Nguồn Cội
WGPSG -- “Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”
Theo truyền thống đạo đức của người châu Á chúng ta thì chữ Hiếu là nhân đức hàng đầu, là bài học đầu tiên mà ai cũng thuộc lòng từ thời thơ ấu.
Chúng ta được sinh ra trên cuộc đời này là nhờ có mẹ cha, và mẹ cha chúng ta được sinh ra từ ông bà tổ tiên. Cho nên ca dao Việt Nam có câu: “Cây có cội, nước có nguồn, con người cũng có tổ tiên” là vậy.
Trong đời sống người Kitô hữu, chữ Hiếu càng được quý trọng hơn vì đó là một trong Mười Điều Răn mà Thiên Chúa trao ban cho loài người chúng ta: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, như Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi, để được sống lâu, và để được hạnh phúc trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Đnl 5,16).
Mười Điều Răn của Thiên Chúa đã nêu lên những bổn phận quan trọng đòi buộc con người chúng ta nhất thiết phải chu toàn đối với Đấng Tạo Hóa Toàn Năng, đồng thời đề cập tới những trách nhiệm hỗ tương giữa con người với con người trong các tương giao với nhau. Đúng vậy, qua Điều Răn Thứ Bốn, Thiên Chúa đòi buộc những người làm con cái phải có trách nhiệm và bổn phận đối với cha mẹ mình. Điều này khẳng định tính chất cơ bản và trọng yếu của bổn phận thảo kính mà con cái phải có đối với cha mẹ khi cha mẹ còn sống cũng như lúc đã qua. Những ai không chu toàn Điều Răn Thứ Bốn, tức không có lòng thảo kính cha mẹ, thì không những mắc tội bất hiếu đối với cha mẹ mà còn xúc phạm đến Thiên Chúa. Trong cuộc sống đời thường cũng đã minh chứng điều đó: những người con sống bất hiếu hoặc xúc phạm nặng nề đến cha mẹ như hất hủi, đánh đập, chửi bới thường phải gánh chịu những hậu quả ghê gớm như quả báo nhãn tiền.
Cổ nhân đã dạy: “Thụ ân bất báo, uổng vi nhân.” Không ai được phép trách cha mẹ là tại sao lại sinh ra mình trên cõi đời này, nhưng phải luôn tỏ lòng biết ơn về công đức sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ dành cho mình, vì mỗi người được sinh ra trên cõi đời này đều đã nhận lãnh sự sống và công đức từ ông bà tổ tiên, các bậc tiền nhân.
Sống thảo hiếu không chỉ dừng lại ở việc quan tâm tới ông bà cha mẹ còn sống mà còn hướng lòng đến các bậc tiền nhân đã ra đi trước chúng ta. Qua lời cầu nguyện, qua việc tham dự Thánh lễ hằng ngày, chúng ta tin rằng khi ông bà cha mẹ đã đền bù hết những thiếu sót của mình khi còn sống trên trần gian, được hưởng phúc bên Chúa và sẽ chuyển cầu những nguyện ước của chúng ta lên Thiên Chúa, đặc biệt những ước nguyện trong dịp Xuân mới này.
Mồng Hai Tết, Giáo hội Việt Nam đặc biệt mời gọi chúng ta hãy hướng về cội nguồn, cầu nguyện cho các bậc tiền nhân, kính nhớ ông bà tổ tiên, báo hiếu công đức sinh thành của cha mẹ, nhắc nhở chúng ta hãy luôn luôn sống trong tâm tình thảo hiếu, không chỉ đặc biệt trong ngày lễ hôm nay mà còn phải thể hiện lòng con thảo trong suốt cuộc đời của mỗi người. Kính nhớ ông bà tổ tiên cũng nhắc nhở chúng ta là con một Cha, là anh em trong một mái nhà; xin Chúa dẫn dắt chúng con trong niềm tin yêu và hy vọng, chúng con trông đợi mai ngày sẽ được sum họp cùng ông bà tổ tiên nơi Thiên Quốc.
bài liên quan mới nhất
- Tình chị em
-
Uỷ ban Mục vụ Gia đình: Chào tiễn ĐGM Luy Nguyễn Anh Tuấn -
Năm “Gia đình Amoris Laetitia”: Học hỏi Phần I của Tông huấn -
Năm “Gia đình Amoris Laetitia”: Học hỏi phần Dẫn nhập của Tông huấn -
Để hôn nhân được tốt đẹp: Bí quyết 'Bàn Thạch' -
Chương trình Chuyên đề Giáo Dục: Giới thiệu Lời Kinh Đẹp Nhất Thiên Niên Kỷ -
Năm giai đoạn của tình yêu -
Đức Thánh Cha Phanxicô: Về hôn nhân đồng tính -
Chuyên đề: “Đồng hành với người trẻ trong gia đình” ngày 21-10-2020 -
Gia đình: Đại dương Lòng Thương Xót
bài liên quan đọc nhiều
- Phá thai & Quyền giải vạ tuyệt thông
-
Hôn nhân khác đạo -
Vấn đề "Chữ Hiếu" của giới trẻ ngày nay -
Giờ Kinh Chung Trong Gia Đình -
Nghệ thuật Giáo dục Con cái -
Uỷ ban Mục vụ Gia đình: Chào tiễn ĐGM Luy Nguyễn Anh Tuấn -
Năm giai đoạn của tình yêu -
Để hôn nhân được tốt đẹp: Bí quyết 'Bàn Thạch' -
Đức Thánh Cha Phanxicô: Về hôn nhân đồng tính -
Phóng sự: Báu vật Chúa ban