Nguyên nhân Biển Chết mặn hơn nước đại dương
Muối trên Trái Đất
Đại dương trên Trái Đất chứa khoảng 3,5% thành phần là muối, theo Cục Hải Dương và khí quyển Mỹ (NOAA). Muối này có nguồn gốc từ đá trên đất liền. Axit trong nước mưa phá vỡ đá, thu giữ ion trong đá và mang chúng ra biển. Phần lớn các ion này là natri và clo, hai loại ion kết hợp với nhau tạo thành muối trong đại dương.
Nếu loại bỏ muối ra khỏi nước, chúng ra sẽ thu được khoảng 50 triệu tỷ tấn muối, tạo thành một lớp muối dày 153 mét bao phủ xung quanh Trái Đất, tương đương chiều cao của tòa nhà 40 tầng.
Muối trong Biển Chết
NOAA ước tính, nước hồ Biển Chết có độ mặn gấp 5-9 lần nước biển. Độ mặn nước biển tùy thuộc độ sâu. Ở độ sâu 100 mét so với mặt biển, nước bão hòa với muối và không thể hòa tan thêm nữa, khiến muối tích tụ dưới đáy biển.
Biển Chết nằm trong một thung lũng trải dài hơn 1.000 km, bắt đầu từ bán đảo Sinai và mở rộng về phía bắc tới Thổ Nhĩ Kỳ. Khu vực này trũng nhất Trái Đất, thấp hơn 429 mét so với mực nước biển. Một loạt hồ từng xuất hiện ở thung lũng này và biến mất 15.000 năm trước, chỉ còn lại Biển Chết, theo Trung tâm nghiên cứu Biển Chết Minerva (MDSRC).
Nước ngọt từ sông Jordan là nguồn duy nhất chảy vào Biển Chết. Tuy nhiên, ở đây lại không có con kênh hay dòng chảy nào dẫn nước từ hồ ra đại dương. Nước tích tụ trong Biển Chết và bốc hơi nhanh hơn tốc độ của nước biển trong đại dương, khiến nồng độ muối Biển Chết cao hơn biển, MDSRC giải thích.
Biển Chết sắp chết
Trong những năm gần đây, các hoạt động khai thác nước từ sông Jordan phục vụ tưới tiêu nông nghiệp của con người đã làm mất đi nguồn nước quý giá bổ sung cho Biển Chết, khiến nước trong hồ ngày một mặn hơn.
Trên thực tế, Biển Chết đang dần biến mất. Mỗi năm, mực nước hồ rút xuống khoảng một mét, theo nghiên cứu công bố năm 2010 trên tạp chí Kinh tế Môi trường. Các nhà nghiên cứu cho biết, nước Biển Chết đã rút xuống khoảng 30 mét kể từ đầu thế kỷ 20.
Một nghiên cứu khác cho thấy, cho dù con người không can thiệp, Biển Chết vẫn có nguy cơ biến mất. Trong năm 2010 và 2011, các nhà khoa học đã khoan thăm dò địa chất đáy hồ. Họ phát hiện, khoảng 120.000 năm trước, Biển Chết từng khô cạn hoàn toàn, chỉ còn trơ lại lớp muối trên bề mặt.
Hiện chưa thể khẳng định tương lai của Biển Chết. Mặc dù có nhiều dấu hiệu cho thấy hồ nước này có thể sẽ biến mất, nhưng năm 2011, nó tiếp tục gây ngạc nhiên cho giới khoa học.
Một thiết bị lặn không người lái lần đầu tiên thám hiểm ở độ sâu chưa từng được khám phá và phát hiện, dưới đáy Biển Chết có một dòng suối nước ngọt chứa vi khuẩn. Các nhà khoa học mong chờ sẽ khám phá thêm nhiều bí ẩn nữa về hồ nước này.
Xem thêm: Nguồn gốc muối trong nước biển
Hồng Hạnh (vnexpress.net)
bài liên quan mới nhất
- Mô hình công nghệ toàn cầu dưới cái nhìn của Laudato Si'
-
ĐTC Phanxicô: Không thể im lặng khi trái đất bị cướp phá -
Tuần lễ Laudato Si' (16-24/5) trong mùa đại dịch -
Đức Thánh Cha mời gọi Giáo hội cử hành Tuần lễ Laudato Si' (16-24/5) -
7 món ăn lành mạnh mà Chúa Giêsu đã dùng -
Đức Thánh Cha mời gọi hành động chống biến đổi khí hậu -
Caritas Việt Nam: Hãy là người bảo vệ mẹ đất -
Caritas Việt Nam: Tiết kiệm nước -
Caritas Việt Nam: Đi xe đạp vì môi trường -
Caritas Việt Nam: Tái chế những gì bị vất bỏ
bài liên quan đọc nhiều
- 7 món ăn lành mạnh mà Chúa Giêsu đã dùng
-
Mẹ Thiên Nhiên -
Khủng hoảng môi trường: triệu chứng - nguyên nhân - chữa trị -
Suy tư về phát biểu của cô bé 12 tuổi tại hội nghị về môi trường: MÔI TRƯỜNG và NGÔI LỜI -
Caritas Việt Nam: Tái chế những gì bị vất bỏ -
Caritas Việt Nam: Đi xe đạp vì môi trường -
Giáo xứ Nam Hòa: Chầu Thánh Thể cầu nguyện cho môi trường -
Mô hình công nghệ toàn cầu dưới cái nhìn của Laudato Si' -
Caritas Việt Nam: Hãy là người bảo vệ mẹ đất -
Caritas Việt Nam: Tiết kiệm nước