Mồng 3 Tết: Thánh hoá công ăn việc làm
WGPSG -- “Bao lâu trái đất này còn,
Còn gieo còn gặt còn vun còn trồng;
Bốn mùa xuân hạ thu đông,
Ngày đêm thời tiết không ngừng luân phiên”
(St 8, 22)
Trước Tết Âm lịch, khi đến thăm các Trung tâm, các gia đình khó khăn, cũng như tham dự Hội chợ Xuân phục vụ người nghèo... tim tôi đã có những lúc se lại và tự hỏi: “Vì sao vẫn còn nhiều người đói khổ đang sống quanh ta?”.
Trong mấy ngày tết, phố xá vắng người bởi lẽ những người nhập cư đã trở về quê ăn tết. Tôi chợt suy nghĩ về một Giáo hội lữ hành đã và đang hình thành tại các thành phố lớn. Làn sóng người nhập cư ngày càng tăng, trong đó tỉ lệ các bạn trẻ Công giáo không phải là ít, và suy nghĩ mãi về sự cần mẫn lao động với mọi ngành nghề, chịu nhiều sức ép của lao động và cuộc sống để kiếm tiền, và tôi luôn ưu tư về nhu cầu đời sống đức tin của họ khi xa gia đình và xứ đạo...
Qua ngày mồng hai Tết, đây đó có cửa hàng đã mở cửa, chợ búa bắt đầu họp lại, lại thấy xuất hiện những em bé bán vé số dạo, những người lượm ve chai... nỗi ưu tư lại ập đến bên tôi. Để tìm lời giải đáp, mở Lời Chúa mồng ba Tết, tôi đã nhận ra ý Chúa và ý nghĩa của lao động:
- Thứ nhất, làm việc không vì nhu cầu của bản thân, nhưng là để làm giàu cho gia tài của chủ mình. Người chủ mà Chúa muốn nói tới không ai khác hơn chính là Chúa Cha. Thế nhưng dụ ngôn cũng cho thấy Gia Tài của Chúa Cha không phải là những nén bạc mà Ngài trao cho mỗi người, nhưng là chính “niềm vui” của Người, là hạnh phúc, là sự sống của Người. Như vậy Lao Động có một ý nghĩa thiêng liêng là để đi vào Niềm Vui của Thiên Chúa. Chúng ta đừng quên lời Kinh Thánh khác nói rằng: Niềm vui ấy chính là việc Thiên Chúa được ở giữa con cái loài người. Và nếu nhìn vào cuộc sống của Chúa Giêsu, chúng ta thấy rất rõ: Người vất vả ngược xuôi chỉ nhằm đem con cái loài người đến với Thiên Chúa Cha, “để Cha và Con cùng ở trong chúng”. Lao động như thế được Chúa Giêsu nói là “lao động vì những của cải không hư nát”.
Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa giao vườn Địa đàng cho 2 ông bà nguyên tổ không phải để hưởng thụ, nhưng phải có nghĩa vụ “cầy cấy và canh giữ đất đai” (St 2b,15). Như vậy, con người phải lao động, giữ thành quả lao động và hạnh phúc cho “chính mình” và mọi người chung quanh.
- Thứ hai, noi gương Thiên Chúa, chúng ta làm việc, không chỉ làm việc vì mình và những người thân của mình, mà còn để phục vụ và giúp đỡ những người khác, nhất là những người khốn khổ. Phải thành thật nhìn nhận rằng: từ trước tới nay, chúng ta làm việc hầu như chỉ nhắm đến mỗi một mục tiêu là "vì mình" chứ không nhắm đến "vì người khác".
Chúa Giêsu đã nói: “Cho đến nay, Cha Tôi vẫn làm việc, thì Tôi cũng làm việc” (Ga 5,17). Vì thế, sau khi tạo dựng vũ trụ, Thiên Chúa vẫn còn làm việc để duy trì công trình tạo dựng vĩ đại của Ngài, để chúng ta tiếp tục được sống vui tươi trong hạnh phúc. Bên cạnh đó, thánh Phaolô quả quyết: “Phaolô trồng, Apollô tưới, nhưng chính Thiên Chúa mới làm cho mọc lên” (1Cr 3,6).
Đồng thời, nhà nông Việt Nam cũng đã có kinh nghiệm trong nghề nông của mình: “Nhất thủy, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Làm nghề nông trước nhất là cần nước, nhưng nếu trời không mưa thì nước đâu mà tưới? Không có Chúa thì “Người lính canh đêm cũng hoài công” (Tv 126, 1). Vì thế, Giáo hội dành ngày mồng ba Tết cầu xin Chúa thánh hóa ruộng vườn, mùa màng, cây cối và công ăn việc làm, và xin “Chúa gieo mầu mỡ ngập tràn lối đi”. Đây cũng là dịp để mỗi người đừng nghĩ rằng của cải là do bàn tay lao động của mình làm ra, thành quả khoa học kỹ thuật là do khả năng tích lũy bởi bộ óc con người mà có, nhưng quên đi rằng: “Làm bởi tay, ban bởi Ta”.
Bước sang năm mới, mỗi người sẽ dùng quỹ thời gian của mình để phụng sự Chúa và phục vụ anh em, vì thời gian là hồng ân Chúa ban cho con người. Chúng ta hãy dâng lên Chúa tất cả những việc chúng ta sẽ làm trong năm cùng với những lao nhọc cực khổ chúng ta sẽ gặp phải khi làm việc với tâm tình ca ngợi tình thương của Chúa vì “tất cả đời con là ân huệ Chúa ban”. Hãy sống theo lời thánh Phaolô: “Dù ăn, dù uống hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr 10,31). Để cùng:
- Xin Chúa giúp chúng ta cảm thấy hạnh phúc trong công việc.
- Xin Chúa giúp để việc làm của chúng ta đem lại đủ nuôi sống bản thân và gia đình.
- Xin Chúa mở rộng lòng, rộng tay của chúng ta để chúng ta biết chia sẻ thành quả công việc cho những người túng thiếu.
bài liên quan mới nhất
- Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam
-
Quà Tết cho người vô gia cư -
Noel ấm áp tình người -
Đồng hương Thái Bình miền Nam: Họp mặt Tân niên -
Đồng hương Đàn Giản: mừng Xuân đoàn viên -
Nhớ lắm bếp củi ngày xưa! -
Thông điệp của mùa xuân -
Giờ kinh Giao Thừa -
Trăng Rằm miền biên giới -
Vầng Trăng Yêu Thương
bài liên quan đọc nhiều
- Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam
-
Nhớ lắm bếp củi ngày xưa! -
Quà Tết cho người vô gia cư -
Thông điệp của mùa xuân -
Sống tâm tình tạ ơn trong ba ngày Tết -
Tây Tạng: Tết Losar của lòng hiếu khách và từ tâm -
Giờ kinh Giao Thừa -
Năm Thìn, tản mạn chuyện Rồng -
Tất niên và tân niên -
Trăng vàng mùa thu