Ném đá (và bài thơ "Hòn đá")
WGPSG -- “Ném đá” - một thuật ngữ đã trở nên quen thuộc của thế giới mạng xã hội tại Việt Nam. Có nhiều lý do để người ta “ném đá” nhau:
Người thì vô ý làm một điều gì đó không hay không đẹp, thế là bị “ném đá”;
Người thì vô tình phát biểu đề cao bản thân một chút, cũng bị “ném đá” hội đồng;
Người khác lại cố ý “chơi trội” bằng những xì căng đan để “được ném đá” và như thế tiếng tăm của họ được lan truyền nhanh đến chóng mặt trên các phương tiện truyền thông: “Không có tài năng nổi trội nhưng lại chẳng chấp nhận thân phận người thường, một bộ phận bạn trẻ hiện đang tìm đến những hành vi lập dị, thậm chí trái với thuần phong mỹ tục để ít nhiều thu hút sự chú ý của dư luận dù thừa biết bản thân sẽ bị “ném đá”! (xem thêm bài viết Những bạn trẻ thích được “ném đá” trên báo Người Lao Động, ngày 21.3.2013).
Những viên đá người ta dùng để ném nhau trên thế giới mạng không phải là những viên đá vật chất cụ thể có thể cầm nắm và quăng ném vào nhau, chúng chỉ là những viên đá “ảo” nhưng hậu quả mà chúng gây ra cho nạn nhân thì lại “thật” và đau đến không ngờ: “ném đá” của mọi người không chỉ dừng lại ở cộng đồng mạng mà cũng có thể tác động không nhỏ đến cuộc sống, công việc, các mối quan hệ... ngoài đời thực. (xem thêm bài viết Những bạn trẻ thích được “ném đá” trên báo Người Lao Động).
Phải chăng ĐÁ (dù ảo hay thật) chỉ được dùng cho việc ném vào nhau, quăng qua ném lại giữa người với người?
Nào phải vậy đâu!
Ai mà không một lần kinh ngạc và trầm trồ trước vẻ đẹp hùng vĩ của những ngọn núi cao lớn? Núi có to lớn, có hùng vĩ cũng nhờ tập hợp nhiều phiến đá, tảng đá lớn nhỏ cộng sinh làm nên!
Dưới bàn tay của các nghệ nhân, đá được sắp xếp theo đồ hình trở thành những hòn non bộ nhỏ nhắn, xinh xắn mà vẫn diễn tả vẻ đẹp hùng vĩ của những ngọn núi.
Với khối óc thông minh trổi vượt muôn loài, nhân loại đã biết gắn kết những khối đá khổng lồ theo mô hình để trở nên những kỳ quan kiến trúc bền vững hàng trăm hàng ngàn năm: Kim tự tháp của đất nước Ai Cập; quần thể đá chồng Stonehenge ở Anh có từ thời tiền sử; nhà thờ đá Phát Diệm ở Việt Nam; và cả những nhà ngục kiên cố làm từ những khối đá vững chắc, không thể bị phá hủy, đến nỗi ngục thất kiên cố đó có thể làm nản lòng của bất cứ tù nhân nào muốn vượt ngục...
Đá gắn kết thành bức tường thành kiên cố bảo vệ người dân (Vạn lý trường thành), nhưng cũng chính đá có thể được sử dụng như quả đạn bắn từ những cỗ máy để phá hủy bao thành trì kia!
Đá được gắn kết tinh xảo xây nên nhiều tổ ấm cho bao gia đình, nhưng cũng có khi đá được kết lại tạo thành ngục tù giam hãm con người!
Hình thể đá có thể xù xì, thô ráp, kém giá trị, lặng câm dưới những bàn chân gân guốc của nam nhân, nhưng cũng có đá nhỏ bé, lấp lánh, vô giá, kiêu hãnh nằm trên những ngón tay thon dài hay đôi tai của kiều nữ!
ĐÁ tôn tạo vẻ đẹp của thiên nhiên, của con người. ĐÁ kết tạo xây dựng đền đài nguy nga, đường phố thênh thang. ĐÁ gây đổ vỡ, ngăn cách, đớn đau giữa người với người.
Đá cũng là công cụ để người ta xử tử nhau, như câu chuyện sau đây:
Người ta lôi một người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình đến trước mặt Thầy Giêsu. Họ muốn hỏi ý kiến Thầy: nên kết án tử (chiếu theo đúng luật Môse) hay là tha bổng (dựa vào lòng từ bi nhân hậu mà Thầy nêu gương)?
Hỏi ý Thầy, mà tay họ lăm lăm những hòn đá to lớn, xù xì, lạnh lẽo nhằm ném và giết chết người phụ nữ đáng thương kia. Đá trên tay họ khiến tội nhân ghê sợ, run rẩy và tuyệt vọng: cái chết đã được định sẵn, nhưng vẫn không nham hiểm và độc ác bằng những hòn đá trong tâm họ: những hòn đá vô hình cũng đang chuẩn bị lao vút vào Thầy Giêsu để kết liễu “sự quấy nhiễu” của Thầy – sự quấy nhiễu do gương sống Yêu Thương và lời dạy Sự Thật của Thầy (một Tình Yêu và Sự Thật làm đảo lộn cuộc sống của họ, buộc họ từ bóng tối của gian dối và tội lỗi bước vào vùng ánh sáng của chân thật và sự sống).
Hai loại đá -xù xì trên tay và sắc nhọn trong tâm của họ- đang dần trở thành công cụ phục vụ cho tội ác: nhấn chìm, chôn vùi một Tình Yêu cứu độ, tha thứ!
Trong một lần khác, Thầy Giêsu đã cất tiếng chất vấn những người muốn hãm hại mình (những người đã chứng kiến nhiều phép lạ Thầy làm và tung hô Thầy như là con Vua Đavít): "Ta đã cho các ngươi thấy nhiều việc tốt lành bởi Cha Ta. Vậy vì việc nào mà các ngươi muốn ném đá Ta?" (Ga 10, 31-42)
Thầy Giêsu buồn vì họ khư khư giữ lấy cái nhìn thành kiến và định kiến mà chối từ những điều tốt lành Thầy làm vì họ, vì nhân loại. Trong trường hợp này, đá cũng miễn cưỡng trở thành đồng lõa với cái tâm ác của họ!
Đá không chỉ là biểu tượng của lòng độc ác và đố kỵ như trong hai câu chuyện trên, mà Đá còn là biểu tượng bền vững thiên thu của một Tình Yêu Bất tử: Thầy Giêsu là đá tảng góc tường dựng xây Giáo hội-Hiền thê yêu dấu của Thầy; Đá Phêrô mong manh-dễ vỡ nhưng lại được chọn làm nền cho tòa nhà Hội Thánh, công trình tuyệt diệu mà Thầy đã khẳng định “lửa hỏa ngục sẽ không thắng được”!
ĐÁ có tội hay có công?
Đá vốn không tội tình gì, chỉ vì lòng người đầy bóng tối mà buộc đá kia trở nên đồng phạm với tội ác.
Quả thế, với thiện tâm dựng xây thì đá góp sức làm nên những công trình kiến trúc, nghệ thuật đa dạng giúp nâng cao tâm hồn, thư giãn tinh thần; trái lại lòng ganh ghét, ác tâm sẽ dùng đá để bắn phá, gây hấn, chôn vùi những ai bất đồng, bất bình hay bất hòa với ta…
Lạy Chúa,
xin cho chúng con biết nhận ra bao việc tốt ý lành anh chị em đã thực hiện,
đừng vì thành kiến hay lợi danh mà nhắm mắt ném đá nhau,
đừng để vụ án năm xưa cứ tái hiện trong lòng đời và nơi hồn con,
đừng để cho oán hận đau thương cứ tự tung tự tác (hoành hành) giữa trời và đất,
nhưng hãy làm cho lòng khoan dung, độ lượng, vị tha
được tỏa lan khắp cõi nhân sinh.
Tuần Thánh 2013
---------------------------
Sau khi bài viết trên được đăng lúc 10g ngày 26.3.2013, Ban Biên tập đã nhận được một bài thơ của Linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Xuân Quang (Chánh xứ Bình An Thượng, Hạt Bình An) mang tựa đề Hòn Đá. Chúng tôi xin giới thiệu đến quý độc giả bài thơ này để cùng thưởng thức "đá cứng đã hóa thơ mềm":
HÒN ĐÁ
Những hòn đá vô tri vô giác
Sẽ trở thành kiệt tác kỳ công:
Kim tự tháp, quần thể đá chồng,
Nhà thờ đá, gánh gồng mưa nắng.
Nhưng hòn đá không còn xinh xắn
Mà trở thành cay đắng đớn đau !
Dựng ngục tù, ném đá vào nhau
Biến đá kia nhuốm màu gian xảo.
Dù “đá thật” hay là “đá ảo”
Ném tha nhân, bất hảo chung quy.
Hãy biến thành viên đá phẳng lì
Xây yêu thương, nhu mì tươi đẹp.
(Bình An Thượng, 22g30 ngày 26.3.2013)
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm