Ngôi Lời "cắm lều" ở giữa chúng ta
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm
và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14a)
Ai trong chúng ta cũng thuộc làu làu câu Kinh Thánh trên. Tuy nhiên, để có thể hiểu được ý nghĩa sâu xa của việc Ngôi Lời “cư ngụ giữa chúng ta”, chúng ta còn cần phải hiểu biết thêm những hình ảnh và bối cảnh cụ thể của động từ “cư ngụ” trong câu văn trên.
Theo nguyên nghĩa, tiếng Hy Lạp “ske-nô-o” trong câu Kinh Thánh trên có nghĩa là “dựng lều, cắm lều, ở trong lều”. Tuy nhiên, theo thời gian, hình ảnh cụ thể đó dần biến đi, động từ ấy mất dần nghĩa gốc, và cuối cùng chỉ còn nghĩa đơn sơ là “ở, cư ngụ”. Dù vậy, trong Kinh Thánh, từ ấy đã trở thành từ chuyên môn để chỉ việc Thiên Chúa ở giữa loài người. Vì thế, Tin Mừng theo thánh Gioan đã dùng từ ấy để nói về việc Ngôi Lời ở giữa loài người chúng ta.
Tương đương với động từ “ske-nô-o” trong tiếng Hy Lạp, động từ “sâ-kan” trong tiếng Hípri, có nghĩa là “dựng lều, cắm lều, ở trong lều” cũng được dùng để chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Israel.
Vậy, việc Thiên Chúa “cắm lều giữa chúng ta” có nghĩa là gì? Động từ “cắm lều” muốn nhắc lại việc Thiên Chúa ở giữa dân Người trên đường từ Ai Cập về Đất Hứa. Trong thời gian Xuất Hành ấy, con cái Israel sống dưới lều như dân du mục. Thiên Chúa đã hứa cùng ông Môsê rằng Người sẽ cùng ở với Dân, cùng với Dân đi về Đất Hứa. Để giữ lời hứa, và cũng là để nói lên sự hiện diện của Người giữa con cái Israel, Thiên Chúa đã truyền cho ông Môsê phải làm cho Người một chiếc lều, gọi là Lều Hội Ngộ, hay Nhà Tạm. Đó là nơi Người ngự giữa con cái Israel. Ngày khánh thành, Thiên Chúa cho Lều của Người tràn ngập những áng mây và vinh quang rực rỡ, để ra dấu cho Dân biết Người hiện diện trong Lều. Thế là Thiên Chúa “cắm lều” giữa Dân và “ở trong lều” như Dân của Người.
Trong Cựu Ước, Thiên Chúa ở giữa Dân Người: Người ở dưới lều, Người ở trong Đền Thờ (x. Xh 25,8; Ds 35,34), và Thiên Chúa, Đấng Khôn Ngoan còn ở trong Luật Môsê nữa (x. Hc, 24,7-22; Br 3,36-44). Nhưng, trong Tân Ước, nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa ở giữa Dân Người cách gần gũi hơn nhiều: Người hiện diện bằng chính bản thân và một cách hữu hình bằng xương bằng thịt, chứ không bằng áng mây hay Lề Luật cách vô hình như xưa.
Như vậy, khi dùng động từ đầy tính tượng hình là “cắm lều”, một nét đặc trưng của người Do Thái du mục, tác giả Tin Mừng Gioan muốn nói rằng Ngôi Lời nhập thể chỉ ở lại cách tạm thời dưới thế. Nói cách khác, tác giả muốn cho thấy: nhân tính Đức Kitô là Lều mới, là Nhà Tạm mới của Giao Ước mới, nơi Thiên Chúa hiện diện, nơi vinh quang của Người tỏ hiện. Xưa, Thiên Chúa ngự ở Nhà Tạm giữa con cái Israel trong suốt thời gian Dân đi qua sa mạc tiến về Đất Hứa; nay, Đức Kitô cũng ngự giữa lòng Dân mới, đồng hành với họ trên đường dương thế hướng về Đất Hứa mới.[1]
Jos Hưng Đạo, OP
(CSTMHĐGDĐM tháng 12.2011)
----------------------
[1] Xc. Kinh Thánh Tân Ước, Nhóm PD CGKPV chuyển ngữ, NXB Tôn Giáo: 2008, chú thích “n”, tr. 374.
Hoàng Đắc Ánh, Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan, Mai Khôi: 2004, tr. 74-75.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm