Ngày 8-3, viết cho Mẹ
WGPSG -- Trong mục “Lá lành đùm lá rách” của tờ báo Thanh Niên (số 65, thứ Hai, 05.03.2012) có đăng một câu chuyện cảm động như sau: Có một người phụ nữ nghèo ở Bình Thuận phải vất vả kiếm tiền lo cho chồng bị bệnh ung thư gan giai đoạn cuối, và lo cho đứa con gái bị câm điếc, thiểu năng trí tuệ, ngồi một chỗ. Người mẹ này làm nghề chặt mía thuê, ai mướn gì thì làm nấy, và thậm chí là đi ăn xin. Bà tâm sự: “Những lúc đưa chồng đi bệnh viện, bí đường quá tui phải đi ăn xin mới có ít tiền mua thuốc cho chồng, mua gạo cho con ở nhà.” Hơn thế nữa, người mẹ nghèo này còn nuôi dưỡng trong lòng một ước mơ: “Mong có tiền chữa bệnh cho chồng, chữa bệnh cho con biết nói, biết đi như những đứa trẻ khác; mong có sức khỏe để làm thuê làm mướn, thoát khỏi cảnh ăn xin.” Là những người Kitô hữu, chúng ta có những suy nghĩ và cảm nhận gì khi đọc câu chuyện thật cảm động này? Đặc biệt hơn, ngày 8-3, ngày Quốc Tế Phụ Nữ, chúng ta có những cảm nghiệm gì về người mẹ của mỗi chúng ta và những người mẹ trong cuộc sống đời thường hôm nay?
Trước hết, vào ngày 8-3, các phương tiện truyền thông (báo chí, tivi, radio, internet) sẽ có những bài cảm nhận, những buổi chia sẻ hay những bài viết về tình yêu của người mẹ. Câu chuyện mà chúng ta vừa đọc chắc hẳn không khỏi làm chúng ta cảm động và xót xa cõi lòng. Chúng ta cảm kích trước sự hy sinh của người mẹ nghèo này: bà đã không nghĩ đến bản thân, sẵn sàng hy sinh vì chồng, vì con. Vì thế, một tác giả đã viết như sau: “Khi bạn là một người mẹ, bạn không bao giờ thực sự cô độc trong suy nghĩ của mình. Một người mẹ luôn phải nghĩ hai lần, một lần cho bản thân và một lần cho con cái.” Phải chăng câu chuyện này gợi lên nơi chúng ta những hình ảnh vất vả gánh gồng tần tảo nuôi con của những người mẹ nghèo trong cuộc sống đô thị hiện đại và nông thôn nghèo nàn hôm nay? Làm sao chúng ta không khỏi xót xa khi có những bà mẹ vất vả làm thuê với những cái nghề thầm lặng như quét rác, bán vé số, lượm ve chai, làm “oshin”, bán hàng rong… giữa thành phố Sài Gòn này? Vâng, cuộc đời của con chính là cuộc đời của người mẹ. Hạnh phúc của con cũng chính là hạnh phúc của mẹ.
Thật vậy, ai trong chúng ta cũng đã ít nhiều có kinh nghiệm về tình thương của mẹ. Mẹ là điểm tựa chắc chắn nhất cho cuộc đời của mỗi chúng ta. Mẹ là người luôn thấu hiểu và đón nhận chúng ta. Vì thế, một vị Giám mục đã cảm nghiệm về mẹ của ngài như sau: “Những khi thành công, tôi được nhiều người đến chúc mừng. Lúc đó mẹ tôi thường lặng lẽ đứng trong bóng tối. Cũng như khi nhà có tiệc tùng, mọi người họp mặt vui tươi thì mẹ tôi thường âm thầm dưới bếp để phục vụ. Những khi tôi gặp thất bại buồn chán thì chỉ có mẹ ở bên cạnh để ủi an. Khi tôi bệnh chỉ có mẹ ngồi bên giường suốt đêm thâu… Tôi không tưởng tượng được gia đình sẽ như thế nào nếu thiếu mẹ tôi. Tôi không nghĩ được đời tôi sẽ ra sao nếu không có mẹ tôi. Và lần này, khi tôi chuẩn bị một ngày lễ quan trọng, mẹ tôi lại âm thầm ra đi như mẹ tôi vẫn thường làm trong đời. Cụ không xuất hiện trong những ngày lễ hội. Cụ chỉ âm thầm phục vụ trong đời thường.” Vâng, đây là những dòng chia sẻ chân thành và thật thấm thía tình mẹ - con. Vậy thì, đã có lần nào trong đời chúng ta cảm nhận được tình thương của mẹ? Mẹ đã hy sinh cho đời ta rất nhiều, nhưng chúng ta cần phải làm gì để đáp đền?
Hôm nay, ngày 8-3, có lẽ người ta sẽ có nhiều cách để thể hiện tình cảm dành cho mẹ như: mua một bó hoa hồng tặng cho mẹ; gọi điện thoại chúc mừng mẹ nhân ngày 8-3; yêu cầu tặng mẹ những bài hát mẹ yêu thích trên đài radio… Tất cả những nghĩa cử yêu thương như thế sẽ làm cho thông điệp của ngày 8-3 trở nên giá trị hơn. Nếu nhìn từ góc độ Thánh Kinh thì thảo kính cha mẹ là điều răn thứ IV: mỗi người Kitô hữu chúng ta được Giáo hội mời gọi yêu thương, vâng lời, chăm sóc và phụng dưỡng cha mẹ của mình. Nếu nhìn ở góc độ Giáo hội, thì Hội Thánh chính là người “mẹ hiền” của chúng ta. Nhờ trung gian của Hội Thánh mà chúng ta được lãnh nhận các bí tích, được đón nhận sự sống thần linh trong Chúa Giêsu Kitô. Nếu đọc lại Tin Mừng nhất lãm, chúng ta nhận ra nơi Đức Maria một mẫu gương tuyệt hảo về người mẹ: Mẹ đã cưu mang Đức Giêsu 9 tháng 10 ngày, đã vất vả nuôi dưỡng, dạy dỗ và đồng hành với Đức Giêsu trọn cuộc đời của Mẹ. Vì thế, một tác giả nào đó đã ví rằng: nếu gom tất cả các trái tim của người mẹ trên trần gian này thì cũng không thể sánh với trái tim của Mẹ Maria.
Bạn thân mến, ngày 8-3, có lẽ chúng ta sẽ nghe và đọc được những dòng cảm nhận của những người con dành cho mẹ của mình. Thật cảm động biết bao khi đọc những dòng cảm nhận như sau: “Hôm nay cuối tuần, tôi được về nhà thăm Mẹ. Lần này tôi đi một mình, nhớ mẹ nhiều hơn. Về lại quê hương, biết mình sắp được gặp lại Mẹ, lòng tôi nôn nao, hớn hở. Vừa đặt chân vào nhà, tôi thấy Mẹ đã nhìn và mỉm cười từ xa. Thế nhưng, nụ cười của Mẹ có pha lẫn những giọt nước mắt vui mừng. Mẹ chạy đến ôm tôi rồi nói: “Con mới về đó hả?” Lúc này, trong tâm hồn tôi tràn ngập niềm vui và hạnh phúc. Mẹ đi chợ với đứa em trai của tôi. Mẹ nấu cho tôi những món ăn thật ngon mà khi xa nhà tôi không được ăn. Tôi vẫn còn nhớ trong mỗi bữa ăn, Mẹ gắp để dành đồ ăn cho tôi nhiều hơn các em của tôi. Mẹ nói: “Con ăn đi, mai đi rồi không được ăn ngon đâu.” Thật cảm động biết bao trước hình ảnh một người con thấp thỏm lo âu mất ăn mất ngủ vì biết rằng mẹ của mình đang mắc nhiều chứng bệnh nan y. Vì vậy, một nhạc sĩ đã viết thật cảm động như thế này: “Mẹ già như chuối chín cây. Gió lay mẹ rụng con phải mồ côi. Mồ côi tội lắm ai ơi. Đói cơm khát nước biết người nào lo. Đói cơm lỡ bước biết người nào lo.” Nếu ai đó nói rằng: mất cha là mất cả một bầu trời thì phải chăng mỗi người chúng ta cũng có thể nói rằng: mất mẹ là mất một cuộc đời?
Ước gì, thông điệp của ngày 8-3 giúp mỗi người Kitô hữu chúng ta hướng về Thiên Chúa và hướng về những người mẹ của mình. Chúng ta hướng về Chúa để tạ ơn Ngài vì đã ban cho chúng ta có một người mẹ trong đời. Chúng ta hướng về mẹ đã ghi khắc trong tim về tình thương lai láng như trời biển của mẹ. Vì thế, chúng ta cầu nguyện cho mẹ nhân ngày 8-3. Cầu nguyện cho những em bé mồ côi ở các cô nhi viện phải sống một cuộc đời không có mẹ. Đồng thời, chúng ta cũng tự nhủ với lòng: mình cần phải làm gì để đáp đền tình thương của mẹ, bởi lẽ trong cuộc đời chúng ta chỉ có một người mẹ mà thôi?
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm