Ngày 22 tháng 02: Lập Tông Tòa Thánh Phêrô
BÀI ĐỌC I: 1 Pr 5, 1-4
“Là kỳ lão và nhân chứng cuộc khổ hình của Chúa Kitô”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.
Anh em thân mến, tôi xin gởi lời khuyên bảo đến bậc Kỳ Lão trong anh em. Tôi là một Kỳ Lão như các ngài, là một nhân chứng cuộc khổ hình của Chúa Kitô, một kẻ sẽ được thông phần vinh quang sắp được tỏ bày. Hãy chăn dắt đoàn chiên Chúa nơi anh em, hãy trông nom nó, không phải bằng cách miễn cưỡng, mà là sẵn sàng theo thánh ý Chúa; không phải để trục lợi, mà là do tình nguyện; không phải như người chuyên chế lộng hành, nhưng phải nên gương sáng cho đoàn chiên. Và khi thủ lãnh các đấng chăn chiên xuất hiện, anh em sẽ nhận lãnh triều thiên vinh quang bất diệt.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 22, 1-3. 4. 5. 6
Đáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 1).
Xướng:
1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. - Đáp.
2) Dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con. - Đáp.
3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương: đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa. - Đáp.
4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. - Đáp.
Tin Mừng (Mt 16,13-23)
Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Cêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai ?”. Các ông thưa: “Người thì bảo là Gioan Tẩy giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó”. Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai ?”. Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.
Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon con ông Giôna, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước Trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”. Bấy giờ Người truyền cho các môn đệ đừng nói với ai rằng Người là Ðức Kitô…
Câu chuyện
Mộ phần của vị tông đồ trưởng Phêrô ở ngay dưới bàn thờ chính của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Truyền tụng từ xưa vẫn tin như thế, và mới đây đã được xác định nhờ các cuộc điều tra khảo cổ. Ngôi mộ này như một biểu tượng bền vững cho chân lý: Simon Phêrô theo sự ưu tuyển của Thiên Chúa, đã là nền móng của Giáo hội. Tiếng nói của Đấng Cứu Thế vẫn được lắng nghe suốt các thế kỷ, qua lời giáo huấn của các Đức Giáo hoàng.
Ngai tòa thánh Phêrô mang một ý nghĩa quan trọng tuyệt đối: Đức Giáo hoàng là vị kế nhiệm thánh Phêrô, đại diện Chúa Kitô ở trần gian hướng dẫn toàn thể Giáo hội toàn cầu. Lễ lập tông tòa thánh Phêrô là một lời tuyên xưng long trọng về quyền tối thượng của Đức Giáo hoàng trong toàn thể Giáo hội. Trước kia, Giáo hội cử hành hai thánh lễ riêng biệt một để kính tòa thánh Phêrô ở Antiokia (trước khi Ngài đến Rôma) và một để kính tòa thánh Phêrô ở Rôma. Hai thánh lễ này đều mang cùng một ý nghĩa, nên ngày nay Giáo hội chỉ cử hành một thánh lễ: “Lập Tông Tòa Thánh Phêrô”.
Có ba bản văn Kinh Thánh là nền tảng về ngai tòa của Thánh Phêrô: “Con là Phêrô, nghĩa là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Giáo hội… Ta sẽ trao cho con chìa khóa nước Trời…” (Mt 16,13-19). “Con hãy làm cho các anh em của con nên vững mạnh” (Lc 22,31-32). “Hãy chăn dắt chiên của Thầy” (Ga 21,15-19).
Suy niệm
Sau lời tuyên xưng đức tin của Phêrô: Thầy là Đấng Kitô - Mêssia, là “Con Thiên Chúa”, Đấng Mêssia (tiếng Hy Lạp Christos - Kitô) nghĩa là Đấng được xức dầu mà các ngôn sứ đã tiên báo; Phêrô lại gọi Chúa Giêsu là “Con của Thiên Chúa”, ông khẳng định nguồn gốc thần linh của Ngài… Đức Giêsu đã mời gọi Phêrô đứng lên để cùng cộng tác trong công trình xây dựng Giáo hội của Ngài: “Phêrô! con là Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16,18). Trong ngôn ngữ của Thánh Kinh Cựu ước chỉ có Chúa là Đá Tảng: “Chúa là tảng đá của tôi, là thành trì của tôi” (Tv 72,3), và sau này trong Tân ước, Đức Giêsu là Thiên Chúa Phục Sinh cũng là nền tảng. (x. 1Pr 2,4-5), nhưng Phêrô cũng được Chúa Giêsu đặt làm đá tảng, là nền cho Giáo hội. Ngài cho Phêrô được chia sẻ trách nhiệm với Ngài. Simon như tên căn cước được đặt bởi cha mẹ, nhưng Chúa Giêsu gọi ông là Đá - Phêrô, sau này biệt danh Phêrô luôn gắn liền với ông và theo Kinh Thánh Tân ước, ông đã được cộng đoàn tiên khởi biết đến dưới cái tên Kêphas - Phêrô - nghĩa là đá tảng (x. 1Cr 1,12; 15,5; Gl 1,18; 2,9; 2,11.14). Trong Kinh Thánh về việc đổi tên và với tên mới, ý nghĩa thật quá rõ ràng: Simon sẽ là tảng đá móng, tảng đá vững bền trên đó Chúa Giêsu sẽ xây Hội Thánh của Ngài.
Chúa Giêsu trao cho Phêrô chìa khóa, sách Khải huyền nhấn mạnh chỉ mình Đức Giêsu nắm giữ chìa khóa (x. Kh 3,7), chìa khóa là hình ảnh rất cổ xưa, dấu chỉ sự chính thống về cai quản (x. Is 22,22). Cho nên, người nào giữ chìa khóa của một ngôi nhà, người ấy có toàn quyền trên ngôi nhà đó. Chìa khóa tượng trưng cho quyền hành và trách nhiệm cai quản. Trao chìa khóa theo ngôn ngữ Kinh Thánh tượng trưng cho sự ủy thác trách nhiệm…
Phêrô được trao chìa khóa nước Trời, nghĩa là được tham dự vào quyền bính trách nhiệm của Chúa Giêsu, chính vì thế, Phêrô đại diện Chúa Kitô có quyền giáo huấn, quyền thánh hoá và quản trị Giáo hội, nhằm mục đích là phục vụ dân Chúa. Các Đức Giáo hoàng sau này kế vị thánh Phêrô và là đại diện Chúa Kitô ở trần gian mang trọng trách cùng quyền bính của Phêrô. Thánh Augustinô đã chú giải đoạn Phúc Âm Matthêu (16,13-23) như sau: “Chúc tụng Chúa, Đấng đã đoái thương đặt thánh Phêrô Tông Đồ trên toàn thể Giáo hội. Nền tảng này được tôn kính thật xứng hợp bởi vì đó là phương thế để chúng ta có thể được lên thiên đàng”.
Cho nên, ngai tòa thánh Phêrô mang một ý nghĩa quan trọng tuyệt đối, Đức Giáo hoàng là vị kế nhiệm thánh Phêrô hướng dẫn toàn thể Giáo hội toàn cầu. Vì thế, ngày lễ hôm nay là một lời tuyên xưng long trọng về quyền tối thượng của Đức Giáo hoàng trong toàn thể Giáo hội. Chúng ta thần phục và lắng nghe giáo huấn của Ngài, cũng như cầu nguyện cho Ngài trong sứ vụ lèo lái con tàu của Giáo hội …
Ý lực sống
“Thánh Phêrô giữ quyền tối thượng để chứng tỏ Giáo hội của Chúa Kitô là duy nhất, và Tòa của ngài là duy nhất. Thiên Chúa là duy nhất. Đức Kitô là duy nhất. Giáo hội là duy nhất. Tòa được Chúa Kitô thiết lập cũng duy nhất” (Thánh Cyprianô vào thế kỷ III).
bài liên quan mới nhất
- Thứ Bảy tuần 18 Thường niên năm II (Mt 17,14-21)
-
Thứ Tư tuần 18 Thường niên năm II (Mt 15,21-28) -
Chúa nhật 5 mùa Chay năm C (Ga 8,1-11) -
Chúa nhật 4 mùa Chay năm C - Trở về (Lc 15,1-3.11-32) -
Chúa nhật 3 mùa Chay năm C - Hãy sám hối (Lc 13,1-9) -
Chúa nhật 2 mùa Chay năm C - Biến đổi (Lc 9,28b-36) -
Chúa nhật 1 mùa Chay năm C (Lc 4,1-13) -
Chúa nhật 8 Thường niên năm C (Lc 6,43-49) -
Chúa nhật 7 Thường niên năm C -
Chúa nhật 6 Thường niên năm C (Lc 6,17.20-26)
bài liên quan đọc nhiều
- Thứ Sáu tuần thánh - Thương khó (Ga 18,1-19,42)
-
Thứ Bảy tuần thánh - Ngôi mộ trống (Mc 16,1-8) -
Thứ Năm tuần thánh (Ga 13,1-15) -
Thứ Tư Lễ Tro - Giữ chay và kiêng thịt (Mt 6,1-6.16-18) -
Chúa nhật 5 Thường niên năm A -
Ngày 25 tháng 12: Chúa Giáng sinh (Lễ Đêm, Rạng Đông, Ban Ngày) -
Chúa nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa năm A -
Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa - Năm A -
Bài giảng lễ Mồng Hai Tết -
Ngày 22/07: thánh nữ Maria Mađalêna, lễ kính (Ga 20,1-2.11-18)