Ngày 25/01: Thánh Phaolô tông đồ trở lại (Mc 16,15-18)

Ngày 25/01: Thánh Phaolô tông đồ trở lại (Mc 16,15-18)

Ngày 25/01: Thánh Phaolô tông đồ trở lại (Mc 16,15-18)

Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ,
loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15)

BÀI ĐỌC I: Cv 22, 3-16

“Kêu danh thánh Chúa, tôi chỗi dậy”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Ngày ấy, Phaolô nói với dân chúng: “Tôi là người Do-thái, sinh tại Tarsê xứ Cilicia, đã được nuôi nấng trong thành này, đã được đào tạo theo chân lý lề luật cha ông dưới chân ông Gamaliêl. Tôi nhiệt thành với lề luật cũng như hết thảy quý vị hôm nay. Tôi đã bắt bớ giết chóc đạo này, xiềng xích và bỏ tù cả đàn ông lẫn đàn bà. Như thầy thượng tế và toàn thể hội đồng kỳ lão đã làm chứng điều đó. Các ngài đã trao cho tôi chứng minh thư để tôi đến kiếm anh em ở Đamas, bắt trói họ và điệu về Giêrusalem để trừng phạt.

Xảy đến lúc đó khoảng trưa, tôi đang trên đường gần đến Đa-mas, thình lình một luồng ánh sáng chan hoà từ trời chói rạng quanh tôi. Tôi ngã xuống đất và nghe tiếng phán bảo tôi: “Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ Ta ?” Tôi đáp: “Thưa Ngài, Ngài là ai ?” Người trả lời: “Ta là Giêsu Nadarét mà ngươi đang bắt bớ”. Và những người cùng ở đó với tôi lúc ấy, cũng thấy ánh sáng, nhưng không nghe tiếng Đấng nói với tôi. Tôi hỏi: “Lạy Chúa, con phải làm gì ?” Chúa liền nói với tôi: “Hãy chỗi dậy, vào thành Đamas, ở đó sẽ nói cho ngươi tất cả những gì ngươi phải làm”. Nhưng vì ánh sáng chói loà kia, tôi không còn thấy được, nên các bạn tôi cầm tay dẫn tôi vào thành Đamas. Có một người kia tên là Anania, người đạo đức, sống theo Lề luật, và được mọi người Do-thái ở đó kính phục, đến tìm tôi và đứng gần tôi mà nói: “Hỡi anh Saolô, anh hãy nhìn!” Ngay lúc đó tôi nhìn thấy ông.

Và ông nói: “Thiên Chúa cha ông chúng ta đã tiền định cho anh biết thánh ý Người, thấy Đấng Công Chính và nghe tiếng Người nói. Vậy anh phải làm chứng cho Người trước mặt mọi người về điều anh đã thấy và đã nghe. Và bây giờ, anh còn chần chừ gì nữa ? Hãy chỗi dậy và cầu khẩn danh Người mà chịu thanh tẩy và gột rửa mình cho sạch tội lỗi”.

Đó là lời Chúa.

 

Hoặc: Cv 9, 1-22

“Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì ?”

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Saolô còn mải say mê hăm doạ giết các môn đồ Chúa. Ông đến thượng tế, xin chứng minh thư gởi đến hội đường ở Đamas, để nếu gặp ai theo đạo ấy, bất luận nam nữ, ông bắt trói đem về Giêrusalem.

Đang khi đi đường, lúc đến gần Đamas, bỗng nhiên một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông, ông ngã xuống đất và nghe tiếng phán rằng: “Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ Ta ?” Ông thưa: “Lạy Ngài, Ngài là ai ?” Chúa đáp: “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ; giơ chân đạp mũi nhọn thì khổ cho ngươi”. Saolô run sợ và kinh hoàng hỏi rằng: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì ?” Chúa phán: “Hãy chỗi dậy, vào thành, và ở đó người ta sẽ nói cho ngươi phải làm gì”. Những kẻ đồng hành với ông đứng lại, hoảng hốt; họ nghe rõ tiếng mà không thấy ai. Saolô chỗi dậy khỏi đất, mắt ông vẫn mở mà không trông thấy gì. Người ta cầm tay dẫn ông vào thành Đamas; ông ở lại đấy ba ngày mà không thấy, không ăn, cũng không uống.

Bấy giờ ở Đamas, có một môn đồ tên là Anania; trong một thị kiến, Chúa gọi ông rằng: “Anania”. Ông thưa: “Lạy Chúa, này con đây”. Chúa phán: “Hãy chỗi dậy và đến phố kia gọi là phố “Thẳng”, và tìm tại nhà Giuđa một người tên Saolô, quê ở Tarsê; nó đang cầu nguyện”. (Saolô cũng thấy một người tên Anania bước vào, và đặt tay trên ông để ông được sáng mắt). Anania thưa: “Lạy Chúa, con đã nghe nhiều người nói về người này rằng: ông đã gây nhiều tai ác cho các thánh của Chúa tại Giêrusalem; tại đây, ông đã được các thượng tế cho phép bắt trói tất cả những ai kêu cầu danh Chúa”. Nhưng Chúa phán: “Cứ đi, vì người này là lợi khí Ta đã chọn, để mang danh Ta đến trước dân ngoại, vua quan và con cái Israel. Ta sẽ tỏ cho nó biết phải chịu nhiều đau khổ vì danh Ta”.

Anania ra đi, bước vào nhà, và đặt tay trên Saolô mà nói: “Anh Saolô, Chúa Giêsu, Đấng hiện ra với anh trên đường đi đến đây, sai tôi đến cùng anh, để anh được thấy và được tràn đầy Thánh Thần. Tức thì có thứ gì như những cái vảy rơi khỏi mắt ông, và ông được sáng mắt.

Ông chỗi dậy chịu phép rửa, và sau khi ăn uống, ông được lại sức, ông ở lại ít ngày cùng với các môn đồ thành Đamas. Và lập tức ông rao giảng trong các hội đường rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Mọi người nghe rao giảng đều kinh ngạc và nói rằng: “Há chẳng phải ông này đã bách hại những người đã cầu khẩn danh ấy tại Giêrusalem, và cũng đã tới đây mà truy nã họ để điệu họ về cho các thượng tế sao ?”  

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 116, 1. 2

Đáp: Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian (Mc 16, 15).

Xướng:

1) Toàn thể chư dân, hãy ngợi khen Chúa! Hết thảy các nước, hãy chúc tụng Người! Đáp.

2) Vì tình thương Chúa dành cho chúng ta thực là mãnh liệt. và lòng trung thành của Chúa tồn tại muôn đời. - Đáp.

 

Tin mừng: Mc 16,15-18

15 Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. 16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.

17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ.

18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe.”

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Mỗi người môn đệ đều được Chúa Giêsu Phục Sinh sai đi loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Nhưng trước hết phải hoán cải theo gương thánh Phaolô tông đồ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa thường làm con ngạc nhiên ngỡ ngàng. Mỗi trang Tin Mừng đều đưa con đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Người ta đánh mất sự ngạc nhiên khi quen coi thường những điều nghiêm chỉnh. Thực sự con cảm thấy ngỡ ngàng và thật bất ngờ khi con được Chúa sai đi làm sứ giả Tin Mừng cho Chúa. Lạy Chúa, thật thế sao ? Con là một kẻ tội lỗi, tầm thường, một kẻ tài trí kém cỏi, một kẻ nhiều tính xấu, nhiều khuyết điểm, lại được Chúa nhờ cậy và giao trọng trách sao ? Lạy Chúa, Chúa có lầm chăng ?

Con hỏi Chúa, nhưng câu trả lời đã có. Con biết không phải Chúa lầm, nhưng Chúa thương con và tín nhiệm con. Đối với Chúa, không ai là quá xấu đến độ phải loại bỏ. Chúa muốn mọi người làm tông đồ, làm chứng nhân cho Chúa, bởi vì dù chúng con có tội lỗi yếu hèn đến đâu, ân sủng và tình yêu của Chúa vẫn mạnh hơn tội lỗi và yếu hèn của chúng con. Không ai ngờ thánh Phaolô, kẻ bách hại đạo Chúa, lại trở nên vị tông đồ thừa sai số một của Hội Thánh. Không ai ngờ thánh Phêrô, kẻ chối Chúa, lại là thủ lãnh tiên khởi của Hội Thánh. Lạy Chúa, chính ơn Chúa đã làm cho các ngài hoán cải và hiến thân trọn vẹn cho Chúa.

Phần con, con cũng không ngờ, con chỉ biết cảm tạ tình thương Chúa dành cho con. Xin Chúa giúp con dám lãnh trách nhiệm. Xin giúp con không ngừng hoán cải mỗi ngày để con có thể theo Chúa sát hơn và hiến thân nhiều hơn. Con đặt trọn niềm tin tưởng vào ơn thánh Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Các con hãy đi rao giảng Tin mừng khắp thế gian”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống...)

Hai dụ ngôn nhỏ này tiếp liền những đoạn Tin mừng của các ngày trước và triển khai thêm chủ đề nghe Lời Chúa.

- Dụ ngôn chiếc đèn: kẻ nghe Tin Mừng giống như chiếc đèn:

a/ Họ phải loan Tin Mừng cho những người khác biết nữa;

b/ Họ phải sống những gì đã nghe, có như thế cuộc sống họ sẽ chiếu tỏa ánh sáng ra những người chung quanh.

- Dụ ngôn cái đấu: người nào càng biết nghe Lời Chúa và sống Lời Chúa thì càng được ban thêm ơn; trái lại kẻ chỉ nghe mà không sống thì không được ban thêm ơn gì, mà cả những ơn họ đang có cũng bị lấy đi mất.

B. Suy niệm (...nẩy mầm)

1. Lời Chúa quả có sức chiếu sáng rất mạnh. Chỉ tiếc rằng Lời Chúa rót vào tai một số người giống như dầu châm vào những cây đèn không chịu cháy sáng cho nên cũng vô ích. Bà Chiara Lubich nói: "Chúng ta phải sống thế nào để cho dù các sách Tin Mừng trên khắp thế giới có bị đốt hết đi thì người ta nhìn vào cuộc sống chúng ta vẫn có thể chép lại Tin Mừng ấy đúng từng câu, từng chữ".

2. "Hãy để ý điều anh em nghe. Anh em đong bằng đấu nào thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em bằng đấu ấy": nhiều khi tôi thấy có những người khác đã hiểu và sống Lời Chúa một cách rất sâu sắc, rồi nhìn lại mình mà tự xấu hổ. Tại sao thế ? Chính Chúa Giêsu giải thích: tại vì "cách nghe". Họ chẳng những "nghe" mà còn "đón nhận" và "sinh hoa kết quả" cho nên "đã có thì lại được cho thêm"; còn tôi, có lẽ tôi chỉ "nghe" suông, cho nên "ngay cái đang có cũng bị lấy mất đi".

3. Buổi chiều, người nọ lấy cây nến nhỏ từ trong hộp ra và leo lên tầng tháp cao. Cây nến hỏi:

- Chúng ta đi đâu ?

- Đi lên cao hơn để chỉ đường cho tàu bè vào cảng.

- Nhưng tôi nhỏ bé thế này làm sao tàu bè thấy được ?

- Chỉ cần ngươi cứ cháy sáng thôi, còn mọi việc ta lo.

Tới đỉnh tháp, người nọ đặt cây nến vào trong một cái đèn có ghép những tấm kính phản quang. Nhờ đó, ánh sáng lan tỏa và mọi tầu bè đều thấy.

Chúng ta cũng là cây nến trong tay Thiên Chúa. Chỉ cần ta cháy sáng, còn kết quả là ở Thiên Chúa (Góp nhặt)

4. Một nông dân nghèo Nhật bản vào thiên đàng và điều đầu tiên ông nhìn thấy là một kệ dài với những vật rất kỳ lạ. Ông hỏi:

- Cái gì thế ? Có phải để nấu xúp ?

- Không, đó là những cái tai. Chúng là của những người khi sống ở đời nghe được những điều tốt, nhưng họ không làm. Nên khi chết, tai họ vào thiên đàng, nhưng các phần khác của cơ thể thì không.

Một lát sau, ông lại thấy một kệ khác với những vật kỳ quái. Ông hỏi:

- Cái gì thế ? Có phải để nấu xúp ?

- Không, đó là những cái lưỡi. Chúng là của những người sống ở đời bảo người khác làm điều tốt và sống tốt, nhưng chính họ không làm hoặc không sống điều đó. Nên khi chết, lưỡi họ vào thiên đàng, nhưng các phần khác của cơ thể thì không (Góp nhặt)

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Thánh Phaolô Tông đồ trở lại (Mc 16,15-18)

  Chọn thêm Dụ ngôn hai người con (Mt 21,28-32)

  1. Đứng trước lời rao giảng Tin mừng của Đức Giêsu, có hai hạng người với hai thái độ trái ngược nhau, đó là giới lãnh đạo Do thái và những người tội lỗi và dân chúng. Đức Giêsu đưa ra dụ ngôn hai người con để làm nổi bật sự tương phản giữa lời nói và việc làm: nói có mà không làm; nói không nhưng lại làm. Giữa sự đối nghịch này, hành động được đánh giá là quan trọng, vì hành động là dấu hiệu của một tâm hồn trong sáng, biểu hiện qua những hành động ngay thẳng. Vì thế, Đức Giêsu đã thẳng thắn tuyên bố: “Không phải những người nói: Lạy Chúa! Lạy Chúa, là được vào Nước trời, nhưng chỉ những kẻ thi hành ý Cha trên trời”.
  2. Cần tìm hiểu hình bóng của dụ ngôn này:

- Người con thứ nhất thưa “không đi”, nhưng sau hối hận và đã đi làm: ám chỉ những người tội lỗi, thu thuế, đĩ điếm và chư dân. Những người này thoạt mới nghe giảng, họ ngại ngùng không theo; nhưng sau họ đã nghe Gioan Tẩy giả và lời giảng của Đức Giêsu nên đã sám hối ăn năn.

- Người con thứ hai là đứa con “thưa vâng” rồi không đi làm: ám chỉ những nhà lãnh đạo Do thái và tất cả những ai vâng lệnh bằng lời nói mà không thực hành. Những người này vẫn tự xưng là giới đạo đức và lên mặt mô phạm với đời. Nhưng họ từ chối ơn Thiên Chúa, không nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, mặc dầu trước khi Người đến, họ vẫn khát vọng Người.

- Áp dụng vào trường hợp ông Saolô là người con thứ nhất: đã không đi lại còn chống đối và âm mưu ám hại, nhưng đã hối hận và trở lại để trở thành Tông đồ Phaolô nhiệt thành.

  1. Kết luận dụ ngôn Đức Giêsu nói: “Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm, sẽ vào Nước trời trước các ông”. Chưa bao giờ ta thấy Đức Giêsu đã nói thẳng với các người biệt phái như lần này. Chính họ có lẽ cũng không ngờ. Còn thánh Phaolô thì không ngờ được Chúa đón nhận.
  2. Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta phải có thái độ nào với tư cách là một Kitô hữu, một chứng nhân của Chúa ? Chúng ta sẽ cố gắng:

- Đừng nghĩ rằng mình thuộc hàng “công chính” để rồi ngủ mê trong ảo tưởng đạo đức về mình.

- Cũng đừng cho rằng mình thuộc hàng “thu thuế và đĩ điếm” để rồi buông xuôi cho dòng đời lôi cuốn.

Hãy sống trung thực với lòng mình. Hãy sám hối và chỉnh sửa lại cuộc sống, sao cho mình xứng đáng là con Chúa, là Kitô hữu để cuộc sống tốt lành của mình toả ra mùi thơm tho nhân đức vì “hữu xạ tự nhiên hương”. Lúc đó không cần phải phô trương, tự cuộc sống của mình sẽ chứng minh.

Top