Mồng 2 Tết: Kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ
Tin Mừng: Mt 15, 1-6
“Ngươi hãy thảo kính cha mẹ”
Theo phong tục người Việt Nam, Tết Âm lịch là ngày hội của gia đình. Cho dù ai bôn ba xứ người để làm ăn, mỗi người đều cố gắng trở về gia đình trong những ngày Tết. Nỗi nhớ mong con cháu của ông bà, cha mẹ được bù đắp bằng những tiếng cười nói rộn rã của con cháu từ phương xa kéo về, những nụ cười hạnh phúc nở trên những khuôn mặt nhăn nheo vì tuổi tác. Đây cũng là dịp để mọi người nhắc nhở nhau nhớ đến cội nguồn của mình là các bậc tiền nhân, ông bà, cha mẹ như câu: “Người ta có tổ có tông. Như cây có cội như sông có nguồn”. Vì thế, trong những ngày Tết, bàn thờ tổ tiên luôn nghi ngút khói hương thành kính tri ân của con cháu. Tất cả đều thể hiện đạo lý của dân tộc và Kitô hữu: “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Ngày nay, từ sau Công đồng Vatincan II, Giáo hội đã nhìn nhận và ca tụng truyền thống tôn kính tổ tiên của người Á Đông nói chung và của người Việt Nam nói riêng. Bởi vì người Do Thái ngày xưa cũng thường tưởng nhớ đến công đức của các vị tiền nhân qua các thế hệ trong lịch sử dân tộc. Trong bài đọc thứ I trích sách Huấn Ca, tác giả đã nêu đích danh từ các vị tổ phụ của nhân loại như ông Ađam, ông Khanốc, ông Sêm, ông Sết và ông Noê, đến các tổ phụ của dân tộc như ông Ápraham, ông Isaac, ông Giacóp; các vị lãnh đạo thời lập quốc như ông Môsê, ông Aharon, ông Giosuê, ông Samuel; các vị vua nổi tiếng như Đavit và Salomon; các ngôn sứ tuyệt vời như Êlia và Êlisa.
Xưa kia, Chúa Giêsu dựa vào điều răn của Thiên Chúa để bác bỏ luận điệu thảo kính cha mẹ cách hời hợt của người Pha-ri-sêu, bởi vì họ cho rằng dâng cúng cho đền thờ là đã làm tròn bổn phận thảo kính cha mẹ, họ trích dẫn truyền thống để vi phạm hủy bỏ lời của Thiên Chúa. Ngẫm nghĩ về ngày nay, vẫn còn những người con như thế: cứ cung phụng cho cha mẹ tiền bạc rồi cho đó là thảo hiếu cha mẹ, nhưng không hề về thăm hay hỏi han cha mẹ mạnh khỏe ra sao? Đó không phải là thảo hiếu mà là bố thí cho cha mẹ mình.
Vì thế, Giáo hội Công giáo Việt Nam đã chọn ngày mồng hai Tết là ngày kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Đây là ngày truyền thống tốt đẹp và ý nghĩa, để mọi người nhớ lại những lời nói và hành động của cha mẹ mình khi còn sống hầu noi theo, bắt chước và cầu nguyện cho các ngài, để ngày Xuân của chúng ta không vắng bóng những người thân thương. Đồng thời, mọi người cùng hiệp dâng Thánh lễ cầu cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ và những người thân đã qua đời, xin Thiên Chúa thứ tha cho những linh hồn đang ở nơi thanh luyện (luyện ngục) sớm được lên thiên đàng hưởng hạnh phúc cùng với Thiên Chúa, đó cũng là cách báo hiếu của chúng ta vậy.
Tóm lại, về vấn đề tôn kính tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thánh Phaolô dạy rằng: Có một liên hệ hữu cơ giữa hạnh phúc hiện tại của mỗi người với sự hiếu thảo của họ. Điều này thật đúng, bởi vì nếu con nguời tỏ ra hiếu thảo, biết ơn ông bà, cha mẹ, thì cũng chứng tỏ mình hiếu thảo, biết ơn Thiên Chúa. Nếu con người không biết ơn cha mẹ vì đã ban cho mình tấm hình hài và sự lo lắng dưỡng dục, không biết ơn các bậc tiền nhân đã đổ xương máu để gầy dựng giang sơn, thì làm sao con người có thể biết ơn Đấng Tạo Hóa được.
Khi con người biết ơn đời, thì họ cũng sẽ biết ơn Trời. Ngày hôm nay, nhìn lại tất cả gia sản vật chất và tinh thần mà tổ tiên đã trao lại cho chúng ta, từ giang sơn đất nước, văn hóa ngôn ngữ, thuần phong mỹ tục, đến nhân chứng đức tin... chúng ta thấy mình thật hạnh phúc vì được kế thừa bao điều thiện hảo. Chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa vì Người đã tạo nên lịch sử cứu độ của Người qua tổ tiên ngày xưa và qua chúng ta ngày nay, để mọi người cùng được vui hưởng hạnh phúc Nước Trời mai sau.
Hạnh phúc thay khi Giáo hội dành cho chúng ta ngày mồng hai Tết đầy ý nghĩa, để qua đó, ta biết mình từ đâu tới và sẽ đi về đâu, tâm hồn chúng ta sẽ không tàn héo như cỏ mục, nhưng sẽ đơm hoa kết trái như mùa Xuân, sẽ tràn đầy và phong phú như sông biển, vì: “Cây có gốc mới trổ ngành xanh ngọn - Nước có nguồn mới biển rộng sông sâu”. Nguyện xin Chúa Xuân chúc lành cho mỗi người chúng ta trong năm mới này.
bài liên quan mới nhất
- Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam
-
Quà Tết cho người vô gia cư -
Noel ấm áp tình người -
Đồng hương Thái Bình miền Nam: Họp mặt Tân niên -
Đồng hương Đàn Giản: mừng Xuân đoàn viên -
Nhớ lắm bếp củi ngày xưa! -
Thông điệp của mùa xuân -
Giờ kinh Giao Thừa -
Trăng Rằm miền biên giới -
Vầng Trăng Yêu Thương
bài liên quan đọc nhiều
- Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam
-
Nhớ lắm bếp củi ngày xưa! -
Quà Tết cho người vô gia cư -
Thông điệp của mùa xuân -
Sống tâm tình tạ ơn trong ba ngày Tết -
Tây Tạng: Tết Losar của lòng hiếu khách và từ tâm -
Giờ kinh Giao Thừa -
Năm Thìn, tản mạn chuyện Rồng -
Tất niên và tân niên -
Trăng vàng mùa thu