Mùng Một Tết: Lễ Minh Niên - Ngày 25/01: Thánh Phaolô Tông đồ trở lại

Mùng Một Tết: Lễ Minh Niên - Ngày 25/01: Thánh Phaolô Tông đồ trở lại

Mùng Một Tết: Lễ Minh Niên - Ngày 25/01: Thánh Phaolô Tông đồ trở lại

Mùng Một Tết: Lễ Minh Niên
Cầu Bình An Cho Năm Mới

Bài Ðọc I: Gen 1,14-18

“Những vật sáng hãy trở thành dấu chỉ thời gian, ngày và năm tháng”.

Bài trích sách Sáng Thế.

Thiên Chúa còn phán: “Hãy có những vật sáng trên vòm trời và hãy phân chia ngày và đêm, và trở thành dấu chỉ thời gian, ngày và năm tháng, để soi sáng trên vòm trời và giãi sáng mặt đất”. Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa đã làm nên hai vầng sáng lớn: Vầng sáng lớn hơn làm chủ ban ngày, và vầng sáng nhỏ hơn làm chủ ban đêm. Và Ngài cũng làm nên các tinh tú. Thiên Chúa đặt chúng trên vòm trời để soi sáng trên mặt đất và làm chủ ngày đêm, và phân chia ánh sáng với tối tăm. Thiên Chúa thấy tốt đẹp.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 48, 2-3. 6-7. 8-10. 11. 17-18

Ðáp: Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.

Xướng: Hỡi các dân, xin nghe lấy chuyện nầy, xin hãy lắng tai, hết thảy những ai cư ngụ địa cầu, người phận nhỏ cũng như người quyền thế, kẻ giàu sang cũng như kẻ cơ bần!

Xướng: Tại sao tôi phải kinh hãi trong ngày tai họa, khi ác tâm quân thù mưu hại bao bọc quanh tôi ? Bọn người nầy tin cậy vào tài sản, chúng tự hào bì có bạc vạn tiền muôn ?

Xướng: Nhưng thực ra không ai tự cứu được bản thân, cũng không ai dâng được lên Chúa giá tiền chuộc mạng. Giá chuộc mạng quá đắt, không bao giờ người ta có đủ, hầu mong sống mãi đời đời, không phải nhìn coi sự chết.

Xướng: Bởi lẽ người ta thấy chết cả những người khôn, đứa dại đứa ngu cũng đều phải chết, để lại cho người khác tài sản của mình.

Xướng: Ðừng e ngại khi thấy ai giàu có, khi thấy tài sản nhà họ gia tăng; bởi lúc lâm chung, họ chẳng mang theo gì hết, và tài sản cũng không cùng họ chui xuống nấm mồ.

 

 

Bài Ðọc II: 1Cor 7,29-31

“Bộ mặt thế gian này đang qua đi”.

Bài trích thơ thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Corintô.

Anh em thân mến, tôi nói cùng anh em điều nầy là: Thời giờ vắn vỏi; còn có cách là những ai có vợ, hãy như không có: những ai than khóc, hãy ăn ở như không khóc; những ai hân hoan, hãy ăn ở như không hân hoan; những ai mua sắm, hãy ăn ở như không có gì; những ai dùng sự đời nầy, hãy ăn ở như không tận hưởng, vì chưng bộ mặt thế gian nầy đang qua đi.

Ðó là lời Chúa.

 

Tin Mừng (Mt 6,25-34)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con. Chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì ăn; hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc. Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao ? Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. Nào các con không hơn chúng sao ? Nào có ai trong các con lo lắng áy náy mà có thể làm cho mình cao thêm một gang được ư ? Còn về áo mặc, các con lo lắng làm gì ? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng coi chúng mọc lên thế nào ? Chúng không làm lụng, không canh cửi. 

Nhưng Thầy nói với các con rằng: “Ngay cả Salômôn trong tất cả vinh quang của ông, cũng không phục sức được bằng một trong những đóa hoa đó. Vậy nếu hoa cỏ đồng nội, nay còn, mai bị ném vào lò lửa, mà còn được Thiên Chúa mặc cho như thế, huống chi là các con, hỡi những kẻ kém lòng tin ? Vậy các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: “Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì, hoặc sẽ lấy gì mà mặc ?”. Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó. Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó Người sẽ ban thêm cho các con. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai, vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy”.

 

Câu chuyện

Tết là ngày đầu xuân người ta thường chưng hoa, loại hoa hay được chưng trong ngày Tết là mai (ở miền Nam) và đào (ở miền Bắc):

  • Vào ngày Tết, mai không những đẹp nở rộ với sắc vàng, mà còn được chuộng là vì trong tiếng Hán chữ “mai” gần giống chữ “may” hiểu là may mắn. Mai đại diện cho mùa xuân trong tranh tứ quý (mai, lan, cúc, tùng), lại còn tượng trưng cho người có tài đức và nhân cách cao thượng trong tứ quân tử (cúc, trúc, tùng, mai). Dâng hoa mai cho Thiên Chúa và chưng trong gia đình như muốn nói lên tâm tình phó dâng cuộc sống chúng ta cho Ngài, xin Ngài nhắc nhở, thánh hóa chúng ta như người quân tử của Tin Mừng, những người sống trong chân lý và sự thật, như thánh Phaolô kêu gọi trong thư gửi tín hữu Philipphê (x. Pl 4,4-8).
  • Tục truyền ngày xưa có hai vị thần Trà và Uất Lũy ở trên một cây đào khổng lồ phía đông núi Sóc Sơn (miền Bắc). Theo huyền thoại ma quỷ rất sợ hai vị thần này, đến nỗi sợ luôn cả cây đào. Vì đến cuối năm hai thần phải về trời chầu Ngọc Hoàng nên người dân bẻ cành đào chưng trong nhà cho ma quỷ không quấy phá. Cành đào nhắc nhở chúng ta thoát khỏi bóng tối, thoát khỏi những tâm tình ràng buộc đối với sự dữ để bước đi trong ánh sáng của Thiên Chúa, năm mới hồng ân mới như đào hồng thắm nở rộ trong tâm hồn.

Suy niệm

“Nguyên đán” được hiểu cách nôm na là sự khởi đầu với buổi sáng sớm. Cho nên, truyền thống văn hóa Việt Nam từ ngày xưa lấy ngày đầu tiên của năm là ngày mồng một và buổi sáng sớm của ngày đó thành một cụm từ “Tết Nguyên đán”. Người ta tin rằng những gì tốt đẹp được làm vào ngày khởi đầu của một năm bao giờ cũng đem lại sự may mắn, thành đạt trong cả năm.

Từ ngàn xưa, người dân Việt ngày Tết đi lễ đình, chùa, miếu, điện khi cầu nguyện xong, người ta có tục hái trước cửa đình, cửa đền một cành cây gọi là cành lộc mang về ngụ ý là “lấy lộc” của trời đất, của thần Phật ban cho. Trong truyền thống đó, sáng nay mỗi người chúng ta cũng được hái lộc, đó là lộc hồng ân của Thiên Chúa muốn chúng ta sống trong ân sủng. Hãy chờ lộc Chúa muốn những điều gì trong năm mới qua những câu Lời Chúa mà chúng ta hái được.

Ngày Tết người ta chúc tuổi cho nhau, riêng với chúng ta, những người mang niềm tin Kitô giáo, lời cầu chúc mặc lấy tâm tình của thánh Phaolô: “Tất cả anh em hãy hôn chào nhau một cách thánh thiện. Chúc anh em được đầy ân sủng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (1Tx 5,26-28). Năm mới xuân sang, chúng ta cũng chúc tuổi nhau và cùng nhau chúc tuổi Thiên Chúa qua lời tạ ơn trong thánh lễ giao thừa, ngày đầu năm xin Ngài cũng lì xì cho chúng ta: sức khỏe, tình yêu gia đình trong đời sống hằng ngày, là công ăn việc làm bình an… Như lời cầu nguyện của thánh lễ Tân Niên: “Cúi xin Chúa mở lượng hải hà, ban cho hết mọi người chúng con trong năm này được bình an mạnh khỏe, càng thêm tuổi càng thêm nhân đức hầu đáng hưởng phúc lộc dồi dào”.

          Cuộc sống hằng ngày vốn nhiều lo lắng: Lo lắng và ám ảnh về một quá khứ vất vả, thất bại khiến chúng ta không dám bước vào hiện tại và tiến tới tương lai; lo lắng về một hiện tại chưa thành công, còn nhiều vất vả, không đủ nương tựa vào cuộc sống, khiến ta luôn mệt mỏi không dám dấn thân; lo lắng về việc cơm áo gạo tiền, khiến chúng ta rơi vào trạng thái lo âu triền miên. Vì thế, kéo theo ta sẽ lo lắng về một tương lai mịt mù không có chút ánh sáng để tiếp tục bước đi. Ngày đầu năm, Chúa Giêsu đã dạy: “Trước hết hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những sự khác, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,33-34). Ngài đưa ra hình ảnh chim trời không lo gieo trồng và làm lụng vất vả vẫn được nuôi sống, hoa đồng nội không dệt may vẫn được mặc sắc màu đẹp tươi, tất cả được đặt dưới sự quan phòng của Tạo Hóa. Hình ảnh quá ấn tượng, tuyệt vời diễn ra chung quanh mỗi ngày mà ta chưa nghiệm ra tình yêu quan phòng của Thiên Chúa cho vạn vật của vũ trụ. Cho nên, hãy sống ngay từ đầu năm: “Phó thác quá khứ cho lòng thương xót của Chúa, hiện tại cho tình yêu của Ngài, và tương lai cho sự quan phòng của Ngài” (Thánh Augustinô), để cả năm được Chúa Xuân luôn che chở và đồng hành. Thật thế, chúng ta sẽ an khang, nếu mời Chúa Xuân hiện diện chúc phúc…

Ý lực sống

Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con!” (Ga 20,19).

 

Thánh Phaolô Tông Đồ Trở Lại

BÀI ĐỌC I: Cv 22, 3-16

“Kêu danh thánh Chúa, tôi chỗi dậy”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Ngày ấy, Phaolô nói với dân chúng: “Tôi là người Do-thái, sinh tại Tarsê xứ Cilicia, đã được nuôi nấng trong thành này, đã được đào tạo theo chân lý lề luật cha ông dưới chân ông Gamaliêl. Tôi nhiệt thành với lề luật cũng như hết thảy quý vị hôm nay. Tôi đã bắt bớ giết chóc đạo này, xiềng xích và bỏ tù cả đàn ông lẫn đàn bà. Như thầy thượng tế và toàn thể hội đồng kỳ lão đã làm chứng điều đó. Các ngài đã trao cho tôi chứng minh thư để tôi đến kiếm anh em ở Đamas, bắt trói họ và điệu về Giêrusalem để trừng phạt.

Xảy đến lúc đó khoảng trưa, tôi đang trên đường gần đến Đa-mas, thình lình một luồng ánh sáng chan hoà từ trời chói rạng quanh tôi. Tôi ngã xuống đất và nghe tiếng phán bảo tôi: “Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ Ta ?” Tôi đáp: “Thưa Ngài, Ngài là ai ?” Người trả lời: “Ta là Giêsu Nadarét mà ngươi đang bắt bớ”. Và những người cùng ở đó với tôi lúc ấy, cũng thấy ánh sáng, nhưng không nghe tiếng Đấng nói với tôi. Tôi hỏi: “Lạy Chúa, con phải làm gì ?” Chúa liền nói với tôi: “Hãy chỗi dậy, vào thành Đamas, ở đó sẽ nói cho ngươi tất cả những gì ngươi phải làm”. Nhưng vì ánh sáng chói loà kia, tôi không còn thấy được, nên các bạn tôi cầm tay dẫn tôi vào thành Đamas. Có một người kia tên là Anania, người đạo đức, sống theo Lề luật, và được mọi người Do-thái ở đó kính phục, đến tìm tôi và đứng gần tôi mà nói: “Hỡi anh Saolô, anh hãy nhìn!” Ngay lúc đó tôi nhìn thấy ông.

Và ông nói: “Thiên Chúa cha ông chúng ta đã tiền định cho anh biết thánh ý Người, thấy Đấng Công Chính và nghe tiếng Người nói. Vậy anh phải làm chứng cho Người trước mặt mọi người về điều anh đã thấy và đã nghe. Và bây giờ, anh còn chần chừ gì nữa ? Hãy chỗi dậy và cầu khẩn danh Người mà chịu thanh tẩy và gột rửa mình cho sạch tội lỗi”.

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 116, 1. 2

Đáp: Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian (Mc 16, 15).

Xướng:

1) Toàn thể chư dân, hãy ngợi khen Chúa! Hết thảy các nước, hãy chúc tụng Người! Đáp.

2) Vì tình thương Chúa dành cho chúng ta thực là mãnh liệt. và lòng trung thành của Chúa tồn tại muôn đời. - Đáp.

 

“Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Phúc Âm cho mọi thụ tạo”. (Mc 16,15)

Tin Mừng: Mc 16,15-18

15 Khi ấy, Chúa Giêsu (hiện ra với mười một môn đệ và) nói: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Phúc Âm cho mọi thụ tạo. 16 Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu rỗi; ai không tin, sẽ bị luận phạt. 17 Và đây là những dấu lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, 18 họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân được lành mạnh”.

 

Suy niệm 1 (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống...)

1. Bài trích sách Công vụ:

Phaolô tự thuật về ơn gọi của mình trên đường Đamát. Trong sách Công vụ, chuyện này được tường thuật 3 lần: 9,3-7; 22,3-16 và 26,13-15. Đoạn này là tường thuật thứ hai.

Một chi tiết nổi bật trong câu chuyện là sự mù lòa và sự sáng mắt của Phaolô. Ta có thể phân chuyện này ra 3 giai đoạn:

- Giai đoạn trước khi Phaolô gặp Chúa Giêsu: ông là một người nhiệt thành. Nhưng chính sự nhiệt thành ấy làm ông thành mù quáng khiến ông chống lại Giáo Hội của Người (cũng giống như những người biệt phái).

Lúc gặp được Chúa Giêsu, hoạt động mù quáng chống phá Giáo Hội đã ngưng lại, nhưng ông vẫn còn mù (“Ánh sáng chói lòa kia làm cho tôi không trông thấy nữa”). Sự mù này một phần vì Phaolô chưa thích ứng nổi với ánh sáng quá rực rỡ của Chúa Giêsu, một phần vì ông chưa được chỉ dẫn về đường lối của Người.

- Khi gặp Khanania, Phaolô được sáng mắt, vì đã được chỉ dẫn (“Thiên Chúa đã tiền định cho anh biết thánh ý Người, thấy Đấng Công Chính... Vậy anh phải làm chứng cho Người… về điều anh đã thấy và đã nghe”.).

2. Bài Phúc Âm:

Những lời cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ:

- Sai các ông đi loan truyền Phúc Âm: ”Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu rỗi”.

- Hứa hỗ trợ đặc biệt cho các ông: “nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân được lành mạnh”. Những “dấu lạ” mà Chúa Giêsu hứa có thể mang 2 nghĩa:

a/ Nghĩa bóng: Chúa giúp các ông chiến thắng thế lực của sự dữ;

b/ Nghĩa đen: các ông sẽ thật sự làm được những phép lạ.

B- Suy gẫm (... nẩy mầm)

1. ”Trở lại” là đang đi trên một con đường, biết rằng đường đó lạc, nên dứt khoát quay lại. Nếu chỉ biết mà không quay lại thì không phải là trở lại. Thánh Phaolô đã quay lại một cách dứt khoát đúng 1800, và quay rất nhanh.

2. Nhiệt tình chưa hẳn là tốt. Nhiệt tình phải được hướng dẫn bởi ánh sáng Đức Kitô mới tốt thật.

3. Bà Reside là nhà truyền giáo đầu tiên cho những người da đỏ bộ lạc Kiowa ở Oklahoma. Bà được họ thương mến đặt tên là Aim-day-co, nghĩa là “Hãy quay lại”. Khi giải thích lý do chọn đặt cho bà cái tên đó, vị tù trưởng nói: “Khi những người bộ lạc Kiowa chúng tôi thấy ai đang đi lạc hướng thì chúng tôi nói với họ “Aim-day-co”. Họ nghe và quay lại đúng hướng. Bà này từ một nơi xa xôi đến với chúng tôi. Bà thấy chúng tôi đang đi lạc và bà đã chỉ cho chúng tôi con đường đúng, đó là con đường của Chúa Giêsu Kitô. Xin Người chúc lành cho bà Aim-day-co” (Moody Monthly).

4. Khi chọn ai, Chúa theo những tiêu chuẩn rất lạ: không cần học thức cao, không cần tài ba lỗi lạc, không cần khả năng khéo làm việc... Thánh Phaolô đã liệt kê 5 tiêu chuẩn Chúa theo: những cái yếu đuối, những cái ngu dại, những cái hèn mọn, những cái bị khinh thường và những cái hư không. (Sunday School Times).

5. ”Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo”. (Mc 16,15)

Là sinh viên năm thứ nhất đại học, tôi còn nhiều bỡ ngỡ và xa lạ. Hằng ngày tới trường, tôi cặm cụi ghi chép; tan học lại vội vàng về ký túc xá…

Cuộc sống cứ thế tiếp diễn cho tới gần cuối năm. Trước sự vận động tích cực của một vài bạn trong lớp cho một giáo phái hay một đạo gì đó, tình cờ H hỏi tôi:

- Bạn theo đạo nào ?

- Công giáo. Còn bạn ?

- Tớ chẳng theo đạo nào cả. Còn bạn, sao không truyền đạo như nhóm M vẫn làm ?

Tôi trả lời cho qua chuyện, nhưng sau đó đã phải suy nghĩ nhiều tới cách sống của mình giữa mọi người.

Lạy Chúa, con muốn làm chứng cho Chúa bằng chính cách sống của con, bằng thái độ vui tươi cởi mở với bạn bè cũng như lòng quảng đại của con trước những như cầu của người nghèo. (Epphata)

 

Suy niệm 2 (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Chuyện kể về một em bé đã giúp một người bạn nghèo trong lớp. Hạnh phúc quá, em về khoe với mẹ. Không ngờ mẹ mắng: “Không được chơi với những đứa khố rách áo ôm đó!”. Nụ cười trên khuôn mặt em bé chợt tắt, em thất vọng trước cố gắng của mình.

Hôm nay, qua lời nói của mình, tôi cũng dập tắt niềm hạnh phúc mỏng manh của người khác. Tôi đã giết đi những mầm non hy vọng, sự cố gắng, lòng nhiệt thành của những người chung quanh. Tôi như những người thân của Chúa Giêsu ngày xưa, không hiểu và không nhìn ra sứ mạng của Ngài để rồi vô tình cản trở bước rao giảng Tin Mừng nước Chúa... (Theo Hạt giống nảy mình).

Suy niệm

Chúa Giêsu với những lời rao giảng uy quyền, phép lạ vĩ đại, dân chúng càng ngày càng ca tụng và tin theo Ngài, nhưng gia đình thân nhân lại ngược đãi, sỉ nhục Ngài, họ nói: “Người đã mất trí” (Mc 3,21). 

Chúng ta nhớ lại, khi Chúa Giêsu về quê hương giảng mà người ta không tin Ngài là Đấng Thiên Sai mặc dù ngạc nhiên về sự khôn ngoan và những phép lạ Ngài làm. Họ nói: “Ông ta không phải là con bác thợ mộc, con bà Maria… hay sao ?” (Mc 6,1-6). “Họ đã vấp phạm vì Người” (Mc 6,3b), họ đã cố chấp cứng tin (x. Mc 6,6).

Thật thế, người thân của Chúa mang tâm trạng như tục ngữ có câu: “Bụt nhà không thiêng”. Hay mang dấu ấn: “Gần chùa gọi bụt bằng anh”. Họ không tin vì họ quên rằng ngôn sứ nào cũng mang một thân phận con người hèn kém như họ và được Chúa chọn từ một gia đình tầm thường để biết rằng sứ vụ và các việc làm vĩ đại là do quyền năng Chúa chứ không do tài sức loài người (x. Is 6,1-8; Gr 1,4-8).

Việc người đời nói chung và gia đình, quê hương Đức Giêsu, không tin và chống đối sỉ nhục Ngài, là số phận chung của ngôn sứ tại gia đình và quê hương, cụ thể như tiên tri Êdêkien: “Hỡi con người, chính Ta sai ngươi đến với con cái Israel, đến với dân phản loạn chống Ta” (Ed 2,2-5).

Những thân nhân xỉ vả Chúa là hình ảnh của chính chúng ta - Kitô hữu mọi thời đại, xưng mình là con của Chúa. Thế nhưng bằng những gương xấu, những cách sống thiếu chân thật, thiếu bác ái, chúng ta làm xấu danh Chúa.

Xin thanh tẩy tâm trí, cách sống của chúng con và cho con luôn mang tâm tình thiết tha:

“Lạy Cha, xin cho con biết quan tâm tới người khác để nhận ra những cố gắng và thiện chí của họ; biết đem hết khả năng của mình để nâng đỡ, khích lệ, cộng tác với anh em” (Epphata).

Ý lực sống

“Người đã đến nhà mình,
 nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận”
(Ga 1,11)

Top