Mùa xây dựng
WGPSG -- Cát chất cao như núi, đá đủ loại dồn lại trùng trùng điệp điệp như những ngọn đồi, các thanh sắt được bó lại thành cuộn to, dài ngoằng như một dòng sông, nền đất bị xới tung, lổn ngổn gạch đá bùn đất… Quang cảnh trông thật ngổn ngang, dù mỗi vật liệu đều được đặt vào một chỗ nhất định trên công trường xây dựng!
Ai từng quan sát công trình xây dựng một tòa cao ốc thì không khỏi ngao ngán trước cảnh “hỗn mang” của đủ loại vật liệu, cũng không khỏi choáng váng khi nhìn thấy cái hố vừa sâu vừa rộng do đất bị đào xới lên, hầu đổ nền móng cho tòa nhà tương lai! Ngổn ngang, bừa bộn, lầy lội (khi mưa trút xuống), bụi mù (khi nắng gắt rọi) đó là những cụm từ thường được dùng để miêu tả công trình xây dựng!
Thế mà, giữa cảnh tượng tựa như hỗn mang và ngổn ngang đó, chỉ vài tháng sau hoặc lâu hơn là một năm sau thôi, một tòa nhà nhiều tầng mới sẽ mọc lên, nguy nga, tráng lệ, hãnh diện cất cao đầu nhìn trời như thể hiện niềm tự hào của chủ nhân tòa nhà!
Nhà có thể vươn cao là nhờ móng sâu, rộng và chắc chắn!
Nhà được nguy nga, tráng lệ cũng là nhờ được tích lũy thật nhiều, thật phong phú các vật liệu xây dựng chất lượng, đẹp đẽ, quý giá!
Dù cao rộng và tráng lệ thì tòa nhà vẫn là kết quả việc làm của những công nhân giỏi tay nghề, yêu nghề, và nhất là có tâm “say nghề” để có thể vận dụng tổng hợp tất cả khả năng, kinh nghiệm vào việc xây dựng công trình! Chính những đôi tay tài khéo của tập thể thợ này đã gắn kết những vật liệu rời rạc nọ cách hợp lý, hài hòa và hoa mỹ để họa thành một kiến trúc hoàn hảo!
Tháng 7 với “mùa thi Đại học và Cao đẳng” đã gần trôi qua, biết bao sĩ tử từ mọi miền đất nước nô nức tiến về Sài Gòn mỹ lệ. Họ đi như trẩy hội với khát khao có tên trên bảng vàng của một trường Đại học! Họ tham dự các kỳ thi tuyển sinh với mộng ước xây dựng tương lai tươi sáng bằng khả năng tri thức!
Để xây dựng được một “tòa nhà tri thức” tráng lệ như ước mơ, chẳng phải họ đã lên đường với hai bàn tay trắng, kỳ thực hành trang của họ khá phong phú, chất chứa vốn kiến thức thu tập, chắt lọc từ mười mấy năm “mài đũng quần trên ghế nhà trường”!
Những sĩ tử nào đã dày công tích góp được nhiều “vật liệu”, nhất là vật liệu quý giá, cộng với khối óc minh mẫn và bàn tay khéo léo, thì sẽ biến ước mơ trên thành hiện thực: Họ sẽ bắt đầu hình thành một tòa nhà tri thức theo lòng mong ước!
Tháng 7 mưa ngâu đúng ra không phải là thời gian thuận tiện, lý tưởng để các bạn trẻ chọn cử hành ngày thành hôn của mình, nhưng đây đó vào những ngày cuối tuần, vẫn có những đám cưới được tổ chức rộn ràng với cả ngàn thực khách hoặc cách khiêm tốn hơn với một ít thân nhân bạn hữu! Những tân lang và tân nương đó bắt đầu xây dựng những nóc gia mới!
Họ cũng phải ngược xuôi gom góp những vật liệu cho nóc gia mới. Càng nhiều vật liệu thì nhà càng cao, to! Vật liệu càng giá trị thì nhà càng đáng trân quý!
Trong số rất nhiều chất liệu mà đôi bạn đời góp chung để xây dựng tổ ấm mới, như tiền của, địa vị, nghề nghiệp,… thì “chất liệu đặc biệt” là chính bản thân cô dâu và chú rể, với cá tính, quan điểm sống, sở thích, sở trường, sở đoản, gia cảnh riêng; cũng như nền giáo dục gia đình và học đường mà mỗi người đã được hấp thụ…
Những chất liệu để xây tổ ấm mới thoạt trông thật ngổn ngang và rời rạc. Sứ mạng của những đôi vợ chồng mới chính là khéo léo sắp xếp và gắn kết chúng lại theo một trình tự thích hợp và hoàn mỹ!
Những nóc gia mới có đẹp đẽ, ấm cúng và chắc chắn hay không là nhờ khả năng phối hợp ăn ý và hòa điệu của cả vợ lẫn chồng. Đôi tân hôn phải học cách gắn kết những chất liệu riêng lẻ và khác biệt nơi hai người lại với nhau! Người này cần biết đón nhận những dị biệt của người kia, để cộng tác với nhau xây nên một tòa nhà mới, phong phú về màu sắc, đa dạng về chất liệu và bền vững nhờ gắn bó keo sơn!
Muốn thế, mối tương quan của họ cần sâu đậm nhờ một nền móng chắc chắn: giai đoạn tìm hiểu đủ thời để lấy quyết định chín chắn, lòng tôn trọng và nhẫn nại đủ lượng để có khả năng đón nhận những khác biệt của nhau. Hơn thế nữa, họ còn cần đặt “tòa nhà gia đình” trên một nền đá vững chắc không do tay người phàm làm ra thì nóc gia mới trụ được qua dòng thời gian: bởi lẽ dù được gắn kết chặt chẽ với nhau thành một khối, nhưng trong cái toàn khối kiến trúc tưởng như thống nhất ấy, vẫn là những chất liệu rất khác biệt và đa dạng!
Nền tảng vững chắc đó là gì? Đó chẳng phải là điều Chúa Giêsu đã khẳng định: “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá” (Mt 7,24-25).
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm