 20 và 21 tháng 03 năm 2021, với Chủ đề: Biết Ơn Và Yêu Thương Vô Điều Kiện do linh mục (Lm) Giuse Nguyễn Bảo Huân Chương và các thầy Dòng Thừa Sai Đức Tin tổ chức tại Nhà tĩnh tâm Bêtania, Sài Gòn. Người hướng dẫn là Lm Giuse Trần Tấn Lực, linh hướng của Giáo phận Phú Cường.
Chúa sắp xếp cho tôi hai ngày tĩnh tâm đầu tiên trong đời cùng với nhiều anh chị em Công giáo không quen biết nhau, đến từ nhiều nơi khác nhau. Sự xa lạ đó dần được xóa tan trong bữa cơm tối thân mật, trước khi khai mạc. Trong hai ngày tĩnh tâm, tôi được tách ra khỏi cuộc sống thường ngày của mình và bước vào một khung cảnh khác hoàn toàn, giống như thiên đường, nơi mà không còn những lo âu của cuộc sống, không còn ồn ào của xe cộ, không còn tiếng chuông điện thoại réo gọi, chỉ còn lại tiếng chuông nhà thờ, tiếng rì rầm đọc kinh, tiếng chia sẻ tâm tình, và tiếng linh hướng thì thầm dẫn dắt những linh hồn bé mọn đang hướng về Chúa.
Khi sống ở một nơi như thiên đường, chúng tôi không phải lo lắng nhiều về cơm áo gạo tiền. Tất cả mọi thứ Chúa đã quan phòng qua những con người âm thầm, tận tuỵ ngày đêm phục vụ quên mình vì Chúa, vì các linh hồn. Hai ngày tuy không nhiều, nhưng tính tổng thời gian nghĩ về Chúa và kết nối với Ngài thì có khi bằng cả một năm cộng lại. Vì vậy, tôi ra quyết định tập trung toàn bộ năng lực trong hai ngày tĩnh tâm này để lắng nghe Lời Chúa và lắng nghe tiếng gọi của chính mình.
Bài giảng trong Thánh Lễ khai mạc, Cha chủ tế đã chia sẻ “tĩnh tâm là bước ra khỏi môi trường cũ của mình, tới một môi trường mới để tìm kiếm sự tĩnh lặng, tâm tĩnh lặng thì đầu mình mới tỉnh”. Chấp nhận đi tĩnh tâm là chấp nhận bước đầu đi vào một cuộc hành trình thanh luyện nội tâm để nhận ra mình là ai và sứ mạng của mình là gì?
Qua hai ngày tĩnh tâm, Cha hướng dẫn đã cho chúng tôi hiểu về định nghĩa lòng biết ơn:
“Lòng biết ơn là sự cảm kích của chúng ta với những thứ có giá trị hay ý nghĩa mà chúng ta có được. Việc dành thời gian bày tỏ lòng biết ơn và cảm kích những điều bạn nhận được, dù là hữu hình hay vô hình, sẽ khiến bạn cảm nhận được nhiều cảm xúc tích cực hơn, tận hưởng những trải nghiệm tốt đẹp, cải thiện sức khỏe, giúp bạn đương đầu với nghịch cảnh và xây dựng các mối quan hệ vững chắc. Tất cả đều là những điều cần thiết cả trong công việc lẫn cuộc sống” (theo Trường Y, Đại Học Harvard).
Ngoài ra, chúng tôi còn biết được nguồn gốc của lòng biết ơn đến từ Thiên Chúa qua những đoạn Tin Mừng sau:
"Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy. Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính. Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ là một chén nước lã mà thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu". (Mt 10, 40-42)
"Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Ðấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mc 9, 41)
"…. Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến thăm đâu?". Ðể đáp lại, Ðức Vua sẽ bảo họ rằng: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy….”. (Mt 25, 31 - 46).
Hơn nữa, Cha hướng dẫn còn cho chúng tôi biết ba cách thức để nuôi dưỡng lòng biết ơn:
Thứ nhất là phải tư duy phản tỉnh, nhận ra giá trị của bản thân và giá trị của người khác.
Thứ hai là biết trân trọng những điều tốt đẹp người khác dành cho mình, ngay cả trong những nghịch cảnh.
Thứ ba là biết giá trị của lòng biết ơn đến từ Thiên Chúa. Thiên Chúa ghi nhận, đánh giá cao, dù đó chỉ là những việc nhỏ ta làm cho người khác. Luôn xác tín Thiên Chúa không ngại thể hiện lòng biết ơn đối với con người.
Sau ba chủ đề chia sẻ của Cha hướng dẫn, ai trong chúng tôi cũng cùng có một cảm nhận: mình như một ly nước đầy đã được vơi đi, vơi đi những tiêu cực, vơi đi những muộn phiền, vơi đi những âu lo, để lúc đó khả năng chứa đựng sắp tới của chúng tôi được nhiều hơn, chứa đựng những yêu thương và lòng biết ơn của Chúa và của mọi người. Chúng tôi khao khát muốn nói và muốn chia sẻ những gì chúng tôi nhận được trong hơn một ngày qua.
Lòng khao khát đó đã được Cha đồng hành Giuse tổ chức cho chúng tôi giờ hồi tâm nhìn lại những gì mình đã nhận được trong hơn một ngày qua. Quả thực, buổi hồi tâm đã đọng lại trong tôi và mọi người biết bao cung bậc cảm xúc. Những nụ cười, những giọt nước mắt hạnh phúc và biết ơn không ngừng rơi trên những khuôn mặt thân yêu; những lời nói khích lệ và những cái ôm siết chặt của mọi người dành cho nhau không thể diễn tả hết tình yêu của Chúa dành cho những người con của Ngài. Tôi rơi nước mắt nhiều vì tôi thực sự biết ơn, thấy thương những linh mục dành cả đời mình hy sinh để phục vụ Chúa và các linh hồn, những tu sĩ không ngại vất vả cộng tác trong việc tổ chức; Cô chủ tên Hương và các anh chị em đang phục vụ âm thầm, tận tụy ở nhà tĩnh tâm này. Tôi tự hỏi: “Tôi là ai mà lại nhận được những điều tốt đẹp và thiêng liêng thế này?” Một lần nữa tôi lại cảm nhận được tình yêu Chúa dành cho tôi quá vĩ đại thông qua những con người vĩ đại và âm thầm này.
Tôi rơi nước mắt nhiều hơn nữa và tự hỏi vì sao tôi lại không biết tới những khóa tĩnh tâm như thế này sớm hơn và vì sao tĩnh tâm vẫn chưa được phổ biến cho người Công giáo, nhất là những người giáo dân như tôi trên khắp mọi miền đất nước. Và chúng tôi như những con chiên lạc bầy mải mê đi tìm những khóa học bên ngoài, những hướng dẫn đi ngược với Đức Tin của Chúa, những tổ chức bon chen đầy vụ lợi hoàn toàn có thể dẫn dắt những con chiên đi theo tiếng gọi nơi trần gian. Tôi sực tỉnh và đi trở về với Chúa. Chúa cho tôi hết tất cả mọi thứ từ câu trả lời tôi là ai? Sứ mệnh của tôi là gì? Tôi phải sống làm người như thế nào? Tôi phải sống cuộc sống gia đình thế nào? Tôi phải làm kinh doanh thế nào ở đời này? Ai là người tôi tin tưởng và yêu thương tôi. Vâng, câu trả lời có ngay trong cuốn Kinh Thánh, Giáo lý của Hội thánh và những người yêu thương tôi nhất ở chung quanh tôi, vậy mà tôi cứ mãi đi tìm, mất nhiều thời gian và tiền của.
Tôi trở về nhà, đặt từng ngón tay lên bàn phím viết ngay những dòng này trong nước mắt hạnh phúc và biết ơn. Tôi được Chúa đụng chạm, đánh động và nhận ra mình là người con mà Chúa yêu thương nhất và Ngài muốn tôi thực hiện sứ mạng phải làm lan tỏa những giá trị của Tin mừng tới nhiều người hơn, đặt biệt những người chưa nhận biết Chúa, những người nghèo, những người đau khổ, những người bệnh tật và những người tội lỗi. Tôi thiết nghĩ, đây không chỉ là sứ mệnh của tôi mà còn là sứ mệnh của mọi Kitô hữu. Để nuôi dưỡng khát vọng này, tôi phải trở lại nuôi dưỡng lòng biết ơn và yêu thương vô điều kiện của Chúa và mọi người dành cho tôi. Quả thực tôi không quên hai lời nhắn nhủ đầy yêu thương của Cha đồng hành Giuse Nguyễn Bảo Huân Chương trước khi kết thúc khóa tĩnh tâm:
“Trong cuộc sống, nhiều thứ khác bạn có thể quên nhưng lòng biết ơn, xin hãy giữ trở lại”
và “Nếu bạn nói yêu thương là mệt, là phải hy sinh thì bạn hãy yêu luôn sự mệt mỏi và hy sinh đó luôn”
Sài gòn, 22.03.2021
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm