Nghe tiếng lòng và chọn một lối sống
WGPSG -- Trong cuộc đời con người, có lẽ ai cũng đã từng một lần đứng trước ngã ba của sự chọn lựa. Chọn lựa nào cũng nằm trong quy luật bất biến: chọn cái này và từ bỏ cái kia. Chọn lựa nào bao giờ cũng có cái giá của nó. Có những chọn lựa làm ta hạnh phúc, nhưng có những chọn lựa sai lầm, khiến ta phải đau khổ cả đời. Vậy thì, con người cần phải làm gì để có những lựa chọn đúng cho cuộc đời của mình?
Trước tiên, chúng ta cần lắng nghe tiếng lòng của mình. Việc lắng nghe tiếng lòng là cái nhìn quy vào con người thật của mình: Tôi đang muốn cái gì? Điều gì thật sự làm cho cuộc đời tôi ý nghĩa? Đâu là những khuyết điểm và ưu điểm của bản thân tôi? Đây là những câu hỏi chất vấn cõi lòng chúng ta, nhằm giúp mỗi người chúng ta hiểu rõ bản thân mình nhiều hơn. Đối với những người sống ơn gọi dâng hiến, đi tu làm linh mục, dì phước hay tu sĩ thì những câu hỏi như thế thường lặp đi lặp lại trong hành trình hiến dâng. Thật vậy, người ta thường ví những người sống ơn gọi đời tu như là những con người lội ngược dòng: phải từ bỏ những lôi cuốn của thế gian như sắc đẹp, tiền của, thú vui; phải từ bỏ ý riêng, tình cảm riêng tư; và chấp nhận sự cô đơn của đời sống độc thân. Điều gì đã khiến họ có những lựa chọn phiêu lưu như thế? Phải chăng đó là động lực tình yêu dấn thân phục vụ Chúa và Giáo hội, phục những mảnh đời bất hạnh, nghèo đói, túng thiếu trong cuộc sống hôm nay.
Tuy nhiên, để có được những bước quyết định cho những lựa chọn như thế là điều không phải dễ dàng. Những người sống ơn gọi đời tu phải trải qua những bước thăng trầm của hành trình ơn gọi: có những lúc chán nản, thất vọng, buông xuôi, muốn bỏ cuộc; có những lúc vui vẻ, mạnh mẽ chấp nhận hy sinh vì lý tưởng phục vụ Tin Mừng, lý tưởng dấn thân cho một tình yêu lớn hơn, dù phải chấp nhận đánh đổi nhiều sự mất mát, nhiều thiệt thòi cho bản thân. Điều cốt lõi cho những lựa chọn ấy, đó chính là việc lắng nghe tiếng lòng nơi những con người chấp nhận bước theo cuộc đời hiến dâng. Vì vậy, những buổi tĩnh tâm, linh thao là cơ hội để phản tỉnh, suy nghĩ và cầu nguyện trước khi bước vào chọn lựa sống ơn gọi của cả cuộc đời. Đây là bước quyết định vô cùng quan trọng, cần có trao đổi với những người khôn ngoan, cần có những khoảng thinh lặng để cầu nguyện, gặp gỡ riêng tư với Chúa, và nhất là cần lắng nghe lòng mình đang thật sự ước muốn điều gì. Có nhiều ơn gọi và lựa chọn khác nhau nhưng chỉ có một cuộc đời. Vì thế, người quyết định cuối cùng vẫn là bản thân của chúng ta. Bởi lẽ, không ai có thể sống thay cho cuộc đời của mỗi người chúng ta trong cuộc đời này.
Tiếp đến, lắng nghe tiếng lòng mình là lắng nghe những tâm tư, ước muốn, những khao khát thật sự từ trong cõi lòng của mình. Tiếng lòng là tiếng nói sâu thẳm của Thiên Chúa dành cho vận mệnh cuộc đời mỗi người chúng ta. Thế nhưng, cuộc sống đô thị hiện đại và tục hóa hôm nay thường phá vỡ mọi mối tương quan đích thực nơi con người: mối tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân và mối tương quan với bản thân. Vì vậy, chúng ta thường bị cuốn theo vòng xoáy của một cuộc sống đô thị quá sôi động, ồn ào, giả tạo và hời hợt bên ngoài. Con người hôm nay thường không có những khoảng thinh lặng cho riêng mình, để nhìn lại chính con người của mình, để lắng nghe tiếng lòng của mình. Một cuộc sống như thế thường làm cho con người dễ đánh mất chính mình: Tôi sống mà không biết mục đích mình sống để làm gì? Tôi đang chọn một ơn gọi, một người bạn đời, một nghề nghiệp nhưng đó không phải là sự lựa chọn thật sự như lòng tôi ước muốn?
Vì thế, kinh nghiệm cuộc đời thường cho ta thấy, một cuộc đời đánh mất chính mình là một cuộc đời không tìm được hạnh phúc cho bản thân. Đó là một cuộc đời kéo lê trong những đau khổ, dằn vặt, hối hận và tiếc nuối. Thật vậy, con người thường đứng trước nhiều lựa chọn, nhiều con đường, nhiều ước muốn khác nhau. Để rồi, đến một lúc nào đó chúng ta không thật sự trả lời cho chính mình rằng: Tôi đang thật sự muốn cái gì? Điều này đã được thánh Phaolô cảm nghiệm như sau: “Điều tốt, tôi muốn nhưng tôi không làm. Còn điều xấu, tôi không muốn nhưng tôi lại cứ làm.” Thật vậy, ma quỷ, xác thịt và thế gian luôn bám víu và phân mảnh con người chúng ta, kéo chúng ta ra khỏi Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn của những điều Chân – Thiện – Mỹ trong cuộc sống nơi trần gian này.
Vậy thì, để có những lựa chọn đúng cho ơn gọi đời mình, chúng ta cần phải làm gì? Để không đánh mất chính mình, chúng ta cần dựa vào điểm tựa nào trong cuộc đời? Phải chăng nguyên nhân cốt lõi của việc đánh mất chính mình là chúng ta đang sống một cuộc đời giả tạo? Vì thế, chúng ta cần có nhìn quy vào Chúa Giêsu Kitô, bởi vì chính Ngài đã nói: “Ta là đường, là sự thật, và là sự sống.” Do đó, mỗi người chúng ta cần có những khoảng thinh lặng, cần có một cõi riêng tư nào đó, để suy nghĩ, cầu nguyện và gặp gỡ Chúa. Chỉ trong Chúa, chúng ta mới tìm ra một con đường, một lựa chọn đúng đắn cho cuộc đời của mình. Chỉ trong Chúa, chúng ta mới lắng nghe được tiếng lòng của mình và hiểu được con người thật của mình. Đây cũng là một lựa chọn đầy thách thức đối với mỗi người chúng ta. Đây là một lộ trình của những bước quyết định để gặp Chúa trong cuộc đời. Nếu mỗi người chúng ta trải qua những bước quyết định đầy cam go và thách thức như thế thì chắc chắn Chúa sẽ mở ra cho chúng ta một con đường, một hướng đi, một ơn gọi, một lối sống cho cuộc đời của mỗi chúng ta. Vấn đề đặt ra là liệu chúng ta có can đảm để gặp Chúa, chọn Chúa làm lý tưởng và lẽ sống cho cuộc đời của mình hay không? Điều gì làm cho chúng ta luôn bị phân mảnh, giằng co, phân vân, do dự trong những lựa chọn và quyết định của mình?
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm