Người nghèo trên thập giá
Đức Giêsu đã mở đầu bài giảng trên núi bằng lời kêu gọi khó nghèo: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3). Đối với khá nhiều người của thời đại hôm nay, lời chúc phúc nghèo khó xem ra là một cung đàn lạc điệu. Trong bối cảnh xã hội mà vật chất được coi như tiêu chuẩn để lượng giá mọi sự, thì lời hứa “Nước Trời” chẳng có chi hấp dẫn. Có nhiều người lập luận: Nước Trời tính sau, lo hiện tại trước đã.
Chắc chắn có nhiều người trong đám đông dân chúng được Thánh sử Mátthêu nhắc tới đã mở lòng đón nhận lời mời gọi khó nghèo của vị ngôn sứ thành Nagiarét. Dưới ngòi bút của tác giả, Đức Giêsu như một vị Môisen mới, ngồi trên núi, thuyết giảng những bài huấn từ dài, với nội dung giáo huấn thâm sâu. Dân chúng lắng nghe, chẳng cần giấy bút ghi lại, nhưng họ đã nuốt từng lời và ghi vào trái tim, sau đó được thực hiện bằng chính cuộc đời. Không chỉ những người có mặt hôm đó, mà đã hơn hai ngàn năm qua, biết bao người, nam cũng như nữ, đã sống sứ điệp sống nghèo vì Nước Trời. Họ là những vị thánh đã được Giáo Hội tôn vinh như mẫu mực của các tín hữu. Họ cũng còn là những người sống rất âm thầm như những “vị thánh không hào quang”, đã tình nguyện chọn lý tưởng sống nghèo một cách tự nguyện, thảnh thơi và an bình.
“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó”. Đức Giêsu đã thực hiện lời chúc phúc này nơi cuộc sống cũng như cái chết của chính mình. Đọc Tin Mừng, chúng ta không thấy Đức Giêsu có chốn định cư, trong khi “con cáo có hang, chim trời có tổ”. Ngay cả một vật dụng đơn giản như chiếc gối để có một giấc ngủ ngon Người cũng không có. Khi cần tiền đóng thuế, Người bảo ông Phêrô đi câu một con cá, có đồng tiền ngậm nơi miệng, đủ suất thuế cho Thày và trò (x. Mt 17,24-27). Những người hoạt động chính trị và kinh doanh thương mại thì thường khoe khoang một cuộc sống khá giả về vật chất để lôi kéo người ta ủng hộ mình. Nhiều khi họ tung tiền để mua những người hâm mộ. Đức Giêsu thì không như thế. Người hoàn toàn sống nghèo. Các môn đệ cũng chấp nhận cái nghèo của Người. Các ông từ bỏ mọi sự, lập tức lên đường theo Chúa vừa khi nghe tiếng Người kêu gọi (x. Mc 1,16-20).
“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó”. Đức Giêsu nghèo khó để đến với người nghèo. Đối tượng quan tâm của Người trước hết là những người nghèo về vật chất như những người ăn xin, những người bệnh tật. Đó cũng là những người nghèo vì nỗi khổ đau đang cắn rứt lương tâm, như các tội nhân, những cô gái điếm và người thu thuế. Họ còn là người nghèo vì đang oằn lưng đau đớn trước gánh nặng cuộc đời, như người mù bẩm sinh hay người đàn bà góa có con trai duy nhất vừa chết. Sau cùng, họ là những người nghèo do đời sống ích kỷ, khô cằn, khép kín lòng từ tâm đối với anh chị em mình như những người biệt phái, luật sĩ. Đức Giêsu gặp gỡ mọi người để nói với họ về triết lý sống nghèo.
Trên thập giá, Đức Giêsu được giới thiệu như một người nghèo đúng nghĩa: Người không mảnh vải che thân, người thân kẻ nghĩa xa lánh và chạy trốn. Phêrô, người được đặt làm tông đồ trưởng cũng chối Thày vì sợ hãi. Người-Nghèo-Giêsu trên thập giá còn mất hết cả danh dự, bị sỉ nhục phỉ báng chê bai, chết như phường trộm cắp. “Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn. Dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích” (Is 53,2).Tình trạng nghèo trên thập giá bi đát đến nỗi dường như Thiên Chúa cũng vắng bóng vào giờ phút đau thương. “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46). Lời kêu than xé lòng cho thấy Đức Giêsu mang thân phận của con người bị nhục mạ, bỏ rơi đến mức tột cùng. Trên cây thập giá, Đức Giêsu đã đọc lời cầu nguyện của người đau khổ được ghi trong thánh vịnh 22, diễn tả tâm trạng của một người bất hạnh, cảm thấy ngay cả Thiên Chúa cũng bỏ rơi mình trong lúc cô đơn. Tuy vậy, lời kinh trên đây cũng cho thấy người cầu nguyện không vô vọng hoàn toàn, vì vẫn tin vào Chúa, vẫn than thở với Ngài. Đây là lời than vãn thở dài của một người bị ngược đãi, đang bên bờ vực thẳm, nhưng đã tìm lại được lòng tự tin và niềm xác tín.
Cái nghèo nơi Đức Giêsu còn được thể hiện qua tâm tình phó thác của Người nơi Chúa Cha. Thánh sử Luca là người duy nhất ghi lại lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Đây là một lời cầu nguyện cảm động đầy tình nghĩa. Thánh Gioan còn diễn tả cái chết của Đức Giêsu trên thập giá như một cử chỉ hiếu thảo với Chúa Cha: “Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Ga 19,30). Vâng Đức Giêsu hấp hối không đơn côi. Người không ở một mình. Có Chúa Cha ở với Người. Đây là một hiến tế đau thương, nhưng qua đó, tình thương của Thiên Chúa được thể hiện cách mạnh mẽ và hào hùng. Khởi nguồn từ cái chết của Người, Thần Khí được ban tràn đầy cho thế gian.
“Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta vốn giàu sang phú quý, nhưng đã trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2 Cr 8,9). Người Nghèo có tên là Giêsu trên thập giá đã thực hiện sự hoán đổi diệu kỳ: cũng như nhờ việc Con Thiên Chúa làm người mà chúng ta được trở nên con Thiên Chúa, nay nhờ sự nghèo khó của Người mà chúng ta được giàu có cao sang. Đức Giêsu đã mang lấy phận nghèo của con người, làm cho người nghèo từ nay không còn tủi phận nữa, nhưng tìm thấy niềm vui trong sự khốn cực, tìm thấy hy vọng trong đau thương, tìm thấy hướng đi cho tương lai của đời mình.
“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó”. Lời chúc phúc ấy sẽ không còn là một cung đàn lạc điệu nếu tôi biết lắng nghe bằng “tần số” của trái tim. Ơn gọi của người tín hữu là ơn gọi sống nghèo. Thánh Mátthêu nói rõ: tâm hồn nghèo khó. Một người có tiền bạc mà vẫn có thể mang tâm hồn nghèo khó. Một người ăn bữa nay lo bữa mai mà có thể tâm hồn lại không nghèo. Như thế, khái niệm giàu-nghèo, theo lời chúc phúc của Chúa Giêsu không giống như khái niệm của đời thường. Chỉ khi nào làm cho tâm hồn mình nghèo thật sự mới có thể đón nhận được giáo huấn có vẻ nghịch lý này. Một tâm hồn chứa đầy những tham vọng vật chất không còn chỗ chứa phúc lành của Thiên Chúa. Một cuộc đời quá bận tâm về những điều thế tục, chẳng còn khả năng đón nhận những hồng ân Ngài thông ban.
“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó”. Với ơn gọi của người tín hữu, chính tôi cũng được mời gọi lên đường để đem lời chúc phúc ấy cho anh chị em tôi. Việc chiêm ngưỡng Người-Nghèo-Giêsu trên thập giá phải dẫn tôi đến việc nhìn đến biết bao người nghèo trên chặng đường thập giá cuộc đời. Biết bao mảnh đời “vỡ vụn” vì bị bỏ rơi, lay lắt trong cảnh khốn cùng. Biết bao người đang hẫng hụt trước sự ra đi đột ngột của người thân. Sống lời chúc phúc nghèo khó của Chúa Giêsu còn là tình liên đới với những người đang bị “đóng đinh” trên cây thập giá cuộc đời, nghiệt ngã và đau thương, bi quan và cùng khốn.
Thập giá đời tôi còn đó. Tôi có thể vẫy vùng, hằn học kéo lê thập giá mỗi ngày. Tôi cũng có thể gắng gượng bước đi với ơn phù trợ của Chúa. Dù chọn lựa cách nào, thì thập giá vẫn gắn liền với đời tôi, như hơi thở, như nhịp sống hằng ngày. Có hai cây thập giá được dựng lên trên đồi Canvê cùng lúc với cây thập giá của Chúa Giêsu. Trên đó, hai người trộm bị đóng đinh. Một người trộm sám hối, người kia không. Người sám hối cũng như người không sám hối, chẳng ai được tha hình phạt thập giá; nhưng người sám hối được nghe những lời ngọt ngào của Chúa hứa cho anh hạnh phúc thiên đàng (x. Lc 23,43), còn người kia thì ôm mối hận ngàn thu. Cả hai người đều nghèo đến mức không còn mảnh vải che thân, nhưng một người đón nhận cái nghèo trong phó thác, khiêm nhường; người kia đón nhận cái nghèo trong kiêu căng, hằn học và tìm cách lên án người khác.
“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó”. Chiêm ngưỡng Đức Giêsu trên thập giá cũng giúp tôi sống tinh thần phó thác. Trong bất kỳ biến cố đau thương nào, Chúa cũng luôn hiện diện bên tôi. Noi gương Chúa Giêsu trong lời kinh trên thập giá, tôi cần xác tín mình được Chúa yêu thương săn sóc, bởi lẽ, tôi còn giá trị hơn con chim sẻ và đáng quý hơn đóa hoa huệ mọc hoang giữa đồng. Là con người được Chúa tạo dựng, tôi mang trong mình hình ảnh của Thiên Chúa tối cao (x. St 1,27).
Nhìn lên thập giá Đức Giêsu, người tín hữu tìm thấy sức mạnh để tiếp tục vác thập giá đời mình. Đức Giêsu không hủy bỏ thập giá nơi cuộc đời con người, nhưng Người đang cùng với con người vác thập giá bước đi. Con Thiên Chúa không xóa bỏ đau khổ đang gậm nhấm con người, nhưng Người lại ban cho họ sức mạnh để vượt lên những đau khổ ấy. Như thế, tôi hiểu ý nghĩa của điều Chúa dạy: Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con thờ lạy và tôn vinh Chúa, vì Chúa đã dùng thập giá mà cứu chuộc chúng con. Amen!
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm