Miền Tây, mùa nước nổi
Nước lũ đã tràn về các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long như An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang từ cuối tháng 08.2012. Nước lũ tràn về khiến những cánh đồng mênh mông bát ngát chìm trong biển nước bao la, đem lại nhiều tôm cá, mang phù sa bồi đắp ruộng đồng hứa hẹn một vụ lúa bội thu cho bà con nông dân nghèo miền Tây. Năm nào cũng vậy, người dân miền Tây phải vất vả chống chọi và sống chung với lũ: nước lũ ngập nhà, ngập đường sá, trường học, bà con phải di chuyển đến một vùng cao nào đó để định cư tạm thời đợi nước rút. Vâng, nói về miền Tây không thể không nhắc đến mùa nước nổi, nhắc đến những hoàn cảnh tội nghiệp của những con người miền Tây chân chất thật thà.
Mùa nước nổi làm ngập nhà cửa, ruộng đồng
Nếu một lần nào đó theo dõi qua tivi, chúng ta sẽ chứng kiến cảnh mùa nước nổi làm ngập nhiều ngôi nhà dột cột xiêu, và những cánh đồng lúa mênh mông bát ngát của bà con nông dân nghèo miền Tây sông nước. Thật vậy, nhiều mái nhà lá của bà con vùng sâu vùng xa này ngập chìm trong biển nước. Những nhà hữu trách địa phương phải tìm cách di tản bà con nông dân đến một nơi ở tạm thời. Lũ về, nhiều gia đình bà con miền Tây phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất, phải chống chọi hằng ngày với nắng mưa, thiếu thốn chỗ ở, bếp núc, chỗ ngủ. Nhiều hộ gia đình phải mượn thuyền ghe thay cho ngôi nhà trong mùa nước nổi. Ngoài ra, nước lũ tràn về làm nhiều trường học ở các vùng thượng nguồn như Châu Đốc, Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, Long An ngập lụt. Nhiều nhà phải làm cái gác để ông bà, cha mẹ và con cái ở tạm trong mùa nước nổi. Bà con ăn xong có thể rửa chén tại chỗ, nấu nước tại chỗ, hoặc câu cá cũng tại chỗ. Chật vật và khó khăn.
Mùa nước nổi, ruộng đất của bà con nông dân chìm trong biển nước. Cảnh vật đặc trưng miền Tây sông nước này đã làm mê hồn biết bao con người ở những nơi khác như Sài Gòn, Tây Ninh, Vũng Tàu, Gia Lai v.v… Còn nhớ năm 1990, nước lũ dâng lên rất cao, làm bà con nông dân không kịp thu hoạch vụ lúa. Năm ấy, hàng trăm ngàn bộ đội đã đến để giúp đỡ bà con nông dân với những công việc như đắp đê, lặn thật sâu dưới nước để cắt lúa phụ bà con. Còn nhớ mùa nước nổi năm 2003, mấy người bạn thời sinh viên có dịp về nhà tôi chơi. Chúng tôi bơi xuồng ra ruộng ngắm cảnh, hóng gió, tắm ruộng, lấy đất bùn trang điểm cho nhau. Mấy người bạn của tôi thích lắm, chia tay miền Tây mùa nước nổi, họ còn muốn một ngày nào đó sẽ được về miền Tây lần nữa.
Mùa nước nổi mang lại nhiều tôm cá, bồi đắp phù sa
Mùa nước nổi mang lại nhiều tôm cá, mang nhiều phù sa bồi đắp cho ruộng đồng bà con nông dân nghèo miền Tây. Nào là cá linh, cá sặt, cá rô, cá lóc, bông điên điển. Nào là những cảnh về đêm mùa nước nổi với những chiếc xuồng ba lá, những ánh đèn pin lập lòe trên những cánh đồng mênh mông nước. Họ đi giăng lưới, thả câu, để bắt cá, ếch, lươn. Nhớ lại mùa nước nổi năm 1990, cá linh từ dòng sông Mêkông tràn về các tỉnh miền Tây không biết bao nhiêu mà nói. Bà con bơi xuồng ra ruộng thăm lưới, cá linh bị mắc kẹt trong lưới cả trăm ngàn con, cuốn lưới đem về kêu cả nhà ra “gỡ” lưới cá linh. Bà con làm món canh chua cá linh nấu với bông điên điển, món lẩu mắm cá linh. Món ăn này rất đặc trưng miền Tây, làm khoái khẩu nhiều khách du lịch phương xa.
Mùa nước nổi hằng năm đi qua, bà con nông dân miền Tây bước vào vụ lúa Đông Xuân. Mùa lúa này đạt năng suất cao do lượng phù sa bồi đắp. Lúa trúng, được giá, bà con phấn khởi, có thêm thu nhập để trang trải cho những nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Vâng, nhắc đến mùa nước nổi miền Tây không thể không nhớ đến những mảnh đời đáng thương. Họ là ai, làm gì, và sống như thế nào?
Mùa nước nổi với những mảnh đời đáng thương
Mùa nước nổi miền Tây, nhiều em học sinh nghèo phải tạm nghỉ học khoảng gần 3 tháng. Nhiều nơi khác, các em phải chịu khó đi đò, lội nước đến trường. Hình ảnh các em học sinh cầm chiếc cặp, tay xắn quần đi qua những cây cầu khỉ thật ngậm ngùi biết bao. Mùa nước nổi năm nào cũng vậy, nhiều cụ ông, cụ bà ngồi yên một chỗ, phải chống chọi với cái lạnh của gió và nước.
Mùa nước nổi miền Tây, nhiều nhà hảo tâm và hữu trách đã tổ chức những đợt cứu trợ bà con nông dân nghèo khổ. Tấm lòng sẻ chia được thể hiện bằng những thùng mì gói, những ký đường, ký sữa, ký thịt, nhằm giúp bà con miền Tây vượt qua những thiếu thốn và khó khăn trong mùa nước nổi.
Xa quê lâu rồi, nhưng trong tâm trí tôi vẫn không thể quên những kỷ niệm yêu thương thời thơ ấu mùa nước nổi. Nhớ những tháng cha tôi làm ông lái đò đưa rước học sinh đi học. Nhớ những bữa cơm canh chua, bông điên điển và lẩu mắm cá linh. Nhớ những đêm đi với cha bơi xuồng ra ruộng giăng lưới bắt cá. Nhớ những cảnh vật êm đềm, mênh mông mùa nước nổi hằng năm. Vâng, miền Tây mùa nước nổi thật êm đềm và ý nghĩa biết bao!bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm