Một tuyệt tác vật thể của Thiên Chúa
Ngày nay, cùng với tốc độ phát triển của khoa học kỹ thuật, cùng với tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, thì vấn đề môi trường thiên nhiên cũng được đặt ra và ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Thế giới đang quan tâm rất nhiều đến môi trường. Giáo hội Công giáo cũng đã và đang thao thức về môi trường, đã giành hẳn chương 10 trong sách Tóm lược Học thuyết Xã hội, để nói về việc phải bảo vệ môi trường sống của chúng ta.
Tại sao vấn đề môi trường lại trở nên nghiêm trọng và là nỗi bức xúc hiện nay? Bởi môi trường sống trong lành đã và đang trên đà mất đi một cách nhanh chóng, bởi sự ô nhiễm từ nền công nghiệp phát triển thiếu bền vững, từ hiệu ứng do việc xây dựng thiếu yếu tố thân thiện môi trường, từ việc lạm dụng hóa chất trong công nghệ thực phẩm và hàng tiêu dùng. Đến khi môi trường sống bị hủy diệt và đe dọa trực tiếp đến sự sống con người, người ta mới giật mình thấy tầm quan trọng của nó.
Nhưng với Đấng Sáng Tạo, khôn ngoan thượng trí và thấu suốt mọi việc trước sau, Ngài biết rõ tầm quan trọng của môi trường đối với sự sống con người ngay từ thuở ban đầu. Trước khi tạo thành con người, Thiên Chúa biết để con người có thể sống tốt, cần phải đặt họ vào một môi trường tốt. Cho nên trong kế hoạch sáng tạo của Ngài, Thiên Chúa đã tạo dựng môi trường trước. Chương 1 của Sách Sáng Thế, từ câu 1 đến câu 23, ghi nhận trình thuật Thiên Chúa sáng tạo trời đất và vạn vật, tức môi trường sống cho con người trong 5 ngày. Sau đó, Thiên Chúa thấy mọi sự là tốt đẹp, môi trường này đã hội đủ yếu tố cần thiết cho sự sống con người, Ngài mới tạo ra con người vào ngày thứ sáu.
Cụ thể sách Sáng Thế miêu tả rằng “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1,1-2). Như vậy, khi trời đất mới được tạo ra, vạn vật chưa có gì, nhưng chúng ta thấy có “thần khí” Thiên Chúa bay lượn trên “mặt nước”. Ở đây, đã xuất hiện yếu tố ‘khí’ và ‘nước’. Phải chăng ngay khởi đầu Thiên Chúa đã thiết định cho yếu tố ‘khí’ và ‘nước’ là quan trọng hơn cả trong môi trường sống của con người và vạn vật; và quan trọng nhất là ‘khí’, thứ đến là ‘nước’. Cho nên, khi tạo dựng con người, Ngài nặn ra ‘hình’, mà ‘người’ chưa sống, nhưng Thiên Chúa thổi ‘hơi’ (khí) và lỗ mũi thì người trở nên sinh vật sống động.
Thực tế cũng cho thấy không khí để thở là quan trọng hàng đầu đối với sự sống con người, kế đến là nguồn nước để uống. Con người không thể sống nếu thiếu khí thở trong vòng vài ba phút, hay thiếu nước uống trong vòng vài ba ngày. Thế nhưng, không khí là yếu tố có vẻ bị coi thường nhất trong môi trường sống. Phải chăng vì là yếu tố không nhìn thấy, cho nên không khí không được chú ý và quí trọng? Ngày nay, tình trạng ô nhiễm không khí đã đến mức báo động đỏ. Bởi khí thải từ các nhà máy, các loại máy móc, từ động cơ phương tiện giao thông, từ các bãi rác thải…, đã làm cho không khí chứa nhiều tạp khí độc hại, nguy hiểm đối với sức khỏe con người và sự sống của vạn vật nói chung. Nguồn nước cũng bị ô nhiễm trầm trọng bởi nước thải nhà máy (chưa được xử lý), hóa chất (phân bón và thuốc trừ sâu trong nông nghiệp), rác thải sinh hoạt,…
Kế đến “Thiên Chúa phán: “Phải có ánh sáng.” Liền có ánh sáng. Thiên Chúa thấy rằng ánh sáng tốt đẹp” (St 1,3-4). Yếu tố quan trọng tiếp theo là “ánh sáng”. Ánh sáng giúp cho con người và các loài động vật có mắt nhận biết sự vật xung quanh mình, đồng thời giúp cho sự sống của muôn loài tồn tại và phát triển. không có ánh sáng, môi trường sống sẽ thành môi trường chết. Tuy nhiên, môi trường chỉ có thể sống tốt, khi nó chìm trong “ánh sáng tốt đẹp” của Thiên Chúa tạo dựng.
Ngày nay, con người cũng đang ra sức phá hủy ánh sáng tốt đẹp (hợp lý và đủ lượng) của thiên nhiên. Bởi các hiệu ứng trong xây dựng (nhà kính) làm tăng cường độ ánh sáng, tăng nhiệt độ môi trường; bởi khói của nhà máy, khí công nghệ điện lạnh (tủ lạnh, máy lạnh) làm thủng tầng khí quyển ozon. Tầng ozon có tác dụng hấp thu tia ánh sáng có hại (tia cực tím) từ mặt trời đến trái đất.
Sau khi, Thiên Chúa trang bị đủ các yếu tố: khí, nước và ánh sáng cho môi trường sống, Ngài mới tạo nên các sinh vật gồm thực vật, động vật và con người. “Thiên Chúa phán: “Đất phải sinh thảo mộc xanh tươi, cỏ mang hạt giống, và cây trên mặt đất có trái, ra trái tuỳ theo loại, trong có hạt giống.”” (St 1,11). “Thiên Chúa phán: “Nước phải sinh ra đầy dẫy những sinh vật lúc nhúc, và loài chim phải bay lượn trên mặt đất, dưới vòm trời.”” (St 1,20). “Thiên Chúa phán: “Đất phải sinh ra các sinh vật tuỳ theo loại : gia súc, loài bò sát và dã thú tuỳ theo loại.”” (St 1,24). “Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta...”” (St 1,26).
Thế rồi, Thiên Chúa trao ban các loài thực vật cho con người và muông thú làm thức ăn “Thiên Chúa phán: “Đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi. Còn đối với mọi dã thú, chim trời và mọi vật bò dưới đất mà có sinh khí, thì Ta ban cho chúng mọi thứ cỏ xanh tươi để làm lương thực.”” (St 1,29-30). Thiên Chúa hoàn tất công trình tạo dựng môi trường sống cho con người và các loài sinh vật bằng việc trao ban thức ăn.
‘Thức ăn’ được trang bị cuối cùng, sau khi đã có ‘khí’, ‘nước’ và ‘ánh sáng’, như là để thiết định một trật tự về mức độ quan trọng của các yếu tố này đối với sự sống. Lấy con người làm ví dụ điển hình nhưng đã nói ở trên, người ta có thể nhịn thở được vài ba phút, nhịn uống được vài ba ngày, và nhịn ăn được vài ba tuần. Như vậy, thức ăn dẫu rất quan trọng đối với con người, nhưng vẫn không thiết yếu bằng khí thở và nước uống. Cho nên, con người cần căn cứ vào trật tự ưu tiên trong quá trình tạo dựng của Thiên Chúa, để gìn giữ, duy trì và phát triển môi trường sống cho mình một cách đúng đắn và hợp lý. Để tránh rơi vào tình trạng yếu tố quan trọng hơn lại thành ra thứ yếu. Ví dụ, chỉ lo tạo ra nhiều thức ăn, mà quên tạo ra dưỡng khí; hay tệ hơn, là việc phá hủy bầu khí trong lành, hủy hoại nguồn nước sạch trong quá trình làm ra của cải vật chất.
Tóm lại, môi trường sống của chúng ta không phải tự nhiên mà có, nhưng do bởi chính Thiên Chúa sáng tạo ra. Ngài vì lòng yêu thương và sự ân cần chu đáo như người cha người mẹ, đã trang bị sẵn một môi trường sống tốt đẹp cho con cái mình. Và sau khi tạo dựng xong, Thiên Chúa trao quyền quản lý môi trường cho con người “Thiên Chúa ban phúc lành cho con người, và Thiên Chúa phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất.”” (St 1,28). Do đó, chúng ta trong quá trình sống và sử dụng môi trường, không phải muốn làm gì thì làm, nhưng phải tỏ ra là người quản lý trung tín. Chúng ta phải biết sử dụng và gìn giữ, khai thác và tôn tạo, đồng thời phát triển môi trường theo ý của ông Chủ là Thiên Chúa.
Để môi trường sống khắp nơi trên thế giới ngày càng trở nên xinh đẹp, an lành và đáng sống hơn.
Tín Thành, 29.01.2015
bài liên quan mới nhất
- Mô hình công nghệ toàn cầu dưới cái nhìn của Laudato Si'
-
ĐTC Phanxicô: Không thể im lặng khi trái đất bị cướp phá -
Tuần lễ Laudato Si' (16-24/5) trong mùa đại dịch -
Đức Thánh Cha mời gọi Giáo hội cử hành Tuần lễ Laudato Si' (16-24/5) -
7 món ăn lành mạnh mà Chúa Giêsu đã dùng -
Đức Thánh Cha mời gọi hành động chống biến đổi khí hậu -
Caritas Việt Nam: Hãy là người bảo vệ mẹ đất -
Caritas Việt Nam: Tiết kiệm nước -
Caritas Việt Nam: Đi xe đạp vì môi trường -
Caritas Việt Nam: Tái chế những gì bị vất bỏ
bài liên quan đọc nhiều
- 7 món ăn lành mạnh mà Chúa Giêsu đã dùng
-
Mẹ Thiên Nhiên -
Khủng hoảng môi trường: triệu chứng - nguyên nhân - chữa trị -
Suy tư về phát biểu của cô bé 12 tuổi tại hội nghị về môi trường: MÔI TRƯỜNG và NGÔI LỜI -
Caritas Việt Nam: Tái chế những gì bị vất bỏ -
Caritas Việt Nam: Đi xe đạp vì môi trường -
Giáo xứ Nam Hòa: Chầu Thánh Thể cầu nguyện cho môi trường -
Caritas Việt Nam: Hãy là người bảo vệ mẹ đất -
Mô hình công nghệ toàn cầu dưới cái nhìn của Laudato Si' -
Caritas Việt Nam: Tiết kiệm nước