Ngày 02/02: Ðức Mẹ Dâng Chúa Giêsu Trong Ðền Thánh

Ngày 02/02: Ðức Mẹ Dâng Chúa Giêsu Trong Ðền Thánh

Ngày 02/02: Ðức Mẹ Dâng Chúa Giêsu Trong Ðền Thánh

BÀI ĐỌC I: Ml 3, 1-4

“Đấng Thống Trị mà các ngươi tìm kiếm, đến trong đền thánh Người”.

Trích sách Tiên tri Malakhi.

Này đây Chúa là Thiên Chúa phán: “Đây Ta sai thiên thần Ta đi dọn đường trước mặt Ta!” Lập tức Đấng Thống Trị mà các ngươi tìm kiếm, và thiên thần giao ước mà các ngươi mong ước, đến trong đền thánh Người. Chúa các đạo binh phán: “Này đây Người đến”. Ai có thể suy tưởng đến ngày Người đến, và có thể đứng vững để trông nhìn Người ? Vì Người sẽ như lửa thiêu đốt, như thuốc giặt của thợ giặt. Người sẽ ngồi như thợ đúc và thợ lọc bạc, Người sẽ thanh tẩy con cái Lêvi, và làm cho chúng nên sạch như vàng bạc. Chúng sẽ hiến dâng lễ tế cho Chúa trong công bình. Lễ tế của Giuđa và Giêrusalem sẽ đẹp lòng Chúa, như ngày xưa và như những năm trước. Đó là lời Chúa toàn năng phán.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 23, 7. 8. 9. 10

Đáp: Vua hiển vinh là ai vậy ? (c. 8a)

Xướng:

1) Các cửa ơi, hãy ngẩng đầu lên; vươn mình lên, hỡi cửa ngàn thu! để Vua hiển vinh Người ngự qua. - Đáp.

2) Nhưng Vua hiển vinh là ai vậy ? Đó là Chúa dũng lực hùng anh, đó là Chúa anh hùng của chiến chinh. - Đáp.

3) Các cửa ơi, hãy ngẩng đầu lên, vươn mình lên, hỡi cửa ngàn thu, để vua hiển vinh Người ngự qua. - Đáp.

4) Nhưng Vua hiển vinh là ai vậy ? Đó là Chúa đạo thiên binh, chính Người là Hoàng Đế hiển vinh. - Đáp.

BÀI ĐỌC II: Dt 2, 14-18

“Người phải nên giống anh em Mình mọi đàng”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Vì các con trẻ cùng chung thân phận máu thịt, chính Chúa Giêsu cũng giống như chúng, cũng thông phần điều đó, để nhờ cái chết của Người mà Người huỷ diệt kẻ thống trị sự chết là ma quỷ, và để giải thoát tất cả những kẻ sợ chết mà làm nô lệ suốt đời. Vì chưng Người không đến cứu giúp các thiên thần, nhưng đến cứu giúp con cái Abraham. Bởi thế, Người nên giống anh em Mình mọi đàng, ngõ hầu trong khi phụng sự Chúa, Người trở thành đại giáo trưởng nhân lành và trung tín với Chúa, để đền tội cho dân. Quả thật, bởi chính Người đã chịu khổ hình và chịu thử thách, nên Người có thể cứu giúp những ai sống trong thử thách.

Đó là lời Chúa.

Việc dâng Chúa Giêsu vào đền thánh, vừa loan báo vừa là khởi đầu cho lễ hy sinh mà Chúa Giêsu sẽ hoàn tất trên núi Canvê để cứu chuộc nhân loại. Trong ngày lễ này chúng ta cầu xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết vâng lời và trung thành với lệnh truyền mà Chúa truyền ban cho mỗi người trong công việc, bậc sống của mình.

Tin Mừng (Lc 2,22.39-40)

Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môisê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa. Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và Con Trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người.

Câu chuyện

Lễ  Mẹ dâng Chúa Giêsu trong đền thánh cử hành đúng 40 ngày sau lễ Giáng sinh đã xuất hiện từ đầu thế kỷ thứ V tại Giêrusalem và được “mừng một cách trọng thể như lễ Phục Sinh vậy” (tường trình của thánh nữ hành hương Aetheria). Mãi đến năm 650, thánh lễ này mới du nhập vào Rôma. Đức Thánh Cha Sergiô I (678 - 701) lại thêm vào nghi thức rước nến, vì thế, từ thế kỷ thứ VIII, thánh lễ này được gọi là lễ Nến.

Trong ngày lễ Đức Mẹ dâng Chúa trong đền thánh, truyền thống Giáo hội ban phép lành đặc biệt cho các con trẻ được cha mẹ đưa đến nhà thờ để dâng cho Thiên Chúa.

Bắt đầu từ năm 1996 Ðức Giáo hoàng Gioan Phaolô II chọn ngày 2/2 Lễ Ðức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong đền thánh là ngày cầu nguyện cho đời sống tận hiến. Lễ Dâng Chúa trong đền thánh mang ý nghĩa của ơn trao tặng, của sự hiến dâng bản thân cho Thiên Chúa. Ðức Maria đã đem Con mình - Hài nhi Giêsu hiến dâng cho Thiên Chúa. Ðời sống tận hiến cũng vậy có một ý nghĩa dâng hiến đích thực, nếu được biểu lộ như đời sống hoàn toàn hiến dâng cho Thiên Chúa và cho anh chị em, như Chúa Giêsu.

 

Suy niệm

Mẹ Maria và thánh Giuse đưa con trẻ Giêsu lên đền thờ Giêrusalem để dâng cho Thiên Chúa theo luật buộc: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa” (Lc 2,23). Cha mẹ con trẻ phải chuộc lại đứa bé tùy theo khả năng của gia đình mình hoặc một con chiên tinh tuyền hay cặp chim gáy hay một cặp bồ câu non (Lc 2,24), của lễ được dùng dâng hiến cho Thiên Chúa thay thế các em.

Mẹ Maria biết rằng Hài nhi Giêsu là quà tặng Chúa ban cho mình. Dâng Con, nghĩa là nhìn nhận Con mình mãi mãi thuộc trọn về Chúa, ở với Chúa và làm việc cho Chúa suốt đời… Vì thế, trọn đời Chúa Giêsu mang tâm tình: “Này con xin đến để thực thi ý Chúa” (Tv 40,8a.9a), nên tha thiết cầu nguyện: “Xin đừng làm theo ý con, xin theo ý Cha” (Lc 22,42).

Ý thức này được rõ ràng hơn khi lời ngôn sứ của cụ già Simêon được Thánh Thần linh báo: “Con trẻ này sẽ nên cớ cho nhiều người vấp ngã và nhiều trỗi dậy, làm dấu cho người ta chống hầu ý nghĩ của nhiều tâm hồn phát lộ ra”. Và loan báo người Mẹ trong tương quan với Hài nhi: “Tâm hồn Bà, mũi gươm sẽ đâm thâu”. Lời tiên báo ứng nghiệm: Mẹ đau khổ tột bực khi nhìn Con của Mẹ vác thập giá tiến lên núi Sọ trong cuộc hành trình cứu độ nhân loại. Nhất là khi Mẹ đứng dưới chân thập giá, nhìn Giêsu Con của Mẹ chết tả tơi, trần trụi trong tư cách tên tử tội (x. Ga 19,25-28). Cho nên, dâng Chúa vào đền thờ đó là khởi đầu cho lễ hy sinh mà Chúa Giêsu sẽ hoàn tất trên núi Canvê với hiến lễ hy sinh thập tự để cứu chuộc nhân loại.

Lễ dâng trọn hảo là chính Chúa Giêsu, được Đức Maria và thánh Giuse tiến dâng trong đền thờ, được trọn vẹn trong hiến lễ Chúa Kitô trên thập tự, được Mẹ hiến dâng. Chúng ta, đặc biệt là các tâm hồn thánh hiến xin hiến dâng tuổi xuân và cả cuộc sống làm lễ dâng lên Thiên Chúa: Đi trong thánh ý Ngài, và cuộc sống chúng ta trở nên lễ dâng tình yêu trong tình yêu Thiên Chúa.

 

Ý lực sống

“Mọi sự, Chúa đã ban cho con, lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa. Tất cả là của Chúa, xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa. Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng. Được như thế, con hoàn toàn mãn nguyện, Amen” (Kinh dâng hiến của thánh Ignaxiô).

Top