Mọi người cần hiến dâng thân xác và máu của mình trong Thánh lễ
Vị thuyết giảng giải thích sự độc đáo của việc Chúa Kitô hiến tế và việc chúng ta tham dự vào hiến tế này.
WGPSG / ZENIT – (Vatican, 12-3-2010) – Điều làm cho Chúa Kitô Linh mục khác với các tư tế khác, cả trong Cựu ước cũng như trong các tế tự khác, đó là của lễ hy tế của Ngài cũng chính là bản thân của Ngài.
Nhưng sự độc đáo này cũng là lời mời gọi dành cho linh mục cũng như giáo dân: “Hãy bắt chước để thực hiện điều đã được cử hành” trong Thánh lễ mỗi ngày.
Đây chính là suy niệm mà linh mục Raniero Cantalamessa, dòng Caphuchin, vị giảng thuyết cho giáo triều, đã chia sẻ trong bài giảng Mùa Chay thứ hai trong năm, trước sự hiện diện của ĐTC Bênêđictô 16 và Giáo triều Rô ma. Vị linh mục dòng Capuchin này đã hướng bài giảng của ngài về chức linh mục trong Năm Linh Mục. Trong Mùa Vọng, ngài đã suy niệm về linh mục như người tôi tớ của Chúa Ki tô, trong quyền năng và việc xức dầu hiến thánh của Chúa Thánh Thần. Trong Mùa Chay, ngài ngắm nhìn linh mục như người phục vụ mầu nhiệm của Thiên Chúa.
Cha Cantalamessa nói: “Là một tư tế, theo lệnh Chúa Giêsu Ki tô, người linh mục phải hiến dâng chính mình giống như Chúa Giêsu. Trên bàn thờ, linh mục không chỉ đại diện cho Chúa Giêsu, Đấng là linh mục thượng tế, mà còn phải là tượng trưng cho Lễ vật hy sinh cao vời, cả hai thực thể này không thể tách lìa nhau. Nói cách khác, linh mục không chỉ hài lòng với việc dâng lên Chúa Cha chính Đức Kitô dưới dạng dấu chỉ bánh và rượu, mà linh mục còn phải cùng với Đức Kitô dâng chính bản thân mình cho Chúa Cha.
Vị giảng thuyết chia sẻ kinh nghiệm hiến tế của chính mình: “Là linh mục được Giáo Hội tấn phong, tôi nhân danh Chúa Kitô đọc lời truyền phép. Tôi tin rằng, nhờ Chúa Thánh Thần, những lời truyền phép của tôi có quyền lực biến đổi bánh thành Thân xác Đức Kitô và rượu thành Máu Ngài; cùng lúc đó, với tư cách là chi thể của Thân thể mầu nhiệm Đức Kitô […], nếu tôi dâng lễ, tôi nhìn vào những anh chị em đứng trước tôi, tôi nghĩ về họ là người tôi phải phục vụ trong ngày sống và, hướng về họ, cùng với Giêsu, tôi nói trong trí tôi: “Này anh chị em, đây là thân xác tôi, hãy cầm lấy mà ăn, đây là máu tôi, hãy cầm lấy mà uống.”
Cha Cantalamessa giải thích rằng việc dâng hiến cho nhau như thế là rất cần thiết. Ngài nói:
“ Không có lễ vật hiến dâng của Đức Kitô, thì lễ vật dâng hiến của linh mục và toàn Giáo Hội sẽ đều bất xứng không đáng được Chúa Cha chấp nhận. Nhưng không có lễ vật dâng hiến của thân thể mầu nhiệm Ngài là Giáo Hội, lễ vật của Đức Kitô cũng không đầy đủ: có nghĩa là, không phải lễ vật của Đức Kitô không đủ để mang lại ơn cứu độ, nhưng sẽ không đủ nếu ta không tán thành và không đón nhận. Trong ý nghĩa này mà Giáo Hội có thể nói như Thánh Phao lô: “trong thân xác tôi, tôi hoàn tất những gì còn thiếu trong sự khổ nạn của Đức Kitô.”
Và vị giảng thuyết đưa một ví dụ để minh họa điểm này. Cha nói:
“ Hãy tưởng tượng: trong một gia đình có một đứa con cả rất thương cha mình. Anh ta muốn tặng cha một món quà nhân ngày sinh nhật của cha. Tuy nhiên, trước khi đưa quà cho cha, anh ta bảo tất cả anh chị em kín đáo ký thêm chữ ký của họ trên món quà. Món quà đến tay người cha như là sự tôn kính của mọi người con và là dấu chỉ yêu thương kính mến của mọi đứa con, nhưng trong thực tế, chỉ có một đứa con đã phải trả tiền mua quà.”
“Áp dụng vào đây: Chúa Giêsu ngưỡng phục yêu mến Cha trên trời. Ngài muốn dâng mình cho Cha mỗi ngày cho đến tận thế, của lễ quý giá nhất mà Ngài có thể nghĩ ra được, là chính sự sống của Ngài. Trong Thánh lễ Ngài mời gọi tất cả “anh em” Ngài ký tên vào món quà ấy, để nó đến tay Chúa Cha như món quà của mọi người con […]. Nhưng, trong thực tế, chúng ta biết rằng chỉ một người đã trả giá máu cho món quà ấy, một cái giá thật đắt!”
Giáo dân cũng thế
Cha Cantalamessa đề nghị rằng giáo dân cũng được mời gọi để cùng Đức Kitô dâng hiến chính mình trong Thánh lễ.
“Chúng ta hãy thử tưởng tượng xem điều gì sẽ xẩy ra nếu, trong lúc truyền phép, giáo dân cũng âm thầm nói: “Đây là thân xác tôi, hãy cầm lấy mà ăn, đây là máu tôi, hãy cầm lấy mà uống.” Vị thuyết giảng đề nghị: “Một người mẹ trong gia đình dâng Thánh lễ như thế, sẽ về nhà và bắt đầu ngày sống với hàng ngàn công việc nhỏ nhoi. Nhưng những gì bà làm không phải là chẳng có giá trị gì: Nó chính là lễ vật dâng lên với Chúa Giêsu. Một nữ tu cũng nói thầm trong lòng lúc truyền phép “Đây là thân xác tôi, hãy cầm lấy mà ăn, đây là máu tôi, hãy cầm lấy mà uống” rồi bắt đầu công việc hàng ngày: phục vụ trẻ em, người bệnh, kẻ già. Thánh Thể “xâm chiếm” ngày sống của nữ tu này làm ngày sống trở thành Thánh lễ kéo dài.
Vị giảng thuyết cho giáo triều nhắc đến hai loại người được đặc biệt yêu mến trong bài giảng: công nhân và giới trẻ. Ngài suy diễn:
“ Chúng ta phải hướng dẫn người lao động biết dâng xác và máu họ trong Thánh lễ, nghĩa là dâng thời gian, mồ hôi và lao nhọc. Lao động như thế sẽ không chỉ là một món hàng như Các Mác đã nghĩ, nhưng chính là một hiến tế.”
Cha Cantalamessa nói: “Và người trẻ cũng đặc biệt cần phải hiến dâng chính mình trong Thánh lễ.”
Cha cắt nghĩa: “Quá đủ để chúng ta phải nghĩ về điều này: Thế giới của người trẻ hôm nay muốn gì? Họ nghĩ: thân xác chỉ là thân xác! Trong não trạng của thế giới người trẻ, thân xác cốt yếu là dụng cụ của khoái lạc và khai thác tình dục. Thân xác là một vật để mua bán, để vắt đến cạn kiệt khi còn trẻ còn hấp dẫn, và rồi sẽ bị quăng ra ngoài với chủ thể của nó, khi nó không còn phục vụ cho những mục tiêu này nữa. Đặc biệt thân xác phụ nữ đã trở nên một món hàng để tiêu thụ.”
“Chúng ta phải dạy người trẻ biết nói vào lúc truyền phép: “Đây là thân xác tôi, hãy cầm lấy mà ăn, đây là máu tôi, hãy cầm lấy mà uống” Thân xác như thế đã được hiến thánh, trở nên vật thánh, không còn là món ăn của nhục dục và của người khác, nó không còn là vật để mua bán, vì đã được dâng hiến rồi. Nó đã trở thành Thánh Thể với Đức Ki tô.”
Cha Cantalamessa suy niệm: “Thánh Tông đồ Phaolô đã hô hào các Ki tô hữu thành Cô rin tô: “Thân xác tôi không dành cho sự vô luân nữa, nhưng cho Đức Chúa… Vậy hãy tôn vinh Thiên Chúa trong thân xác của anh em.”
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm