Nay người - Mai ta
WGPSG -- Chiều nay, chầm chậm lần bước vào con đường mòn quen thuộc thường ghé. Lòng nặng trĩu nhớ người ra đi nơi phần mộ nằm khuất sau 3 dãy: Mẹ tôi.
Ngày Mẹ mất, Mẹ được nằm ở mặt tiền của khu mộ, đi vào thăm Mẹ không vướng víu gì cả. Vài năm sau đó, hàng mặt tiền che khuất bởi một hàng mộ mới. Và, vài năm sau nữa, muốn đi vào thăm Mẹ phải đi ngang, đi dọc qua mấy người nữa mới đến Mẹ.
Thắp hương, nguyện cầu cho Mẹ cũng như cho những người nằm chung quanh Mẹ. Làn hương tỏa lên, cảm xúc lại dâng trào nhớ Mẹ, nhớ những người thân quen đã hơn một lần mình gặp gỡ nay đã ra đi mãi mãi.
Nguyện kinh, nguyện xin mà hình dung ra thân xác của Mẹ ngày xưa. Một thân xác tuyệt vời mà Thiên Chúa tạo dựng, và rồi qua Mẹ, những đứa con được sinh thành. Thân hình đó, thân xác của Mẹ đó nay đã nằm sâu trong lòng đất và giờ đây sau hai mươi năm trời trở thành cát bụi thật sự.
Tạm biệt nghĩa trang chìm nơi Mẹ an nghỉ, tôi trở về với nghĩa trang nổi nằm trong khuôn viên của Tu viện. Trong nghĩa trang nổi ấy, nơi tạm giữ tàn tro của biết bao nhiêu người thân quen, cách riêng quý cha quý thầy trong Dòng và riêng hơn nữa là những cha những thầy đã có một thời nên duyên nên nợ.
Nén hương trầm tỏa lan và những khuôn mặt thân quen lại dần hiện về:
Cha già Giuse nhiều năm trời ở chốn lao tù, cách riêng ngài có tài hài hước qua những câu chuyện tục mà thanh để vơi bớt nỗi buồn. Cha cũng đã ra đi khi hơi tàn sức kiệt...
Thầy già Phêrô, một tu sĩ đi tu từ bé nên vẫn nhiệm nhặt giữ những quy luật của nhà Dòng. Nếu ai không hiểu thầy thì sẽ khó chịu nhưng biết rồi thì cũng dễ đón nhận. Hình ảnh thầy già tưới cây, đạp chiếc xe đạp chạy quanh quanh nhà Dòng nay cũng chẳng còn nữa vì theo quy luật của thời gian.
Cha GB đầy nhiệt huyết nhưng rồi lại ra đi trong căn bệnh ung thư quái ác. Những ngày cuối đời, vòm họng đã làm cho Cha đau đến tột cùng, và Cha cũng đã ra đi.
Cha FX gần như cả đời mục vụ gắn kết đời mình với vùng truyền giáo nghèo biển mặn. Lửa truyền giáo vẫn bừng cháy nơi Cha nhưng vì sứ vụ, Cha đi phục vụ trong công việc khác. Vẫn ước ao trở về quê Mẹ để phục vụ người nghèo nơi vùng truyền giáo nhưng ước mơ đó chưa trọn. Nay Cha trở về quê Trời thật sự, nơi mà lòng Cha hằng mong ước.
Cha Giêrađô, một con người cương trực thẳng tính. Cũng một thời phục vụ Tin Mừng và những năm cuối đời trở về ở trong ngôi nhà Mẹ của nhà Dòng thật êm đềm. Hành trình về nhà Mẹ của Cha êm đềm như thế nào thì hành trình về nhà Cha của Cha Giêrađô cũng êm đềm như vậy. Chuẩn bị đi dâng Lễ ở xóm giáo thì Cha lại trở về nhà Cha.
Thầy Emmanuel, vì hoàn cảnh sức khỏe, thầy phải chịu đựng một thời gian dài. Thầy đã trở về nhà Cha để được bình an và thanh thản.
Cha già Stêphanô, cả một đời dấn thân cho người nghèo, đặc biệt trong truyền thông. Hình ảnh những ngày cuối đời của cha già vẫn còn in dấu trong tôi. Trong những cơn quặn đau của thể xác một cách tuyệt vời để cùng chịu đau khổ với Đức Kitô...
Nhiều và nhiều hình ảnh thân thương của quý cha quý thầy vẫn còn như đang sống với anh em, bởi lẽ cũng đã từng chung chia với nhau sứ vụ, chung chia với nhau bữa cơm, và chung chia với nhau cả giận hờn của tính người. Thế nhưng, hôm nay, những người đó chỉ còn là nắm tro nằm trong cái hũ chờ ngày phục sinh. Những người ấy, giờ đây ta muốn trò chuyện, hàn huyên tâm sự cũng chẳng còn cơ hội. Và, hơn thế nữa, có muốn giận, có muốn hờn, có muốn ghen với họ và ngược lại, cũng chẳng được, bởi lẽ hai thế giới cách biệt. Khi nằm xuống, xuôi đôi tay, ngừng hơi thở coi như mọi chuyện chấm dứt.
Trở về với góc phòng của Tu viện, nhớ lại hình ảnh của Mẹ, của ông bà, của quý cha quý thầy thân quen... Những người đó thật gần nhưng giờ cũng đã xa. Dù có muốn làm gì đó cho những người thân đó cũng chẳng được dẫu là một bữa ăn ngon, một cái bánh cũng chẳng được. Và, dù có muốn giận, muốn hờn, muốn trách họ cũng không xong, bởi lẽ họ không còn nói được với ta. Chỉ trong niềm tin, trong sâu lắng, trong lặng thầm, trong cõi thiêng, ta nguyện cầu cho họ và họ nguyện cầu cho ta.
Ông bà, cha mẹ, những người thân thương, nay đã ra đi. Còn ta? Chẳng lẽ ta ở mãi trong cái cõi tạm này? Mấy mươi năm? Giỏi chăng cũng được một trăm. Sợ chưa đến tuổi gọi là thọ chứ làm gì có đến tuổi một trăm như thế. Cũng trong quy luật của cuộc sống, nay người thì mai lại đến phận ta. Dù có thuốc tiên đi chăng nữa cũng chẳng ai có thể trường tồn. Và, cũng chẳng ai lột da để sống mãi trên trần thế này. Mỗi ngày qua đi là mỗi ngày đời sống ở dương gian của ta dần khép lại.
Nhớ đến những người thân đó cũng là nhắc đến phận người của chúng ta. Nhắc như thế để liệu làm sao sống cho nhẹ nhàng và thanh thản. Và, hơn thế nữa, hãy cố sống làm sao để khi ta nhắm mắt thì mọi người khóc còn ta, ta mỉm cười thanh thản ra đi.
Nay người, mai ta! Nhớ như thế để ngày mỗi ngày ta dần buông những gì là vướng bận của cuộc đời để thanh thản trở về Quê Trời, nơi mà cả đời ta hằng thao thức và mong đợi.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm