Ngõ cụt
WGPSG -- Trưa hôm nay, trong giờ cơm, cha con lại nói chuyện với nhau về những hoàn cảnh bi thương của cuộc đời. Có những người rơi vào hoàn cảnh ngõ cụt và không lối thoát nên họ đã tự giải quyết cuộc đời cho nhẹ lòng.
Đang nói chuyện, cha già cứ ngỡ rằng tôi lên án những người như vậy nên ngài cắt luôn lời tôi muốn chia sẻ.
- Mình đâu có biết được hoàn cảnh của những người đó. Đôi khi họ không tìm được sự cảm thông, sự chia sẻ của người khác nên họ đi đến đường cùng...
Cha già nói như thế và chúng tôi hiểu được tâm tình của ngài trước hoàn cảnh bi thương.
Cha đồng bàn nói luôn:
- Rơi vào những hoàn cảnh bi đát đó, cần có những người cảm thông và hiểu biết để đón nhận nhau chứ không thì cũng kẹt. Có những người kém may mắn là họ đã quá cô đơn nên tự giải quyết cuộc đời...
Đúng như vậy! Nhiều khi trong cuộc sống, có những hoàn cảnh đưa đẩy con người ta đi đến bước đường cùng, đến ngõ cụt và không còn lối thoát. Chẳng ai muốn gieo mình xuống dòng sông đang chảy xiết hay lao mình vào chiếc xe tải đang chạy ngoài đường để kết liễu đời mình cả. Chỉ vì cái thân phận mỏng giòn và yếu đuối của con người họ đã bị bế tắc.
Những người ngoài, những người chứng kiến có những lối nhìn, những phản ứng riêng. Dĩ nhiên, ai cũng có tự do để nhìn nhận sự việc, nhìn nhận biến cố nhưng chỉ có đương sự mới hiểu rõ mình hơn ai hết. Những người thân thương, ruột thịt đi chăng nữa đôi khi cũng chẳng hiểu vì sao người thân của mình đã tự giải quyết đời mình.
Thật ra chẳng ai muốn mình phải rơi vào cái ngõ cụt mà không có lối ra như thế bao giờ. Bởi lẽ, ai cũng muốn con đường phía trước của mình thông thoáng, rộng rãi lối đi.
Một lần nọ, khi nghe em trình bày về hoàn cảnh em đang gặp phải, trong tâm tình sẻ chia, tôi đã phân tích cho em thấy phải trái, thiệt hơn. Em nghe xong và em đưa đáp án ngay đó là lý trí của em mách bảo là như thế nhưng tình cảm thì không được. Phân tích thêm một tí nữa để em rõ. Em đã rõ nhưng em cũng tiếp tục với câu trả lời là em không biết phải xử lý làm sao trước tình huống của em. Em muốn thoát ra nhưng em không tìm được đường nào khác nên đành phải sống như vậy.
Cũng chỉ biết cảm thông với em tình cảnh mà em gặp phải chứ không biết nói gì hơn vì tôi không phải là em và tôi cũng không ở trong cái hoàn cảnh trớ trêu ấy.
Cũng thế, lần kia, một cô bộc bạch: "Cha ơi! Nếu bảo con đi lại những bước từ đầu thì con không dám đi đâu, bởi vì hiện giờ chân con như dính vào bùn vậy. Chân dính bùn rồi nên nhấc lên cũng không được mà đi tiếp cũng không xong... Giờ cũng khổ lắm nhưng không biết làm sao nữa... xin cha cầu nguyện cho con...". Chuyện là ngày xưa cô cũng như một số người khác thấy bất động sản cũng có thể đầu tư được nhưng khi đầu tư vào thì chân cô như dính vào bùn, bởi lẽ bất động sản bây giờ có chăng là "bất động" và "mê sảng". Vì bế tắc nên cô chia sẻ thật lòng rằng giờ đây bảo đi lại những bước đó cô chẳng dại. Mà thật! Chẳng ai thấy nó bế tắc mà lại lao đầu vào, chỉ khi lao đầu vào mới biết bế tắc là chi.
Và, chị của một chị quen biết cũng rơi vào cái tình thế "bất động" và "mê sảng" như vậy. Chị thấy mảnh đất đó có tiềm năng và mua vào. Nào ngờ phải tốn quá nhiều tiền của để nó trở thành đất thổ cư. Tưởng cũng có thể bán được giá để trả nợ nhưng mảnh đất ấy lại nằm dưới hai đường điện cao thế. Giờ thì chỉ ngồi đó chờ nhận số tiền đền bù quá khiêm tốn so với những gì mà chị đã đầu tư.
Có thể ta đứng ngoài nhìn vậy thôi, chứ ta không thể nào hiểu được cám cảnh của những người đang rơi vào ngõ cụt như vậy. Ta cũng không nên trách là tại thế này thế kia nó mới ra như thế nhưng ta cũng phần nào cảm thông xu hướng của kinh tế, của cạnh tranh nên đã đầu tư như vậy nhưng không ngờ nó lại ra như thế.
Cuộc đời ta, cũng đôi lần ta cũng rơi vào ngõ cụt để rồi ta cần mặc lấy tâm tình cảm thông chia sẻ hơn là lên án, bởi lẽ giản đơn là chẳng ai nghĩ mình lại đâm đầu vào ngõ cụt để rơi vào bế tắc bao giờ. Không ai muốn mình đứng trên bờ vực của phá sản và bế tắc trong cuộc sống, nhưng chẳng may thì đành phải chịu. Không ai có thể nói trước được cuộc đời của mình trước khi nhắm mắt xuôi tay.
Biết đâu được đến một lúc nào đó niềm tin của ta nó đi vào ngõ cụt và ta cũng sẽ hành xử như bao nhiêu người mất đức tin!
Biết đâu được đến một lúc nào đó ta không còn yêu thương gia đình ta, mái ấm ta, vợ con ta để ta hành xử như những người không còn tình nghĩa vợ chồng con cái thân nghĩa trong gia đình!
Biết đâu được đến một lúc nào đó cuộc đời đưa đẩy ta đến độ ta không tìm được lối thoát mà ta lại hành xử như những người không lối thoái hành xử mà ta đã từng lên án, quở trách họ!
Như người nào đó đã tự đi tìm đến cái chết khi rơi vào bế tắc, ta cũng nên cảm thông hơn là dèm pha lên án.
Như người nào đó đang lụy vì tình không để lý trí điều khiển, ta cũng cầu mong cho họ tìm được lối rẽ.
Như người nào đó đứng trên bờ vực của phá sản, của bế tắc trong cuộc sống, nên chăng ta thêm một lời cầu nguyện cũng như cảm thông.
Tất cả những tâm tình cảm thông, cầu nguyện, sẻ chia đó chính là tâm tình đậm chất người hơn bao giờ hết. Tâm tình đồng cảm, sẻ chia, liên đới vẫn là tâm tình bác ái yêu thương mà Thầy Chí Thánh Giêsu luôn luôn mời gọi Kitô hữu phải sống và nêu gương.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm