Ngày Tết và Phúc Âm hoá
Dù có những đề nghị mừng Tết nguyên đán vào ngày đầu năm dương lịch cho phù hợp với thời hiện đại, cho đến nay, xã hội Việt Nam vẫn giữ truyền thống cử hành Tết nguyên đán vào những ngày đầu năm âm lịch. Với người Việt Nam, ngày Tết không chỉ đơn thuần là ngày nghỉ lễ nhưng còn mang ý nghĩa nhân văn và giá trị thiêng liêng hết sức đặc biệt. Dù ở trong nước hay đang sinh sống làm việc ở nước ngoài, người Việt vẫn cử hành Tết nguyên đán cách long trọng hết sức có thể.
Hội Thánh Công giáo Việt Nam hiện diện giữa lòng dân tộc và hít thở bầu khí văn hoá truyền thống đáng kính ấy, cho nên đã tìm cách hội nhập và Phúc Âm hoá nền văn hoá dân tộc. Nỗ lực này được thể hiện rõ nét trong cách người Công giáo Việt Nam cử hành Thánh Lễ trong những ngày Tết. Theo đó, ba ngày Tết tập trung vào ba tương quan căn bản trong cuộc sống con người.
Ngày Mồng Một Tết là ngày hướng lòng lên Thiên Chúa, “Đấng vô thủy vô chung, là căn nguyên và cùng đích của vạn vật”, để tạ ơn Chúa đã ban cho một năm mới, và cầu xin Chúa ban cho mọi người “được bình an mạnh khỏe, càng thêm tuổi càng thêm nhân đức, hăng hái làm việc lành để tôn vinh Danh thánh” (Lời nguyện nhập lễ - Thánh Lễ Giao Thừa, Tân Niên).
Ngày Mồng Hai Tết là ngày kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ, xin Chúa trả công bội hậu cho “những bậc đã sinh thành dưỡng dục chúng con, và giúp chúng con sống cho phải đạo với các ngài” (Lời nguyện nhập lễ). Đồng thời, khi kính nhớ tổ tiên ông bà, người Công giáo cũng hiểu rằng chính Thiên Chúa đã ban sự sống cho tổ tiên ông bà, để các ngài truyền lại cho con cháu. Vì thế, truyền thống tôn kính ông bà tổ tiên được đặt vào đúng vị trí của nó trong trật tự tạo dựng.
Ngày Mồng Ba Tết là ngày nhìn ra thế giới và vạn vật chung quanh, ý thức trách nhiệm phải lao động để làm chủ thiên nhiên, cho nên xin Chúa ban ơn trợ giúp để “công ăn việc làm trong năm mới nêu cao tình tương thân tương ái, góp phần vào sự nghiệp chung là hoàn thành chương trình sáng tạo của Chúa” (Lời nguyện nhập lễ).
Khi tập trung vào ba tương quan căn bản trong cuộc sống làm người (Thiên-Địa-Nhân), Hội Thánh cũng mời gọi con cái mình sống ý nghĩa của thời gian với ba chiều kích: nhìn về quá khứ trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và cảm tạ các bậc sinh thành, hướng đến tương lai trong tâm tình phó thác cậy trông nơi Thiên Chúa là Đấng làm chủ lịch sử, nhìn vào hiện tại để dấn thân xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
Phải nói rằng đây là một nỗ lực tuyệt vời trong công cuộc Phúc Âm hoá: (1) Khám phá những vẻ đẹp và giá trị tích cực trong truyền thống văn hoá dân tộc; (2) Làm nổi bật mối quan hệ mật thiết giữa văn hoá dân tộc và những giá trị Phúc Âm; (3) Nâng những giá trị văn hoá truyền thống lên một tầm cao mới của đức tin Kitô giáo, khi đặt việc tôn kính Tổ tiên trong trật tự tạo dựng, hoặc khi liên kết việc xây dựng thế giới với việc xây dựng Nước Trời.
Ước mong mẫu gương Phúc Âm hoá này còn được ứng dụng vào nhiều lãnh vực khác trong đời sống Hội Thánh, từ ngôn ngữ diễn tả đức tin đến cách thể hiện đức tin Kitô giáo, để Phúc Âm ngày càng gần gũi với người dân và xã hội Việt Nam hơn.
(Nguồn: WHĐ)
bài liên quan mới nhất
- Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam
-
Quà Tết cho người vô gia cư -
Noel ấm áp tình người -
Đồng hương Thái Bình miền Nam: Họp mặt Tân niên -
Đồng hương Đàn Giản: mừng Xuân đoàn viên -
Nhớ lắm bếp củi ngày xưa! -
Thông điệp của mùa xuân -
Giờ kinh Giao Thừa -
Trăng Rằm miền biên giới -
Vầng Trăng Yêu Thương
bài liên quan đọc nhiều
- Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam
-
Nhớ lắm bếp củi ngày xưa! -
Quà Tết cho người vô gia cư -
Thông điệp của mùa xuân -
Sống tâm tình tạ ơn trong ba ngày Tết -
Tây Tạng: Tết Losar của lòng hiếu khách và từ tâm -
Giờ kinh Giao Thừa -
Năm Thìn, tản mạn chuyện Rồng -
Tất niên và tân niên -
Trăng vàng mùa thu