Người lao công thầm lặng ở tuyến đầu
TGPSG -- Cảm ơn “người lao công thầm lặng” đã kéo tôi ra khỏi sự an toàn bản thân, để biết nghĩ và sống cho người khác nhiều hơn.
Mang trong lòng những ước mơ được phục vụ, tôi đã cùng rất nhiều tu sĩ trẻ dấn thân làm tình nguyện viên nơi bệnh viện dã chiến số 1- quận 7. Lúc đầu, tôi chỉ biết dùng lời nói để an ủi các bệnh nhân về những gì đang xảy đến với họ. Rồi đến một hôm .... tôi bị trở thành bệnh nhân, lúc ấy tôi mới cảm nghiệm được rất nhiều điều.
Buồn sầu, khó chịu, mệt mỏi là tâm trạng của tôi trong những ngày đầu tôi chính thức trở thành bệnh nhân nhiễm Covid. Tôi buồn vì ước mơ phục vụ của tôi đã bị dập tắt ngay khi mới bắt đầu. Tôi mệt mỏi vì cơ thể phải chiến đấu với con virus của thời đại. Tôi khó chịu vì phòng bệnh không thoải mái như ở nhà, cái gì cũng thiếu thốn. Điều làm tôi ám ảnh và khó chịu nhất là nhà vệ sinh: mùi tanh hôi, sự nhếch nhác, không có giấy, không xà phòng rửa tay, vòi nước có lẽ đã qua mấy chục năm, nay cũng đến lúc rệu rã.
Mỗi lần phải đến "khu vực đỏ", tôi lại lẩm bẩm trách: ‘Mấy bà lao công lười quá, không chịu dọn dẹp nhà vệ sinh cho đàng hoàng…’. Thậm chí mấy ngày đầu, tôi còn nín nhịn để hạn chế đến "khu vực đỏ" này, nhưng sau vài ngày tôi đành phải hội nhập với chúng vậy, dù rằng miệng vẫn không ngớt lẩm bẩm khó chịu.
Vào một đêm choàng thức giấc, tôi quơ tay với cái điện thoại đầu giường: “mới 2 giờ sáng". Tôi muốn ngủ tiếp nhưng không được, cái "cơ sở hạ tầng" biểu tình bắt tôi phải đi giải quyết vấn đề nhân sinh. Hành lang bệnh viện giờ này vắng tanh, mọi người đang chìm sâu trong giấc ngủ. Tới “khu nhà đỏ”, tôi khó chịu thốt lên:
- Trời ơi, nhà vệ sinh giờ này mà cũng có người trong đó
Tôi phải chờ đợi. Loanh quanh vài vòng mà vẫn chưa thấy người ở trong đi ra. Không thể nín được nữa rồi, tôi đành liều lên tiếng:
-Tôi có thể vào được không ạ?
- Dạ chị vào đi, em đã dọn dẹp nhà vệ sinh xong rồi.
Tôi ngạc nhiên nhìn người thanh niên hỏi:
- Không phải bạn cũng là bệnh nhân mới nhập viện hôm qua đó sao?
- Dạ, nhưng mà em cũng khỏe lắm, chỉ mới sốt nhẹ thôi…
Không thể tiếp tục câu chuyện, tôi vội cúi đầu xin phép đi giải quyết vấn đề, còn người thanh niên lại tiếp tục với cây chổi chà bồn cầu đi lên lầu trên.
Sáng hôm sau, tôi mon men tiếp cận người thanh niên tối hôm qua:
- Sao bạn lại dọn nhà vệ sinh sớm vậy?
- Thì mình thấy nhà vệ sinh không sạch lắm nên dọn dẹp, giờ đó không làm phiền ai. Mình còn khỏe hơn mọi người, nên có thể giúp mọi người làm chút việc này.
- Nhưng nhà vệ sinh đã có lao công rồi mà!
- Dạ, nhưng mình thấy các nhân viên y tế, các cô lao công và cả các anh chị tình nguyện viên rất bận rộn với việc chăm sóc bệnh nhân. Mình muốn làm cái gì đó để cùng mọi người giúp các bệnh nhân thôi và mình có thể làm được việc này.
“Mình cần làm cái gì đó để cùng mọi người giúp các bệnh nhân thôi”
Câu trả lời từ tận đáy lòng của người thanh niên đã làm tôi suy nghĩ. Tôi cũng là người trẻ, nhưng tôi rất ngại ra khỏi sự an toàn của mình để nghĩ đến người khác. Tôi vẫn thích sự thoải mái, ổn định dễ dàng và chấp nhận cảnh đời tầm thường hơn là sự hy sinh dấn thân. Tôi cũng đã từng có ước mơ làm điều này điều nọ, nhưng khi không được như ý, tôi lại ngồi thở than.
Anh bạn trẻ này đã cho tôi cảm nhận rằng: Khi tình yêu đủ lớn, nó sẽ giúp cho chúng ta có được trực giác nhạy bén để nhận ra nhu cầu của người khác. Đồng thời, tình yêu sẽ kéo ta ra khỏi vỏ bọc an toàn cho bản thân để dám sống cho đi nhiều hơn. Chúa Giêsu cũng đã từng nói: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12)
Từ hôm đó trở đi, tôi đã quyết định cùng bạn trẻ này làm những việc có thể. Chúng tôi đến thăm hỏi, động viên các bệnh nhân trong phòng, lấy nước uống, chia cơm, dọn dẹp nhà vệ sinh... Bạn đánh bồn cầu tầng ba, còn tôi làm nhà vệ sinh tầng bốn.
Cảm ơn “người lao công thầm lặng” đã kéo tôi ra khỏi sự an toàn bản thân, để biết nghĩ và sống cho người khác nhiều hơn.
Cảm ơn Chúa đã cho tôi có cơ duyên gặp bạn, để tôi được lớn lên trong tôi và trong thế giới này.
Nt M. Thuý Kiều (TGPSG)
Dòng Đaminh Tam Hiệp
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm