Mùa Vọng và lời mời gọi hòa giải
“Họ sẽ biến gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái…” (Isaia 2,4).
Vong thân và chia rẽ là chuyện xưa như trái đất. Cũng vì thế, hòa giải và hiệp nhất là nỗi khát khao của lòng người muôn thuở. Nỗi khát khao ấy trở thành chủ đề lớn của mùa Vọng. Ngay từ Chúa nhật I Mùa Vọng, khát vọng hòa giải và hiệp nhất đã được đề cao qua lời tiên tri Isaia loan báo về Đấng Mêsia và triều đại của Người:
“Người sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia
và phân xử cho muôn dân tộc.
Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày,
rèn giáo mác nên liềm nên hái.
Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau,
và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến”.
Hòa giải là đổi mới tương quan, làm sao để những tương quan giữa con người với nhau, giữa các gia đình, giữa các nhóm xã hội, giữa các dân tộc… tất cả là những tương quan tình bạn thay cho hận thù và tranh chấp. Rất nhiều trang sách Cựu Ước diễn tả nhu cầu và cả tiến trình hòa giải. Trong lịch sử Dân Chúa, biết bao lần mối tương quan giữa Thiên Chúa và dân Ngài bị tổn thương và bẻ gẫy. Mỗi lần như thế, lại cần được hòa giải và giao ước được đổi mới. Chính ý thức đó dẫn đến việc cử hành Ngày Xá tội. Nhiều nghi thức được cử hành trong ngày lễ này để diễn tả Dân Chúa nhìn nhận tội lỗi của mình và muốn đuổi xa tội lỗi đó đi (được biểu tượng hóa qua việc đuổi con dê gánh tội vào sa mạc), để được gắn bó lại với Thiên Chúa. (x. Levi 16,1-34). Cũng trong ý hướng đó, khi loan báo về Đấng Mêsia, Isaia gọi ngài là “hoàng tử bình an” (Is 9,6).
Trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu chúc phúc cho những ai phục vụ công trình hòa giải: “Phúc cho ai kiến tạo hòa bình, họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9). Hơn ai hết, chính Chúa Giêsu là người phục vụ công trình hòa giải theo nghĩa rộng lớn và sâu xa nhất. Với Chúa Giêsu, không thể có hòa giải nếu không biết tha thứ, vì thế tha thứ trở thành đề tài lớn trong lời rao giảng của Người, cụ thể qua những dụ ngôn thật sống động. Sau khi mô tả người chăn chiên bỏ 99 con chiên để đi tìm con chiên lạc, Chúa Giêsu kết luận: “Trên trời vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn hối cải hơn là vì 99 người không cần hối cải ăn năn”. Và làm sao lòng ta không thổn thức khi chiêm ngắm và suy niệm hình ảnh người cha nhân hậu dang rộng vòng tay đón nhận đứa con hoang đàng: “Phải vui mừng chứ vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”.
Những sứ giả đích thực của hòa bình và hòa giải đều cảm nhận được tầm quan trọng của lời mời gọi tha thứ và cố gắng thể hiện trong đời. Khi suy ghĩ về lời cầu của Chúa Giêsu trên thánh giá, “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”, Martin Luther King đã reo lên: “Đó là giây phút đẹp nhất đời Người”. Bước ra khỏi nhà tù sau nhiều năm bị giam cầm, Nelson Mandela tự nhủ, “Bao lâu tôi còn giữ căm thù với những người đã giam cầm mình cách bất công, bấy lâu tôi vẫn còn bị giam giữ chứ chưa được giải thoát thực sự”. Ông đã học tha thứ và đã trở thành lãnh tụ vĩ đại của Nam Phi. Ngày 10-12-2010, tuy không thể đến nhận giải Nobel Hòa Bình, Lưu Hiểu Ba vẫn hiện diện thật hùng hồn khi hàng triệu con mắt trên thế giới nhìn vào chiếc ghế trống dành cho ông, và cả thế giới xúc động khi lắng nghe sứ điệp ông gửi đến, sứ điệp của một người bị tù tội và giam giữ nhiều năm, nhưng không mang bóng dáng hận thù mà chan chứa tình yêu dành cho con người và đất nước ông. Cùng một dòng chảy, lại chẳng nên nhắc lại ở đây tâm tình của Đại hội Dân Chúa Việt Nam 2010 sao: “Hội Thánh nhớ đến biết bao đau khổ và bách hại đã phải chịu trong suốt chiều dài lịch sử của mình, không phải để nuôi dưỡng oán thù nhưng để tha thứ và cầu nguyện cho những người bách hại Hội Thánh, theo gương Chúa Kitô là Đấng đã hoàn tất công trình cứu chuộc trong sự khó nghèo và bị bách hại”.
Sứ điệp ấy làm cho tâm hồn ta ngập tràn hi vọng. Thiên Chúa là người cha nhân hậu, mục tử nhân lành, lo lắng tìm cách hàn gắn mối tương quan của Ngài với từng người mỗi khi tương quan ấy bị sứt mẻ và đổ vỡ. Nhưng Chúa Giêsu cũng nhấn mạnh, điều quan trọng không chỉ là tương quan giữa con người với Thiên Chúa mà còn là giữa con người với nhau, giữa mỗi người với cộng đoàn, với xã hội và với cả môi trường mình đang sống. Tin Mừng là ở đó, Tin Mừng về sự đổi mới những tương quan. Nước Trời là ở đó, Nước sự thật và sự sống, Nước công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần, khi mọi tương quan được đổi mới nhờ thứ tha và hòa giải.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm