Người mẹ
WGPSG -- Con gái của tôi thích thú ngồi xem xét mấy bộ áo quần trẻ con bé xíu trăng trắng vừa mua về cho bé gái đầu lòng sắp chào đời. Chỉ còn non tháng nữa là cháu đến ngày mãn nguyệt khai hoa. Bụng của cháu lớn như cái trống thật rồi. Chắc là nặng nề lắm. Nhà tôi nói bụng to như vậy thì người mẹ thường xuyên đau lưng, tức ngực, khó thở… Nhưng nghĩ đến đứa con thân yêu sắp ra đời, người mẹ quên hết mọi nỗi nặng nhọc phải gánh chịu triền miên bao ngày tháng… Nhìn con gái sắp trải qua nỗi đoạn trường tôi không khỏi chạnh lòng.
Năm vừa qua, cháu gái lớn của chúng tôi vừa sinh hạ đứa con thứ hai tại bệnh viện phụ sản. Sáng sớm hôm đó vừa đau bụng chuyển dạ, cháu vội vàng đón taxi nhập viện. Làm thủ tục xong, chờ sinh. Những khổ nỗi, chờ suốt ngày hôm đó, rồi suốt đêm nữa, cháu ngoại chúng tôi cũng không chịu chào đời. Con gái của tôi đau bụng từng cơn. Mồ hôi vã ra từng hồi. Lưng đau thắt. Đứng không được, ngồi không yên. Muốn ngả lưng một tí thì không có giường nằm. Cháu đi tới, đi lui. Lát đứng, lát ngồi. Tay ôm bụng, mặt nhăn nhăn nhó nhó. Tóc tai rũ rượi. Sản phụ nào có dấu hiệu sinh, thì nữ hộ sinh mới đưa vào phòng sinh nằm chờ. Qua một ngày, rồi suốt đêm kế đó canh thức với con gái ngoài hành lang bệnh viện, mẹ nó đuối cả người, mờ cả mắt.
Đến ba giờ sáng, có triệu chứng sinh, cháu vào phòng sinh. Mẹ nó thoát ra ngoài rửa mặt, một lát vội quay lại để vào phòng sinh với cháu. Nhưng không ngờ lại gặp cháu gái đang ngồi ôm bụng co ro một mình trước phòng sinh. Hành lang lặng vắng như tờ. Trời tối ảm đạm, rét căm căm. Cháu sướt mướt kể lại vào phòng sinh bác sĩ đòi mổ, cháu không bằng lòng nên bị đẩy ra đây. Êkip blouse trắng phủi tay lặn mất tăm. Mẹ nó cầu nguyện xin Chúa ra tay, rồi gọi điện cho bác sĩ gia đình công tác tại đây. Từ nhà, bác sĩ này gọi đến phòng trực thuyết phục cho sinh bình thường vì tử cung của cháu đã nở tốt…đủ điều kiện để sinh thường. Sau đó, nhờ lời chuyển cầu của Thánh Gierado, con gái tôi vượt biển một mình, sinh thường thành công vuông tròn. Sinh mổ có nhiều di chứng nguy hiểm, nhiều khuất tất và phải hơn ba năm sau người phụ nữ mới có thể mang thai tiếp. Các cháu bái biệt bệnh viện phụ sản ấy. Cháu gái kế này đã ghi danh sinh bé đầu lòng tại một bệnh viện tư.
Thay vì tôn vinh suông người phụ nữ qua Ngày Quốc tế Phụ nữ mùng 8 tháng Ba, Nhà nước trong tay sẵn có quyền hành Thiên Chúa trao ban, cần phải làm những gì thiết thực để chia sẻ gánh nặng với nữ giới. Quý ông đáng kính ít ra phải đồng cảm với nữ giới là mẹ, là vợ, là con của mình. Cần giúp đỡ người phụ nữ sinh con tốt, nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Hạn chế sinh sản để lăng xê “Gái một con trông mòn con mắt”. Hãy coi gương Đảo quốc Singapore. Sau một nửa thế kỷ hạn chế sinh sản, họ gặt hái được điều gì? Hiện nay họ dành mọi ưu đãi và trợ cấp cho phụ nữ sinh ba trở lên. Một thức tỉnh muộn màng nhưng đáng trân trọng.
Từ cuối thế kỷ 20, các nước phát triển đã khuyến khích người chồng cố gắng hiện diện trong phòng sinh để chứng kiến cảnh người yêu của mình vượt cạn trong mồ hôi, nước mắt và máu. Nhưng số quý ông chấp nhận bước vào phòng để nắm tay vợ mình trong giây phút thập tử nhất sinh ấy chưa đến một phần ngàn. Cậu rể nhà tôi cũng né tránh việc này. Chính mẹ vợ phải đóng quỹ nửa triệu đồng dịch vụ để sát cánh với con gái tại phòng sinh. Thiếu cánh tay của chồng, người phụ nữ lúc đó chỉ biết bám bíu vào thanh giường sắt để vượt cạn. Bà nhà tôi cho biết cảm tưởng lúc đó thanh giường như mềm ra. Bàn tay mong manh của sản phụ lúc ấy cứng hơn sắt nguội! Thực ra, nếu quý ông chấp nhận bước vào phòng sinh, thì cũng chỉ đơn thuần là chứng kiến. Làm sao người đàn ông đầu ấp tay gối có thể chia sẻ được cái đau khủng khiếp của vợ mình. Nhà tôi thường nhắc lại:
“Đàn ông đi biển có đôi
Đàn bà đi biển mồ côi một mình”.
Bà nhà tôi cũng chia sẻ: Người phụ nữ phải banh da xẻ thịt để sinh ra một đứa con. Mỗi lần sinh con là như chết đi sống lại. Lúc đó tim như ngừng đập, cổ họng như bị nghẹt không thở được. Nếu may mắn thoát chết dưới vực sâu rùng rợn ấy thì thể trạng người phụ nữ cũng sa sút thê thảm. Cả cơ thể rã rời như bị tra tấn từng centimet. Bà nghĩ mình giống như con cua mới lột. Đó là lý do chính đáng để sản phụ được mẹ chồng thời phong kiến chăm sóc trọn một tháng. Sản phụ ngày ngày được hầu cơm tận giường. Mọi công tác đồng áng hay làm dâu bếp núc cho nhà chồng đều miễn trừ.
Nhìn con gái phấn khởi chuẩn bị ngày sinh nở, tôi thấy xót xa. Nếu cháu là trai thì vợ chồng tôi không phải chuẩn bị tinh thần và vật chất cho cháu vượt cạn như mẹ, như chị... Đây là thiên chức cao quý của người phụ nữ hay là cái giá đắng cay phải trả cho tội nguyên tổ nghìn đời. Đức Chúa đã phán với người nữ nguyên tổ Eva: “Ta sẽ làm cho người phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con”(St 3,16).
Tôi không có con trai để nối dõi tông đường. Bạn bè nói tôi có bốn gái là tứ quý. Tôi cười ậm ừ. Lòng buồn rười rượi! Không buồn thiếu người khói nhang, vì trong ánh sáng đức tin Công giáo, Thiên Chúa không phân biệt lời cầu xin của nam hay nữ. Nhưng tôi không khỏi chạnh lòng khi nghĩ tới nỗi nghiệt ngã con gái tôi đang mang lấy. Nhà tôi thường khuyến khích hai cháu nhỏ đi tu làm dì phước để tránh nỗi đau sinh đẻ! Tôi không có ý kiến. Tốt hơn là hai cháu tự quyết. Tôi chia sẻ với hai cháu nhỏ: Từ khi Đức Giêsu hy tế mạng sống mình trên đồi Golgotha, thì mọi đau khổ của người nam và người nữ đều được nâng lên một tầm cao mới và có giá trị cứu rỗi. “Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16, 20). Những ngày cuối của quãng thời ba năm lê bước trên sỏi đá khai hóa cho chúng sinh nơi trần thế, Chúa Giêsu không quên thánh hóa nỗi đau đớn nghiệt ngã của người phụ nữ, của hơn một nửa nhân loại. Ngài tuyên dương sứ mạng truyền sinh cao cả, sứ mạng cộng tác với Đấng Hóa Công: “Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng khi sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian” (Ga 16, 21).
Nhà tôi sinh cháu gái đầu thì khiếp quá, quyết không sinh nữa. Nhưng nhờ ân sủng của Chúa Kitô Phục Sinh, mẹ cháu khi sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian. Viết đến đây, tôi cảm thấy cần trang trọng nói lên lời cảm tạ tri ân. Cảm tạ Bà tôi đã chấp nhận sinh ra mẹ tôi. Cảm tạ Mẹ tôi đã banh da xẻ thịt sinh ra mười người con, trong đó có tôi. Cảm tạ vợ tôi đã sinh ra cho tôi bốn cháu gái rượu trong máu và nước mắt. Ba năm bú mớm. Nuôi dạy trưởng thành.
Con cái lập gia đình, sinh con đẻ cháu. Người phụ nữ ấy lại lăn xả vào phòng sinh cùng con vượt biển trong tuổi đời 50, 60, 70… Mỗi người mẹ đều xứng đáng nhận Anh dũng Bội Tinh kèm Nhành Dương Liễu. Từ khởi thủy, Đức Chúa khai thiên lập địa, các mẹ đã anh dũng đảm nhận trách vụ sinh thành, nuôi dưỡng và giáo dục con cái trong máu và nước mắt. Thế nhưng, khi có trục trặc gì thì quý ông không tiếc lời đay nghiến “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”; bất kể là ngày mùng 7 hay mùng 8 tháng Ba. Khi người ta tôn phong một vĩ nhân hay một thánh nhân thì không mấy ai buồn nhắc đến người phụ nữ thánh đức đã hy sinh thân mình để sinh thành, nuôi dưỡng và giáo dục con người thành đạt tuyệt đỉnh ấy.
Thời nay, khi củi là quế khâu, gạo là châu ngọc, người phụ nữ lại phải xả thân lăn vào chợ đời đen bạc chạy gạo toát mồ hôi. Đặc nhiệm thứ tư này các chị cũng xuất sắc hoàn thành. Từ công sở về, chồng ngồi xem truyền hình, vợ lăn vào bếp. Người mẹ lại hợp tác với Đấng Hóa Công, vã mồ hôi trán, hì hục chế biến cỏ cây thành thức ăn bổ dưỡng. Khi cả nhà ăn bữa ngon lành, thì vợ mệt nhoài, no hơi, không thiết ăn nữa. Nhìn chồng con ngon miệng thì các chị cũng no lây. Tôi thường nhắc các con, trước khi dùng bữa thì cảm tạ Chúa, cũng cần cảm ơn mẹ nữa, không chỉ cho ngày 8 tháng Ba mà trong suốt cuộc đời! Hãy cảm tạ người phụ nữ đảm đang con ạ!
Dù tôi có nói gì đi nữa để tri ân người phụ nữ, thì rõ là quá vụng về, rỗng tuếch. Thôi thì xin mạn phép mượn lời của Vị Chân Phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II để trân trọng tỏ chút lòng thành đến Đức Mẹ Maria và các bà mẹ:
“Giáo hội cảm ơn mọi biểu lộ của các thiên tài nữ giới đã xuất hiện suốt dọc dài lịch sử giữa mọi dân tộc, mọi quốc gia. Giáo hội cảm ơn vì mọi đặc sủng mà Chúa Thánh Thần đã rộng ban cho người phụ nữ. Giáo hội cảm ơn vì mọi chiến thắng Giáo hội có được là nhờ đức tin - đức cậy - đức mến của người phụ nữ. Giáo hội cảm ơn về những hoa trái sự thánh thiện. Đó chính là phẩm giá của người phụ nữ trong vai trò quý báu đã và đang tiếp tục nắm giữ trong đời sống Giáo hội”.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm