Mạng lưới cầu nguyện
Mạng thông tin điện tử toàn cầu (world wide web), mạng xã hội (facebook),… mạng lưới truyền thông nói chung đã giúp con người thời nay hiểu biết và quen biết nhau nhiều hơn. Một người khiếm thị có thể chia sẻ tâm tư hay các vần thơ vừa sáng tác cho bạn bè ở bốn phương. Một người khuyết tật, dù không ra khỏi thành phố mình đang sống, vẫn có thể liên lạc và trao đổi trực tiếp với thân nhân của mình ở bên kia đại dương.
Tôi vui khi biết rằng trong tháng Mân Côi này, anh em khuyết tật (KT) mái ấm Phan Sinh và các bạn KT Mai Cát đã cùng nhau thiết lập một dạng truyền thông tâm linh - Mạng lưới cầu nguyện -, qua việc nhận lần hạt và suy niệm 10 mầu nhiệm Kinh Mân Côi. Ngoài việc cùng hiệp thông trong Thánh lễ Chúa nhật thứ ba hàng tháng, thì chuỗi Mân Côi sống này tạo nên sự liên đới tâm linh trong những ngày thường, giữa anh chị em KT với nhau, đồng thời cũng giúp chúng ta kết hợp với Mẹ Maria trong kinh nguyện.
Những hội viên hoạt động và tán trợ của Legio Mariae đã bổ trợ cho nhau và liên kết với nhau qua bản kinh Tessera, trong đó có Kinh Mân Côi. Nhờ đó, dù dấn thân vào hoạt động tông đồ trực tiếp hay qua việc cầu nguyện, các anh chị em này đều “kết hợp với Đức Mẹ”.
Khi những người Công giáo cả thế giới hiệp thông cầu nguyện cho hòa bình trước Thánh Thể trong cùng một thời gian, theo lời mời gọi của Đức Giáo hoàng Phanxicô, họ đã tạo nên một Mạng lưới cầu nguyện toàn cầu (world wide prayer).
Bệnh tật gây trở ngại cho sự di chuyển và hạn chế các mối tương quan giữa người với người, nhưng không thể cản trở chúng ta quan hệ thân thiết với Thiên Chúa, nhất là với Chúa Giêsu chịu khổ nạn, phải không các bạn?
Trong chuyến thăm Trung tâm Phục hồi chức năng ở Assisi ngày 4.10.2013 vừa qua, Đức Giáo hoàng mang tên vị thánh nghèo của miền đất này, đã chia sẻ với các trẻ khuyết tật và những người chăm sóc họ, những suy niệm cảm động sau đây:
“Chúng ta đang ở giữa những vết thương của Chúa Giêsu, Chúa Giêsu ẩn mình nơi những trẻ em này, nơi những người này. Trên bàn thờ chúng ta thờ lạy Thân mình Chúa Giêsu, trong những người này chúng ta gặp thấy những vết thương của Chúa Giêsu. Người muốn giữ lại chỉ những vết thương, và Người đã đem những vết thương ấy vào thiên đàng với Người. Chúng ta chăm sóc những vết thương của Chúa Giêsu ở đây, và ở trên trời, Người chỉ cho chúng ta thấy những vết thương của Người và nói với tất cả chúng ta: ‘Ta đang chờ các con’”.
Chúng ta có gặp thấy những vết thương của Chúa Giêsu nơi các tổn thương, tật bệnh của chính mình và nơi anh chị em KT khác chưa?
Cùng cầu nguyện với Người Mẹ đứng dưới chân thánh giá, chúng ta sẽ nhận ra Chúa Giêsu nơi anh chị em đang sống trong khổ đau và bất hạnh.
Cầu nguyện với nhau và cho nhau, chúng ta làm cho Mạng lưới cầu nguyện ngày thêm phát triển và có thể phủ sóng tâm linh đến mọi nơi trên hành tinh này, nhất là những khu vực bị bóng tối của thất vọng, hận thù và tội lỗi bao trùm.
Là con cái của Mẹ Maria, Trinh Nữ Cầu Nguyện, mỗi người chúng ta đều được mời gọi trở nên tông đồ bằng cầu nguyện hay cầu nguyện như việc tông đồ truyền giáo, để lời kinh thắp sáng cuộc đời và và hương kinh đượm thấm lòng người bằng niềm tin yêu cũng như hy vọng.
10/2013
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm