Nạn phung phí thực phẩm tại Italia
Ngày 30 tháng 10 vừa qua phân khoa nông nghiệp Đại học tỉnh Bologna, trung bắc Italia, đã công bố thống kê báo động tệ nạn phung phí thực phẩm tại Italia, theo đó hàng năm có gần 20 triệu 300 ngàn tấn thực phẩm bị vứt bỏ, trị giá 37 tỷ Euros. Với số thực phẩm vứt đi này có thể nuôi sống gần 45 triệu người trong vòng 1 năm, tức hơn 1 phần 3 tổng số dân Italia. 37 triệu Euros thực phẩm phí phạm nói trên tương đương với 3% tổng sản lượng quốc gia.
Tài liệu nói trên là ”Cuốn sách đen” của nạn phung phí thực phẩm tại Italia. Gần 20 triệu 300 ngàn tấn thực bị vứt đi nói trên không phải là thức ăn hư thối cần loại bỏ vì nguy hại cho sức khỏe. Trái lại, chúng là hậu qủa của nền kinh tế tiêu thụ ngày nay, là nền kinh tế dành ưu tiên cho các sản phẩm tươi đẹp hoàn hảo, sẵn sàng để được tiêu thụ tất cả và ngay lập tức. Nền kinh tế ấy có các luật lệ bắt buộc phải sa thải hay phá hủy thực phẩm, trước hết để giữ giá thực phẩm khi số lượng sản xuất thặng dư, tiếp đến là bảo vệ chất lượng theo các luật lệ vệ sinh bảo đảm sức khỏe cho người tiêu thụ.
Một trong các lý đo gây ra nạn phí phạm thực phẩm là nhãn hiệu hết hạn dán trên sản phẩm, khiến cho người ta nghĩ rằng khi hết hạn phải loại bỏ các thực phẩm đó đi. Điển hình như trường hợp sữa chua ”yogurt”. Tất cả các hộp sữa chua tới ngày hết hạn đều được vứt bỏ vào thùng rác. Đây vừa là một sai lầm vừa là việc phung phí thực phẩm. Luật bảo vệ thực phẩm của Liên Hiệp Âu châu có hai hệ thống hết hạn: một loại đề ”cần tiêu thụ trong khoảng thời gian”, dành cho các loại thực phẩm tươi, và loại khác đề ”tốt hơn nên tiêu thụ trong khoảng thời gian”. Loại thứ hai này chỉ đưa ra đề nghị, và có nghĩa là loại thực phẩm này, ngay cả sau khi đã hết hạn như đã ghi, chúng chỉ mất đi một vài đặc tính, chứ không phải tới ngày đó là đã bị hư thối. Nói cách khác, đó chỉ là một chỉ dẫn liên quan tới phẩm chất, chứ không liên quan tới sự an toàn. Riêng đối với sữa chua, khi được đóng kín và giữ gìn trong các điều kiện an toàn, có thể dùng mấy ngày hay cả 10 ngày sau khi đã hết hạn. Dầu bàn để ăn cũng thế, từ 6 tới 8 tháng sau khi hết hạn dầu vẫn tốt cũng giống như bột và cà chua lột vỏ đóng chai hay đóng hộp. Trong khi trứng thì tốt hơn nên tiêu thụ không quá một tuần sau khi hết hạn.
Từ năm 1974 tới nay nạn phung phí thực phẩm tại Âu châu cũng như trên thế giới đã gia tăng 50%. Dựa trên thống kê này từ tháng 2 năm 2010 tổ chức ”Chợ vào phút cuối” đã cùng với các phân khoa nông nghiệp Italia và Ủy ban nông nghiệp Quốc hội âu châu phát động chiến dịch gây ý thức cho dân chúng về các đề tài liên quan tới nạn phung phí thực phẩm và các phương thế giúp giảm sự phí phạm này. Chiến dịch đạt tột đỉnh ngày 28 tháng 10 vừa qua tại Bruxelles, với việc thành lập ”Ngày âu châu chống phung phí thực phẩm”. Mục đích ngày này nhằm huy động thế giới dân sự, từ các nhân viên cho tới các nhà nghiên cứu, cũng như dân chúng tìm mọi cách ảnh hưởng trên các giới chức lãnh đạo chính trị, kinh tế, xã hội làm sao để họ đưa ra các đường lối chính trị giúp tiết kiệm thực phẩm. Đặc biệt trong ”Ngày Âu chống phung phí thực phẩm” tại trụ sở Quốc hội âu châu, các dân biểu, giới đại học và đại diện nhiều tổ chức khác nhau đã ký “Tuyên ngôn chung về việc phung phí thực phẩm”, nhằm giảm ít nhất 50% số lượng thực phẩm phung phí từ nay cho tới năm 2025.
Ngày 30 tháng 10 tại Bologna có buổi lễ giới thiệu ”Cuốn sách đen” của nạn phí phạm thực phẩm. Cuốn sách là bản tường trình đầu tiên liên quan tới các phung phí thực phẩm dọc lộ trình từ các cánh đồng sản xuất cho tới bàn ăn của người dân, đồng thời cũng có lễ trao ”Giải thưởng không phung phí thực phẩm” cho các sáng kiến chống phung phí thực phẩm độc đáo nhất.
Tệ nạn phung phì thực phẩm tại Italia bắt đầu ngay tại các cánh đồng trồng tỉa. Chỉ nội trong năm ngoái 2009, đã có tới 18 triệu tấn trái cây, rau cỏ và ngũ cốc bị vứt bỏ, tức chiếm 3% sản phẩm nông nghiệp toàn quốc. Cũng trong năm ngoái có 7,5 triệu tấn trái cây và các loại rau bị để thối tại các cánh đồng, so với 8,4 tấn rau trái tiêu thụ trên toàn nước. Nghĩa là số rau trái vứt đi có thể dùng cho dân số của một nước Italia thứ hai. Có nhiều lý do giải thích hiện tượng này: từ lý do thẩm mỹ như rau trái bị mưa đá, tuy vẫn tốt nhưng hình dạng không được đẹp mắt, cho tới lý do thương mại, chẳng hạn rau trái có các chấm khó bán, cho tới các lý do thị trường như giá trả cho thợ hái rau trái cao hơn giá bán được, khiến cho giới nông nghiệp bỏ, không thu hoạch rau trái nữa, để khỏi lỗ vốn.
Chặng thứ hai của việc phung phí thực phẩm là trong các hợp tác xã nông nghiệp hay các tổ chức của giới sản xuất. Để có thể giữ giá cả khỏi sụt, các tổ chức hợp tác xã này bị bắt buộc phải thu hồi một phần số lượng rau trái sản xuất. Một phần sản phẩm được dành để trợ giúp các tầng lớp yếu đuối trong xã hội như học sinh các trường học, các nhà tù; phần khác để cho súc vật, phần lớn còn lại được dùng để chế tạo cồn ethylique, phân bón vv... Đây cũng là việc phung phí vì thực phẩm không được dùng cho mục đích cung cấp thức ăn cho con người. Trong toàn Âu châu chỉ có Italia là như thế. Chỉ có 4,4% trên tổng số 73 triệu tấn rau trái bị thu hồi năm 2009 là được dùng để nuôi sống những người cần thực phẩm. Với số còn lại, mặc dù được dùng cho các mục đích khác, người ta có thể đáp ứng các nhu cầu rau trái của dân chúng hai tỉnh lớn như Bologna và Firenze trong vòng suốt một năm.
Chặng thứ ba của tệ nạn phung phí thực phẩm là kỹ nghệ. Cùng với rau trái là thịt, các loại nước uống và các sản phẩm khác. Chúng bị vứt đi vì các lý do thị trường, hay vì gần hết hạn, hoặc vì không có nhu cầu: tổng cộng hơn 2 triệu 161 ngàn tấn. Nghĩa là đủ để nuôi dân chúng toàn thành phố Venezia, bắc Italia trong vòng một năm. Rất may là từ các tổ chức doanh thương cũng có các sáng kiến dùng số thực phẩm này để trợ giúp dân nghèo. Số thực phẩm còn rất tốt bị thu hồi đó được giao cho các tổ chức bác ái từ thiện, cho các nhà thương, các chỗ cung cấp bữa ăn nóng cho người vô gia cư hay cho người nghèo.
Chặng thứ tư của tệ nạn phung phí thực phẩm xảy ra trong các siêu thị, hay đại siêu thị, hoặc các hàng quán bán rau trái lẻ. Chúng chiếm 11,2% tổng lượng thực phẩm bị vứt đi. Thống kê cho biết trong năm 2009 đã có 109.617 tấn thực phẩm bị vứt đi trên tổng số 9.134.747 tấn thực phẩm được chở tới các chợ trung ương. Ở đây cũng thế, các lý do gây ra tệ nàn phung phí thưc phẩm là thị trường, vì các sản phẩm này không ghi ngày hết hạn. Trái lại, xảy ra điều khác trong hệ thống phân phối, đặc biệt là hệ thống phân phối lớn. Trong đa số các trường hợp rau trái bị loại bỏ chỉ vì sự đòi hỏi và sở thích quá đáng của khách hàng tiêu thụ xác định tiêu chuẩn tươi đẹp và hấp dẫn của rau trái mà họ muốn mua.
Chặng cuối cùng của tệ nạn phung phí thực phẩm là trong gia đình. Thực phẩm mua về nằm trong tủ lạnh cho tới khi bị vửt vào thùng rác. Thống kê do phân khoa nông nghiệp của đại học Bologna đưa ra cho biết mỗi gia đình tại Italia hàng tháng vứt đi 480 Euros tiền thực phẩm đã mua về và trong dịp lề Giáng Sinh hay đầu năm mới số tiến lên tới 515 Euros. 39% thực phẩm bị vứt bỏ vào thùng rác trong số các loại thực phẩm tươi được mua về như sữa tươi, trứng và thịt, tương đương với 9% tiền mua thực phẩm trong vòng 12 tháng. Thêm vào đó phải thêm 19% bánh, 4% bột và 17% rau trái bị vất đi nữa. Các lý do chính của việc phung phí thực phẩm trong gia đình có 36% là đã mua quá mức cần thiết cho cuộc sống; 25% là vì các sản phẩm đã hết hạn hay bị cho là hết hạn cần phải vứt đi; 24% là vì mua nhiều thực phẩm qúa trong các dịp đặc biệt hạ giá; 8% vì các sản phẩm mới không được ưa thích; và 7% vì các sản phẩm đã mua, nhưng sau đó tỏ ra ra là vô ích.
Tuy nhiên, cũng có một số tổ chức đưa ra các chương trình thu hồi thực phẩm phí phạm. Trong năm 2009 vừa qua tổ chức ”Ngân hàng thực phẩm” hàng năm thu hồi gần 80.000 tấn thực phẩm và phân phát miễn phí cho các hiệp hội và tổ chức bác ái, để nuôi sống 400.000 người. Tổ chức Ngân hàng thực phẩm có 21 trung tâm phân phát trong 21 vùng toàn nước Italia giúp tái sử dụng số lượng thực phẩm còn tốt nói trên. Trên tổng số gần 80.000 tấn thực phẩm nói trên có hơn 9 tấn thu được trong ”Ngày quyên thực phẩm” phát động trên toàn nước hằng năm, để trợ giúp các gia đình nghèo. Trong ngày này tại mọi siêu thị toàn nước Italia đều có các nhân viên nhận thực phẩm dân chúng mua tặng các gia đình nghèo. Từ năm 2004 tổ chức ”Ngân hàng thực phẩm” cũng phát động chương trình ”Địa chỉ thực phẩm” gọi là ”Siticibo”, thu góp thực phẩm đã nấu sẵn. Năm ngoái chiến dịch Siticibo đã thu góp đựơc 82.000 tấn thực phẩm đã nấu sẵn, 83.000 tấn trái cây và 242.000 đĩa thực phẩm đã nấu sẵn.
Từ sáng kiến của ”Ngân Hàng Thực Phẩm” cũng nảy sinh chiến dịch gọi là ”Chợ phút cuối cùng” do ông Andrea Segré, phân khoa trưởng phân khoa Canh Nông đại học Bologna phát động. Từ năm 2003 chiến dịch ”Chợ phút cuối cùng” đã thu thập các sản phẩm không bán được hay không thể kinh doanh như thuốc men và sách vở tài liệu, cho các tổ chức bác ái quốc gia và quốc tế. Trong năm 2009 với hơn 40 chương trình tại các thị xã, tỉnh lỵ và vùng miền toàn nước Italia, chiến dịch ”Chợ phút cuối cùng” đã thu được 890.000 tấn thực phẩm và từ năm 2004 hơn 80.000 tấn thuốc và sách được gửi tới cho các hiệp hội bác ái quốc gia và quốc tế.
(Avvenire 20-10-2010)
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm